Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

"THƠ VIỆT Ở ĐỨC" - TIẾNG LÒNG NƠI VIỄN XỨ



Bìa cuốn "Thơ Việt ở Đức", tập thơ đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Đức được tuyển chọn rộng rãi do Vipen xuất bản


"THƠ VIỆT Ở ĐỨC" - TIẾNG LÒNG NƠI VIỄN XỨ


Đọc "Thơ Việt ở Đức",  ta hiểu được phần nào tình cảnh của từng tác giả nói riêng và cộng đồng người Việt nơi viễn xứ nói chung. Có thể nói, tập thơ là một bức tranh hiện thực của cuộc sống tha hương, được khắc họa bằng những gam màu đậm nhạt khác nhau. Đó là tiếng hát của những con tim cất lên từ nhiều cung bậc, là tiếng lòng khắc khoải trong những đêm thâu, là cái rét cắt da  trong sương giăng tuyết phủ, là nỗi nhớ cồn cào về quê hương cố quốc. Có nhiều bài khi đọc lên, ta cảm nhận tác giả đã vớt ngôn từ trong dòng suối nước mắt gửi vào thơ. Tất cả những điều nói trên, tôi xin được thể hiện trong bài thơ sau đây:

TI
NG LÒNG NƠI VIỄN XỨ
(
Cảm nhận khi đọc"Thơ Việt ở Đức")

Thơ Việt ở Đức đượm sắc màu

Muôn hoa đua nở dưới trời Âu

Từ trong tha thiết lời viễn xứ

Gửi gắm tâm hồn chia sẻ nhau

Theo từng  tâm cảnh mỗi bài thơ
Có dòng cảm xúc đọng khi mơ
Vớt  câu chữ trong dòng lệ chát
Dệt nên cánh võng nỗi mong chờ


Trắng màu tuyết phủ khát nắng xa

Nôn nao nỗi nhớ cảnh quê nhà
Ầu ơ! tiếng mẹ vòng tay ấm
Khắc khoải trong lòng đứa con xa

Mỗi người mỗi cảnh mỗi niềm riêng

Hiện lên sắc thái cả ba miền

Ta như cảm nhận làn Quan Họ

Dìu dặt mạn thuyền khúc giao duyên


Ta như cảm nhận câu hò Huế

Mơ màng núi Ngự ngắm sông Hương

Và như đang ngắm Kinh thành cổ

Khẽ cất tiếng lòng - ôi Huế Thương


Hòa trong làn gió câu vọng cổ

Từ những miệt vườn đất phương Nam

Ta như lướt sóng trên thuyền mộng

Thả hồn  sông nước Cửu Long giang


Tiếng lòng thao thiêt nơi viễn xứ

Như giàn hợp xướng quyện thanh âm

Từ dòng nhạc lý tim bừng lửa

Xin hãy nâng niu khúc bổng trầm!


Bùi Nguyệt

( Chemnitz- CHLB Đức)
-------------

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Từ củ sắn Thanh Ba đến những mảnh đời trước cổng thành Brandenburg Nghĩ về sự đa dạng và tính hiện thực trong tập TVOD


Bìa cuốn "Thơ Việt ở Đức", tập thơ đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Đức được tuyển chọn rộng rãi do Vipen xuất bản  
Bìa cuốn "Thơ Việt ở Đức", tập thơ đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Đức được tuyển chọn rộng rãi do Vipen xuất bản
Bìa cuốn "Thơ Việt ở Đức", tập thơ đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Đức được tuyển chọn rộng rãi do Vipen xuất bản

Từ củ sắn Thanh Ba đến những mảnh đời trước cổng thành Brandenburg
             Nghĩ về sự đa dạng và tính hiện thực trong tập TVOD

Sau bài viết Cây thơ Việt giữa trời Âu, có bạn hỏi tôi: Anh ví tập TVOD như cây đời có đủ cành cao, cành thấp, cành hướng thẳng trời xanh, có phải đấy là ngụ ý phân cao thấp các bài thơ ? Cụm từ “ hướng thẳng trời xanh“ còn có ý nghĩa gì khác?

Bài viết này và cũng một phần lý giải câu hỏi trên, tôi mượn một nhận xét của nhà thơ Thế Dũng: Tập TVOD có đủ chiều dài và chiều sâu! Từ củ sắn Thanh Ba đến những mảnh đời vỡ vụn ngân nga trước cổng thành Brandenburg.
Nhận xét trên cũng như“ Cây đời“ mà tôi ví với tập thơ chính là nhận định về sự đa dạng và tính hiện thực trong nội dung cũng như nghệ thuật trong tập TVOD.

Nhà thơ vĩ đại người Đức Göthe có câu thơ nổi tiếng như là chân lý cuộc sống:
   Mọi lý thuyết chỉ là mầu xám
   Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.

Cây đời là hiện sinh của cuộc sống. Cây đời trong thơ ca cũng chính là chủ nghĩa hiện thực được phản ánh trong đó dưới góc nhìn của cảm xúc. Chủ nghĩa hiện thực trong tập TVOD theo tôi đấy là đặc tính nổi bật mà ít tập thơ nào có được, kể cả so với thơ ở trong nước.

 Về cụm từ “ cành hướng thẳng trời xanh“ tượng trưng cho những bài thơ mang đậm hơi thở nóng hổi của thời cuộc, như ngọn cây cao chót vót luôn luôn đón nhận thứ ánh sáng tươi mới của mặt trời. Đương nhiên tôi cũng không có ý phân cao thấp các bài trong tập thơ. Cụm từ “cành cao, cành thấp“ cũng chỉ để nói về sự đa dạng trong đề tài cũng như sự phong phú về nội dung mà các tác giả trong tập TVOD đề cập tới.

Cây đời trong TVOD phá triển sum xuê cành lá chủ yếu ở cuối thập niên đầu thế kỷ hai mốt, dù trước đấy vào những năm 90 của thế kỷ trước có hàng trăm nghìn người Việt sang Đức làm việc. Tại sao lại thế? Tôi cho rằng có hai lý do chính: Một là do cuộc sống trong nước quá khó khăn, nên khi sang Đức chúng ta bị choáng ngợp trước nước Đức khá phồn thịnh, ta lao vào kiếm tiền, hay chỉ nghĩ đến hưởng thụ trong một môi trường sống tương đối tự do. Hai là trong cộng đồng người Việt khi ấy chưa có một sân chơi dành cho thơ ca. Trong tập TVOD chỉ duy nhất một bài thơ Giao thừa của Lê Lương Cẩn viết năm 1972, nói về nỗi nhớ nhà của anh sinh viên trong giờ phút chuyển giao của năm cũ và năm mới. Chỉ đến sau khi nước Đức thống nhất năm 1993 mới xuất hiện bài Tự Vấn của Thế Dũng, phản ánh đúng một phần cái khát khao hạnh phúc, muốn thoát ra ngoài sự trói buộc của luật lệ đối với lớp người sang hợp tác lao động:

   Lẽ nào không đẻ đái?
   Giao hợp chỉ để chơi
   Lẽ nào ?
   Ngừa thai cho tuyệt chủng
   Kiếp lưu vong u cuồng.
                     Tự vấn.

Đọc câu thơ này tôi lại nhớ cô người yêu của bạn tôi năm 1989 mang thai phải chạy trốn khắp nước Đức ( Đông Đức Cũ) để thoát sự truy lùng của cảnh sát. Cuối cùng cô vẫn bị bắt, bị trục xuất về nước.

Lý giải trên không có nghĩa những năm 90 không ai làm thơ. Có, nhưng chắc chắn không nhiều, mà có lẽ các tác giả viết xong chỉ để tự thỏa mãn rồi để thơ nằm yên nơi hốc tủ. Sau này, ngoài sự phát triển mạnh mẽ của Internet, ta phải ghi nhận sự đóng góp rất tích cực và hiệu quả của những tờ báo mạng điện tử những năm gần đây cho sự nở rộ của dòng TVOD, như Nguoiviet.de, Thoibao.de..vvv. Nó là sân chơi lành mạnh của thơ nói riêng, cũng như có ý nghĩa gắn kết và thúc đẩy sự phát triển đi lên của cộng đồng người Việt ở Đức. Ngoài ra còn có một yếu tố cần tính đến là nước Đức tự do ngôn luận. 

 Người ta thường nói, thơ là tiếng reo vui của hạnh phúc, là nhịp thở bùng thoát  từ những trăn trở, ray rứt, buồn phiền. Thơ còn là tiếng kêu ai oán, hay tiếng thét của con tim đang gỉ máu. Nói như Hàn Mạc Tử:“ Ta muốn hồn ta trào ra đầu ngọn bút“.

Tập TVOD không mang sắc thái mầu hồng, cũng đồng nghĩa với tiếng reo vui rất ít có trong tập thơ. Phần lớn các bài thơ phản ánh cuộc sống lao động vất vả, cực nhọc trên xứ tuyết cùng những trăn trở, băn khoăn tìm lối thoái trong cuộc đời và, những ray rứt, nhớ nhung bởi chia lìa, xa cách của kiếp sống tha hương. Đây là điều khác biệt chủ yếu so với thơ ở trong nước.

Sự khác biệt này cũng dễ lý giải bởi các tác giả đều là những người sống xa tổ quốc, những người trực tiếp lao động. Cầm bút không phải việc làm của kế sinh nhai đối với họ mà là nhu cầu tự thân được giãi bày, được giải tỏa từ dồn nén của cảm xúc trước thực tại cuộc sống mà họ là người trong cuộc. Thứ chất liệu để làm nên mỗi bài thơ họ không cần vay mượn hoặc nhìn qua một lăng kính nào khác, đã một phần tạo nên độ tin cậy mang tính hiện thực cùng sự đồng cảm  của bạn đọc đối với tập thơ. Nếu ta đem tái hiện cuộc sống lao động được đề cập tới trong tập thơ, trên một mặt phẳng thì ta sẽ thấy một công trường nhộn nhịp với đủ các nghành nghề mà người Việt đang mưu sinh trên đất Đức. Từ công việc nơi nhà máy trong, Tuy không dãi gió dầm mưa, của Hoàng Khoa Toán, tới công việc của chị y tá bên người bệnh trong Ca đêm  của Nguyễn Thị Quyết Thắng...www. Hay quanh năm lăn lộn ngoài trời với nghề bán buôn quần áo, rau quả dưới nắng, gió, tuyết, sương:
  
   Có những kẻ bán buôn quần áo
   Dựng bạt lều phơi phới gió sương
   Run run góc chợ đầu đường
   Chân in dấu tuyết tóc vương gió trời.
                         Hoàng Việt Hùng

Hay:
   Cha mẹ làm ngày tới nửa đêm
   Guồng quay cuộc sống cứ đảo điên
   Thời gian cho con sao quá hiếm
   Lỡ chuyện giờ thôi chỉ khóc phiền.
                         Lê hoài Phương

Thế mà khi Tết đến Xuân về, vẫn chẳng đủ tiền về thăm mẹ, thăm quê, đấy là nỗi ray rứt, buồn phiền trong lòng người xa xứ:

   Thôi thì tết ở lòng ta
   Xa quê cố gượng như là ở quê...
   Nhớ quê mà chẳng thể về
   Công cha nghĩa mẹ bao giờ trả xong?
                        Hoàng Việt Hùng

Thực ra, làm công việc trên thì ở đâu cũng vất vả, chứ chẳng riêng gì ở Đức. Cái khổ của kẻ tha hương còn ở trạng thái bất an „đi thì cũng dở, ở không xong“, của nhiều thân phận không tự quyết định được hướng đi cho cuộc đời mình:

   Dùng dằng mãi chuyện về hay ở
   Nên cuối cuộc đời vẫn ẩm ương
                                 Lê Hoài Phương

Cuộc tình buồn tẻ tay ba...là bài thơ mang tính hiện thực điển hình cho rất nhiều những cuộc tình người Việt ở Đức. Những đứa con sinh ra không phải vì tình yêu mà nằm trong toan tính vì cuộc sống mưu sinh. Lời tỏ tình cũng thành dối trá. Cuộc đời vì thế mà không thể bình an:

   Thế rồi ba gặp mẹ con
   Rồi lòng ba nói huyên thuyên yêu nàng
   Mẹ con nhẹ dạ bẽ bàng
   Mấy năm sau đó nhẹ nhàng sinh con...
   Con ơi ba ngán cảnh đời
   Có ba con vẫn là người mồ côi
   Sinh con chẳng tại số trời
   Nằm trong toan tính cuộc đời ba đây
                             Vũ Doãn Khoát
                 
Hiện thực cuộc sống qua TVOD không chỉ hiện lên như một bức tranh với nhiều đề tài, mà điều quan trong hơn ấy là những gam mầu đậm, nhạt, tối, sáng hiện lên rất trung thực. Nó là cái hồn của bức tranh. Cái hồn trong tập TVOD chính là nỗi lòng người xa xứ được thể hiện qua rất nhiều cung bậc, trạng thái của tình cảm.

Ngày xưa tôi nghe kể kẻ tha hương đêm nằm không ngủ vì nhớ tiếng giun, tiếng dế.  Sau này đi xa tôi thấy cảm giác ấy là có thật. Sự gắn bó gần gũi lâu ngày thì vật vô tri cũng trở nên có hồn. Tôi sống ở Đức đã lâu, dù đi đâu, tới Leipzig, Berlin... thì chỉ khi về tới Chemntz tôi mới có cảm giác mình trở về nhà. Những góc đường trong đêm dù thiếu ánh đèn vẫn cho tôi cảm giác yên bình, những bức tượng đá sau nhà nhìn tôi thân thiết như đón người thân trở về, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

   Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
   Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

 Chúng ta nay sống ở Đức. Một phần tuổi trẻ nơi ta sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Việt. Tình cảm thật lạ kỳ, càng xa thì càng lớn! Từ củ sắn Thanh Ba của Nguyễn Văn Bộ đến Con trót thành người xa xứ của Đinh Vũ Long, ta  đã đi từ hoài niệm đến trăn trở trong cõi lòng của kẻ tha hương khi rời xa đất Việt:

   Con trót thành người xa sứ
   Quay về đò đã sang sông
   Biết rằng vẫn còn bến đợi
   Biết rằng mẹ vẫn chờ mong
                       Đinh Vũ Long

Ta vẫn thường lấy vầng trăng trong thơ cổ để nói về sự chia cắt vợ chồng:
   Vầng trăng ai xẻ làm đôi
   Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường

Thì ở trong tập TVOD ta bắt gặp rất nhiều cảnh đời như thế. Phần lớn các tác giả trong tập thơ là những người đi hợp tác lao động cuối thế kỷ trước. Họ đều đã có gia đình, ra đi là chấp nhận chia ly con cái, vợ chồng. Cuộc sống đẩy đưa, có những vầng trăng chia nửa để rồi mãi mãi không tròn, cứ một mình lơ lửng, cô đơn giũa trời xa:
   Thu đến...
   Thu đi...
   Bao mùa nhớ
   Nào ai đếm được lá vàng rơi
   Phương ấy đêm nay trời có lạnh
   Có biết phương này trăng đơn côi.
                         Bùi Nguyệt.

Nữ sỹ Bùi nguyệt tâm sự: Thơ đã là một phần trong cuộc đời chị, mỗi khi buồn đau em lại vịn vào thơ để không gục ngã. Cuộc sống vất vả, một mình bươn trải trên xứ tuyết. Đêm về nhớ chồng, nhớ con, chỉ biết trải lòng mình lên trang giấy. Nước mắt rơi nhiều lắm, không còn là giọt, là dòng, em không biết dùng từ nào để đong lượng nước mắt đã rơi:
   Mẹ hòa nước mắt vào thơ
   Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương.
                        Bùi Nguyệt

Không chỉ phản ánh cuộc sống mưu sinh cùng những tâm tư tình cảm vui buồn trong cộng đồng người Việt, TVOD còn đồng hành, ghi lại được thời khắc đổi thay lịch sử của nước Đức thống nhất, từ hạnh phúc tột đỉnh cùng những trạng thái vui, buồn trong đêm trừ tịch qua thơ Thế Dũng:
   Đêm trừ tịch chỉ có Trời - Đất hát?
   Đèn chín mầu, sóng nhạc vỗ năm cung
   Người ảo diệu- nghiêng ly và ngừng lệ
   Nghe như mây bay, nước chảy tới vô cùng!

   Phút giao thừa chẳng có mấy lo âu!
   Cả vũ trụ như một ngôi nhà ấm!
   Pháo khoe sắc- Rượu phô mầu say đắm...
   Những mảnh đời vỡ vụn cũng ngân nga!

   Đêm trừ tịch đầu tiên tôi được thấy
   Đông với Tây cởi mở nỗi lòng mình?
   Chân phiêu lãng chợt buồn trên xứ lạ!
   Dưới chân mình đâu phải đất khai sinh!
                                        Thế Dũng

Người Việt xa quê nhưng không hề xa tổ quốc! Hồn Tổ quốc đi vào từng giấc ngủ / Chập chờn bay lá cờ đỏ trên đầu*. Người Việt ở Đức luôn hướng về tổ quốc, dõi theo từng nhịp đập của trái tim đất Việt. Ta đã thấy hàng ngàn người Việt với cờ đỏ sao vàng, sục sôi xuống đường biểu tình chống sự lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc như ở Berlin, ở Erfurt...vvv. Thơ cũng không ngoại lệ, những vần thơ hừng hựng khí thế hào hùng chống quân bành trướng của các thi sỹ xuất hiện kịp thời trên các trang báo mạng,  góp phần cùng các chiến sỹ, đồng bào trong nước gìn giữ biển, đảo quê nhà.

   Hồn tổ quốc đi vào từng giấc ngủ
   Gió Hoàng Sa lay gọi sóng Trường Sa
   Những người lính năm xưa không về nữa
   Bão giông còn đến từ phía biển xa...

Hay như một lời nhắc nhủ, cảnh tỉnh với đất nước trước những bất cập trong xã hội, đặc biệt trước âm mưu thâm độc luôn luôn muốn quy phục, thôn tính nước ta của chủ nghĩa đại Hán:

   Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra Biển
   Những nẻo rừng hồi, rừng quế Lạng Sơn
   Những cánh rừng đầu nguồn đã bị ngoạm
   Bị chiếm bằng những hợp đồng cạm bẫy 50 năm...

   Mẹ Việt Nam- Không chỉ nhìn ra biển
   Chỉ sợ láng giềng mắc mưu ly gián
   Sợ giặc thình lình đứng sững phía sau lưng.

   Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển
   Ngẫm chín hướng mười phương để lập thế sơn hà!
                                      Thế Dũng.

Nếu nói nội dung phong phú đủ các tầng lớp trong tập TVOD thì đi liền với nó cũng là sự đa dạng trong sử dụng nghệ thuật sáng tạo đối với mỗi bài thơ. Ở đây ta bắt gặp từ thể thơ tự do, ngũ ngôn, đến thể thơ khắt khe về niêm luật như thất ngôn bát cú được nhiều tác giả sử dụng khá thuần thục. Thơ lục bát được mệnh danh là Quốc Thơ, loại thơ được truyền tụng và lưu giữ trong dân gian nhiều nhất, cũng được nhiều tác giả vận dụng cho những bài thơ thuộc loại tự sự, tâm tình. Ở thể loại này Lê Ngọc Kỳ có câu thơ tả cảnh rất hay:
   Gió vờn mây cuối trời cao
   Nắng Xuân nhả ngọc rơi vào nụ hoa

Để tôi chợt nhớ đến câu thơ của Ngô Văn Phú mà trước đây cứ tưởng câu ca dao truyền tụng trong dân gian từ thời nảo thời nào:

   Trên trời mây trắng như bông
   Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
   Mấy cô má đỏ hây hây
   Đội bông như thể đội mây về làng.

Nếu có bài thơ nào trong tập TVOD chưa hay thì có thể ví như một bức tranh của người lần đầu tiên cầm bút vẽ, bố cục cũng như đường nét chưa thuần thục, nhưng chắc chắn một điều, chất liệu để làm nên bức vẽ ấy là thật, cảm xúc là thật không vay mượn, chỉ điều ấy thôi cũng làm nên độ tin cậy, sự trân trọng, yêu mến của bạn đọc với tập thơ.
Để kết thúc bài tham luận hôm nay, tôi mượn mấy câu thơ của Hoàng Khoa Toán, cũng là một trong các tác giả có mặt trong tập thơ để nói về nội dung cũng như tính hiện thực trong tập TVOD.

   Dù ngày mai có bao nhiêu bài thơ!
   Bao nhiêu tác giả - ngắn dài, hay dở
   Là tâm sự, sau nhiều năm trăn trở
   Khắc tạc vào hồn, của kẻ tha hương 

Chemnitz 27 / 6 / 2014

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

GIAO LƯU THƠ CHEMNITZ - LEIPZIG Hè 2014


 
Giao lưu HVHNT Thành phố Leipzig 22 6 /2014
 
Vần thơ nối những nhịp cầu
Quê hương rực nắng tình sâu nghĩa bền
Hàng năm đến hẹn lại lên
Hồn quê đất Việt càng thêm mặn nồng


Ngọc Hoa ngâm thơ




 

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

NHỚ TRĂNG - Nhà thơ Đinh Nam Khương

                                                        Ảnh: Thanh Nguyên- Berlin

NHỚ TRĂNG

Trăng sáng quá nhưng mà xa xôi quá
Ta đợi trăng từ ấy đã lâu rồi
Hoa lá rụng!... Vô tư trăng chằng biết
Tóc trên đầu theo sóng cứ dần trôi

Ta chờ đợi!... Nhớ mong!...Ta chờ đợi!...
Trăng qua mây không thấy dẫu một lần
Trăng cao thế!... Làm sao ta tới được
Con đò tình xa tít tận sông Ngân

Nhắm mắt lại ta tìm trăng trong mộng
Trăng lim dim yên tĩnh ngủ ngon rồi
Ta nín thở!... Chỉ lo trăng thức dậy
Bay về trời – Tỏa sáng ở xa xôi!...

Trăng chẳng sáng cho ta! Trăng chẳng sáng
Để ta buồn khô héo giống như đêm
Đường hạnh phúc gập ghềnh trăm nẻo bước
Nhớ đến trăng phút chốc thấy êm đềm!...


Nhà thơ: Đinh Nam Khương
Hội Nhà Văn Việt Nam

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

VẸN TÌNH THƠ


VẸN TÌNH THƠ

Từ ngày tạm biệt quê hương
Tóc dài óng ả vấn vương gói vào
Cánh hồng in đậm hôm nào
Ngân nga câu hát đêm sao đầy trời

Gom từng sợi nhớ anh ơi
Dệt nên cánh võng ru hời đêm trăng
Mênh mang sắc tím bằng lăng
Xa phương với cánh chim bằng lãng du

Câu thơ gợi nhớ mùa thu
Heo may chếnh choáng phù du dòng đời
Gửi làn mây trắng ngang trời
Bên anh trao gửi bao lời thiết tha

Cuôc đời nhiều lúc phong ba
Trong làn hơi ấm diết da tháng ngày
Cho dù cách trở nơi đây
San bằng khoảng cách vẹn đầy cùng thơ.,.
Bùi Nguyệt

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Lục bát thi họa - Họa thơ Chu Văn Keng, Berlin


Là người cùng xa hương nên tôi rất đồng cảm với những bài thơ của anh viết về làng quê  ấm áp tình người. Thơ của anh thật lắm, vì nó là tiếng lòng rất thật của anh. Ước mong của anh cũng là ước mong của những người viễn xứ chúng tôi, tình cảm của anh dành cho quê cũng đồng cảm với chúng tôi nhiều lắm. Bằng tình cảm của minh và từ sự quý trọng anh tôi xin họa chùm thơ này của anh đăng trên Báo Lụcbát.com
Mong anh có nhiều bài thơ hơn nữa anh nhé!
Chúc anh chị vui khỏe hạnh phúc - Các cháu thành đạt.
 Bùi Nguyệt, Chemnitz. CHLB Đức

 NHỚ LÀNG
Họa bài: CHẤT QUÊ,
 Chu Văn Keng, Berlin

Từ ngày viễn xứ đến nay

Nhiều đêm vẫn thấy mơ bay về làng

Khi tỉnh giấc lúc mơ màng

Vẫn nôn nao nhớ xóm làng thuở xưa

*

Đã xa làng nửa cuộc đời

Thèm hương ngô lúa nhớ mùi sắn khoai

Thương làng lòng dạ khôn ngoai

Chất quê vẫn giữ miệt mài gió mưa.

----------- 
QUÊ MÌNH
Họa bài HỒN QUÊ

Làng ơi xin hẹn ngày về

Vi vu tiếng sáo ven đê thả hồn
Hương lành ngọn gió đầu đông

Tung tăng bơi dưới dòng sông thủa nào

Cò bay qua vẫy tay chào

Rộng dang thẳng cánh lượn chao đồng làng

Đêm về em hẹn anh sang

Tình xưa nghĩa cũ em càng thương anh

Một thời áo trắng mỏng manh

Vẫn say giấc đẹp ta dành tặng nhau

Trầu này mới xứng với cau

Chẳng như cái cái thuở ban đầu quá non

Ân tình xa xứ vấn vương

Hồn quê đất Việt tình thương quê mình.
Bùi Nguyệt.CHLB Đức

CHUM THO CUA  TAC GIA CHU VAN KENG- BERLIN
CHẤT QUÊ
Nhớ làng Lưu-Khê Ứng Hòa Hà Nội
Làng tôi yêu dấu lâu nay,
ai đi xa mấy cũng quay về làng.
Trời tây xa lắc mơ màng,
Bao giờ ta lại về làng ta xưa?
*
Làng tôi lam lũ bao đời,
không buôn không bán trọn đời lúa khoai.
Xa quê lòng dạ nguôi ngoai,
chất quê đọng mãi, mệt nhoài nắng mưa.
Berlin, Canh Dần 2010

HỒN QUÊ
“Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em“

(Nguyễn Bính)
Như “chiều cả gió“ xui về,
theo thơ Nguyễn Bính về quê thỏa hồn.
“Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
cau Liên phòng nhớ giầu không thôn nào“.
Cây đa giếng nước mời chào,
cánh đồng rợp cánh cò chao ven làng.
Miếng trầu“chừng giập“đã sang,
em sao lại trách: “vội vàng chi anh“.
“Em nghe họ nói mong manh,
hình như họ biết chúng mình với nhau”.
Trách cơn ”gió cả đắt cau”,
bắt em luôn cảm”để trầu đổ non”.

Hồn quê thầm lặng ngấm vương,
níu chân bao kẻ tha phương như mình.
Berlin, Canh Dần 2010

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

CHIỀU HỒ TÂY - Thơ Bùi Nguyệt


 Foto: Thơ: Bùi Nguyệt  

 CHIỀU HỒ TÂY 
Môt chiều hè dịu nắng 
Đầm sen tỏa ngát hương 
Anh tặng em sen trắng 
Lời nồng nàn yêu thương 
 
Đã bao mùa sen nở 
Nơi viễn xứ vấn vương 
Trong muôn trùng cách trở
Nao lòng nhớ sắc hương
 
Cả bầu trời nhung nhớ
Ướp trong màu cánh sen.
Hồ Tây chiều lộng gió
Nâng tình ta bay lên.

Bao VanDanViet dadang
 Nguyệt Hà Nguyễn
 
 CHIỀU HỒ TÂY

Một chiều hè dịu nắng
Đầm sen tỏa ngát hương
Anh tặng em sen trắng
Lời nồng nàn yêu thương

Đã bao mùa sen nở
Nơi viễn xứ vấn vương
Trong muôn trùng cách trở
Nao lòng nhớ sắc hương

Cả bầu trời nhung nhớ
Ướp trong màu cánh sen.
Hồ Tây chiều lộng gió
Nâng tình ta bay lên.

Chemnitz ngày PFINGSTSONNTAG - 8/6/2014
Bùi Nguyệt
Bao VanDanViet dadang


Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Nhà phê bình Phạm Quang Trung giới thiệu thơ Bùi Nguyệt

  Văn Học Việt

* Nhà phê bình Phạm Quang Trung giới thiệu thơ Bùi Nguyệt


Bùi Nguyệt

Quê quán: Hà Nội Việt Nam
Hiện đang định cư tại CHLB Đức
Là Hội viên Hội VHNT Thành phố Chemnitz
Có nhiều tác phẩm đã được đăng tải trong và ngoài nước. 


Thơ đã in
- HỒN NÚI - NXB Hội Nhà văn VN 2012
                                      - BẾN XA - NXB Hội Nhà văn VN 2012 


Thơ in chung
- BÍCH CÂU THƠ 2 - NXB Hội Nhà văn VN
-THƠ VÀ BẠN THƠ 2 - NXB Văn học VN

Hòm thư Email : bimbenbon@yahoo.de



THƠ TUYỂN CHỌN

ĐƯỜNG ĐỜI

Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương
Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào

Sao khuya gợi nhớ đêm nào
Ấm êm tình mẹ ngọt ngào lời ru
Sắc vàng đan áo mùa thu
Gió heo may cũng lãng du lưng trời
Tìm trong đắng đót những lời
Ngăn luồng cát bụi dập vùi đam mê
Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi

Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên. 



HƯƠNG SẮC MÙA XUÂN 

 
Tuyết tan gọi chồi non tình giấc
Đàn sếu bay ríu rít gọi nhau về
Thẫn thờ nhìn qua khung cửa sổ
Nhớ cháy lòng hơi ấm tình quê 

Nhớ mẹ ngồi gói bánh chưng xanh
Đón con về vui ngày đoàn tụ
Hòa tiếng cười mừng Xuân pháo nổ
Đêm giao thừa vang tiếng chuông ngân 

Náo nức gái trai hái lộc đầu xuân
Đêm Trừ tịch tiếng nói cười rộn rã
Xốn xang cả cỏ cây hoa lá
Trước Phật đài nghi ngút khói hương bay 

Ôi! Mùa Xuân quê mẹ dưới trời Tây
Đang tái hiện trong niềm thương nỗi nhớ
Nhớ bánh chưng xanh nhớ hoa đào nở
Cha mẹ già hớn hở đón mừng con 

Xuân đã về đánh thức những chồi non
Đánh thức trong ta cả thời con gái
Xuân quá khứ và xuân hiện tại
Lắng đọng trong lòng hương sắc mùa xuân. 



SỢI TÓC PHAI MÀU 

(Kỷ niệm 25 năm Ngày tới nước Đức) 

Bên sông trăng
Hai nhăm năm trước... 

Ánh hoàng hôn khuất sau dốc vắng
Thẫm dần buông phủ tím mặt sông
Càng nhòa nhạt bóng cô gái nhỏ
Đang cùng sông chia sẻ nỗi lòng 

Cuộn chặt bài thơ bằng sợi tóc
Nâng nhẹ nhàng thả xuống mặt sông
Gửi sông trăng đưa về với biển
Để hòa vào sâu thẳm mênh mông 

Giữa biển trời những trận bão giông
Từng đợt sóng dập vùi nghiệt ngã
Vần thơ với màn đêm vật vã
Giằng xé lòng chịu đựng cuồng phong

Bên bờ xưa - nay vẫn bâng khuâng
Đi tìm lại hồn thơ đã mất 

Ôi! sông trăng...
Sông trăng như thấu tỏ
Hồn thơ say và sợi tóc phai màu. 



LÀN QUAN HỌ DƯỚI TRỜI TÂY 


Chao nghiêng vành nón quai thao 

Ngọt ngào Quan họ chênh chao mạn thuyền 

Mượt mà khúc hát trao duyên 

Trên màn ảnh nhỏ bỗng nhiên hiện về 


Trời Tây sương phủ tứ bề 

Lá phong gói cả lời thề thuở xưa 

Thương nhau biết mấy cho vừa 

Dịu dàng hương sắc gió mưa dãi dầu 


Đậm đà thấu hiểu lòng nhau 

Tình em dải lụa bắc cầu vẫn đây 

Làn Quan họ dưới trời Tây 

Mà xao xuyến dạ mà ngây ngất tình 


Bao giờ hai đứa chúng mình 

Theo liền chị với liền anh hẹn hò 

Trải bao tháng đợi năm chờ 

Dưới trăng soi bóng bình thơ bên thềm! 

 

VIẾT CHO CON
 
Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm: Mẹ ơi
Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu

Bao mùa lá đã thay màu
Ôm con thổn thức nhịp cầu giấc mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương

Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con... 




ĐÊM THU 

Thu đi... 

Thu đến... 

Bao mùa lá 

Lối cũ ngày xưa lạnh lối về 

Gió thoảng đưa hương nồng hoa sữa 

Bồi hồi tiếng vạc rỗng trời khuya... 

Giờ đây đôi ngả ta đã bước 

Tháng năm vời vợi những ưu phiền! 

Anh vẫn cùng em trong ký ức 

Mỉm cười độ lượng chẳng hề quên 

Thu đến... 

Thu đi... 

Bao mùa nhớ 

Nào ai đếm được lá vàng rơi 

Phương ấy đêm nay trời có lạnh 

Có biết phương này trăng đơn côi



LÃNG ĐÃNG THU 

Chiều cuối thu đem gom ngọn gió 
Đến lay cây trút chiếc lá cuối cùng
Lá phong đỏ như tình yêu thắp lửa
Đốt cháy lòng chếnh choáng men say 
 

 Hãy cùng nhau cạn chén rượu này 
Tiễn mùa thu trải thảm vàng lá rụng
Êm ấm quá tiếng lòng sao thổn thức
Chắp cánh bay vì hồn khát lãng du 

Đẹp nao lòng rừng nhuộm ánh nắng thu 
Màn sương mắc xanh đỏ vàng cảnh sắc
Nét chấm phá đưa về miền cực lạc 
Mãi nguyên sơ như những buổi ban đầu 

Giữa rừng thu vui với gió ngất ngây
Cho nụ hôn ngọt ngào không cay đắng
Để mai rồi những ngày dài không nắng
Tuyết lại về phủ trắng ở nơi đây 

Tím mờ sương rừng thu buồn ly khách
Gửi gió về mang nỗi nhớ xa hương... 



GIẤC MƠ HỒNG

Bản nhạc tình em ru anh ngủ
Ánh trăng tràn ướt đẫm hương thu
Vần thơ theo làn mây lãng du
Vắt dải lụa khi mờ khi tỏ

Bao khát khao cuốn theo chiều gió
Vượt đêm dài vời vợi trăng soi
Lời hát ru mang niềm thương nỗi nhớ
Cũng nồng nàn như môi quyện làn môi

Gió đến bên uốn cong dải lụa
Rơi áo choàng e ấp hồn mê
Trong say sưa êm ái đưa về
Bản nhạc tình đêm trăng bay bổng

Mỉm cười dịu dàng em hỏi nhỏ
Anh của em ngủ có ngon không?
Giật mình… Em tỉnh giấc mơ hồng
Lá xào xạc lại mùa tuyết đến!



HỒ GƯƠM IN BÓNG 


Mặt nước hồn thu in bóng cây 

Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây 

Lung linh sóng gợn rung cành rủ 

Tha thướt liễu vờn gỡ tóc bay 

Ngọn bút vươn cao tô vẻ đẹp 

Trang thơ mở rộng thấu tình say 

Hồ Gươm chứng kiến bao huyền thoại 

Níu bước người đi nhớ chốn này.




PHÚT ĐẦU XUÂN 

Khoảnh khắc đầu năm 

Anh chúc em trên điện thoại 

Ấm áp lời anh xao xuyến nghĩa tình 

Quyện lời anh 

Vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh 

Da diết quá bao năm rồi nghe lại 

Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình 



Lời anh nói tiếng lòng anh trao gửi 

Em ở bên này 

Cảm nhận ánh bình minh 

Xua băng giá cho ngày mai ấm áp 



Những vần thơ trao gửi cả tâm tình 

Nửa vòng trái đất ta truyền nhau hơi ấm 

Ấm áp cùng anh, em trao cả tâm hồn 

Ngọn nến hồng thắp lửa lòng soi rọi 

Phương trời xa băng giá, tuyết rơi 



Em hiểu lắm! 

Anh thương vầng trăng khuyết 

Nơi xứ người em cảm nhận được tình anh 

Anh giữ mãi nửa vầng trăng khuyết nhé 

Sẽ lại đầy khi gặp áng thơ anh... 



PHỤ LỤC 

Lời bình bài “Phút đầu năm” của Hoàng Tấn Đạt (*) 


Ngày nay, vào thời buổi thông tin hiện đại nối mạng toàn cầu, những người ở xa thường qua điện thoại để cung chúc Tân xuân. Nhà thơ Bùi Nguyệt đã thi vị hóa điều bình thường đó qua bài thơ "Phút đầu năm", làm ngân rung trái tim bạn đọc từ những vần thơ nặng nghĩa sâu tình: 

Khoảnh khắc đầu năm 

Anh chúc em trên điện thoại 

Ấm áp lời anh xao xuyến nghĩa tình 

Quyện lời anh 

Vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh 

Da diết quá bao năm rồi nghe lại 

Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình! 


Ôi! Một mối tình, mối tình xuyên lục địa trong hoàn cảnh chàng đất Á, nàng trời Âu như thế thì cao đẹp biết bao. Chẳng dễ cầm lòng đâu đối với người xa xứ, lại còn đang ở nơi băng tuyết ngập tràn, thèm cả sợi nắng vàng và tiếng gà gáy sáng. 

Lời thơ chân thực quá. Thực như nỗi nhớ quê hương vẫn ngày đêm cồn cào da diết của người sáng tạo. Nỗi nhớ ấy trỗi dậy, bùng lên trong giây phút bất chợt: Vẳng tiếng gà trong điện thoại mà nghĩ đó là tiếng gọi của hồn quê. Có lẽ chỉ có người ly hương mới viết được những dòng thơ nao lòng như thế. 

Nếu "lời anh" là tình riêng thì "tiếng gà" là tình chung. Riêng và chung hòa quyện vào nhau, dâng trào cảm xúc và mạch cảm xúc ấy cứ cuồn cuộn chảy rồi xoáy vào tâm điểm của tình yêu: 

Lời anh nói là tiếng lòng anh trao gửi 

Em ở bên này cảm nhận ánh bình minh 

Xua băng giá cho ngày mai ấm áp 

Những vần thơ trao gửi cả tâm tình 


Một chuyển đổi cảm giác khá tài tình giữa sự giao thoa về âm thanh và màu sắc. Âm thanh là "lời anh", màu sắc là "ánh bình minh". Ánh bình minh trong văn cảnh này được xem là Thi nhãn. Nó gợi cảm cả sự ấm nóng, sáng trong và cả niềm tin yêu, hy vọng của tình yêu. Tình yêu ấy đang rực rỡ, rạng ngời mở ra chân trời hạnh phúc, làm lung linh cả "những vần thơ trao gửi tâm tình". Vần thơ ấy là hơi ấm của tình yêu, là ánh lửa lòng soi rọi. Họ đã truyền cho nhau qua làn sóng điện, đó là phương tiện để hai tâm hồn giao thoa: 

Nửa vòng trái đất ta truyền nhau hơi ấm 

Ấm áp cùng anh em trao cả tâm hồn 


Và đây là đỉnh điểm của sự thăng hoa. Có lẽ phải cảm nhận bằng xúc giác mới thấy được sự nồng nàn ấm áp của tình yêu. Tình yêu ấy như ngọn lửa hồng bừng bừng rực cháy để xua tan "băng giá", "tuyết rơi", đó là cái lạnh ngoài trời và cái lạnh trong lòng của người xa xứ. Người xa xứ ở đây phải chăng chính là chủ thể sáng tạo của bài thơ. Đúng rồi! Nguyệt nghĩa là Trăng. Hiểu như thế ta mới thấy sự tinh tế và logic cùng ẩn ý nằm ở khổ thơ cuối: 

Em hiểu lắm! 

Anh thương vầng trăng khuyết 

Nơi xứ người em cảm nhận được tình anh 

Anh giữ mãi nửa vầng trăng khuyết nhé! 

Sẽ lại đầy khi gặp áng thơ anh. 


Đọc đến đây tôi lại nhớ câu thơ của Hoàng Hữu: 

Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ 

Mảnh trăng còn khuất nửa ở trong nhau 


Bài thơ khép lại bằng lời nhắn nhủ xa xôi: “Anh giữ mãi tình yêu anh nhé!” . Mỗi người là một nửa vầng trăng. Hai nửa vầng trăng khi hợp nhất sẽ tràn đầy viên mãn. Tôi thầm nghĩ tới "Vầng trăng khuyết" - hình ảnh rất đẹp và lãng mạn này sẽ ngất ngây "Anh"- Bạn tình của nhà thơ. Nó góp phần nâng cao ý nghĩa thẩm mỹ của bài thơ, có dịp lung linh trong lòng bạn đọc. 

"Phút đầu năm" là tiếng nói nội tâm riêng của nhà thơ và có lẽ cũng là tiếng nói chung của mối tình những người xa xứ. 

Thời đại thông tin không gian như xích lại 

Anh với em xa thế mà gần 

Hai người ở hai đầu điện thoại 

Nghe nồng nàn hơi thở của người thân 

........................................
(*) Hoàng Tấn Đạt