Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Thơ + Bình thơ : Bâng khuâng đêm thu Hà Nội

                                       Hình Internet
 -------------
BÂNG KHUÂNG ĐÊM THU HÀ NỘI  

Mai xa rồi... Hà nội thân yêu ơi!
Còn đêm nay lang thang ta xuống phố
Cơn gió lạnh men theo từng ngõ nhỏ
Dưới đèn đường lác đác lá vàng bay 


Bỗng thấy thèm hơi ấm một vòng tay
Ánh trăng thu rơi vàng trên thảm cỏ
Ôi! Ánh trăng nhớ thời khăn quàng đỏ
Cùng bạn bè bày cỗ ngóng trăng lên 


Hà nội đêm về thanh vắng bình yên
Không tấp nập những dòng người vội vã
Không ồn ào những dòng xe hối hả
Xa xa vọng về lẻ tiếng rao đêm 


Đường cũ năm nào nay đã thay tên
Cây Hoàng lan vẫn tỏa hương thơm ngát
Cuốn sổ tay chép tặng nhau bài hát
Đến bay giờ người còn giữ hay không ?


Nhớ phố Nguyễn Du hoa Sữa thơm nồng
Nguyễn Thái Học Phượng hồng thời áo trắng
Chiều Hồ Tây đáy mắt ai sâu thẳm
Đi xa rồi...nhớ lắm Hà nội ơi!


Nguyễn Quốc Hùng
Sondershausen, CHLB Đức
-----

LỜI BÌNH CỦA BÙI NGUYỆT 

Ngay cái thi đề “ BÂNG KHUÂNG ĐÊM THU HÀ NỘI” đã khái quát toàn bộ nội dung của bài thơ, toát lên chủ đề của bài thơ. Chúng ta dễ nhận ra bức tranh tâm cảnh của người sắp đi xa Hà Nộị - lưu luyến bâng khuâng, trong một không gian thanh vắng: 
Mở đầu bài thơ là một hô ngữ, rồi sau đó tiếp theo là những lời tâm sự phảng phất một nỗi buồn man mác 

Mai xa rồi... Hà nội thân yêu ơi!
Còn đêm nay lang thang ta xuống phố 
Cơn gió lạnh men theo từng ngõ nhỏ 
Dưới đèn đường lác đác lá vàng bay 

Bằng biện pháp tu từ nhân hóa, Nhà thơ tâm sự với Hà Nội như tâm sự với người thân yêu của mình qua những lời tự bạch chân tình

Bỗng thấy thèm hơi ấm một vòng tay
Ánh trăng thu rơi vàng trên thảm cỏ
Ôi! Ánh trăng nhớ thời khăn quàng đỏ
Cùng bạn bè bày cỗ ngóng trăng lên 

Hiện thực và ký ức cứ đan xen theo dòng cảm xúc xuyên suốt cả bài thơ. Hiện thực là cảnh đêm thu thanh vắng bình yên.

Không tấp nập những dòng người vội vã
Không ồn ào những dòng xe hối hả
Xa xa vọng về lẻ tiếng rao đêm 
Đường cũ năm nào nay đã thay tên 
Cây Hoàng lan vẫn tỏa hương thơm ngát

Đúng là “ Đối cảnh sinh tình” Ngây ngất trong hương thơm ngát của cây Hoàng lan. Trong tâm can của Nhà thơ, ký ức những ngày qua lại lần lượt hiện về:

Cuốn sổ tay chép tặng nhau bài hát 
Đến bay giờ người còn giữ hay không ?
Nhớ phố Nguyễn Du hoa Sữa thơm nồng 
Nguyễn Thái Học Phượng hồng thời áo trắng 
Chiều Hồ Tây đáy mắt ai sâu thẳm 

Ký ức càng hiện về, Nhà thơ càng bâng khuâng lưu luyến. Chân bước đi mà lòng chẳng muốn rời. 
Khép lại bài thơ cũng là một hô ngữ bật lên từ nỗi nhớ diết da của một người đã đi xa Hà Nội: 
Đi xa rồi...nhớ lắm Hà Nội ơi! 
Ở đây cái thú vị và lô gich của bài thơ là câu mở bài và câu kết đồng dạng nhau trong bối cảnh trước khi đi và sau khi đã đi xa đều bâng khuâng, lưu luyến. 
Dù ngôn từ mộc mạc, dung dị nhưng bài thơ đã rung động trái tim bạn đọc bởi tấm lòng chân thật, trĩu nặng mối tình quê của người con xa xứ vẫn hàng ngày đau đáu hướng về Hà Nội thân yêu.
Bất giác, tôi lại nhớ đến câu thơ của cố Thi sỹ Chế Lan Viên:
Khi ta ở đất là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Bùi Nguyệt - Chemnitz, CHLBĐức

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

GIỌT SƯƠNG THU



GIỌT SƯƠNG THU

Rừng Phong vàng rực dưới ban mai
Rưng rức nắng tràn gợi bóng ai
Dạo gót ven hồ người lữ thứ
Hòa thơ trong cảnh khách trang đài
Cồn cào Thu đến bao mùa nhớ
Trăn trở ngày qua những tháng dài
Hái lá chấm sương làm mực viết
Gửi về nơi ấy nét liêu trai.


Bùi Nguyêt – Chemnitz
(Nét liêu trai là nét đẹp huyền bí )

ẢO ẢNH



ẢO ẢNH

Giá lạnh bao trùm cứ mãi thôi
Rừng Phong trút lá đón đông rồi
Bước chân mòn mỏi vương sương phủ
Cuộc sống chán chường hứng tuyết rơi
Thơ thẩn nắng tràn thương ánh mắt
Hanh hao gió cuốn nhớ làn môi
Ôm hoài ảo ảnh tình cô lữ
Ươm sắc thu vàng lặng lẽ trôi.


Bùi Nguyệt - Chemnitz

CHIATAY MÙA THU (Thơ Phúc Nguyễn) - Lời bình Bùi Nguyệt (Chemnitz)

                                       (Hinh Internet)

                                                 
Anh vẫn biết trời thu đẹp lắm
Thăm thẳm xanh trong đáy mắt em xanh
Em đã hóa vào thu thành dịu ngọt
Lời trao anh như trái chín trên cành

Em tha thướt thu càng thêm say đắm
Tóc em bay cho gió gửi hương trời
Chân em bước trên sắc vàng lối mộng
Gót sen hồng buông những dấu son rơi

Chia tay em- chia tay em mùa thu
Anh mang theo nồng nàn nỗi nhớ
Trời thì xanh mà mắt em lệ vỡ
Nắng nhạt nhòa cây lá cũng rưng rưng

Chia tay em- chia tay em tình thu
Chia tay hoàng hôn chiều mong tím lá
Vời vợi nhớ thương câu ca em thả
Nửa vầng trăng khuyết một câu thề

Chia tay em tình thu đam mê
Anh đơn chiếc thân tàn cây trụi lá
Đông sẽ tới tuyết rơi đầy mọi ngả
Hồn giá băng tình thu đã đi rồi. 

  Phúc Nguyễn -  Chemnitz     
--------------- 

LỜI BÌNH CỦA BÙI NGUYỆT 

    Mùa thu là đề tài khá quen thuộc trong thơ ca. Song, trong “mắt thơ” của mỗi tác giả nó lại hiện hữu những đường nét, cảnh sắc khác nhau tùy vào tâm trạng của thi nhân.  
    Xuân Quỳnh thì thấy:
          Mùa Thu đi cùng lá
          Mùa Thu ra biển cả
          Theo dòng nước mêng mông
          Mùa Thu vào hoa cúc...  
    Còn tác giả Phúc Nguyễn lại thấy cả trời thu nằm trong đáy mắt em, dịu dàng say đắm.Thu và em, hai thực thể một mối tình luôn hòa lẫn vào nhau, biến thiên theo từng cung bậc của cảm xúc tình yêu: 
          Anh vẫn biết trời thu đẹp lắm
          Thăm thẳm xanh trong đáy mắt em xanh  
    Trời thu trong xanh vời vợi, nhưng đây đâu phải “Tức cảnh sinh tình“ mà chính vẻ đẹp từ đôi mắt em qua cái tình của anh đã kéo cả trời xanh thăm thẳm hiện vào. Điệp từ “xanh“ được tác giả sử dụng khá tuyệt vời. Bầu trời xanh, mắt em xanh, giao thoa, hòa quyện tôn thêm vẻ đẹp cho nhau. Em là thu hay chính thu đã hóa vào em, để em thành dịu ngọt như trái chín trên cành:
          Em đã hóa vào thu thành dịu ngọt
          Lời yêu anh như trái chín trên cành
    Em là bầu trời của anh, mùa thu của riêng anh. Hình tượng thơ cũng bắt đầu được khơi sâu và mở rộng. Ỏ đây ta thấy sự chuyển đổi cảm giác khá bất ngờ, qua các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, tác giả đã cảm nhận mùa thu bằng cả vị giác, thẩm thấu lời em trao như trái ngọt trên cành. Hình ảnh “trái chín trên cành“ là hình ảnh đẹp, làm câu thơ trở nên đa nghĩa. Nó gợi cho chúng ta nhiều sự liên tưởng đến hương vị ngọt ngào của lời nói, nụ hôn của tình yêu dâng hiến. Phải chăng đó là thứ men say làm ngây ngất tâm hồn thi sỹ đang đắm chìm trong sắc thể hình ảnh của người đẹp.
          Em tha thướt thu càng thêm say đắm
          Tóc em bay cho gió gửi hương trời
          Chân em bước trên sắc vàng lối mộng 
          Gót sen hồng buông những dấu son rơi
    Bốn câu thơ trên là một bức tranh được tác giả vẽ bằng ngôn ngữ của thi ca: Trước mắt ta, có giai nhân dáng kiều tha thướt, buông gót chân son trên thảm lá vàng đi vào cõi mộng. Hương thu dịu ngọt từ mái tóc em bay bay trong cảnh trời thu như thực như mơ.
    Thế mà, thật khó có thể ngờ mối tình say mê, đằm thắm, ngọt ngào ấy lại có ngày phải chia tay:
          Chia tay em, chia tay em mùa thu
          Anh mang theo nồng nàn nỗi nhớ
          Trời thì xanh mà mắt em lệ vỡ 
          Nắng nhạt nhòa cây lá cũng rưng rưng 
    Chia tay mùa thu, đành rằng, đấy là quy luât bốn mùa thay đổi của đất trời, vạn vật. Gió lạnh tràn về, lá vàng run rẩy níu cành. Thi nhân bâng khuâng tiếc nuối cảnh thu, hơn thế còn xót xa ôm theo hình em lệ vỡ mi tràn. Từ “lệ vỡ“ được dùng khá đắt, khi đọc lên ta cảm nhận được nỗi đau tột cùng của sự chia tay, đến nắng cũng phải nhạt nhòa, cây lá cũng phải rưng rưng.
    Ở hai khổ thơ trên từ ngữ lung linh huyền diệu, thì những khổ thơ dưới lại ảm đạm âu sầu. Bầu trời và em cũng trở nên đối lập. Trời thì xanh, nắng lại nhạt nhòa, mắt em lệ vỡ, lòng anh mang nồng nàn nỗi nhớ trong cảnh tình “Chia tay em chia tay em tình Thu“. Em thì nước mắt chảy ra ngoài, anh thì nước mắt chảy vào trong. Thật đau lòng! Đúng là:
          Thà rằng chẳng biết cho xong
          Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu.
    Đau lòng lắm chứ! Luyến tiếc lắm chứ. Mối tình đẹp đẽ, đằm thắm, ngọt ngào thế cơ mà.
          Chia tay em, chia tay  tình thu
          Chia tay hoàng hôn chiều mong tím lá
    “Mùa thu“ hay “hoàng hôn“ đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng cho tuổi mãn chiều xế bóng, nhưng với câu thơ trên lại đa nghĩa. Có thể đây là một mối tình khi đã ở phía bên kia con dốc của cuộc đời. Vì tình yêu thì làm gì có tuổi! “Xế chiều mái tóc bình minh tâm hồn“. Mà cũng có thể chỉ là hiện thực của bao buổi chiều em mong anh, em đợi anh đến hoàng hôn tắt nắng. Em khao khát gặp anh, chỉ còn biết gửi nỗi nhớ thương anh thả vào trong từng câu hát:
          Vời vợi nhớ thương câu ca em thả
          Nửa vâng trăng khuyết một câu thề
    “Nửa vầng trăng“ cũng là hình ảnh ẩn dụ của hạnh phúc không trọn vẹn. Đã “nửa vầng trăng“ lại “khuyết một câu thề“, câu thơ chơi vơi, thêm một lần nữa đẩy giai nhân vào cõi nhớ thương vô vọng.
    Chính vì thế phải chia tay em đã bị nỗi nhớ nhung, trăn trở dày vò. Lòng anh tái tê, người lệ vỡ, kẻ thân tàn. Chia tay em anh thành lẻ loi đơn chiếc, tâm hồn băng giá như cây trụi lá, trơ cành trong tuyết phủ lúc đông sang:
          Chia tay em tình thu đam mê
          Anh đơn chiếc thân tàn cây trụi lá
          Đông sẽ tới tuyết rơi đầy mọi ngả
          Hồn giá băng tình thu đã đi rồi.
    Những câu thơ đọc lên thẳm sâu nỗi buồn đau, nhưng không hề có một lời oán thán, trách than, nó như điệu nhạc buồn chảy bằng ngôn ngữ của tình yêu lãng mạn, tuyệt đẹp, bị cắt ngang bởi số phận éo le như là định mệnh, cũng như thu tàn là điều không thể khác của quy luật bốn mùa.
    Tác giả rất khéo sử dụng các hình ảnh, từ ngữ trong toàn bài, đặc biệt mối tình được lồng trong bối cảnh mùa thu, tình em và tình thu hòa quyện lung linh thật đẹp, thật đam mê. Vẫn biết rằng thu đến rồi thu sẽ đi, nhưng “Chia tay mùa thu“ vẫn để lại trong lòng bạn đọc một nỗi buồn sâu thẳm mênh mang.

Chemnitz, CHLB Đức