Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Bình thơ: PHÚT ĐẦU NĂM






PHÚT ĐẦU NĂM 

Khoảnh khắc đầu năm
anh chúc em trên điện thoại
Ấm áp lời anh xao xuyến nghĩa tình
Quyện lời anh
Vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh
Da diết quá bao năm rồi nghe lại
Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình
Lời anh nói tiếng lòng anh trao gửi
Em ở bên này
cảm nhận ánh bình minh
Xua băng giá cho ngày mai ấm áp
Những vần thơ trao gửi cả tâm tinh
Nửa vòng trái đất ta truyền nhau hơi ấm
Ấm áp cùng anh, em trao cả tâm hồn
Ngọn nến hồng thắp lửa lòng soi rọi
Phương trời xa băng giá, tuyết rơi
Em hiểu lắm
Anh thương vầng trăng khuyết
Nơi xứ người em cảm nhận được tình anh
Anh giữ mãi nửa vầng trăng khuyết nhé
Sẽ lại đầy khi gặp áng thơ anh...

Bùi Nguyệt
Chemnitz, CBLB Đức


LỜI BÌNH CỦA HOÀNG TẤN ĐẠT

Ngày nay, vào thời buổi thông tin hiện đại nối mạng toàn cầu, những người ở xa thường qua điện thoại để cung chúc Tân xuân. Vậy mà nhà thơ Bùi Nguyệt đã thi vị hóa điều bình thường đó qua bài thơ "PHÚT ĐẤU NĂM" Làm ngân rung trái tim bạn đọc từ vần thơ nặng nghĩa sâu tình
Khoảnh khắc đầu năm
Anh chúc em trên điện thoại
Ấm áp lời anh xao xuyến nghĩa tình
Quyện lời anh
Vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh
Da diết quá bao năm rồi nghe lại
Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình!
Ôi! Một mối tình, mối tình xuyên lục địa trong hoàn cảnh chàng đất Á nàng trời Âu như thế thì tuyệt vời và cao đẹp biết bao. Chẳng dễ cầm lòng đâu đối với người xa xứ, lại còn đang ở nơi băng, tuyết ngập tràn, thèm cả sợi nắng vàng và tiếng gà gáy sáng.
Lời thơ chân thực quá. Thực như nỗi nhớ quê hương vẫn ngày đêm cồn cào da diết của nữ sỹ Bùi Nguyệt, chủ thể trong bài thơ. Nỗi nhớ ấy trỗi dậy, bùng lên trong giây phút bất chợt: Vẳng tiếng gà trong điện thoại mà nghĩ rằng tiếng gọi của hồn quê. Đúng là chỉ có người ly hương mới viết được những dòng thơ như thế.
Nếu "lời anh" là tình riêng thì "Tiếng gà" là tình chung. Riêng và chung hòa quyện vào nhau, dâng trào cảm xúc và mạch cảm xúc ấy cứ cuồn cuộn chảy rồi xoáy vào tâm điểm của tình yêu:
Lời anh nói là tiếng lòng anh trao gửi
Em ở bên này cảm nhận ánh bình minh
Xua băng giá cho ngày mai ấm áp
Những vần thơ trao gửi cả tâm tình
Một chuyển đổi cảm giác khá tài tình giữa sự giao thoa về âm thanh và màu sắc. Âm thanh là "Lời anh", màu sắc là "Ánh bình minh". Ánh bình minh trong văn cảnh này được xem là Thi nhãn: Nó gợi cảm cả ấm nóng, sự sáng trong và niềm tin yêu, hy vọng của tình yêu. Tình yêu ấy đang rực rỡ, rạng ngời mở ra chân trời hạnh phúc, làm lung linh cả "Những vần thơ trao gửi tâm tình". Vần thơ ấy là hơi ấm của tình yêu, là ánh lửa lòng soi rọi. Họ đã truyền cho nhau qua làn sóng điện, đó là phương tiện để hai tâm hồn thi sỹ giao thoa:
Nửa vòng trái đất ta truyền nhau hơi ấm
Ấm áp cùng anh em trao cả tâm hồn"
Và đây là đỉnh điểm của sự thăng hoa. Bạn đọc chúng ta phải cảm nhận bằng xúc giác mới thấy được sự nồng nàn ấm áp của tình yêu. Tình yêu ấy như ngọn lửa hồng bừng bừng rực cháy để xua tan "băng giá", "tuyết rơi", đó là cái lạnh ngoài trời và cái lạnh trong lòng của người xa xứ. Người xa xứ ở đây phải chăng chình là tác giả, chủ thể của bài thơ. Đúng rồi! Nguyệt nghĩa là Trăng. Hiểu như thế ta mới thấy sự tinh tế và logic cùng ẩn ý nằm ở khổ thơ cuối:
Em hiểu lắm
Anh thương vần trăng khuyết
Nơi xứ người em cảm nhận được tình anh
Anh giữ mài nửa vầng trăng khuyết nhé!
Sẽ lại đầy khi gặp áng thơ anh.
Đọc đến đây tôi lại nhớ câu thơ của Hoàng Hữu
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mảnh trăng còn khuất nửa ở trong nhau
Bài thơ khép lại bằng lời nhắn nhủ xa xôi: Anh giữ mãi tình yêu anh nhé! Hai chúng ta là hai nửa vầng trăng. Hai nửa vầng trăng khi hợp nhất sẽ tràn đầy viên mãn. Tôi thầm nghĩ "Vầng trăng khuyết", hình ảnh rất đẹp và lãng mạn này sẽ ngất ngây-"Anh"- Bạn tình của nữ sĩ. Nó đã góp phần nâng cao thẩm mỹ của bài thơ, lung linh mãi trong lòng bạn đọc "PHÚT ĐẦU NĂM" Là tiếng nói nội tâm riêng của nhà thơ và có lẽ cũng là tiếng nói chung mối tình của những người xa xứ.
Thời đại thông tin không gian như xích lại
Anh với em xa thế mà gần
Hai người ở hai đầu điện thoại
Nghe nồng nàn hơi thở của người thân

Hoàng Tấn Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét