Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

VIẾT TRONG NGÀY GIỖ CHA



VIẾT TRONG NGÀY GIỖ CHA

Thắp nén hương trầm ở xứ xa
Mỏng manh làn khói quyện hình cha
Thành tâm bái vọng con khấn nguyện
Hương linh phụ mẫu chốn quê nhà


Bên con cha biết cảnh tuyết dày
Mịt mờ đèo vắng cuộn chân mây
Thương con cha vẫn nương làn gió
Dẫn đường con vượt ở nơi đây


Trắng đen thật giả buổi kim tiền
Cho con cảm xúc dạo cảnh tiên
Đêm đêm ngồi ghép vần thơ lại
Bay về mái ấm thủa đoàn viên.

Bùi Nguyệt.

ÁNH NGUYỆT PHA





ÁNH NGUYỆT PHA
(Họa bài "Nỗi nhớ quê hương")

Dưới bóng trăng thanh chỉ thấy ta
Cồn cào da diết cảnh quê nhà
Hiện về những khoảng trời thương nhớ
Vọng tới bao lời dạy mẹ cha
Đất Việt trở trăn tình cách trở
Trời Âu vời vợi nỗi chia xa
Có ai thấu hiểu người cô lữ
Sóng mắt lan vào ánh nguyệt pha
Bùi Nguyệt.
---------
Nỗi nhớ quê hương


Canh khuya vắng vẻ một mình ta
Khắc khoải nôn nao nỗi nhớ nhà
Nguyệt khuyết bao lần mơ đất mẹ
Trăng tròn mấy lượt mộng quê cha
Trông về cố quốc lòng xao xuyến
Vọng tới trời Nam dạ xót xa
Chỉ bởi sinh nhai nên phải thế
Tha hương kiếm sống kiếp phôi pha

Nguyễn Đình Nguyên 11 -10-2014

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

LẮNG ĐỌNG TIM NGƯỜI




LẮNG ĐỌNG TIM NGƯỜI
(Họa bài "MỪNG LỄ GIÁNG SINH")


Giáng sinh náo nức bốn phương trời
Lan tỏa núi rừng đến biển khơi
Phơi phới niềm vui làn sóng hát
Hân hoan nhịp sống ánh sao cười
Hòa bình thế giới xua đau khổ
Hạnh phúc nhân loài tạo thú vui
Ban tặng đức tin nuôi khát vọng
Phúc âm lắng đọng trái tim người.

Chemnitz 23 - 12 - 2016
Bùi Nguyệt.
------------
MỪNG LỄ GIÁNG SINH !

Lấp lánh đèn hoa đỏ rực trời
Sương mờ huyền ảo khắp trùng khơi
Nam thanh hớn hở tung tăng bước
Nữ tú xinh tươi nở nụ cười
Đón chúa Giê Su đêm hạ thế
Mừng Nôel tới trọn ngày vui
Nhà thờ rộn rã hồi chuông điểm
Bản fhánh ca vang đẹp đạo người !
Ngày 23 -12-2016
Quách Mạnh Từ 

------
BIẾT ƠN THÁNH CHÚA
(Họa nguyên vận MỪNG LỄ GIÁNG SINH)


Hồng ân chiếu rọi khắp bầu trời,
Núi cả, đồng bằng, đến biển khơi…
Giáng thế, muôn lòng mơ náo nức,
Phục sinh, vạn kiếp đón tươi cười !
Cầu mong Đức Thánh gia trì độ,
Ước muốn toàn dân hưởng trọn vui.
Khúc nhạc no-el giờ đã dạo,
An lành Chúa tặng mỗi con người!

161223 NHC

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

LẮNG ĐỌNG MÙA XUÂN - Tuy but

 LẮNG ĐỌNG MÙA XUÂN


                   Đại sứ quán  tổ chức họp mặt đón xuân 2014
-------------
LẮNG ĐỌNG MÙA XUÂN

Mấy hôm nay, tuyết đã rải khắp mặt đường và phủ trắng những mái nhà, ôm trên những cành cây, khoác lên một màu trắng long lanh, tạo nên một bức tranh lập thể với nhiều dáng hình kỳ thú tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người. Đi dưới hàng cây trên cành tuyết phủ ta có cảm giác thảo mộc cũng đang run lên trong giá lạnh, cũng khao khát trông chờ hơi ấm của vầng dương; như chúng tôi khát thèm màu nắng của quê hương. Ở nơi đây, chúng tôi vẫn nói vui với nhau: “Thấy tuyết là biết Tết về”
Khi xuân về, những người xa quê chúng tôi, càng cồn cào nỗi nhớ thành phố, xóm làng, cây đa, giếng nước, sân đình. Thông thường, những năm trước, sau Noen  tôi lại  bay về Hà Nội để đón Tết với gia đình. Nghe các em tôi nói lại: Vào dịp này, từng ngày, mẹ tôi  hay ngóng đợi. Mỗi khi thấy máy bay bay qua, mẹ tôi thường hay nói với em gái tôi:" không biết chị con có về trong chuyến bay này không"? Rồi mẹ tôi tự đi mua những thức ăn mà tôi ưa thích. Ngày nào nắng to, mẹ lại dở ra giặt giũ phơi cho thơm mùi nắng bộ quần áo dài của tôi để về đi chúc tết họ hàng. Những thói quen của mẹ ngày trước đã in sâu trong tiềm thúc của tôi – một  người con xa quê đang nhớ về gia đình da diết. Đúng như mấy câu thơ của anh bạn đồng hương với tôi đã viết:

Tết đến nhớ quê cháy cả lòng
Nhớ làn gió bấc cuối mùa đông
Nhớ sợi mưa phùn bay lất phất
Nhớ cảnh đào tươi dưới nắng hồng
 
Đó là mấy câu thơ từ hồi chúng tôi mới đăt chân lên nước Đức, cũng là cái Tết đầu tiên chúng tôi phải nếm cảnh tha hương nơi quê người, đất khách. Quả thực, mấy câu này chẳng lấy gì hay cho lắm, mà sao tôi cứ nhớ mãi, nhớ hoài, có lẽ, nó thể hiện rất thật tâm trạng của chúng tôi, khi Tết đến, xuân về
Thế là một năm lại đi qua, và thời gian phải rời xa quê cha đất tổ của chúng tôi lại cộng thêm cùng với tuổi đời. Thời gian trôi thật nhanh không làm cho ta già đi nhiều, nhưng cũng đủ để lắng đọng những gì ta đã gặt hái, trải nghiệm về hai thế cực vui, buồn. Với chúng tôi, hạnh phúc tuyệt vời nhất vẫn là những ngày được đón Tết, mừng xuân ở quê hương.
Nhớ lại những ngày giáp Tết ở quê nhà, nhóm bạn học xưa chúng tôi lại tổ chức đi vào vườn đào Nhật Tân ngắm cảnh. Những nụ đào chúm chím, như bẽn lẽn, e thẹn trước bao con mắt của khách tới nhà vườn. Lại có lúc, chúng tôi rủ nhau đi chợ hoa họp ở phố Hàng Lược để ngắm đa sắc màu của hoa xuân và cảnh nhộn nhịp của dòng người đi sắm Tết
Những cành đào Hà Nội, mai Sài Gòn rực rỡ trong se lạnh và rộn ràng dưới nắng vàng để khoe sắc. Xuân đã về trên quê hương làm sáng bừng ánh mắt long lanh trên từng khuôn mặt trẻ trung, e ấp nụ cười của những lứa đôi ngập tràn hạnh phúc. Phải rồi, hẳn không chỉ với riêng tôi, mà mùa xuân còn mang bao điều tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà.
Ngày tết ở nơi đây, dưới trời Tây, chúng tôi không có mai vàng đào thắm, chỉ có thông xanh cùng tuyết trắng, nhưng trên ban thờ ở mỗi gia đình người Việt, nhà nào cũng có hoa đào hoặc hoa mai, có khi đó chỉ là hoa giả nhưng bản sắc dân tộc thì rất thật. Thật như bánh chưng, bánh tét dâng lên thờ cúng ông bà của những người con lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ, lưu giữ dòng chảy văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn trong trái tim những người xa xứ.  
Những ngày này, các hội đoàn và Đại sứ quán đều tổ chức họp mặt đón xuân, để cộng đồng người Việt chúng tôi xa xôi xích lại thêm gần, thương yêu, đoàn kết nhiều hơn, để ai cũng tự hào và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống của đất nước đến các bạn bè trên thế giới.
Trong những ngày lễ Tết, những ngày Hội đoàn tổ chúc sinh hoạt cộng đồng, tất cả các chị em chúng tôi đều mặc áo dài truyền thống. Và chính những tà áo dài này đã tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, dịu dàng của những dáng lưng thon, trong mắt bạn bè ở trên đất nước sở tại và thế hệ con cháu chúng tôi. Làn điệu dân ca quan họ trong trang phục truyền thống của liền anh, liền chị hòa cùng tiếng trống hội khai xuân đã để lại những ấn tượng tốt đẹp của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền thuần Việt dưới trời  Âu...
Nhìn các cháu thế hệ thứ hai ở nơi đây thể hiện màn trình diễn thời trang áo dài, trong lòng tôi chợt ngân lên lời bài hát “Một thoáng quê  hương” của tác giả Thanh Tùng

"Đẹp xiết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu
Dù ở đâu paris, London hay ở những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!”
Tiếng pháo hoa đón chào năm mới đã vút lên vang trời, hòa với niềm vui của chúng tôi đang dạo lên những bản nhạc trong lòng - lắng đọng những mùa xuân .
 Xuân Ất Mùi -2015
Bùi Nguyệt,
Chemnitz, CHLB Đức

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

NIỀM ƯỚC VỌNG




NIỀM ƯỚC VỌNG
(Họa "NGÀY VỀ")


Đoàn viên khao khát tính từng ngày
Chấp chới lưng trời cánh Én bay
Đi dưới hàng tre đêm gió lộng
Lướt trên mặt nước bóng trăng đầy
Sớm chiều lảng bảng làn sương mỏng
Năm tháng liêu xiêu bóng mẹ gầy
Đồng cảnh tha hương niềm ước vọng
Quê nhà bè bạn nối vòng tay.


Bùi Nguyệt
----
NGÀY VỀ


Biền biệt bấy lâu, đã đến ngày
Người về phơi phới cánh chim bay.
Đông qua trắng xóa mầu băng dậy
Xuân đến vàng tươi ánh nắng đầy.
Hẹn Hạ nồng nàn vui Phượng cháy
Chờ Thu đằm thắm ấm Mai gầy.
Thỏa lòng năm tháng xa xôi ấy
Dồn nén vỡ òa, xiết chặt tay.


PHẠM VĂN DƯƠNG.

TRẮNG TUYẾT




TRẮNG TUYẾT

Tuyết lại rơi phủ dày đêm vắng lặng
Ướp lạnh lòng người lữ khách xót xa
Xốn xang thêm gợi mái ấm quê nhà
Bao khắc khoải khung trời nơi viễn xứ


Đã bao mùa hoa tuyết rơi điểm xiết
Phủ cây cành ôm ấp nỗi mênh mang
Trắng trong lòng rỗng cả những ước mong
Ướp trên đầu ngả màu theo năm tháng


Hồn lữ khách thu hình trong thầm lặng
Dáng người thân nương áng chiều tà
Nhạt nhòa theo những dải sương sa
Cứ đau đau trong biển đời hoang hoải


Ôm huyền thoại nuôi khát khao trong dạ
Ru niềm tin nhòa nhạt
bến xa
Vòng xoáy nào giữ được cõi Ta bà
Dìu mộng ảo náu hình trong thác lũ


Tuyết đâu biết cuộc đời là bể khổ
Sao vô tâm rải suốt chặng đường dài
Vương trên má hòa chát dòng nước mắt
Đọng thành lời tê tái nỗi ưu tư.


Bùi Nguyệt
Bài trong tập thơ " TRĂNG TRÊN TUYẾT" Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

XỨ XA - Bùi Nguyệt




XỨ XA

Năm hết nôn nao nhớ mái nhà
Ra vào chỉ thấy tuyết sương sa
Nỗi niềm đau đáu trong tâm cảnh
Khắc khoải ùa về ở xứ xa.


Chemnitz - 15 -12 - 2016
Bùi Nguyệt

THAM LUẬN ĐƯỜNG THI - Bùi Nguyệt




THAM LUẬN ĐƯỜNG THI
(Hoa “ ĐƯỜNG THI)


Đường luật tuyệt vời các bạn ơi!
Thi nhân xướng họa đã bao đời
Đối niêm ắt hẳn cần chu chỉnh
Ý tứ đương nhiên chớ lỏng lơi
Hinh ảnh lung linh năng lựa chọn
Ngôn từ nhạt nhẽo cứ buông rơi
Còn như lỗi bệnh không nghiêm trọng
Tiền bối uyên thâm cũng bỏ rồi!

Bùi Nguyệt
  --------
ĐƯỜNG THI


ĐƯỜNG THI thật khó bạn thơ ơi !
Viết được bài hay mất cả đời
LUẬT buộc, CÂU - TỪ sao chặt chẽ
NIÊM ràng ,ĐỐI - NGẪU cấm buông lơi
Tìm VẦN đạt ý đâu còn VẬN
Kiếm CHỮ ưng lòng ,TỨ đã rơi
Mấy chục điều răn hay mắc phải
Gần xa bạn gọi: bỏ cho rồi !
Ngô Hoài Cổ

MÙA GIÁNG SINH - Bùi Nguyệt



                                    Giáng sinh - Năm mới cùng nhau chúc
                                                           Thuyền vượt sóng đời cặp bến neo.
 


-------------                       
MÙA GIÁNG SINH

Tuyết rải mênh mông phủ trắng đèo
Hàng thông đón gió hát vui reo
Lung linh ngọn nến bàn tay thắp
Lấp lánh hoa đèn ánh sáng treo
Khung cửa thanh bình luôn ấm nóng
Niềm tin hòa hợp vẫn trong veo
Giáng sinh - Năm mới cùng nhau chúc
Thuyền vượt sóng đời cặp bến neo.


Bùi Nguyệt
Chemnitz - Mùa Giáng sinh 2016

-----------
 NHÌN LÊN TƯỢNG CHÚA

( Họa hoán vận " Mùa giáng sinh" của Bùi Nguyệt )
Bức Tượng giang tay giữa đỉnh đèo
Tạo hình Đức Chúa đứng cheo veo
Đêm tàn mở lối bình minh dậy
Ngày hết soi đường bóng nguyệt treo
Mắt dõi trùng dương giông tố lặng
Tâm hòa vũ trụ nhạc lòng reo
Thập phương ngư phủ luôn cầu nguyện
Ắp cá thuyền về rộn bãi neo.


HOÀNG TẤN ĐẠT

VỀ CÁC LỖI, CÁC BỆNH TRONG BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT - PHẠM VĂN DƯƠNG Chủ nhiệm CLB Thơ Đường luật Phạm Đạo Phú

VỀ CÁC QUY ĐỊNH TRONG THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
(tiếp theo kỳ trước)
II. VỀ CÁC LỖI, CÁC BỆNH TRONG BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Ngoài 4 lỗi không được phép vi phạm là thất luật, thất niêm, thất đối, lạc vận (vì nếu vi phạm thì bài thơ không còn là đường luật nữa), người ta còn chỉ ra nhiều lỗi khác rất khắt khe mà người làm thơ chỉ sơ ý chút là mắc phải. Người ta thường nói đến 12 lỗi, ngoài 4 lỗi “chính” nêu trên, còn các lỗi sau:
Lỗi 5. Điệp từ (hay Trùng từ): Bài thơ chỉ có 56 từ, cần cố tận dụng để 56 từ đó khác nhau, không nên dùng 1 từ nhiều lần, trừ khi muốn cố tình nhấn mạnh hoặc dùng từ kép điệp ngữ. Nếu từ dùng trùng là chữ vần thì gọi là điệp vận. Trường hợp 2 từ cùng âm khác nghĩa không coi là điệp từ, điệp vận, nhưng không nên để gần nhau, khó đọc.
Lỗi 6: Điệp ý : Ý dùng rồi mà còn dùng lại ở chỗ khác, dù đã dùng từ khác đi. Nếu lỗi trùng ý nằm trong cặp câu thực, hoặc cặp câu luận thì gọi là hiệp chưởng (câu trên câu dưới đối nhau mà nghĩa giống nhau như hai bàn tay úp lại).
Lỗi 7. Điệp thanh: Trong thơ thất ngôn, một câu có 4 từ thanh bằng và 3 từ thanh trắc hoặc bốn từ thanh trắc và ba từ thanh bằng. Những từ thanh bằng hay trắc đó phải có thanh độ khác nhau thì câu thơ mới giàu âm điệu. Ví dụ câu thơ có 4 từ thanh bằng thì chỉ nên dùng 2 từ có dấu huyền (trầm bình thanh), dùng 3 hoặc cả 4 từ có dấu huyền làm câu thơ yếu ớt, giọng trầm trầm khó nghe. Ngược lại nếu dùng nhiều từ không dấu (phù bình thanh) sẽ làm câu thơ nghe ngang ngang không êm dịu.
Lỗi 8. Điệp điệu : Nhiều câu liên tiếp ngắt nhịp cùng một cách. Lỗi này thường hay xảy ra ở các câu giữa của bài thơ.
Lỗi 9. Điệp âm: Những chữ có cùng âm đứng gần nhau trong một câu (trừ khi dùng từ kép láy), hoặc cùng vị trí trong hai câu.
Lỗi 10. Khổ độc : Trong một bài thất ngôn, từ thứ ba, thứ năm các câu đáng là từ thanh bằng mà làm ra từ thanh trắc. Theo “luật bất luận” thì việc này không “thất luật”, nhưng đặc biệt từ thứ 5 nếu sai thanh (kể cả đáng là thanh trắc mà làm ra thanh bằng) đọc lên nghe rất chối tai.
Lỗi 11. Lạc đề: Trong bài có những câu, những ý không ăn nhập với chủ đề của toàn bài, không ăn nhập với nhan đề.
Lỗi 12. Mạ đề (hay phạm đề): Có những từ trong các cập câu thực, cặp câu luận trùng với nhan đề.
Cùng với 12 lỗi, người ta còn chỉ ra 8 bệnh trong bài thơ Đường luật. Đó là các quy định rất rắm rối, khắt khe mà người làm thơ rất dễ mác phải:
1. Bệnh phong yêu: Từ thứ hai và chữ thứ bảy trong cùng một câu thơ có cùng dấu thanh. “Phong yêu” là cái lưng con ong, nếu mắc bện này thì
cảm giác câu thơ bị thắt lại ngang lưng.
2. Bệnh Hạc Tất: Từ thứ bốn và từ thứ bảy trong cùng một câu thơ có cùng dấu thanh. “Hạc tất” là cái gối con hạc, nếu mắc bệnh này thì cảm giác câu thơ bị gập ở giữa, đọc lên thiếu êm tai.
3. Bệnh Đại Vận: Từ thứ 4 và từ thứ 7 trong cùng 1 câu trùng vận với nhau:
4. Bệnh Tiểu Vận: Tương tự như bệnh Đại Vận nhưng bệnh Tiểu Vận xét ở từ thứ 2 và thứ 7
5. Bệnh Bình Đầu: Trong 3 từ đầu của các câu thơ, nếu các từ cùng vị trí ở bốn câu liên tiếp có cùng từ loại
6. Bệnh Thượng Vỹ: Trong 3 từ cuối của các câu thơ, nếu từ cùng vị trí ở bốn câu liên tiếp có cùng từ loại.
7. Bệnh Chánh Nữu: Trong cùng một câu có nhiều từ cùng phụ âm đầu.
8. Bệnh Bàng Nữu: Trong 2 câu liên tiếp có nhiều từ cùng một phụ âm đầu.
Một số quy định về lỗi, bệnh đều có LÝ của nó, nếu tránh được thì bài thơ có giá trị hơn, uyển chuyển hơn, nhịp điệu thanh thoát êm tai hơn... Tuy nhiên, cái gì QUÁ cũng có mặt trái không hay, GÒ BÓ QUÁ mất hết thi hứng, thậm chí phải bỏ qua các ý đẹp, lời hay, tứ đắt... thì thực phí. Bài thơ hay cốt nhất ở ý tứ sâu xa, gửi gắm cái gì đó có ý nghĩa vào những con chữ (tất nhiên phải mang đúng đặc trưng thơ Đường luật), KHÔNG NÊN QUÁ KHẮT KHE, CỐ THEO CHO ĐƯỢC CÁC QUI ĐỊNH RẮC RỐI BẰNG MỌI GIÁ.
Có một số “lỗi”, “bệnh” gắn liền với tiễng Việt la tinh hóa chứ nguyên gốc chữ Hán tượng hình và thanh âm tiếng Bắc Kinh làm gì có. Ví dụ “bệnh phong yêu”, “bệnh hạc tất”, “lỗi điệp thanh”… do dấu thanh (6 dấu thanh trong tiếng Việt). Âm Bắc Kinh chỉ có 4 thanh, 3 trắc, 1 bằng, thế thì các câu có chữ thứ 7 thanh bằng mà chữ thứ 2 (hoặc thứ 4) cũng bắt buộc thanh bằng thì lấy đâu ra để mà đảm bảo khác nhau (do tiếng Việt có 2 thanh bằng là không dấu và dấu huyền thì mới tránh trùng dấu thanh được). Nói thế không có nghĩa là ta bỏ qua các “lỗi”, “bệnh” đó. Ta cần có nhiều lựa chọn để bài thơ hoàn hảo nhất có thể.
Vì vậy, những người làm thơ Đường luật cần CỐ GẮNG TỐI ĐA KHÔNG PHẠM CÁC QUY ĐỊNH CƠ BẢN NHẤT (cấu trúc, luật, niêm, đối, vận ...), nhưng KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI TUÂN THEO HẾT CÁC QUI ĐỊNH GÒ BÓ NGƯỜI TA GÁN CHO THƠ ĐƯỜNG LUẬT.
Hiện nay có một phần mềm Mộc gia trang kiểm tra các bài thơ Đường luật, chỉ ra các “lỗi”, “bệnh” bài thơ mắc phải. Người làm ra phần mềm này vừa có hiểu biết về thơ Đường luật, vừa có trình độ lập trình. Tuy nhiên, đã là máy móc thì có những chỗ cứng nhắc và không phân biệt được các cách sử dụng từ phong phú của con người.
Người làm thơ Đường luật hoặc người biên tập dùng phần mềm kiểm tra bài thơ sẽ phát hiện được các “lỗi”, “bệnh” do sơ ý mắc phải, kịp thời chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, có những “lỗi”, “bệnh” phần mềm chỉ ra không đúng hoặc không nhất thiết phải sửa bằng mọi giá, đừng khiên cưỡng quá. Xin đưa ra đây một số ví dụ các bài thơ sau khi kiểm tra bằng phần mềm này, người ta chỉnh sửa bằng mọi giá và kiểm tra lại “không còn lỗi nào”, nhưng bài thơ sau khi sửa có câu, có chữ hay hơn cũ, cũng có câu, có chữ quá gò bó khiên cưỡng, làm mất ý hay của tác giả… Thà cứ để như cũ lại tốt hơn.
Ví dụ 1. Bài thơ ban đầu của tác giả A:
“THƠ BÁC TRÊN SÔNG
Sáng ngời khuôn nguyệt giữa trời không
Bóng núi hình mây thấp thoáng lồng
Vỗ mạn dập dềnh từng đợt sóng
Khua chèo sóng sánh cả lòng sông
Thơ rằm Bác đọc sâu tình nghĩa
Trăng sáng trời soi rực sắc hồng
Thuyền chở trí nhân đầy ánh sáng
Con đường cách mạng mở mênh mông”
Bài thơ cơ bản là đạt yêu cầu, có ý, tứ , cảm xúc, từ ngữ sáng sủa, đúng luật, niêm, vận, đối… Khiếm khuyết là dùng lặp lại các từ “sáng”, “trời”, “sóng “… (do sơ ý chứ không phải có dụng ý để nhấn mạnh). Bài chỉ có 56 chữ, dùng được càng nhiều chữ khác nhau càng phong phú
Một người biên tập sử sụng phần mềm Mộc gia trang kiểm tra, máy chỉ ra các lỗi, bệnh sau:
-Trùng từ: sáng, trời, sóng
- Điệp thanh: câu 2
-Tiểu vận: câu 1
-Chánh nữu: câu 4,6,8
- Bàng nữu: câu 3,4,5,6,8
Người biên tập đã sửa lại bài thơ đó (thay vào các chữ mới nét đậm):
“THƠ BÁC TRÊN SÔNG
Sáng ngời khuôn nguyệt giữa thinh không
Bóng núi hình mây ẩn hiện lồng
Vỗ mạn dập dềnh từng đợt sóng
Khua chèo lóng lánh cả dòng sông
Thơ rằm Bác đọc sâu tình nghĩa
Trăng rạng trời soi rực sắc hồng
Thuyền chở trí nhân đầy ánh bạc
Con đường cứu quốc rộng mênh mông”.
Kiểm tra lại, máy thông báo bài thơ sau khi sửa không còn một lỗi nào
Nhận xét:
- Sửa từ “thinh”, từ “lóng lánh” là tốt, khăc phục được luôn mấy từ trùng.
- Từ “ẩn hiện” sửa đúng luật, tránh “lỗi điệp thanh”, nhưng đọc lên lại thấy gợn, thà cứ để “thấp thoáng”, câu có 4 dấu sắc mà đọc lại thấy êm tai hơn, chưa kể từ “thấp thoáng” có vẻ “thơ” hơn từ “ẩn hiện”
- Câu 6 để “trăng sáng” mắc “bệnh chánh nữu” (cả câu 5 nữa thành 4 từ cùng phụ âm S đứng đầu) nhưng vẫn hay hơn là “trăng rạng” (còn nếu tránh dùng lại từ “sáng” thì thay chữ “rạng” vào câu 1). Cũng vậy, câu 8, “con đường cách mạng” rộng nghĩa hơn “con đường cứu quốc”, đừng vì “bệnh chính nữu” mà thay đổi.
Qua ví dụ này, thấy cái gọi là “ lỗi Điệp thanh”, “bệnh Chánh nữu” do máy chỉ ra không cần phải sửa tất cả. Để như cũ lại hay hơn!
Ví dụ 2. Bài thơ ban đầu của tác giả B:
“ĐẸP CHO ĐỜI
Trời ban khéo léo ở đôi tay
Uốn tỉa, tạo hình nên dáng cây
Kìa thế long thăng thân uốn khúc
Đây hình phượng vũ cánh dang bay
Bốn mùa hoa lá khoe hương sắc
Một dãy núi non phô nước mây
Ý tưởng hữu tình Chân-Thiện-Mỹ
Hiến đời cảnh đẹp sống mê say!”
Bài thơ cơ bản là đạt yêu cầu, có ý, tứ , cảm xúc, sử dụng các từ ngữ chuyên dùng của người chơi sinh vật cảnh, đúng luật, niêm, đối, vận… Khiếm khuyết là dùng lặp lại các từ “uốn”, “hình”, (do sơ ý chứ không phải có dụng ý để nhấn mạnh) và một vài câu khổ độc.
Một người biên tập sử sụng phần mềm Mộc gia trang kiểm tra, máy chỉ ra các lỗi sau:
“-Trùng từ: uốn, hình
- Phong yêu: câu1, 3
-Hạc tất: câu 5, 6
-Tiểu vận: câu 6
-Chánh nữu: câu 3, 6”
Người biên tập đã sửa lại bài thơ đó (thay vào các chữ mới nét đậm):
“ĐẸP CHO ĐỜI
Duyên trời khéo léo ở đôi tay
Uốn tỉa, vin cành tạo dáng cây
Kìa thế rồng vươn thân khúc cuộn
Đây hình phượng múa cánh dang bay
Bốn mùa hoa nụ khoe hương sắc
Một rặng núi đồi khỏa nước mây
Ý tưởng hữu tình Chân-Thiện-Mỹ
Hiến đời cảnh đẹp sống mê say!”
Kiểm tra lại, máy thông báo bài thơ sau khi sửa không còn một lỗi nào
Nhận xét:
- Sửa câu 2 tránh được trùng từ “hình”, lại tránh được khổ độc là tốt.
- Sửa câu 6 tránh được hạc tất, chánh nữu, khổ độc, cũng tốt.
- Câu 1,5 sửa để tránh “ phong yêu, hạc tất” nhưng không hay. “Trời ban” có ý hay, không thể thay là “duyên trời”. Từ “hoa nụ” hơi ép, thà cứ để “hoa lá” hay hơn.
- Câu 3,4 không nên sửa các từ “long thăng, phượng vũ” là từ quen dùng của người chơi sinh vật cảnh, đừng ngại chính nữu. Còn tránh điệp từ “uốn” thì thay bằng “cuộn” là tốt, vừa tránh được phong yêu.
Ở đây các “lỗi”, “bệnh” do máy đưa ra máy móc quá, không nhất thiết phải sửa tất cả, mất đi ý của tác giả, để như cũ hay hơn.
Còn rất, rất nhiều ví dụ về việc sửa các “lỗi”, “bệnh”, nhưng đưa ra quá rườm rà. Hai ví dụ trên đã nói về các “lỗi”, “bệnh” phong yêu, hạc tất, điệp thanh, chánh nữu… rồi. Về “lỗi tiểu vận”, có câu thơ về anh bộ đội về hưu, ban đầu của tác giả C là:
“Thời trẻ mài gươm gìn đất nước
Tuổi già luyện bút họa thi ca”
Người biên tập theo máy, đã sửa thành;
Thời trẻ mài gươm gìn đất nước
Tuổi nhiều luyện bút họa thi ca
Đúng là sửa được “lỗi tiểu vận”, nhưng lại kém đi, “nhiều” sao đối được với “trẻ”?
Tất nhiên còn phụ thuộc vào trình độ người biên tập sửa “lỗi” “bệnh”, nhưng thực tế là có bằng ấy từ, muốn tránh “lỗi”, “bệnh” thì phải tìm từ tương đương phù hợp thanh, âm… để thay thế mà không phải bao giờ cũng tìm được từ đạt yêu cầu. Người làm thơ Đường luật cứ bị ám ảnh phải tránh cho hết các “lỗi”, “bệnh” rất rắc rối đó thì có khi không dám làm thơ Đường luật nữa. Người biên tập cũng theo máy móc đó mà chỉnh sửa thơ của người khác thì “lợn lành hóa lợn què”. Vì vậy, người viết bài này chỉ muốn gửi một thông điệp là không nên quá câu nệ, không nên cố theo các quy định rối rắm người ta gán cho thơ Đường luật bằng mọi giá. Các bậc danh sĩ như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… đâu có tránh cho hết các “lỗi”, “bệnh” này mà sao thơ hay thế?
PHẠM VĂN DƯƠNG
Chủ nhiệm CLB Thơ Đường luật Phạm Đạo Phú

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

TỨ CHẲNG RA




TỨ CHẲNG RA

Thêm một Giáng sinh chẳng mặn mà
Hững hờ cảnh sắc ở quanh ta
Ngọn đèn nhấp nháy giăng câu hỏi
Ánh nến chập chờn gợi cảnh xa
Gánh những khó khăn thương lúc trẻ
Trải bao vất vả tiếc khi già
Thời gian vội vã niềm đau đáu
Thơ muốn định hình tứ chẳng ra.


Bùi Nguyệt
Chemnitz - Mùa Giáng sinh 2016