Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Báo Văn Học Quê Nhà - Đức Anh


Nhà thơ, nhà văn người Việt Nam đang định cư ở Đức canh cánh trong lòng tình yêu quê hương đất nước
"Thơ là món ăn, điểm tựa tinh thần của tôi"
(Toquoc)- Dù sống ở đâu, ở quốc gia nào thì thơ văn vẫn là nguồn động viên tinh thần không thể thay thế cho những người Việt xa quê. Trong một lần trở về Việt Nam, tác giả Bùi Nguyệt hiện sống và làm việc tại thành phố Chemnitz, CHLB Đức tâm sự về ý nghĩa của thơ trong cuộc sống hàng ngày.






PV. Là một người Việt sống ở nước ngoài mà vẫn đau đáu về nước, thường xuyên sáng tác và mới đây là giới thiệu hai tập thơ “Hồn núi” và “Bến xa” dạt dào tình cảm với quê hương, đất nước, nếu chia sẻ với độc giả về quá trình đến với thơ, chị sẽ nói gì?
Bùi Nguyệt: Nói theo lý luận văn học thì: Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực. Hiện thực ấy đi qua lăng kính của nhà văn, được các nhà văn nhào nặn, khắc họa bằng ngôn ngữ nghệ thuật, trở thành sản phẩm tinh thần. Vâng! Quy trình làm thơ của tôi cũng không ngoài quy luật ấy.
Cuộc sống ở nước ngoài từ 25 năm nay đã dạy tôi nhiều bài học về thế giới quan, nhân sinh quan. Tôi đã thực sự hiểu được cái khao khát tình quê hương, cái trăn trở, những nội tâm của những người Việt đang sống ở nước ngoài. Từ đó hai tập thơ "Hồn núi" và " Bến xa" đã ra đời.
PV. 25 năm sống ở nước ngoài và tới nay, thơ ca giúp đỡ gì chị trong cuộc sống và trong công việc hàng ngày? Theo chị, để có được những vần thơ hay, người làm thơ cần có những yếu tố gì?
Bùi Nguyệt: Thơ là món ăn, điểm tựa tinh thần của tôi. Như nhà thơ Phùng Quán có câu:
..."Những lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy..."
Thơ làm tăng niềm yêu thương, khát vọng vươn tới CHÂN - THIỆN - MỸ trong tư duy, trong hành động. Để có được những vần thơ hay người làm thơ cần nắm chắc về Thi pháp, về những biện pháp tu từ... và tất nhiên phải yêu thương thật sự, buồn vui thật sự, có nghĩa là con tim phải rung động thật sự trước hiện thực khách quan cuộc sống 
PV. Là hội viên Hội VHNT Việt tại thành phố Chemnitz, CHLB Đức, chị thấy tình hình hoạt động văn học nghệ thuật hiện nay của văn sĩ Việt Nam tại nước bạn ra sao? Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, họ gặp những khó khăn gì trong cuộc sống và trong sáng tác?
Bùi Nguyệt: Tôi chỉ xin nói riêng về những nhà thơ, nhà văn người Việt Nam đang định cư ở Đức: Ai cũng canh cánh trong lòng tình yêu quê hương đất nước, ai cũng tự hào mình là con Lạc cháu Hồng. Ai cũng muốn viết về quê hương đất nước của mình, viết về những điều tốt đẹp, ca ngợi những nhân tố tích cực trong xã hội, đồng thời cũng góp phần hạn chế những điều tiêu cực. Có thể nói những người cầm bút chúng tôi rất tự hào và luôn gìn giữ bản sắc dân tộc Việt. Mọi hoạt động văn học nghệ thuật đều nhằm mục đích đó.
PV. Hiện ở thành phố Chemnitz, CHLB Đức đã có tác phẩm văn học Việt Nam nào tới được tay độc giả yêu văn học Việt Nam?
Bùi Nguyệt: Tôi nghĩ rằng tất cả những tác phẩm đã được đăng tải trên các báo mạng và được in ấn có mặt trên nước Đức đều đến được với các độc giả người Việt đang định cư ở đây. Và cũng có nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Đức và đã được các độc giả người Đức đón nhận. Như một số tác phẩm; "Truyện Kiều" của Nguyễn Du; "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Đất lửa" của Nguyễn Quang Sáng .v.v...
PV. Để thúc đẩy giao lưu văn học giữa hai nước Đức với Việt Nam, chị sẽ làm gì?
Bùi Nguyệt: Văn học là cầu nối văn hóa các nước. Để thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa hai nước, trước hết là tại vùng tôi đang sống thì tôi và các bạn tôi đã và đang truyền bá văn hóa Việt Nam nói chung và những tác phẩm văn học nói riêng trên nước Đức, tổ chức những buổi giao lưu, gặp gỡ…
Đức Anh thực hiện

1 nhận xét:

  1. Cũng cần có những trao đổi thông tin và những sáng tác của các tác giả trong nước với việt kiều, điều này giúp gìn giữ truyền thống văn hóa cũng như tình cảm của người việt trên khắp thế giỡi.

    Trả lờiXóa