Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Thơ Xướng - Họa nhiều tác giả

Biển đêm. Ảnh: Internet

BÂNG KHUÂNG

Hồn len hạ biếc gửi mong chờ
Chắt ở tim hồng những giọt thơ
Dẫu biết dương tàn vầng lửa nhạt
Còn yêu khoảng lặng ánh sao mờ
Hồn đau cát bỏng trai thành ngọc
Dạ cháy men nồng chữ nhả tơ
Nghĩa trọng tình thâm vần tứ trải
Hoàng hôn khẽ đẩy ... Mộng xa bờ! 

Nguyên Xuân

Trân trọng kính mời
 --------------
Bài họa
KHÁT VỌNG
 Họa “Bâng khuâng”

Khát vọng trong em nỗi đợi chờ
Bên nhau ấp ủ mối tình thơ
Sáng ra  đứng ngóng chân trời rực
Chiều đến ngồi trông dải núi mờ
Vi vút rừng thông trao khúc nhạc
Long lanh ánh mắt kết đường tơ
Con thuyền hạnh phúc chung tay lái
Vượt mọi phong ba cập bến bờ.

Bùi Nguyệt. CHLB
Đức

--------------------

 TỰ CẢM
Họa “ Bâng khuâng”

Đồng cảm cùng ai vẫn ngóng  chờ
Thàng  ngày  ấp ủ mối  duyên thơ
Hòa cùng  gió sớm màn sương lạnh
Quyện với đêm suông bóng nguyệt mờ
Ngọn gió say  tình lay ngọn trúc
Thi nhân nặng nghĩa dệt đường tơ
Biển đời bát ngát muôn trùng sóng
Mong cánh buồm mơ cập bến bờ.

Hoàng Tấn Đạt
-----------

VÂN MỊT MÙNG
Mộng biếc tình thu khắc khoải chờ
Bao niềm lắng đọng kết bài thơ
Mùa xuân lộng lẫy hồn so chệch
Tiết hạ khô khan bụi phủ mờ
Chẳng lẽ chờ đông hừng nắng ấm
Hay là vạch đá nảy chồi tơ
Tìm đâu cảnh đẹp chiều thanh thản
Giữa chốn đìu hiu mịt bến bờ!
Kiều Thành
-------------------------

CHIỀU RIÊNG

Chiều rơi dáng hạ rải hương chờ
Đọng khẽ lên thềm thoảng dấu thơ
Liễu ngả nhành mây đùa gió nhẹ
Chèo khua bến mộng giỡn sương mờ
Đôi vần dệt nghĩa ươm lời nắng
Nửa quãng ru tình dạo phím tơ
Lỡ hẹn thề xưa gầy bóng lẻ
Dòng sông kỷ niệm nước lay bờ.

 Phan Duy


Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ngọc Mai: Tấm lòng người xa xứ

Ra mắt hai tập thơ "Hồn núi" và "Bến xa" của nhà thơ Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức)
Ra mắt hai tập thơ "Hồn núi" và "Bến xa" của nhà thơ Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức

Ngọc Mai: Tấm lòng người xa xứ

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Câu ca dao thân thuộc với người Việt tự bao đời nay đã nói hộ tâm sự của những người con xa quê. Dù xã hội hiện đại, với những phương tiện kỹ thuật tiên tiến có thể phần nào nối liền mọi khoảng cách địa lý nhưng một cuộc điện thoại, vài cái tin nhắn, những món quà xa xỉ... cũng đâu thể nói hết được nhớ thương chất chứa trong lòng. Có lẽ vì thế, ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nhà thơ Bùi Nguyệt cũng mượn những câu thơ, trang viết để gửi gắm tâm tư, nỗi nhớ trông mòn mỏi về Đất Mẹ.
Là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật TP. Chemnitz, CHLB Đức, cộng tác viên thường xuyên của nhiều tạp chí, trang tin dành cho người Việt ở xa Tổ quốc, Bùi Nguyệt là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Năm 2012, hai tập thơ "Hồn núi” và "Bến xa” tập hợp những sáng tác tâm đắc của Bùi Nguyệt do NXB Hội Nhà văn ấn hành như một món quà gửi đến những người yêu thơ, ủng hộ chị trong suốt thời gian qua.
Thơ hay không tính độ dài ngắn, cũng chẳng kể kỹ thuật, mà "thơ là tiếng lòng thật thà” như ai đó đã từng nói. Tìm đến với thơ của nữ sĩ Bùi Nguyệt, độc giả, nhất là những trái tim phiêu dạt nơi chân trời góc bể sẽ ít nhiều đồng cảm với những sẻ chia của chị. Giống như rất nhiều kiều bào khác, cuộc sống của Bùi Nguyệt nơi xứ người cũng có cay cực, có khổ đau, có hạnh phúc, niềm vui và cả nước mắt. Những năm tháng ấy dạy cho chị nhiều bài học về thế giới quan, nhân sinh quan.
"Ở xứ người, chúng tôi không rách áo, không đói cơm, nhưng quả thật là đói tình. Đó là tình gia đình, tình quê hương đất nước. Chúng tôi thèm nghe từ tiếng gà gáy sáng đến tiếng gọi nhau chòm xóm láng giềng, tiếng rao ngày đêm của những người buôn thúng bán bưng, khao khát mọi âm thanh, hình ảnh của quê hương, đất nước” – Bùi Nguyệt đã nói giản dị mà đầy xúc động như thế về tâm trạng, nỗi lòng của mình trong 25 năm sống tha hương. Có lẽ, đó cũng là tiếng lòng chung của hơn 4.000 đồng bào Việt Nam ở đây đang sống xa Tổ quốc.
Chẳng hạn, trong bài thơ Viết cho con, Bùi Nguyệt đã thủ thỉ thế này: "Cuộc đời của mẹ tha hương/ Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người/ Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi/ Kết thành cánh võng ru hời bóng con”.
Không đao to búa lớn, cũng chẳng kể lể dông dài, bốn câu thơ chân chất mộc mạc mà nói được cả một chặng đường đời dằng dặc, thấm thía biết bao! Mỗi câu thơ ngân lên, tưởng đâu như nghe tiếng mẹ tâm tình, kể chuyện... Vì thế, không biết có đúng khi tôi cứ nghĩ rằng ưu thế lớn nhất của Bùi Nguyệt chính là chất nữ tính, những dịu dàng, êm ái của một người phụ nữ, một người mẹ đã khiến thơ chị dễ dàng đi vào lòng người đến vậy. Đối mặt với giông bão, đắng cay, Bùi Nguyệt cũng nói đầy thấu hiểu thế này: Trải bao mùa gió giật tuyết rơi/ Vẫn đứng cùng núi cao hiểm trở/ Những trăn trở cựa mình đá thở/ Cho rêu phong trải thảm trên mình... (Hồn núi)
Có tình yêu lứa đôi, những rung động trước thiên nhiên, đời sống nhưng mạch nguồn cảm xúc chủ đạo trong thơ Bùi Nguyệt vẫn là tình quê hương tha thiết, mặn nồng. Vì vậy, không ngạc nhiên khi giữa mênh mông tuyết trắng, giữa vi vút bạch dương gió thổi, phút đầu năm vẫn có người khắc khoải thốt lên: Da diết quá bao năm rồi nghe lại/ Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình (Phút đầu năm).
Ngọc Mai
(Theo Đại Đoàn Kết)

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

TẶNG SINH NHẬT H - G

TẶNG SINH NHẬT HƯƠNG GIANG

Bó hoa mẹ tặng đẹp tươi màu

Sinh nhật con yêu ở xứ Âu

Phơi phới niềm vui hòa gió sớm

Cồn cào nỗi nhớ lặng đêm thâu

Mừng con sự nghiêp thêm hưng thịnh

Mong cháu tương lai mãi đẹp giầu

Hạnh phúc gia đình luôn ấm áp

Lưng ong duyên dáng giữ bền lâu.
Chemnitz 7 - 11 - 2o13
Bùi Nguyệt

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

XƯỚNG - HỌA ( Những trang đời - Thơ họa, Bùi Nguyệt)


Ảnh minh họa: Internet

Bài xướng:
Tác giả Nguyễn Thị Lộc
SÓNG LÒNG

Sáu chục lăm le gõ cửa rồi
Xuân còn tội lắm hỡi người ơi
Hơi nghe chuyện cũ là sôi sục
Động nhớ cảnh nay lại rối bời
Tính nén hương lòng cho mãn hạn
Lại gờm sóng dạ chẳng nào nguôi
Chùa đâu như đã chày kinh giục
Biết trả sao đây món nợ đời

Nguyễn Thị Lộc, TP Bắc giang
--------------------

CÁC BÀI HỌA

NHỮNG TRANG ĐỜI
(Họa bài Sóng lòng)

Sắc vàng đan áo dệt thu rồi
Giá lạnh theo về hoa cúc ơi!
Xào xạc cây run lòng vắng lặng
Cồn cào gió hú lá tơi bời
Tâm hồn dậy sóng tình luôn nhớ
Ánh mắt chạm luồng dạ chẳng nguôi
Khúc khuỷu đường dài bao kỷ niệm
Trong ta in đậm những trang đời.

Bùi Nguyệt. CHLB Đức

-----------------------
LỬA TÂM

Vũ trụ vần xoay có luật rồi
Tháng năm tuần tự, kệ, ai ơi
Xuân còn đeo đuổi hoa còn thắm
Lòng vẫn đắm say lá vẫn bời
Gượng nén lửa tâm càng cháy bỏng
Cố kìm ước mộng chẳng tan nguôi
Mõ chuông đâu có quên cơn khát
Món nợ mang theo nặng suốt đời.

Phạm Thúy Lan

------------------------
CÙNG PHÁI ĐẸP
(Họa sóng lòng)

Má hồng dẫu có nhạt phai rồi!
Quy luật bình thường các bạn ơi!
Hoa thắm đương xuân thì yểu điệu
Vườn xanh hết hạ cũng tơi bời
Khắc sâu kỷ niệm tình bền chặt
Hòa quyện tâm hồn dạ khó nguôi
Chỉ trái tim yêu là mãi trẻ
Bên nhau ấp ủ sắc hương đời

Hoàng Tấn Đạt
----------------

SỐ KIẾP

Số kiếp tình duyên đã thế rồi
Muối sương điểm bạc tóc mây ơi
Phòng xưa hiu quạnh luôn thầm lặng
Rèm cũ đơn côi vẫn rối bời
Lửa đượm bao năm sao đã cạn
Gối nồng một phút nỡ nào nguôi
Ngân nga chuông điểm hồn thương nhớ
Tí tách mưa thu thả mộng đời.

Ngọc Tình (Tây Ninh)
-------------

VẪN CÒN LẤP LÓ
(Họa đảo vận)
Tuổi cao lòng vẫn thiết tha đời
Sóng dạ dâng trào chửa thể nguôi
Âm ỉ duyên xưa còn tiếc nuối
Lẻ loi tình cũ đã tơi bời!
Đôi khi thức dậy niềm mơ ước
Lắm lúc thờ ơ chuyện ấy rồi
Sáu chục xuân xanh chưa mãn kiếp
Vẫn còn lấp ló “nợ”người ơi!

Huy Phương

---------------
ĐỜI SÁNG

Đại dương lặng sóng, bão tan rồi,
Mặt nhật tươi hồng gọi "Bạn ơi!".
Lau sạch thương đau nào rã nát,
Cuốn trôi thù hận bấy tơi bời.
Hành trình đi tới đường hoa nở,
Quá khứ chôn vùi mắt lệ nguôi.
Thơ phú chung vui men mật ngọt,
Im nghe thấm đượm vị tình đời!

Lương Lương Hòa

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

NHỚ TÌNH ANH


Xem hình

  1. NHỚ TÌNH ANH

    Họa bài NƠI KHÔNG EM
         Nhà thơ Hồ Đình Bắc

     Anh ơi! nỗi nhớ tình em
     Một thời xao xuyến đi trên con đường
     Gió vờn bím tóc vấn vương
     Bình minh vén lại màn sương mờ dần

     Nắng vàng soi tỏ vết chân
     Bờ đê trống vắng xa dần đò qua
     Vẳng nghe tiếng gọi đò xa
     Bến sông ngày ấy la đà khói sương

    Tình anh em vẫn nhớ thương
     Xứ người câu hát trên đường cùng đi
     Lời anh hòa gió thầm thì
     Ấm nồng hơi thở những gì em mang

    Hanh hao gom sợi nắng vàng
     Tâm hồn thơ quyện mênh mang đâu nghèo
     Tình em làn nước trong veo
     Đổ dồn về biển cuộn trào sóng mang!

     Bùi Nguyêt , CHLB Đức

--------------------

NƠI KHÔNG EM
 Hồ Đình Bắc

 Tôi đi về phía không em
 Mỏi thời rong ruổi xa thêm đoạn đường
 Cho không còn những vấn vương
 Để quên nhung nhớ, giận thương vơi dần
 Chẳng còn chân dẫm nốt chân
 Trên con đường cũ mỗi lần em qua
Nơi không em cứ dần xa
Ngoảnh  nhìn nơi ấy toàn là khói sương
 Vơi bớt giận dần thương
 Mỗi người mỗi nẻo chọn đường mà đi
 Lối xưa mặc gió thầm thì
 Tình xưa cũng chẳng còn gì mà mang
 Chiều rồi còn chút nắng vàng
 Trong thơ còn lại những trang tình nghèo
 Nước sông giờ đã trong veo
 Nơi không em chỉ còn chiều mênh mang!

 Hồ Đình Bắc

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

LÁ RƠI - Thơ cảm nhận ảnh

Xem hình
                                            Ảnh Thế Sáng, Berlin
Lá rơi


Mười búp tay thon đón lá vàng
Tâm hồn theo gió trải mênh mang
Tình yêu Nghệ sỹ lồng trong ảnh
Nét đẹp dịu dàng cứ xốn xang.

Bùi Nguyệt, Chemnitz

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

HÒA THƠ VÀO NƯỚC MẮT- Nhà thơ: Đinh Nam Khương



Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi/ Kết thành cánh võng ru hời bóng con. Hình minh họa (Internet)
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi/ Kết thành cánh võng ru hời bóng con. Hình minh họa (Internet)
VIẾT CHO CON
Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm: Mẹ ơi
Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu

Bao mùa lá đã thay màu
Ôm con thổn thức nhịp cầu giấc mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương

Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con.,.
                                                                      Bùi Nguyệt 
                                                             Chemnitz, CHLB Đức


                  HÒA THƠ VÀO NƯỚC MẮT
Nhà thơ: Đinh Nam Khương Hội Nhà văn Việt Nam

Từ xưa tới nay, trên thi đàn thơ ca Việt Nam và thế giới, mỗi nhà thơ thường có một số bài thơ làm rung động trái tim người đọc và tỏa sáng tới mai sau. Hầu hêt những bài thơ ấy đều là những bài thơ viết về mẹ, về con nhất là những trường hợp xa cách, thương nhớ đến mòn mỏi! Vì những bài thơ ấy không phải viết ra bằng văn chương chữ nghĩa hào nhoáng; không phải viết ra bằng sự lạnh lùng của trí thông minh; mà nó được viết ra từ trái tim ấm nóng; nhớ thương khắc khoải. Được viết ra trong sự trào dâng cảm xúc từ tấm lòng nhân ái của người viết đối với mẹ hoặc con. Nó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc và chân thành nhất máu thịt nhất. Không hề pha trộn một ít giả dối hoặc vỏ bọc của những ngôn từ sáo rỗng. Đó là những bài thơ thương thật! Nhớ mong thật! Sung Sướng và khổ đau thật! Chứ không phải là sự “Hờ thuê Khóc mướn” để đánh lừa bạn đọc… Những bài thơ như thế; ngay từ trong cốt lõi của nó đã chứa đựng sự hấp dẫn và thuyết phục. Làm cho người đọc phải ứa lệ !… Bài thơ “Viết cho con” của nhà thơ Bùi Nguyệt người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng không ngoài trường hợp đó …
Tác giả đã chọn thể thơ lục bát- một thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam mang đậm bản sắc độc đáo của người Việt Nam,rất gần gũi với tâm hồn và hơi thở cuộc sống thường ngày của người Việt Nam để miêu tả tình cảm dạt dào của người mẹ đối với đứa con máu thịt của mình sau 25 năm xa cách. Tình cảm đó đã được kìm nén và cô đúc lại trong 12 câu thơ lục bát ngắn gọn với ngôn ngữ giản dị, trong sáng mà ta vừa tìm thấy trên đỉnh núi cao của văn chương chữ nghĩa chứ không phải là sự nôm na, dông dài. Nó luôn được hiện lên lấp lánh qua những hình tượng kỳ diệu của thi ca với những cảm xúc thẩm mĩ rất đẹp.
Ở phương trời xa lạ, để mưu sinh, để chắp cánh cho con bay đến chân trời mơ ước, 25 năm xa cách, 25 năm “Lá đã thay màu” Không có đêm nào nhà thơ – người mẹ Bùi Nguyệt lại không nghe thấy tiếng con gọi
“Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu”
25 năm nghe tiếng con gọi trong những đêm xa cách ấy; Bùi Nguyệt đã “Hòa nước mắt vào thơ” bên ngọn đèn cô đơn và trước những trang giấy trắng. Để tình cảm của chị bay lên trong sự thăng hoa cùng những vì sao xa xôi nơi phương trời thương nhớ…Cứ thế cảm xúc trong thơ luôn vận động và phát triển đến đỉnh cao trào dâng của tâm hồn .Đó chính là lúc bài thơ đã khép lại và mở ra những cửa sổ lớn của tâm trạng với 4 câu thơ tài hoa hé lộ tài năng và sức sáng tạo của người viết
Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con
Hai câu thơ cuối cùng đó là sự xuất thần của ngòi bút, nó tỏa sáng và mang lại ý nghia cho toàn bài, nâng nghệ thuật của bài thơ lên một tầng cao mới . Hình tượng mái tóc xanh của mẹ sau 25 năm xa cách và nhớ thương con vô hạn giờ đã trở thành một mái tóc bạc. Mái tóc bạc ấy đã bện thành một cánh võng êm ái để ru bóng con. Vì các con còn cách mẹ một khoảng trời xa lắc.Lục bát là một thể thơ cũ kĩ đến cổ xưa nhưng dưới ngòi bút của Bùi Nguyệt đã trở nên mới mẻ và độc đáo một cách kì lạ.Tôi thực sự phải nghiêng mình trước hai câu thơ này của chị.
Rất mong chị luôn mạnh khỏe và may may mắn ở phương trời xa lạ để luôn nhớ về tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nơi có mái nhà bình yên của chị, nơi có những giọt máu đào ấm nóng đang nhớ về trái tim thổn thức của chị – một trái tim đa cảm và tràn đầy vẻ đẹp của tâm hồn thi ca Việt Nam.
Hà Nội ngày 6- 6- 2012