Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

VIỄN XỨ NGÂM KHÚC - Bùi Nguyệt



                                Ngày thì bạn với nắng mưa
                             Đêm tâm sự ánh trăng lùa qua song

 ---------------------
VIỄN XỨ NGÂM KHÚC

Rời mái ấm lên đường lao động
Khi quê hương cuộc sống còn nghèo
Gia đình trong cảnh gieo neo
Ra đi hy vọng có nhiều đổi thay

Miền đất lạnh những ngày gió rít
Tuyết sương giăng mờ mịt tương lai
Đường đời sao biết ngày mai
Thương người vất vả mấy ai phụ tình

Từ độ ấy gia đình ly tán
Chốn thương trường người bán người mua
Ngày thì bạn với nắng mưa
Đêm tâm sự ánh trăng lùa qua song

Thương mẹ vẫn trong lòng khắc khoải
Nhớ con xa tê tái từng ngày
Đến khi nhắm mắt xuôi tay
Còn bao đau đáu mong ngày gặp con

Tình chồng vợ mỏi mòn cách trở
Như bờ sông bên lở sụt dần
Nổi chìm ảo ảnh phù vân
Còn đâu đằm thắm ái ân ngày nào

Nỗi niềm trải mong sao thấu tỏ
Suốt canh trường trăn trở âu lo
Lòng người đâu dễ mà đo
Tan đàn sẻ nghé đổ cho số trời

Xót xa cảnh chia đôi mái ấm
Tái tê lòng thương lắm con thơ
Khát thèm buông tiếng ầu ơ
Mưu sinh mẹ gánh để lo vuông tròn

Bao khúc khuỷu héo hon trong dạ
Mái nhà xưa - sao lạ cuối chiều
Nỗi niềm trong cảnh cô liêu
Viễn xứ ngâm khúc bao điều sẻ chia.

Bùi Nguyệt
Chemnitz - CHLB Đức

ĐÔI LỜI VỚI TRĂNG TRÊN TUYẾT - Nhà thơ Đỗ Hàn


ĐÔI LỜI VỚI TRĂNG TRÊN TUYẾT

Cầm tập bản thảo dày trên 100 trang khổ A4. Là Thơ. Tôi đi từ ngỡ ngàng sang cảm phục.
Mới đây Bùi Nguyệt vừa cho ra mắt hai tập thơ liền HỒN NÚI và BẾN XA, giờ lại đã có TRĂNG TRÊN TUYẾT.
Tôi xin miễn bàn, miễn bình từng câu thơ của chị.Bởi lẽ tình ấy, người ấy đã trải rộng, đã ngập tràn như ánh trăng ươm trên trang giấy.
Tác giả tên là NGUYỆT, đang ở trên xứ lạnh, nơi mênh mang TUYẾT trắng, CHLB Đức. Bởi vậy với TRĂNG TRÊN TUYẾT- Một cách chơi chữ và cũng là cách tuyên ngôn cho tập thơ…
Quả vậy! Tràn ngập, rưng rức trên từng câu từng chữ là nỗi nhớ, là kỷ niệm, là trăn trở…là tình của chị NGUYỆT nhớ về quê hương, viết về quê hương - Trong những ngày trên xứ tuyết.
Hãy nghe chị tâm tình: “ …Từ những nỗi nhớ thương da diết ấy mà dậy sóng trong lòng và trái tim cất tiếng, những tiếng ấy người vẫn gọi là thơ…”
Vâng! Thưa chị! Thơ đâu phải cao xa. Thơ chính là nhớ, là thương dậy sóng… Thơ chính là Trăng là Tuyết tỏa bay… Là chính con người như chị!- Những con người cần mẫn kiếm sống, những con người trong trẻo tựa Trăng thu. Những con người:
Ngày thì bạn với nắng mưa
Đêm thì hứng ánh trăng lùa qua song…
Trân trọng dâng bạn đọc ánh TRĂNG vừa òa trên TUYẾT và đang lùa vào căn nhà của bạn!
Nhà thơ Đỗ Hàn

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

ÁNH NHÂN VĂN CỦA “TRĂNG TRÊN TUYẾT”




ÁNH NHÂN VĂN CỦA “TRĂNG TRÊN TUYẾT”

“Trăng trên tuyết” là tập thơ- văn khá phong phú về thể loại :
- Về văn: Có bút ký, tùy bút và tiểu luận
- Về thơ: có đủ các thể loại: lục bát, song thất lục bát, tự do và thơ Đường luật.
Trong khuôn khổ bài viết này,i chỉ xin có đôi điều cảm nhận về thơ.
Thơ Đường luật - một thể thơ được mệnh danh là thơ cung đình, thơ bác học của tầng lớp quý tộc phong kiến ngày xưa, đã tồn tại hơn một ngàn năm, bất chấp sự thăng trầm của non sông theo dòng lịch sử. Ngày nay, thể thơ này đang được chấn hưng sau
một thời gian bị lắng xuống t phong trào Thơ mới. Thật đáng phấn khởi, tự hào, góp phần trong việc chấn hưng này có bàn tay, khối óc của nhà thơ Bùi Nguyệt.
Thơ Đường luật của chị cũng dung dị, êm đềm như các thể thơ khác, không cầu kì lòe loẹt, không gượng ép ngôn từ nhưng rất chỉnh chu về luật, vần, niêm, đối, đặc biệt là cách chỉnh đối trong các cặp thực, luận và cách sử dụng các từ láy linh hoạt, tự
nhiên:
Lung linh sóng gợn rung cành rủ
Tha thướt liễu vờn gỡ tóc bay
( Thu Hồ Gươm)
Chênh chao đứng ngắm vầng trăng khuyết
Khao khát nghe ru những giấc nồng
( Thăng hoa)
Phong cách thơ Bùi Nguyệt đã được định hình khá rõ nét. Thơ lục bát thì mượt mà đằm thắm, trong sáng về ngôn ngữ, sử dụng tiểu đối khéo léo nên giàu nhạc điệu:
Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Hồn quê chắp cánh tình thương sóng trào
Sao khuya gợi nhớ đêm nào
Nhịp nhàng cánh võng ngọt ngào mẹ ru
(Đường đời)
Về nội dung, khi đọc xong tập thơ này, chúng ta dễ dàng nhận thấy mỗi bài là một khúc nhạc lòng của người con xa xứ cất lên từ nỗi nhớ, niềm thương quê hương, đất nước, gia đình, chòm xóm, bạn bè. Xin hãy nghe lời bộc bạch chân tình của chị
qua bài thơ “Tình viễn xứ”:
Từ độ rời quê đến đất Tây
Nỗi niềm ai thấu ở nơi đây
Xứ người vời vợi từng đêm vắng
Hà Nội nhớ về ứa giọt cay …
Cảm động thay- niềm thương ấy, nỗi nhớ này cứ vời vợi, mênh mông, cùng, vô tận như ánh trăng hàng đêm lan tỏa xuống quê nhà.
Từ chân trời xa, phương Tây, từng ngày hướng về phương Đông ngóng trông mặt trời mọc, chị lại nhớ Hà Nội – Trái tim của Tổ quốc thân yêu
Hồ Gươm mặt nước soi kim cổ
Hà Nội nhớ về mỗi sớm mai.
( Nhớ Hà Nội)
Nhớ Nội nhớ đến Hồ Gươm, nhớ Hồ Gươm nhớ về lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của cha ông xuyên suốt chiều dài lịch sử, bởi vì:
Hồ Gươm chứng kiến bao huyền thoại
Níu bước người đi nhớ chốn này
( Thu Hồ Gươm)
thể nói, Nội trung tâm của nỗi nhớ trong trái tim Bùi Nguyệt, chị nhớ từ những điều lớn lao kỳ đến những điều dung dị bình thường,,từ ba sáu phố phường đến từng con ngõ nhỏ:
Hà Nội ơi! Ba sáu phố xưa
In đậm trong ta từng con ngõ nhỏ
Cốm Làng Vòng lan theo làn gió
Hương vị quê nhà như phảng phất đâu đây…
Cảnh Hồ Tây cũng đi vào trong cả những giấc chiêm bao:
Sóng Tây Hồ cuộn những chiều lộng gió
Cứ chập chờn vỗ vào giấc chiêm bao
Thì ra- Bùi Nguyệt nhớ Hà Nội cả khi thức, khi mơ.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, tâm hồn của nhà thơ luôn ấp ủ Thủ đô Hà Nội.
Ô! Thu về lòng em thêm nôn nao
Ướp Hà Nội nồng nàn trong đáy mắt
Cảnh vật, con người của quê hương xứ sở nguồn cảm hứng cho thơ Bùi Nguyệt, là ánh lửa hồng xua giá lạnh đêm đông:
Đêm buồn nõi nhớ trải mênh mông
Cảnh vật hồn quê mãi ấm nồng.
Với Chị, Hà Nội lúc nào cũng hiên ra trước mắt cả ký ức và hiện tại. Hà Nội
có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa nào thì cảnh đó, cảnh nào cũng gợi nhớ,
khêu buồn
Qua “Trăng trên tuyết”, ta hiểu rõ tấm lòng, tình cảm, ý chí, nghị lực của phụ nữ Việt Nam nơi viễn xứ nói chung, của nhà thơ Bùi Nguyệt nói riêng như những “bông hoa xuyên tuyết” bất chấp mọi khắc nghiệt của ngoại cảnh vẫn bật dậy, vươn lên mạnh mẽ và dâng hiến cho đời những tác phẩm văn chương ấm
áp tình quê hương, lấp lánh ánh nhân văn rất đáng được nâng niu, trân quý.
Hoàng Tấn Đạt
-----------

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

KHÚC GIAO MÙA




KHÚC GIAO MÙA

Óng ả trên cây nhuốm sắc vàng
Rừng thu ngả bóng gọi mùa sang
Nhẹ nhàng sương trắng ôm cành lá
Lưu luyến nắng hanh vuốt má nàng
Viễn xứ đông sang buồn lạnh lẽo
Tha hương tuyết phủ nhớ mênh mang
Phương Nam sải cánh chim về tổ
Điệp khúc giao mùa dạ xốn xang.


Bùi Nguyệt
--------


Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

THU SANG



                                        Trong giá lạnh càng cồn cào trong dạ
                                                       Nhip sóng tình xao xuyến nước hồ thu. 


THU SANG

Nhớ thu xưa ta dạo bước bên hồ
Tay ấm bàn tay mê say đằm thắm
Mặt nước lăn tăn sóng gợn
Mái đầu dìu dịu sương đêm


Ánh đèn khuya dọi bước chân êm
Heo may đã len dần trong kẽ lá
thấm vào đôi má
Gió chuyển mùa theo vòng xoáy thời gian


Hè qua rồi một mùa nữa thu sang
Rực sắc màu ở hai đầu thương nhớ
Trái tim nhuôm rừng phong thắp lửa
Đất trời chuyển sắc lá vàng rơi


Trên đường đời bao trắc trở anh ơi!
Trong giá lạnh ướp úa vàng sắc lá
Trong giá lạnh càng cồn cào trong dạ
Nhip sóng tình xao xuyến nước hồ thu.

Bùi Nguyệt

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

VẸN ĐẦY TÌNH THƠ


Gom từng sợi nhớ đan lời
Dệt nên cánh võng ru đời tha hương
-------------------------------
VẸN ĐẦY TÌNH THƠ

Từ ngày tạm biệt quê hương
Tóc dài bện lại tình thương gói vào
Lắng sâu đáy mắt dâng trào
Sóng lòng từng đợt
xót cào chơi vơi

Gom từng sợi nhớ đan lời
Dệt nên cánh võng ru đời tha hương
Tình quyện gió - tóc pha sương
Mênh mang nỗi nhớ nẻo đường phù du

Nắng vàng ấp ủ mùa thu
Heo may lộng gió lời ru đượm tình
Cất lên từ trái tim mình
Nương vào câu chữ bóng hình thiết tha

Khi nắng sớm - Lúc chiều tà
Vườn thơ ươm nụ nở hoa từng ngày
Vui ngọn bút -  thỏa hồn say
 Chemnitz lắng đọng vẹn đầy tình thơ.

Bùi Nguyệt
Chemnitz. CHLB Đức

-----------------------
 

LỜI BÌNH CỦA HOÀNG TẤN DẠT

Từ ngày tạm biệt quê hương

Tóc dài bện lại tình thương gói vào

Câu thơ mở đầu rất đỗi dung dị mà cũng vô cùng tài hoa. Tài hoa ở chỗ Nhà thơ đã tạo ra cặp tiểu đối trong một câu thơ “Tóc dài bện lại - tình thương gói vào” vừa giàu nhạc điệu, vừa tinh tế cả nghĩa đen và nghĩa bóng, gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc, nhất là các chị em đã từng đi xuất khẩu lao đông, làm trong nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp nước ngoài.
Tục ngữ có câu
“Cái răng cái tóc là góc con người” . Bởi nó là cái đẹp ngoại hình của người phụ nữ. Vậy mà cái đẹp thiên phú ấy, đã trở thành vô nghĩa khi em phải xa anh.Nó thiếu hụt sự ấm áp của bàn tay ve vuốt, của đôi mắt ngắm nghía ngất ngây. Chính vì thế mà em phải “bện lại” cho phù hợp với môi trường lao động mới. Và cả cái tình gia đình thương yêu sớm chiều đoàn tụ trước kia cũng tạm thời” gói vào’ gác lại.Tê tái lắm chứ!, xót xa lắm chứ! Vậy mà câu thơ đọc lên cứ nhẹ tênh, bình thản. Phải chăng sự bình thản ấy chính là tâm thế tự tại của một người biết vượt lên chính mình, hy sinh tất cả vì gia đình, con cái.
“ Lời thương gói vào” chẳng khác nào cánh cửa tình yêu em đóng lại, niêm phong hai chữ ái tình, dập tắt ngọn lửa lòng của bản năng nhân loại.Nhưng khổ nỗi, lý trí và con tim cũng có khi khó tìm được tiếng nói chung, Lý trí kìm nén bao nhiêu thì con tim người ta càng nổi loạn bấy nhiêu. Mỗi lần con tim nổi loạn thì suối lệ tuôn trào và sóng lòng cũng từng đợt dâng theo:

Lắng sâu đáy mắt dâng trào
Sóng lòng từng đợt xót cào chơi vơi

Đọc đến đây, tôi lại nhớ câu ca dao:
Đêm qua mới thực là đêm
Ruột xót như muối dạ mềm như dưa
Từ “xót cào” trên không có trong từ điển mà có lẽ do Bùi Nguyệt tự sáng tạo bằng cách ghép từ xót xa với cồn cào đẻ tăng thêm giá trị biểu cảm trạng tâm lý của con người.
Thương ai trong héo ngoài tươi .Chim xa tổ khác chi người xa quê . Người xa quê thường nhớ về quá khứ, nhớ về mái ấm gia đình và tự ru mình bằng lời ca tiếng hát:

Gom từng sợi nhớ đan lời
Dệt nên cánh võng ru đời tha hương
Tình quyện gió - tóc pha sương
Mênh mang nỗi nhớ nẻo đường phù du

Theo triết lý của nhà Phật thì cõi Ta Bà của chúng ta là cõi phù du .Vì thế mà cụ Nguyễn Công Trứ đã thốt lên “Ôi! Nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…” nên Bùi Nguyệt cũng “Mênh mang nỗi nhớ nẻo đường phù du"
Vẫn biết kiếp sống này là kiếp phù du nhưng chẳng ai khước từ được nó mà cứ kiên nhẫn song hành với sự vần xuay của tạo hóa, với bốn mùa xuân, hạ, thu,đông.Từ nỗi nhớ “ Nẻo đường phù du”, nhà thơ trở về với thực tại mùa thu,với hồn thơ bay bổng, lắng đọng và ấm áp tình người:

Nắng vàng ấp ủ mùa thu
Heo may lộng gió lời ru đượm tình
Cất lên từ trái tim mình
Nương vào câu chữ bóng hình thiết tha

Thì ra, nhà thơ Bùi Nguyệt cũng thực hiện theo nhà thơ Phùng Quán - “Những lúc ngã lòng”, chị cũng “vịn câu thơ mà đứng” dậy, rồi “Nương vào câu chữ bóng hình thiết tha” và để cho:

Khi nắng sớm - Lúc chiều tà
Vườn thơ ươm nụ nở hoa từng ngày
Vui ngọn bút - thỏa hồn say
Chemnitz lắng đọng vẹn đầy tình thơ.

Lại một lần nữa tôi thật sự bất ngờ trước cấu trúc của những câu thơ kết, đặc biệt là các tiểu đối rải khắp cả khổ thơ Khi nắng sớm – lúc chiều tà, ươm nụ - nở hoa, vui ngọn bút – thỏa hồn say, lắng đọng – vẹn đầy. Biện pháp tu từ này đã làm cho bài thơ thêm đượm nhạc, tươi vần. góp phần nâng cao tầm sử dụng ngôn ngữ.Có thể nói đây là điểm nổi bật trong thơ lục bát của Bùi Nguyêt, tạo nên một vẻ đẹp riêng rất đáng được nâng niu trân trọng.

Hoàng Tấn Đạt

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

MÙA LÁ RỤNG



                                                                 Tình quyện gió tóc pha sương
                                                      Chơi vơi nỗi nhớ nẻo đường còn xa
 ----------

MÙA LÁ RỤNG

Sợi thời gian dệt vần thơ
Gửi người chung cảnh mộng mơ với mình
Hồn treo ngọn bút tỏ tình
Nương vào câu chữ bóng hình mà xây


Bao năm sống ở nơi đây
Ngọt bùi cay đắng đủ đầy nhân gian
Thắt lòng trong cuộc ly tan
Tái tê bao cảnh trái ngang tháng ngày


Ngoảnh trông bóng xế hôm nay
Tím bầm mộng ảo ken dày vấn vương
Tình quyện gió tóc pha sương
Chơi vơi nỗi nhớ nẻo đường còn xa


Heo may mòn mỏi bóng tà
Trong mùa lá rụng xót xa ngóng về.


Bùi Nguyệt

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

CÙNG QUY LUẬT

                        Canh tàn thao thức đêm vời vợi
                        Vệt sáng cuối trời sao đổi ngôi.

-------------

CÙNG QUY LUẬT

Vòng xoáy vô thường vẫn thế thôi
Vận hành quy luật cuốn dòng đời
Đường dài khấp khểnh trong ly biệt
Cuộc sống mỏi mòn lúc nổi trôi
Nắng dãi mưa dầu ươm mái tóc
Sương sa tuyết phủ
bợt làn môi
Canh tàn thao thức đêm vời vợi
Vệt sáng cuối trời sao đổi ngôi.


Bùi Nguyệt

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

ĐÊM THU -Bùi Nguyệt + LỜI BÌNH CỦA HỒNG TẤN ANH



ĐÊM THU

Thu đi
          Thu đến
                          bao mùa lá
Lối cũ ngày xưa lạnh lối về
Gió thoảng đưa hương nồng hoa Sữa
Bồi hồi tiếng Vạc rỗng trời khuya...

Giờ đây đôi ngả ta đã bước
Tháng năm vời vợi những ưu phiền
Anh vẫn cùng em trong ký ức
Mỉm cười độ lượng chẳng hề quên

Thu đến
              Thu đi
                          bao mùa nhớ
Nào ai đếm được lá vàng rơi
Phương ấy đêm nay trời có lạnh
Có biết phương này trăng đơn côi.

Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức

-----------
 LỜI BÌNH CỦA HỒNG TẤN ANH

Đọc “Đêm thu” của nhà thơ Bùi Nguyệt ta bắt gặp một đêm buồn của một kiếp hồng nhan

Câu thơ đầu đọc lên nghe như một tiếng thở dài:

 
Thu đến
thu đi
bao mùa lá 

 
Thời gian trôi nhanh quá! Thu vừa mới đến đã mau đi! Ôi! Cái tâm trạng não nề khi nhớ về những kỷ niệm ngày xưa của nhà thơ cũng làm ta xót xa, đồng cảm

 
Lối cũ người xưa lạnh lối về
Gió thoảng đưa hương nồng hoa sữa
Bồi hồi tiếng vạc
rỗng trời khuya..
 
Lối về lạnh hay lòng người trống lạnh? Cái lạnh bên trong và cái lạnh bên ngoài như một sự giao thoa làm tăng thêm nỗi xót xa, tê tái dưới đêm thu,thoang thoảng hương đưa mùi hoa sữa. ôi! Cái mùi hoa sữa – đối với nam nữ thanh niên Hà Nội đã trở thành hương vị của tình yêu “ Hoa sữa thôi bay anh thương em…” Càng thêm gợi nhớ khêu buồn. Bất ngờ tiếng vạc kêu trong đêm lại càng thêm não lòng hơn. Rõ ràng - một không gian buồn trùm lên một tâm hồn cô đơn như tiếng vạc kêu sương, khao khát gọi bầy, vì:

 
Giờ đây đôi ngả ta đã bước
Tháng năm vời vợi những ưu phiền.
Anh vẫn cùng em trong ký ức.
Mỉm cười độ lượng chẳng hề quên”

 
Khổ thơ trên vừa lí giải nỗi buồn, vừa bày tỏ niềm thương, nỗi nhớ về một người có nụ cười độ lượng. thì ra con người nhân hậu, đáng yêu ấy đã trở thành ký ức khó phai mờ trong tâm trí của nhà thơ Bùi Nguyệt, cho dù thời gian cứ trôi hoài, trôi mãi, đã bao mùa cây đổi lá thay mầm:

 
Thu đên.
Thu di
Bao mùa nhớ
Nào ai đếm được lá vàng rơi !

 
Vẫn là thời gian trôi nhanh, quẩn quẩn, quanh quanh, bốn mùa thay đồi . Điệp ngữ thu đến, thu đi được lặp lại đã thể hiện khá rõ ý thơ này .Cái hay ở đây là trên thì" Bao mùa lá" còn dưới là “Bao mùa nhớ” chứng tỏ rằng: Em nhớ anh quanh năm suốt tháng , hết năm này qua năm khác. Cây theo mùa thay lá nhưng em chẳng thay lòng.
Son sắt thủy chung vẫn là đức hạnh tuyệt vời của người con gái Việt Nam nói chung và Bùi Nguyệt nói riêng. Bởi vì không gì thiêng liêng bằng mối tình đầu, nụ hôn đầu? Và rõ ràng sự thủy chung ấy xuất phát từ sự hy sinh và tấm lòng vị tha cao cả:

 
Phương ấy đêm nay trời có lạnh
Có biết phương này trăng đơn côi?

 
Dù tình lứa đôi không thành, nhưng anh ơi! Em vẫn lo cho anh và thương nhiều, nhớ lắm! Còn anh có hiểu cho tình cảnh của em hay không ? Em vẫn sáng trong như vâng trămg trên trời lẻ loi giữa muôn ngàn tinh tú .Cụm từ
"Trăng đơn côi " thật là thích thú, vừa là ẩn dụ, vừa là chơi chữ vì : “Nguyệt” nghĩa là trăng!
Tôi tin rằng tứ thơ này, vầng trăng ấy, sẽ lung linh, sáng mãi trong lòng người đọc.
Xin cám nhà thơ Bùi nguyệt đã cho tôi thưởng thức một bài thơ thật sự là một khúc ca buồn được cất lên từ trái tim rỉ máu! Cho tôi xin được sẻ chia từng giây phút với tâm hồn trống trải này!
Hồng Tấn Anh ( Hoàng Tấn Đạt)