Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

MÔT THOÁNG CHIỀU THU - Bùi Nguyệt



MÔT THOÁNG CHIỀU THU

Rừng thu ngả bóng gọi sương sa
Khúc nhạc hòa đồng vẫn diết da
Mải miết phương Nam chim sải cánh
Bâng khuâng thao thiết nhớ quê nhà.


Bùi Nguyệt
Chemnitz thu 2014


                                                           Chemnitz. 2014

                                                           Chemnitz - 2014


                                                          Chemnitz thu 2014

                                              
Chemnitz -Cong vien mua thu 2014

Cay Bach  duong mua thu 

Cong vien Chemnitz - Thu 2014

                                                      Ho Chemnitz





Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

NỐI LỜI CÙNG RU - Bùi Nguyệt.

                                                      
                                                          Cây Bạch dương mùa thu.


NỐI LỜI CÙNG RU
(Cảm thông với những cảnh đời dang dở)


Đêm chết lịm trong màn sương phủ
Ngọn lửa lòng ấp ủ con thơ
Khẽ khàng cất tiếng ầu ơ
Tin yêu hy vọng mẹ chờ đợi con


Những tháng năm tủi hờn bươn trải
Mưu sinh nên mẹ phải đèo bòng
Sa chân vào cảnh không chồng
Hồng nhan bạc phận long đong xứ người


Bao chênh chao ở nơi đất lạ
Tấm chân tình nhẹ dạ cả tin
Đầm đìa nước mắt trong đêm
Bờ môi đọng lại chát thêm cuộc đời


Phương trời đây lẻ loi thui thủi
Ngắm nhìn con muôn nỗi vấn vương
Xa rời cha mẹ quê hương
Sang "Miền đất hứa" tìm đường sinh nhai


Xót xa cảnh đêm dài vò võ
Tái tê tình dang dở đắng cay
Ôm con đau đáu trời Tây
Trái tim khắc khoải mắt đầy hoàng hôn


Hôm nay còn chăn đơn gối lạnh
Ngày mai rồi hết cảnh đơn côi
Niềm tin sẽ đến con ơi!
Chim Bằng dang cánh nối lời cùng ru.


Bùi Nguyệt.

---------------------

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Lời bình của Nhà thơ Đinh Nam Khương - VIẾT CHO CON




 VIẾT CHO CON 
Thơ của Bùi Nguyệt - Lời bình của Nhà thơ Đinh Nam Khương

Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm: Mẹ ơi
Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu

Bao mùa lá đã thay màu
Ôm con thổn thức nhịp cầu giấc mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương

Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con.,.

HÒA THƠ VÀO NƯỚC MẮT - LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ ĐINH NAM KHƯƠNG

    Từ xưa tới nay, trên thi đàn thơ ca Việt Nam và thế giới, mỗi nhà thơ thường có một số bài thơ làm rung động trái tim người đọc và tỏa sáng tới mai sau. Hầu hêt những bài thơ ấy đều là những bài thơ viết về mẹ, về con nhất là những trường hợp xa cách, thương nhớ đến mòn mỏi! Vì những bài thơ ấy không phải viết ra bằng văn chương chữ nghĩa hào nhoáng; không phải viết ra bằng sự lạnh lùng của trí thông minh; mà nó được viết ra từ trái tim ấm nóng; nhớ thương khắc khoải. Được viết ra trong sự trào dâng cảm xúc từ tấm lòng nhân ái của người viết đối với mẹ hoặc con. Nó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc và chân thành nhất máu thịt nhất. Không hề pha trộn một ít giả dối hoặc vỏ bọc của những ngôn từ sáo
 rỗng. Đó là những bài thơ thương thật! Nhớ mong thật! Sung sướng và khổ đau thật! ... Những bài thơ như thế; ngay từ trong cốt lõi của nó đã chứa đựng sự hấp dẫn và thuyết phục. Làm cho người đọc phải ứa lệ !... Bài thơ "Viết cho con" của nhà thơ Bùi Nguyệt người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng không ngoài trường hợp đó …
    Tác giả đã chọn thể thơ lục bát- một thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam mang đậm bản sắc độc đáo của người Việt Nam,rất gần gũi với tâm hồn và hơi thở cuộc sống thường ngày của người Việt Nam để miêu tả tình cảm dạt dào của người mẹ đối với đứa con máu thịt của mình sau 25 năm xa cách. Tình cảm đó đã được kìm nén và cô đúc lại trong 12 câu thơ lục bát ngắn gọn với ngôn ngữ giản dị, trong sáng mà ta vừa tìm thấy trên đỉnh núi cao của văn chương chữ nghĩa chứ không phải là sự nôm na, dông dài. Nó luôn được hiện lên lấp lánh qua những hình tượng kỳ diệu của thi ca với những cảm xúc thẩm mĩ rất đẹp.
    Ở phương trời xa lạ, để mưu sinh, để chắp cánh cho con bay đến chân trời mơ ước, 25 năm xa cách, 25 năm "Lá đã thay màu" Không có đêm nào nhà thơ – người mẹ Bùi Nguyệt lại không nghe thấy tiếng con gọi: 
          "Ngây thơ trong trẻo những lời
          Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu" 
    25 năm nghe tiếng con gọi trong những đêm xa cách ấy; Bùi Nguyệt đã "Hòa nước mắt vào thơ" bên ngọn đèn cô đơn và trước những trang giấy trắng. Để tình cảm của chị bay lên trong sự thăng hoa cùng những vì sao xa xôi nơi phương trời thương nhớ... Cứ thế cảm xúc trong thơ luôn vận động và phát triển đến đỉnh cao trào dâng của tâm hồn .Đó chính là lúc bài thơ đã khép lại và mở ra những cửa sổ lớn của tâm trạng với 4 câu thơ tài hoa hé lộ tài năng và sức sáng tạo của người viết: 
          Cuộc đời của mẹ tha hương
          Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
          Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
          Kết thành cánh võng ru hời bóng con. 
    Hai câu thơ cuối cùng đó là sự xuất thần của ngòi bút, nó tỏa sáng và mang lại ý nghia cho toàn bài, nâng nghệ thuật của bài thơ lên một tầng cao mới . Hình tượng mái tóc xanh của mẹ sau 25 năm xa cách và nhớ thương con vô hạn giờ đã trở thành một mái tóc bạc. Mái tóc bạc ấy đã bện thành một cánh võng êm ái để ru bóng con. Vì thân xác của con còn cách mẹ một khoảng trời xa lắc.Lục bát là một thể thơ cũ kĩ đến cổ xưa nhưng dưới ngòi bút của Bùi Nguyệt đã trở nên mới mẻ và độc đáo một cách kì lạ.Tôi thực sự phải nghiêng mình trước hai câu thơ này của chị.

    Rất mong chị luôn mạnh khỏe và may may mắn ở phương trời xa lạ để luôn nhớ về tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nơi có mái nhà bình yên của chị, nơi có những giọt máu đào ấm nóng đang nhớ về trái tim thổn thức của chị - một trái tim đa cảm và tràn đầy vẻ đẹp của tâm hồn thi ca Việt Nam.
------------------------------------------------------------------------------------------
                                                                      THU HỒ GƯƠM

                     Thơ của Bùi Nguyệt


Mặt nước hồn thu in bóng cây
Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây
Lăn tăn sóng gợn rung cành rủ
Thấp thoáng trăng cài quện tóc bay
Ngọn Bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say
Hồ Gươm chứng kiến bao huyền thoại
Níu bước người đi nhớ chốn này.  

                        LỜI BÌNH CỦA HOÀNG GIAO 

Hồ Gươm là một di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội- trái tim Tổ quốc  chúng ta và là nguồn cảm hứng của thi ca từ xa xưa đến ngày nay. Cũng từ nguồn cảm hứng này, bài thơ THU HỒ GƯƠM của Bùi Nguyệt đã hiện lên như một bức tranh được vẽ bằng ngôn ngữ, trong khuôn khổ thất ngôn bát cú Đường luật.
Ngay cái thi đề đã gợi lên cái trong xanh tình tứ của “ trời thu xanh ngát mấy tầng cao”.
Hai câu đề càng thể hiện rõ điều đó:
“Mặt nước hồn thu in bóng cây
Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây”
Một cảnh tượng huyền hoặc giữa Tháp Rùa và những bóng cây soi bóng mặt nước hồ. Chắc nó lung linh lắm, mê hồn lắm trong lòng du khách, mà tác giả là người nắm bắt được điều này để đưa vào thơ. Thơ và cảnh như được thẩm thấu: mặt nước trong veo in bóng cây hòa vào tâm hồn con người tạo nên một “hồn thu”. Một Tháp Rùa đứng sừng sững “trầm mặc” dưới “trời mây”. Ở đây tác giả thật khéo léo nhân cách hóa Tháp rùa qua từ “ Trầm mặc”. Trầm mặc là trạng thái suy nghĩ trầm tư của con người, chỉ thế thôi mà Tháp rùa đã có trái tim của người Hà Nội.
Từ “in” trong câu đầu được xem là thi nhãn bởi nó làm mặt hồ lung linh rõ nét và nhẹ bẫng cả tâm hồn. Không gian trên bờ hòa vào không gian dưới nước, làm cho cảnh vật như thật như mơ.
Tác giả không viết “hồ thu” mà lại là “hồn thu”? Phải chăng hồ thu chưa đủ ý? Còn “hồn thu” là thu đã đi vào tâm hồn, tắm mát hồn ta? Hồn thu làm nên một tứ thơ hay hơn, nên thơ hơn. Cách dùng từ như thế thật là đắc địa.
Tóm lại hai câu thơ đầu bằng phương pháp dùng từ tượng hình (bóng cây, trầm mặc) và biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa, tác giả đã phác họa được khung cảnh mùa thu Hồ Gươm tuyệt sắc, một “hồn thu” lay động cả không gian.
Nếu hai câu đề là cảnh khái quát thì hai câu thực là cảnh chi tiết:
« Lăn tăn sóng gợn rung cành rủ
Thấp thoáng trăng cài quện tóc bay»
Bằng những từ gợi tả, gợi cảm các từ tượng hình: Lăn tăn, gợn, rung, rủ, thấp thoáng, cài, quện, bay…Tác giả đã  diễn tả một sức sống mê hồn, không còn trầm mặc như hai câu trước mà nó xao động tràn đầy sự sống. Sóng gợn lăn tăn, trăng lung linh hòa quyện, cành lá rung rinh rủ bóng và dù không nói đến ai chúng ta cũng hình dung ra bóng hình một thiếu nữ duyên dáng, thả làn tóc bay trước gió giữa thu đang dạo bên hồ! Tác giả dùng từ “trăng cài” rất khéo và có ý nghĩa. Với tứ thơ nồng nàn, với cách ví von lung linh, khiến người đọc vừa say vừa sảng khoái, lâng lâng…
Về kỹ thuật ở cặp thực này đối hay cả từ, cả ý, cả thanh, đúng niêm luật.
Về đối của hai câu thực này:
Đối chữ, nghĩa, ý:
Lăn tăn/ sóng gợn - rung cành rủ
Thấp thoáng/ trăng cài - quện tóc bay
Đối ý, đối chữ, đối nghĩa đều chuẩn đạt từng từ, từng cụm từ đối nhau.
Đối thanh:
BB TT BB T
TT BB TT B
Đối thanh cũng chuẩn.
Như vậy trong bốn câu thơ đầu tác giả đã diễn tả được trọn vẹn một khung cảnh nên thơ hữu tình của Hồ Gươm huyền dịu dưới trăng thanh, một bênTháp Rùa trầm mặc.
Bây giờ chúng ta chuyển sang hai câu luận:
Hai câu luận vừa lý giải vừa bình phẩm những cảnh vật. Cụ thể là Ngọn Bút tô lên vẻ đẹp cuốn hút lòng tác giả và từ đó đi vào trang thơ ngọt ngào say đắm khơi gợi tình yêu quê hương đất nước con người.
« Ngọn Bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say »
Về kỹ thuật ổn, chỉnh đối, đúng niêm luật.
Ngọn Bút là một cái Tháp Bút sừng sững kia, nhưng cũng có thể hiểu là cây bút của tác giả nên đối với «trang thơ» hoàn toàn thú vị…Nó gợi cho ta sự liên tưởng phong phú,”trang thơ” chưa hẳn là trang thơ mà có thể đó là cảnh sắc nên thơ, khung cảnh nên thơ mà tác giả đã ví von, liên tưởng. Đọc đến đây, tôi lại nhớ đến những  câu thơ của cố Thi sỹ Chế Lan Viên trong bài thơ “ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”
"Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng..."
 Đó chính là sự tinh tế của tác giả, tính hàm súc của câu thơ và cũng là góc nhìn mở cho người đọc.
Về đối trong cặp luận này:
Đối ý, chữ, nghĩa :
Ngọn Bút/ vươn cao - tô vẻ đẹp
Trang thơ /mở rộng  - thấu tình say
Đối chỉnh từng chữ, từng nghĩa, từng ý
Đối thanh:
TT BB TT B
BB TT BB T
Đối thanh chuẩn.
Như vậy sáu câu thơ trên đã tô lên một vẻ đẹp trọn vẹn cả về cảnh về người cả trong ý thơ, tất cả đã tạo nên những tứ thơ nồng nàn tình yêu đắm say, nỗi nhớ ngọt ngào mà tác giả dành cho HÀ NỘI nói chung và THU HỒ GƯƠM nói riêng.
Tất cả gói vào một câu kết thắm chặt nghĩa tình của du khách muôn phương:
“Hồ gươm chứng kiến bao huyền thoại
Níu bước người đi nhớ chốn này”
Cũng bằng nghệ thuật nhân hóa, Hồ Gươm với những Tháp Rùa, Bút Tháp, cầu Thê Húc, những con đường rợp bóng cây bên Hồ Gươm đã trở thành chứng nhân của lịch sử. Tự trong lòng nó từ bao đời nay là cả những câu chuyện huyền thoại không ai dễ gì quên, nơi uy nghiêm, linh thiêng chứa chan niềm hi vọng người đến nguyện cầu, nơi có những câu chuyện về Rùa Vàng, Gươm Thần giúp dân trừ giặc. Nơi trầm mặc, nên thơ hữu tình thiên nhiên gợi nhớ. Nơi mà bây giờ “níu” bước chân người đi nôn nao “nhớ chốn này”.  Ý thơ hay, và hai  từ “níu bước”ở đây cũng được xem là thi nhãn. Hà Nội là Thủ đô trọng khách, quý người và du khách về đây ai cũng lưu luyến chẳng muốn rời chân.
Toàn bộ bài thơ lay động tâm tình, nhẹ nhàng thanh thoát, như nhịp sống nên thơ quyến rũ. Giá trị ấy đã cho ta hình dung ra được THU HỒ GƯƠM đã thực sự đi vào tình yêu nỗi nhớ của tác giả với mùa thu Hà Nội.

Dòng thời gian - Bui Nguyet



Dòng thời gian

Bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông
Cây thay màu áo theo dòng thời gian
Heo may gọi nắng nồng nàn
Lá hòa vào đất ngấm tràn nuôi thân.


Bui Nguyet

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10




NÉT ĐÔNG PHƯƠNG
(Chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10)


Trời Âu trắng tuyết lại mờ sương
Chúc chị em mình chẳng nhạt hương
Vẫn rạng nụ cười tươi vẻ đẹp
Cứ êm lời nói đượm tình thương
Đảm đang tháo vát trong công việc
Năng động tự tin chốn học đường
Hạnh phúc tình yêu luôn thắm mãi
Dịu dàng duyên dáng nét Đông phương.


Bùi Nguyệt. Chemnitz.

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Bóng mẹ - Bùi Nguyêt

 Ky niem 60 nam ngày  giải phóng Thủ Đô


Mùa thu đã về ở nơi đây. Những đợt gió hanh hao se lạnh càng làm ta nôn nao nhớ về Hà Nội. Những chiếc lá vàng lại bay theo vòng quay của bánh xe thời gian.
Những tấm lưng thon trong tà áo dài thướt tha, những nụ cười rạng rỡ của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ Đô ngày ấy; giờ đây chỉ còn đọng lại trong ký ức của bao người con Hà Nội nói riêng và trong lòng người xa xứ nói chung..
Vào những ngày này hình ảnh của mẹ lại hiện về với bao vất vả khó khăn mà mẹ đã phả
i gánh.
-------------

Bóng mẹ


Nhớ Hà Nội bước vào thu
Mẹ đưa hương cốm lãng du phố dài
Dâp dềnh quang gánh trên vai
Tiếng rao nhuộm ánh ban mai trên đường


Hà Nội ba sáu phố phường
Cốm làng Vòng đã tỏa hương từng nhà
Những con đường mẹ đi qua
Gập ghềnh trăn trở xót xa trong lòng


Nghĩ về mẹ lệ tuôn ròng
Khổ đau vất vả long đong nuôi mình
Bao nhiêu nặng nghĩa sâu tình
Ướp trong đáy mắt bóng hình mẹ ơi.
Bùi Nguyêt.

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

HÀ NỘI TRONG TÔI - Thơ: Bùi Nguyệt



 HÀ NỘI TRONG TÔI

Hà Nội đó là những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ, tuổi học trò và tuổi trẻ của tôi. Đã bao năm sống xa Hà Nội như những ngày hè rộn rã tiếng ve kêu gọi hoa phượng nở,
những chiều thu se lạnh đượm nồng hoa sữa. Tháp Rùa giữa Hồ Gươm xanh biếc cùng bưu điện Thành phố nơi mà những người ở gần, ở xa có dịp đến Hà Nội không thể không ghé thăm.
Nhất là ở nơi đây, khi ta ở xa nơi đất mẹ thì những tình cảm và nỗi nhớ lại dậy lên trong lòng những người xa xứ luôn đau đáu hướng về Hà Nội.Tôi xin được gửi gắm những tình cảm của mình vào bài thơ:
---------------
HÀ NỘI TRONG TÔI


Hà Nội ơi! Ba sáu phố xưa
Chẳng phai mờ từng ngõ, phố nhỏ
Tóc xõa vai áo dài tha thướt
Lắng đọng trong lòng ở xứ xa


Chạnh lòng nhớ lại những thu qua
Ngập tràn hạnh phúc đẹp như hoa
Đêm đêm dạo gót trong thơ mộng
Cổ Ngư ơi! Lộng gió Tây Hồ 


Tà áo nắng gợn sóngThiền Quang
Phố Nguyễn Du hoa sữa nồng nàn
Quyện mái tóc bay chiều Thu lạnh
Âu yếm vai em tấm áo choàng


Đào Nhật Tân gọi nắng xuân sang
Nép bên nhau trao nụ hôn đầu
Nón chao nghiêng má hồng thắm đỏ
Vẫn ấm nồng trong nỗi nhớ mênh mang 


Bùi Nguyệt - Chemnitz

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

CAM XUC THANG MUOI




CAM XUC THANG MUOI
------------------
VĂN QUÁN THU
Tăng: Văn Quán - TP Leipzig, CHLB Duc


Nu cười ánh mắt sáng long lanh
Nghệ thuật muôn màu dệt bức tranh
Đắm đuối vòng xoay bừng nét mới
Ngot ngào tiếng hát dậy trăng thanh
Lời thơ khắc họa trang đời đẹp
Vũ điệu trào dâng nhip sống lành
Văn Quán tưng bừng vui dạ hội
Tinh thu lay động khoảng trời xanh.


Bui Nguyet, Chemnitz


                                          Bai tho tang CLB Van Quan - Liepzig


Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

THẮP SÁNG NIỀM TIN Họa “Mừng năm học mới” - Bui Nguyet



THẮP SÁNG NIỀM TIN
Họa “Mừng năm học mới”

Nơi đây nhớ cả tiếng sầu ve
Vùn vụt thời gian đã hết hè
Đàn cháu thi đua chăm chỉ học
Các thầy giảng dạy mải mê nghe
Nâng cao kiến thức ngời văn hóa
Giữ trọn hồn quê đẹp nếp lề
Thắp sáng niềm tin vào lớp trẻ
Ngày mai măng lớn toại lòng tre.
Bùi Nguyệt
------------------
MỪNG NĂM HỌC MỚI

Lả cánh sen hồng chững giọng ve
Dần trôi kỷ niệm sắp qua hè
Tưng bừng ngõ xóm mây ngừng gợn
Rộn rã sân trường gió thoảng nghe
Chúng bạn vui lòng trao gửi nghĩa
Thầy cô vững dạ đắp vun lề
Chào năm học mới cùng nhen lửa
Những lứa măng mầm hẳn vượt tre.
Nắng Xuân
--------------------


CẢM TÁC
NGÀY KHAI TRƯỜNG
 
Chemnittz nơi này thiếu tiếng ve
Nôn nao nhớ phượng đỏ trưa hè
Đàn con phấn khởi say sưa học
Ánh mắt rạng ngời chăm chú nghe
Bục giảng mở mang giàu kiến thức
Lương tâm soi sáng đẹp khuôn lề
Khai trường ấp ủ niềm hy vọng
Măng lớn sau này phủ ấm tre.
Bùi Nguyệt

CẢM XÚC THU - Bui Nguyet

                                  Anh The Sáng, Berlin
CẢM XÚC THU

Nắng hanh hao ẩn mình trong sắc lá
Nỗi cô đơn trong gió xé chiều tà
Ngược thời gian lục tìm trong kỷ niệm
Không gian gần ấp ủ giấc mơ xa

Bao bon chen giữa dòng đời hối hả
Thời gian trôi thấm đẫm sắc thu vàng
Màu hoàng hôn trên mái đầu dần ngả
Thả nỗi buồn theo ngọn gió lang thang.


Bùi Nguyệt