Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2015




CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2015

Chào đón Xuân về rộn tiếng ca
Vui mừng Năm mới bạn gần xa
Hòa chung tiếng pháo ta cùng chúc
Vượng tài lộc phát đẹp phong gia


Cuộc sống an lành tràn hạnh phúc
Cây đời tươi thắm nở thêm hoa
Cộng đồng Người Việt trên nước Đức
Âm áp tình quê một mái nhà


Nào! Hãy cụng ly chúc mừng nhau
Công thành danh toại dưới trời Âu
Vòng tay nồng ấm trong vũ điệu
Khúc nhạc lời thơ đượm sắc màu.


Bùi Nguyệt, Chemnitz.

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

KHI TUYẾT RƠI




KHI TUYẾT RƠI 

Trắng xóa mênh mang phủ khắp đồi
Bốn bề mù mịt tuyết đang rơi
Xe ta chuyển bánh leo đường núi

Ánh mắt nhìn ra dõi khoảng trời
Nắm vững vô lăng càng chắc chắn
Nâng cao ý chí chẳng chơi vơi
Gíá băng giăng kín mờ hoang lạnh
Nương mấy vần thơ sưởi ấm đời.


Bùi Nguyệt
Chemnitz 29 .12 .2014
.

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Một hồn thơ da diết thương nhớ quê hương


http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/558903/mot-hon-tho-da-diet-thuong-nho-que-huong

Một hồn thơ da diết thương nhớ quê hương

Thứ Hai 07:23 10/09/2012
(HNM) - Không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng đến nay nữ tác giả Bùi Nguyệt, thành viên Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz (Đức) đã sáng tác hàng trăm bài thơ. Dịp trở về Hà Nội mới đây, Bùi Nguyệt đã cho ra mắt bạn đọc Thủ đô hai tập thơ đầu tay mang tên “Hồn núi” và “Bến xa” với hơn 100 bài thơ chọn lọc, đều do NXB Hội Nhà văn Việt Nam phát hành. 


Tác giả Bùi Nguyệt (giữa) trong buổi ra mắt hai tập thơ ở Hà Nội.
Chia sẻ về “con đường thơ” của mình, Bùi Nguyệt cho biết, cuộc sống tha hương ở Đức 25 năm qua đã dạy cho tác giả nhiều bài học về thế giới quan, nhân sinh quan. “Tôi thực sự hiểu được cái khao khát tình quê hương, cái trăn trở và cả những mâu thuẫn nội tâm của những người Việt đang sống ở nước ngoài. Ở xứ người, chúng tôi không rách áo, không đói cơm nhưng quả thật là đói tình. Đó là tình cảm gia đình, tình quê hương đất nước. Chúng tôi thèm nghe từ tiếng gà gáy sáng đến tiếng gọi nhau chòm xóm láng giềng, tiếng rao ngày đêm của những người buôn thúng bán bưng, khao khát mọi âm thanh, hình ảnh của quê hương, đất nước mình. Từ những nỗi nhớ thương da diết ấy mà dậy sóng trong lòng và trái tim cất tiếng. Những tiếng ấy người ta vẫn gọi là thơ. Thơ đã trở thành người bạn đồng hành, tri âm tri kỷ của tôi” - Bùi Nguyệt bộc bạch.

Là thành viên Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz, những năm qua nhà thơ không chuyên Bùi Nguyệt đã cùng các thành viên trong hội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, sinh hoạt thơ… để góp phần giữ gìn và quảng bá tiếng Việt ở Đức. Chị cho biết, dù ở xa Tổ quốc nhưng cộng đồng người Việt ở TP Chemnitz nói riêng, ở Đức nói chung luôn theo dõi những thông tin về mọi mặt đời sống của đất nước. “Các thế hệ người Việt Nam thứ 2, thứ 3 ở Chemnitz đều nói được tiếng Việt, vì chúng tôi tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu. Vào những ngày lễ lớn của dân tộc, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức thường tổ chức những buổi gặp mặt thân tình để bà con kiều bào tụ họp, nói chuyện về văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam”.

Với trải nghiệm 25 năm sinh sống tại Đức, qua 2 tác phẩm “Hồn núi” và “ Bến xa”, Bùi Nguyệt đã đưa người yêu thơ đến những bến bờ quê hương thật gần gặn nhưng cũng thật xa vời với những người con xa xứ. Cảm nhận khi đọc hai tác phẩm thơ chan chứa tình người, tình quê hương của Bùi Nguyệt, Hội trưởng Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz Nguyễn Thế Tuyền cho rằng: “Thơ Bùi Nguyệt có nhiều mảng đề tài nhưng nổi bật nhất vẫn là tấm lòng hướng về cố quốc, tình cảm với mẹ cha và con mà chị dành tất cả thương nhớ, hy sinh và hy vọng. Những ngày đầu, còn mang dáng dấp những dòng nhật ký riêng tư thì càng về sau thơ của chị càng tinh tế hơn, tạo ra một không gian đa chiều và một thời gian rộng mở”.

Cảm nhận về hai tập thơ đầu tay của Bùi Nguyệt, nhà thơ Đỗ Hàn - Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Có thể nói Bến xa là bản tình ca xuyên lục địa, là tiếng hát cất lên từ trái tim dào dạt yêu thương của người phụ nữ tha hương trong cuộc sống mưu sinh nuôi con khôn lớn trưởng thành. Còn trong Hồn núi toát lên tính nhân văn đậm nét. Đó là những đoản khúc yêu thương về quê hương đã vượt qua cả các đại dương rộng lớn.
Bài và ảnh: Đình Hiệp
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/558903/mot-hon-tho-da-diet-thuong-nho-que-huong
Theo nguon HanoiMoi


Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Nhớ em - Bùi Nguyệt



Nhớ em

Một năm em đã đi xa
Bóng hình em vẫn diết da cõi lòng
Nhớ em môi thắm má hông

 Gặp em trong giấc mơ hồng lãng du

 Tỉnh rồi chỉ thấy sương mù
Chập chờn cả ánh trăng lu đêm buồn 
Đầm đìa gối suối lệ tuôn
Kỷ niệm xưa chị vẫn luôn nhớ về

Đượm nồng hơi ấm tình quê
Sẻ chia những lúc tái tê cõi lòng
Tàn thu khắc khoải vào đông
Gió đừng thổi nữa lạnh lòng lá rơi

Bây giờ cách biệt đôi nơi
Đường trần em vắng chơi vơi chốn này
Thấu tình trời đổ tuyết bay
Càng thêm buốt giá chuỗi ngày nhớ em.

Bùi Nguyệt

------------




KHÓC EM 
(Kính viếng hương hồn Nguyễn Thị Hằng Nga)
Còn đâu em nữa em ơi!
Hoang tàn gió hú giọt rơi ngắn dài
Vẳng nghe tiếng vọng bên tai
"Chị yêu ở lại ngày mai em về..."

Trong cơn giá lạnh buốt tê
Giật mình thoảng thốt thật mê đâu rồi?
Lẩn trong đêm tối vợi vời
Âm u vọng lại những lời yêu thương
"Chị ơi! chớ có vấn vương
Gập ghềnh phía trước bước đường còn xa"

Em đi để lại trong ta
Niềm thương nỗi nhớ diết da dâng trào
Long lanh ánh mắt ngày nào
Mênh mang sâu thẳm biết bao ân tình
Sương mờ mịt, nắng lung linh
Cà phê khói tỏa chúng mình có nhau
Nụ cười em dưới trời Âu
Truyền sang cho chị đêm thâu ấm lòng
Cuộc đời gạn đục khơi trong
Vắt trong miền nhớ long đong tháng ngày
Màn sương giăng mắc đắng cay
Tình thương đắp đổi những ngày bão dông

Mà nay cắt ruột đau lòng
Em đi về cõi mênh mông đất trời
Thơ hòa trong nước mắt rơi
Cầu mong em được về nơi Niết Bàn.
Bùi Nguyệt, Chemnitz

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

NỐI HUYỀN VI - Bùi Nguyệt

                                                  Anh: Minh Hai, Chemnitz

NỐI HUYỀN VI

Mùa này năm ấy mãi còn ghi
Viễn xứ trời Tây chẳng quản gì
Tuyết phủ mênh mang theo gió thổi
Sương sa mờ mịt đuổi xuân đi
Gói bao kỷ niệm tình xa cách
Nhớ những ngày đầu buổi biệt ly
Lữ khách tha hương lòng trống trải
Tìm về sâu thẳm nối huyền vi.


Bùi Nguyệt

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Bùi Nguyệt bình bài thơ Chia tay mùa thu

 Bùi Nguyệt bình bài thơ Chia tay mùa thu của Phúc Nguyễn, Chemnitz


    Mùa thu là đề tài khá quen thuộc trong thơ ca. Song, trong “mắt thơ” của mỗi tác giả nó lại hiện hữu những đường nét, cảnh sắc khác nhau tùy vào tâm trạng của thi nhân. ... Còn tác giả Phúc Nguyễn lại thấy cả trời thu nằm trong đáy mắt em, dịu dàng say đắm.Thu và em, hai thực thể một mối tình luôn hòa lẫn vào nhau, biến thiên theo từng cung bậc của cảm xúc tình yêu: "Anh vẫn biết trời thu đẹp lắm  Thăm thẳm xanh trong đáy mắt em xanh"   

 


                                               Anh: Minh Hai, Chemnitz
    

Chia tay mùa thu


Anh vẫn biết trời thu đẹp lắm
Thăm thẳm xanh trong đáy mắt em xanh
Em đã hóa vào thu thành dịu ngọt
Lời trao anh như trái chín trên cành

Em tha thướt thu càng thêm say đắm
Tóc em bay cho gió gửi hương trời
Chân em bước trên sắc vàng lối mộng
Gót sen hồng buông những dấu son rơi

Chia tay em- chia tay em mùa thu
Anh mang theo nồng nàn nỗi nhớ
Trời thì xanh mà mắt em lệ vỡ
Nắng nhạt nhòa cây lá cũng rưng rưng

Chia tay em- chia tay em tình thu
Chia tay hoàng hôn chiều mong tím lá
Vời vợi nhớ thương câu ca em thả
Nửa vầng trăng khuyết một câu thề

Chia tay em tình thu đam mê
Anh đơn chiếc thân tàn cây trụi lá
Đông sẽ tới tuyết rơi đầy mọi ngả
Hồn giá băng tình thu đã đi rồi.


Phúc Nguyễn, Chemnitz
--------------

LỜI BÌNH CỦA Bùi Nguyệt 
 
Mùa thu là đề tài khá quen thuộc trong thơ ca. Song, trong „mắt thơ“ của mỗi tác giả nó lại hiện hữu những đường nét, cảnh sắc khác nhau tùy vào tâm trạng của thi nhân.

Nhà thơ Xuân Quỳnh thì thấy:

Mùa Thu đi cùng lá

Mùa Thu ra biển cả

Theo dòng nước mêng mông

Mùa Thu vào hoa cúc...

Còn tác giả Phúc Nguyễn lại thấy cả trời thu nằm trong đáy mắt em, dịu dàng say đắm.Thu và em, hai thực thể một mối tình luôn hòa lẫn vào nhau, biến thiên theo từng cung bậc của cảm xúc tình yêu.

Anh vẫn biết trời thu đẹp lắm

Thăm thẳm xanh trong đáy mắt em xanh

Trời thu trong xanh vời vợi, nhưng đây đâu phải “Tức cảnh sinh tình“ mà chính vẻ đẹp từ đôi mắt em qua cái tình của anh đã kéo cả trời xanh thăm thẳm hiện vào. Điệp từ“ xanh“ được tác giả sử dụng khá tuyệt vời. Bầu trời xanh, mắt em xanh, giao thoa, hòa quyện tôn thêm vẻ đẹp cho nhau.  Em là thu hay chính thu đã hóa vào em, để em thành dịu ngọt như trái chín trên cành:

Em đã hóa vào thu thành dịu ngọt

Lời yêu anh như trái chín trên cành

Em là bầu trời của anh, mùa thu của riêng anh. Hình tượng thơ cũng bắt đầu được khơi sâu và mở rộng. đây ta thấy sự chuyển đổi cảm giác khá bất ngờ, qua các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, tác giả đã cảm nhận mùa thu bằng cả vị giác, thẩm thấu lời em trao như trái ngọt trên cành. Hình ảnh“ trái chín trên cành“ là hình ảnh đẹp, làm câu thơ trở nên đa nghĩa. Nó gợi cho chúng ta nhiều sự liên tưởng đến hương vị ngọt ngào của lời nói, nụ hôn của tình yêu dâng hiến. Phải chăng đó là thứ men say làm ngây ngất tâm hồn thi sỹ đang đắm chìm trong sắc thể hình ảnh của người đẹp.

Em tha thướt thu càng thêm say đắm

Tóc em bay cho gió gửi hương trời

Chân em bước trên sắc vàng lối mộng

Gót sen hồng buông những dấu son rơi

Bốn câu thơ trên là một bức tranh được tác giả vẽ bằng ngôn ngữ của thi ca: Trước mắt ta, có giai nhân dáng kiều tha thướt, buông gót chân son trên thảm lá vàng đi vào cõi mộng. Hương thu dịu ngọt từ mái tóc em bay bay trong cảnh trời thu như thực như mơ.

Thế mà, thật khó có thể ngờ mối tình say mê, đằm thắm, ngọt ngào ấy lại có ngày phải chia tay

Chia tay em, chia tay em mùa thu

Anh mang theo nồng nàn nỗi nhớ

Trời thì xanh mà mắt em lệ vỡ

Nắng nhạt nhòa cây lá cũng rưng rưng

Chia tay mùa thu, đành rằng, đấy là quy luât bốn mùa thay đổi của đất trời, vạn vật. Gió lạnh tràn về, lá vàng run rẩy níu cành. Thi nhân bâng khuâng tiếc nuối cảnh thu, hơn thế còn xót xa ôm theo hình em lệ vỡ mi tràn. Từ “lệ vỡ“ được dùng khá đắt, khi đọc lên ta cảm nhận được nỗi đau tột cùng của sự chia tay, đến nắng cũng phải nhạt nhòa, cây  cũng phải rưng rưng.

Ở hai khổ thơ trên từ ngữ lung linh huyền diệu, thì những khổ thơ dưới lại ảm đạm âu sầu. Bầu trời và em cũng trở nên đối lập. Trời thì xanh, nắng lại nhạt nhòa, mắt em lệ vỡ, lòng anh mang nồng nàn nỗi nhớ trong cảnh tình“ Chia tay em chia tay em tình thu“. Em thì nước mắt chảy ra ngoài, anh thì nước mắt chảy vào trong. Thật đau lòng! Đúng là:

Thà rằng chẳng biết cho xong

Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu.

Đau lòng lắm chứ! Luyến tiếc lắm chứ. Mối tình đẹp đẽ, đằm thắm, ngọt ngào thế cơ mà.

Chia tay em, chia tay  tình thu

Chia tay hoàng hôn chiều mong tím lá

Mùa thu“ hay“ hoàng hôn“ đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng cho tuổi mãn chiều xế bóng, nhưng với câu thơ trên lại đa nghĩa. Có thể đây là một mối tình khi đã ở phía bên kia con dốc của cuộc đời. Vì tình yêu thì làm gì có tuổi! “Xế chiều mái tóc bình minh tâm hồn“. Mà cũng có thể chỉ là hiện thực của bao buổi chiều em mong anh, em đợi anh đến hoàng hôn tắt nắng. Em khao khát gặp anh, chỉ còn biết gửi nỗi nhớ thương anh thả vào trong từng câu hát:

Vời vợi nhớ thương câu ca em thả

Nửa vng trăng khuyết một câu thề

Nửa vầng trăng“ cũng là hình ảnh ẩn dụ của hạnh phúc không trọn vẹn. Đã “nửa vầng trăng“ lại “khuyết một câu thề“, câu thơ chơi vơi, thêm một lần nữa đẩy giai nhân vào cõi nhớ thương vô vọng.

Chính vì thế phải chia tay em đã bị nỗi nhớ nhung, trăn trở dày vò. Lòng anh tái tê, người lệ vỡ, kẻ thân tàn. Chia tay em anh thành lẻ loi đơn chiếc, tâm hồn băng giá như cây trụi lá, trơ cành trong tuyết phủ lúc đông sang:

Chia tay em tình thu đam mê

Anh đơn chiếc thân tàn cây trụi lá

Đông sẽ tới tuyết rơi đầy mọi ngả

Hồn giá băng tình thu đã đi rồi.

Những câu thơ đọc lên thẳm sâu nỗi buồn đau, nhưng không hề có một lời oán thán, trách than, nó như điệu nhạc buồn chảy bằng ngôn ngữ của tình yêu lãng mạn, tuyệt đẹp, bị cắt ngang bởi số phận éo le như là định mệnh, cũng như thu tàn là điều không thể khác của quy luật bốn mùa.

Tác giả rất khéo sử dụng các hình ảnh, từ ngữ trong toàn bài, đặc biệt mối tình được lồng trong bối cảnh mùa thu, tình em và tình thu hòa quyện lung linh thật đẹp, thật đam mê. Vẫn biết rằng thu đến rồi thu sẽ đi, nhưng “Chia tay mùa thu“ vẫn để lại trong lòng bạn đọc một nỗi buồn sâu thẳm mênh mang.
Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức
--------------

  

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

TÂM SỰ CÙNG TRĂNG - Bui Nguyet



TÂM SỰ CÙNG TRĂNG
(Hoa “ Đêm trăng” Ngũ độ thanh, bát vận đồng âm)


Trời khuya mặc gió ở ngoài song
Mượn bút cùng trăng tỏ nỗi lòng
Lạnh lẽo đêm dài mê mải ngóng
Mơ màng cảnh vắng thẫn thờ trông
Người xưa vẫn thắm thời thơ mộng
Ảnh cũ còn tươi nét đượm hồng
Ủ mãi tình quê niềm khát vọng
Tâm hồn Viễn xứ rạng vừng đông.

Bùi Nguyêt.
----------------

ĐÊM TRẮNG
(Ngũ độ thanh, bát vận đồng âm)


Lạnh lẽo khuya nằm gió thoảng song
Niềm riêng mãi ủ thấy thương lòng.
Hoa vừng thả chuỗi đương nồng ngóng
Bóng nguyệt xoay mình vẫn tỏ trông.
Đã hiểu phương trời xa lắm mộng
Còn đau giấc điệp cũ chưa hồng.
Nhà bên trẻ khóc lời ru vọng
Ửng sắc... đêm tàn sẽ rạng đông.

03/12/2014…tbc…

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

NƯƠNG VỚI VẦN THƠ - Bùi Nguyệt



NƯƠNG VỚI VẦN THƠ

Lại một mùa đông thấy chán phèo
Trên đầu mái tóc điểm sương đeo
Vòng vèo phố Núi cây
chào đón
Khúc khuỷu đồi thông tuyết bám theo
Hàng bán càng ngày càng vắng vẻ
Khách mua mỗi lúc mỗi lèo tèo
Nỗi buồn nương với vần thơ vậy
Viễn xứ nơi này vẫn phải neo.


Chemnitz - đông 6 - 12 -2014
Bùi Nguyệt

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

BINH THO - Bui Nguyet





Đôi dòng cảm nhận về bài thơ Mùa đi của Thế Sáng

Ý kiến của bạn
Đọc bài thơ “Mùa đi“ của Thế Sáng, ta bắt gặp tâm trạng hoài niệm trong bài thơ tình, khá lãng mạn.


Ảnh: Thế Sáng (Berlin)
Theo quy luật của vũ trụ, mùa đến rồi đi, Hạ qua thì Thu tới. Bốn mùa thay đổi: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trong bốn mùa ấy, có lẽ mùa Thu buồn hơn cả nên tác giả mới buồn khi mùa Hạ qua mau. Buồn nhưng không ủy mị, nuối tiếc nhưng không kêu gào, thất vọng nhưng không oán trách, không giận hờn ai, chỉ tiếc thôi! Tiếc nuối một mùa đã qua và một bóng hình nào đó ẩn hiện trong hình bóng của quê hương có tiếng cuốc gọi Hè và những tiếng ve ngân vang dưới  nắng vàng rực rỡ. Phải chăng, đó là  bóng hình một người con gái, tâm điểm của sự nhớ nhung tiếc nuối trong cảnh tình:
Mùa vừa về... lại lặng lẽ ra đi
Lòng chưa ấm đã trở thành quá khứ!
Đã vụt tắt khi tình vừa bén lửa
Chưa kịp say, đã cạn hết mùa rồi.
Thời gian thì trôi nhanh, mối tình thì chớm nở. Chao ôi! Vừa chớm nở có lẽ đã thành dang dở như mùa Hè vừa mới về đã lặng lẽ ra đi.
Hình ảnh của mùa Hè được tác giả đưa vào thơ mà chỉ có ai đã từng ở quê mới ngấm hết điều đó. Bài thơ được viết ở nơi xa xứ - ở Berlin xa quê vạn dặm… những câu thơ cứ cứa vào nỗi nhớ quê, nơi đó ta đã một thời từng đội nắng đội mưa.
Ai cũng biết mùa Hè mang lại hơi ấm cho mọi người trên xứ tuyết. Đối với cộng đồng người Việt, nó còn là hơi ấm của quê hương rực rỡ nắng vàng, nét đặc trưng của Việt Nam yêu quý. Mà ở đây, mùa Hè lại vô cùng ngắn ngủi, vừa chợt đến đã qua mau làm tác giả nuối tiếc, nhớ nhung hơi ấm của thiên nhiên như hơi ấm tình yêu vừa mới bừng lên đã vụt tắt, làm hẫng hụt như mất đi một nửa hương vị cuộc đời. Sự mất mát ấy càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhung, khát khao, luyến tiếc. Tác giả càng muốn quên thì lại càng thêm nhớ. Câu thơ đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, cụ thể hóa cái trừu tượng qua hình ảnh "cài then", làm cho câu thơ có sức gợi tả, gợi cảm, gây được ấn tượng cho bạn đọc.
Trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của cố thi sỹ Huy Cận cũng sử dụng hình ảnh “cài then”  để ví ngầm cánh cửa của biển đêm:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
Còn Thế Sáng thì ví ngầm cánh cửa tình yêu. Tôi nghĩ thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ này, vừa là kế thừa, vừa là sáng nét tư duy sáng tạo. Cánh cửa ấy vừa mới mở ra đã khép lại. Khép lại nhưng không cài then bởi còn da diết nhớ nhung.
Cửa vẫn ngỏ để đón mùa nắng tới
Mùa qua rồi! Một nửa còn trông đợi
Muốn cài then nhung nhớ chẳng cho cài
Bài thơ mở ra trong niềm tin yêu hy vọng:
Mùa sẽ về, tôi nhủ lòng tôi mãi
Chờ đợi thôi, năm tới đón Hè về!
Đón Hè về hay đón hơi ấm của tình yêu vừa chớm nở đang ở phía chân trời vời vợi xa xôi? Câu thơ mang nhiều tầng ý nghĩa, gợi cho chúng ta nhiều sự liên tưởng. Đây cũng là điểm thành công của Thế Sáng trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh.
Tựa đề là “Mùa đi” nhưng lòng người thì níu lại… Có phải thế không tác giả -  người mà có những bài thơ đã chiếm được cảm tình của bạn đọc?

 Bùi Nguyệt, Chemnitz, CHLB Duc


Mùa đi 
Hết Hè rồi nhớ lắm tiếng cuốc kêu
Con ong mật, ngại bay hơn mọi bữa
Cánh chuồn chuồn lại dùng dằng ngưỡng cửa
Tiếng ve sầu ngân mãi bản tình si
Mùa vừa về... lại lặng lẽ ra đi
Lòng chưa ấm đã trở thành quá khứ
Đã vụt tắt khi tình vừa bén lửa
Chưa kịp say, đã cạn hết mùa rồi…
Nắng mới bừng đã vội tắt, Hè ơi!
Cửa vẫn ngỏ để đón mùa nắng tới
Mùa qua rồi! Một nửa còn trông đợi
Muốn cài then nhung nhớ chẳng cho cài
Mùa này đi, mùa khác đến mốt mai?
Sợi nắng bện cho chúng mình gần lại
Mùa sẽ về, tôi nhủ lòng tôi mãi
Chờ đợi thôi, năm tới đón Hè về!

Berlin cuối Hạ 2014
Thế Sán
g
Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức 

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Hội chợ Noel Chemnitz 2014.


                                                         Hội chợ Noel Chemnitz 2014.

Không khí Noel khắp mọi nhà
Lung linh đèn nến kết thành hoa
Thông xanh vu vút ngân trong gió
Dậy sóng trong lòng nhớ bạn xa.


Bùi Nguyệt
Chợ Noel Chemnitz 2014
.