Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

NỐI NHỊP THI CA



NỐI NHỊP THI CA

Về đây hội tụ nối vòng tay
Tiếng hát lời thơ chắp cánh bay
Rạng rỡ nụ cười tươi vẻ đẹp
Long lanh ánh mắt đượm tình say
Lan truyền sắc thái từ phương ấy
Gắn kết tinh hoa tới xứ này
Nghệ thuật muôn màu theo mạch cảm
Hoà vào nhịp sống dưới trời Tây.


Bùi Nguyệt - Chemnitz

TIẾNG VỌNG




TIẾNG VỌNG
( Bát láy)


Bảng lảng làn mây gợi lãng du
Lang thang ngọn gió cõng sương mù
Rừng phong rưng rức đang thay lá
Mặt nước mơ màng cũng đón thu
Thục nữ thẫn thờ nơi điểm hẹn
Thi nhân xao xuyến dưới trăng lu
Chợt nghe văng vẳng trong lòng đất
Tiếng vọng thì thầm giữa thực hư.


Bùi Nguyệt - Chemnitz

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

GIỌT SƯƠNG THU



GIỌT SƯƠNG THU

Ửng đỏ rừng phong nhuộm nắng mai
Thu vàng rưng rức gợi tình ai
Ven hồ dạo gót nhìn mây nước
Trong cảnh hoạ thơ ngắm tượng đài
Mùa đến cồn cào bao nỗi nhớ
Ngày qua trăn trở những đêm dài
Giọt sương làm mực ghi vào lá
Nơi ấy gửi về hẹn sánh vai.


Bùi Nguyệt - Chemnitz
 --------
  


GIỌT SƯƠNG THU 

Rừng phong ửng đỏ dưới ban mai
Rưng rức thu vàng gợi bóng ai
Dạo gót ven hồ người lữ thứ 
Hòa thơ trong cảnh khách trang đài
Cồn cào thu đến bao mùa nhớ 
Trăn trở ngày qua những tháng dài
Hái lá chấm sương làm mực viết 
Gửi về nơi ấy nét liêu trai.

Bùi Nguyệt – Chemnitz

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

NHỚ HÀ NỘI





NHỚ HÀ NỘI

Chiếu rời đô Vua Lý truyền ban
Dựng Thăng Long ngàn năm văn hiến
Nắng Ba Đình rợp cờ Hà Nội
Bản Tuyên ngôn lời Bác mãi vang


Trao kiếm Thần Vua Lê đuổi giặc
Rùa Vàng ngậm nước biếc Hồ Gươm
Cầu Thê Húc long lanh soi bóng
Sóng vờn lay Liễu rủ mặt hồ


Năm Cửa Ô cổng chào rộng mở
Đoàn quân về giải phóng Thủ Đô
Nước mắt rơi mừng ngày Độc lập
Chợ Đồng Xuân tấp nập Hàng Đào


Đường Cổ Ngư Tây hồ gió lộng
Nép bên nhau đón nụ hôn nồng
Nón chao nghiêng má hồng thắm đỏ
Đào Nhật Tân đón nắng xuân sang



Hàng cây xanh soi bóng Thiền Quang
Phố Nguyễn Du hoa Sữa nồng nàn
Quyện mái tóc bay chiều thu lạnh
Tiếng còi tàu lưu luyến vào Nam


Vẫn còn đây Ba sáu phố xưa
Chẳng phai mờ từng ngõ, phố nhỏ
Tóc xõa vai áo dài tha thướt
Lắng đọng lòng ai nét mượt mà./.


Bùi Nguyệt - Chemnitz
---
Bài viết về Nghìn năm Thăng Long Hà nội do Đài phát thanh truyền hình Hà Nội tổ chức 10/ 10/ 2010

-----------


https://www.youtube.com/watch?v=CtMD0ZP5Uxg

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

TRÊN GA XÉP



TRÊN GA XÉP

Sương đã dần buông ngập bến sông
Tiếng chuông bẻ gió lặng thinh không
Khuất dần điểm hẹn người chờ đón
Xích lại con tàu đứng ngóng trông
Đã trải bao mùa xa khắc khoải
Vẫn còn năm tháng nhớ mênh mông
Thương ai đổ bóng trên ga xép
Bến đợi cuối chiều mỏi mắt mong.


Bùi Nguyệt – Chemnitz
------------
TRĂNG TRÊN SÔNG
( Họa “ Trên ga xép”)


Bóng nguyệt long lanh hiện dưới sông
Cùng muôn tinh tú ngự tầng không
Mơ màng ngư phủ neo thuyền đậu
Thơ thẩn thi nhân dõi mắt trông
Bát ngát chân mây sầu lẳng lặng
Âm thầm mặt nước nhớ mênh mông
Ngược dòng ký ức ôm hoài niệm
Biết đến bao giờ thỏa ước mong?


Hoàng Tấn Đạt

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

VIẾT CHO CON - Thơ Bùi Nguyệt - Lời bình của Nhà thơ Đinh Nam Khương



TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ ĐINH NAM KHƯƠNG - HỘI NHÀ VĂN VN

 Nhà thơ Đinh Nam Khương, sinh năm 1948, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã từ trần ngày 26 tháng 09 năm 2018 tại quê nhà thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ nay là Hà Nội
 Xin cúi đầu vĩnh biệt ông.
Tưởng nhớ ông, tôi xin đăng lại bài bình thơ của ông.

 ----------
VIẾT CHO CON
Thơ Bùi Nguyệt - Lời bình của Nhà thơ Đinh Nam Khương


Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm: Mẹ ơi
Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu


Bao mùa lá đã thay màu
Ôm con thổn thức nhịp cầu giấc mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương


Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con.,.


Bùi Nguyệt - Chemnitz, CHLBđức
------
HÒA THƠ VÀO NƯỚC MẮT - LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ ĐINH NAM KHƯƠNG


Từ xưa tới nay, trên thi đàn thơ ca Việt Nam và thế giới, mỗi nhà thơ thường có một số bài thơ làm rung động trái tim người đọc và tỏa sáng tới mai sau. Hầu hêt những bài thơ ấy đều là những bài thơ viết về mẹ, về con nhất là những trường hợp xa cách, thương nhớ đến mòn mỏi! Vì những bài thơ ấy không phải viết ra bằng văn chương chữ nghĩa hào nhoáng; không phải viết ra bằng sự lạnh lùng của trí thông minh; mà nó được viết ra từ trái tim ấm nóng; nhớ thương khắc khoải. Được viết ra trong sự trào dâng cảm xúc từ tấm lòng nhân ái của người viết đối với mẹ hoặc con. Nó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc và chân thành nhất máu thịt nhất. Không hề pha trộn một ít giả dối hoặc vỏ bọc của những ngôn từ sáo rỗng. Đó là những bài thơ thương thật! Nhớ mong thật! Sung sướng và khổ đau thật! ... Những bài thơ như thế; ngay từ trong cốt lõi của nó đã chứa đựng sự hấp dẫn và thuyết phục. Làm cho người đọc phải ứa lệ !... Bài thơ "Viết cho con" của nhà thơ Bùi Nguyệt người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng không ngoài trường hợp đó …
Tác giả đã chọn thể thơ lục bát- một thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam mang đậm bản sắc độc đáo của người Việt Nam,rất gần gũi với tâm hồn và hơi thở cuộc sống thường ngày của người Việt Nam để miêu tả tình cảm dạt dào của người mẹ đối với đứa con máu thịt của mình sau 25 năm xa cách. Tình cảm đó đã được kìm nén và cô đúc lại trong 12 câu thơ lục bát ngắn gọn với ngôn ngữ giản dị, trong sáng mà ta vừa tìm thấy trên đỉnh núi cao của văn chương chữ nghĩa chứ không phải là sự nôm na, dông dài. Nó luôn được hiện lên lấp lánh qua những hình tượng kỳ diệu của thi ca với những cảm xúc thẩm mĩ rất đẹp.
Ở phương trời xa lạ, để mưu sinh, để chắp cánh cho con bay đến chân trời mơ ước, 25 năm xa cách, 25 năm "Lá đã thay màu" Không có đêm nào nhà thơ – người mẹ Bùi Nguyệt lại không nghe thấy tiếng con gọi: 

"Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu" 

25 năm nghe tiếng con gọi trong những đêm xa cách ấy; Bùi Nguyệt đã "Hòa nước mắt vào thơ" bên ngọn đèn cô đơn và trước những trang giấy trắng. Để tình cảm của chị bay lên trong sự thăng hoa cùng những vì sao xa xôi nơi phương trời thương nhớ... Cứ thế cảm xúc trong thơ luôn vận động và phát triển đến đỉnh cao trào dâng của tâm hồn .Đó chính là lúc bài thơ đã khép lại và mở ra những cửa sổ lớn của tâm trạng với 4 câu thơ tài hoa hé lộ tài năng và sức sáng tạo của người viết: 

Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con. 

Hai câu thơ cuối cùng đó là sự xuất thần của ngòi bút, nó tỏa sáng và mang lại ý nghia cho toàn bài, nâng nghệ thuật của bài thơ lên một tầng cao mới . Hình tượng mái tóc xanh của mẹ sau 25 năm xa cách và nhớ thương con vô hạn giờ đã trở thành một mái tóc bạc. Mái tóc bạc ấy đã bện thành một cánh võng êm ái để ru bóng con. Vì thân xác của con còn cách mẹ một khoảng trời xa lắc.Lục bát là một thể thơ cũ kĩ đến cổ xưa nhưng dưới ngòi bút của Bùi Nguyệt đã trở nên mới mẻ và độc đáo một cách kì lạ.Tôi thực sự phải nghiêng mình trước hai câu thơ này của chị.
Rất mong chị luôn mạnh khỏe và may may mắn ở phương trời xa lạ để luôn nhớ về tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nơi có mái nhà bình yên của chị, nơi có những giọt máu đào ấm nóng đang nhớ về trái tim thổn thức của chị - một trái tim đa cảm và tràn đầy vẻ đẹp của tâm hồn thi ca Việt Nam.

Nhà thơ Đinh Nam Khương
Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
-----

Theo nguồn TÁC PHẨM MỚI - Đăng ngày 21/ 9/ 2014 http://tacphammoi.net/hoa-tho-vao-nuoc-mat_n1234.aspx

tacphammoi.net