Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

“Thơ là hơi thở, tình yêu và cuộc đời” ( Lý Phương Liên)


                      
Gặp gỡ cuối tuần:
Nhà thơ Lý Phương Liên:
“Thơ là hơi thở, tình yêu và cuộc đời”
Nhật Lê thực hiện


Có những người “trời cho làm thơ”, gieo những câu thơ hay, những chùm thơ hay đi vào lòng người với khả năng thấu thị và tiên cảm mãnh liệt. Và bản thân họ cũng phải “đáp ứng” điều khoản nào đấy của yếu tố nhân định (nói như nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy)  để là người thơ. Lý Phương Liên là một hiện tượng đặc biệt như thế.
16 tuổi chị bắt đầu làm thơ, những câu thơ làm người ta kinh ngạc, vì vượt quá sức chịu đựng của độ tuổi thiếu nữ, nhưng lại vẫn giữ được sự chân thành, ngây thơ, chút  trẻ dại  trong tâm hồn. Những bài thơ đi thẳng vào tim độc giả: “Trò chuyện với Thúy Kiều”, “Ca bình minh”, “Lời ru với anh”, “Tiếng đàn bầu, miền mơ và bà mẹ”, “Trò chuyện với sông Hồng”, “Cội nguồn”…Nhưng trên tất cả, thơ là nghiệp, mà đã là nghiệp thì vận vào người tài hoa như định mệnh.  Đó là khi người con gái tuổi đôi mươi bị bầm dập vì thị phi, bị  “chụp mũ”, bị vu oan giá họa nhờ người khác làm hộ. Không quỳ nhục, không cúi đầu, chị âm thầm rời khỏi đàn thơ, nhẹ tênh như khi người ta tự đưa chị đến. Để rồi chỉ có thơ mới giúp chị đi hết đoạn  đời nhọc nhằn, khổ ải, nghĩ đến đã “toát hết mồ hôi” ấy. Chỉ có thơ mới giúp chị tìm thấy tình yêu “tiền định”, và cũng chỉ có thơ giúp chị cười vui dù cho “kiếp người là một gánh lo hãi hùng”(LPL).



Làm thơ hay nhưng chính bản thân người viết lại hết sức khiêm nhường, cũng không nhận thơ mình đáng được hưởng  những lời khích lệ tràn ngập trên mạng, mà “chỉ là những vần thơ học trò bình thường,  nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may cái hoàn cảnh éo le cay đắng đời mà  xin được nước mắt bạn đọc mà thành thơ” (Lý Phương Liên tự bạch).


Vì sao chị có lời nguyền  từ bỏ thơ, khi thơ của Lý Phương Liên lúc ấy đang là  hiện tượng sôi nổi của văn đàn?


Mỗi lần nghĩ đến quá khứ là đã muốn rơi nước mắt. Khi ấy tôi mới 16 tuổi, mất mẹ (cha đã mất từ lâu), bản thân chưa học hết lớp 7 mà phải lo cho 5 miệng ăn của bầy em nhỏ  và cả chính mình.  “Cò cha, cò mẹ bay đi/ Cò con côi cút lấy gì nuôi nhau” (“Từ lời ru của mẹ”). Thế nhưng, bài thơ dài “Trò chuyện với Thúy Kiều” viết năm 20 tuổi  đã khiến tôi điêu đứng, khổ sở. Bài thơ có những đoạn  mạnh mẽ, tươi sáng, nhưng lại dấy lên dư luận  cho là bôi đen, là  yếm thế trước thời cuộc. Và thế là hàng loạt bài viết “đánh” vào chỗ “yếu” này. Tôi nghĩ, mình không làm điều gì xấu xa, dơ bẩn, nhưng sao người ta lại nghĩ mình xấu xa? Mình lao động lấm lem, vất vả từ bé, nhưng cái tâm trong sáng và hồn nhiên như trẻ thơ, luôn nghĩ đến ngày mai tươi sáng, ngày đất nước thống nhất, nên  không thể hiểu vì sao bị người ta ghét đến thế? Người ta nói làm thơ là nghề nguy hiểm. Mà tôi chỉ là người bình thường,  đâu cần có bài đăng báo, cũng không nghĩ làm thơ để nổi tiếng.Người ta tự đến xin thơ mình để in thôi. Vậy là tôi tiếp tục đời công nhân, tiếp tục làm thêm để nuôi 5 miệng ăn, mà không dám nghĩ đến chuyện làm thơ nữa.


“Hai trăm năm và chảy dài vô hạn/ Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài/ Trái đất chúng mình cho đến hôm nay/ Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi/ Thời gian còn nửa ngày là đêm tối/ Còn đồng tiền đổi trắng thay đen/ Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen/ Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến/ Còn những đất đai triền miên chinh chiến/ Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài…”. Chị có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài “Trò chuyện với Thúy Kiều”- bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất  và đầy những dự cảm phóng chiếu cho đến tận thời  bây giờ?
 

Tôi viết bài thơ ấy hoàn toàn là bột phát. Mọi tâm tư tình cảm dồn vào bài ấy cả, gần như là kể lể, nhưng là từ trong gan ruột mà ra. Khi còn bé,  tôi thường được mẹ  dẫn đi xem cải lương, vở “Thân phận nàng Kiều”.  Tôi  nhớ hết mọi chi tiết. Tự hỏi, tại sao nàng Kiều khổ đến như vậy? Và dường như mình cũng khổ như Kiều. Nàng khổ vì tình duyên,  mình khổ  vì thân phận. “Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu/ Xa sâu như tiếng đàn bầu trong khuya” (“Tiếng đàn bầu, miền nhớ và người mẹ”- LPL). Và còn có không ít những cuộc đời như nàng. Nhưng khi đi trên đường phố, nhiều người đẩy xe đồ giúp chị em tôi, tôi lại xót  cho  nàng “chẳng một đoái thương”, gánh nặng của nàng cũng vì thế mà  trĩu nặng hơn tôi rất nhiều. Từ đó, tôi cảm nhận “Xung quanh tôi không một ngày  buồn vắng/ không một đêm cay đắng tủi hờn…/Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt đến/ Sáng toàn thân ánh sáng của con người”(“Trò chuyện với Thúy Kiều”).

Và rồi 40 năm sau, cuộc tìm kiếm của người lính già, niềm ngưỡng mộ của đồng đội ông đối với thơ Lý Phương Liên, cũng như nguyện vọng của hai người con, đã khiến chị  trở lại với  cuốn “Ca bình minh”?


Chủ yếu vẫn là vì người lính già. Tôi rất xúc động,  và muốn đáp lại lời thỉnh cầu của ông, là in lại những bài thơ nhiều năm qua tản mát thành tập.


Chị có nghĩ rằng với người làm thơ, từ bỏ thơ là một nỗi mất mát không tưởng tượng được; còn đối với độc giả, việc một nhà thơ họ yêu mến bỗng nhiên “biến mất”, như ngôi sao lóe sáng rồi vụt tắt thì quả là một sự hành hạ dai dẳng?


Với tôi thì rất nhẹ nhàng, hoàn toàn không đau khổ gì cả. Và đó là những năm tháng hai vợ chồng giật gấu vá vai để nuôi con, đánh vật với cái nghèo, nên đó cũng là chuyện thường. Nhưng tôi không ngờ trong khi có người ghét mình thế mà cũng  có hàng ngàn người yêu thương mình thế,  vậy sao không cho họ đọc thơ mình để hiểu mình hơn nữa? Thậm chí, có người còn nghĩ rằng tôi đã chết…Năm 2011, sau khi tôi ra tập thơ và có dịp về Hà Nội, họp Thơ bạn thơ, hàng trăm người ùa ra  ôm chầm lấy tôi như người xa quê hương mới trở về. Tôi vô cùng xúc động và không ngờ tình cảm của họ đối với tôi nồng ấm đến như vậy.


Vậy là chị ấp ủ cho ra “Ca bình minh” 2, với  những bài thơ cách đây mấy chục năm, mà cũng có những bài thơ dữ dội của thời này?


Làm gì cũng phải lo hoàn tất bản thảo “Thơ bạn thơ” 3 của mọi người đã. Sau đó mới tính đến thơ mình. Nhưng thú thật là tôi vẫn phải suy nghĩ, vì đã làm thì phải có cái mới, chứ không người ta sẽ nghĩ mình ăn mãi cái ngày xưa ấy. Muốn vậy thì phải làm thật kỹ.


Duyên trời định khiến chị gặp được nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Dường như hai người đều có chung những câu thơ trong vắt soi bóng tình yêu bền bỉ qua năm tháng của  mình, những câu thơ mà dường như chỉ dành riêng cho hai người, cũng chẳng màng đến chuyện ngày sau còn ai đọc và chia sẻ mối tình sâu đậm ấy, dù bản thân những bài thơ ấy đã rất nổi tiếng…  Vì những câu thơ không biết nói dối mà anh đã phải nhận một lời thề để rồi sau nhiều năm, mãi cho đến năm 2010 mới ra tập đầu tiên. Bài thơ “Lời ru với anh” của chị dường như nói hộ mối tình tri kỷ ấy: “Xa anh nói nhớ làm sao/ Chân đứng tổ kiến mà chao gió cành/ Lẽ nào em buộc cánh anh/Buộc cánh anh/Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu”.


Ngày gặp anh tôi mới 20 tuổi. Khi ấy anh chưa biết tôi làm thơ, mới giật mình khi tôi đưa mấy tập vở chép thơ cho anh đọc. Anh sửng sốt hỏi có ai làm cho em không? Đọc thơ tôi, anh rất xúc động. Rồi 4 năm sau, chúng tôi cưới  nhau. “Tình yêu như một lẽ thường/ Mùa xuân chim én tha hương cuối trời/ Ở trong nhân thế cuộc đời/ Bao nhiêu buồn khổ đừng rời bỏ nhau”(“Trái hồng”). “Tình yêu đã rộng lại sâu/ Cũng không chứa nổi một bầu nhớ thương/ Nghe rung từng sợi tâm hồn/ Từ xa tựa cửa em ngồi ngóng anh” (“Tình yêu”).Trong lời bạt của cuốn thơ “Ca bình minh”, tôi từng nhắn gửi: “Người liên quan đến thơ tôi và chịu nhiều đắng cay oan ức vì  thơ tôi, là Nguyễn Nguyên Bảy, tình yêu của tôi, chồng tôi, người thầy duy nhất dạy tôi làm thơ và cùng tôi tu thân thành người tử tế”.


Cuộc đời này có số phận thật chăng?/ Từ huyệt mộ cõi âm vọng đáp/ Hãy sống đi rồi biết/ Vời vợi cao xanh chỉ thấy mây cười…/ Mỗi người chúng ta đều có riêng một cửa vào đời/ Mẹ biết chọn cửa nào để sinh con sung sướng”. Những câu thơ của Lý Phương Liên cứ như gieo quẻ định mệnh. Vậy với chị, có thể hiểu thơ là gì?


Thơ là hơi thở, là cuộc sống, tình yêu. Tôi yêu thơ, yêu  từ thuở nhỏ. Thơ làm tôi mỉm cười và sống đẹp. Và thơ  đưa tôi đến với những người bạn mới.


Vì sao chị dành dụm bao nhiêu năm số tiền bỏ ống ít ỏi, chỉ để nghĩ ra một cách làm khác biệt, tuyển chọn và in thơ của những người bạn thơ, thậm chí là những người chưa bao giờ gặp mặt?


Tiêu chí đặt ra là in thơ của những người bị hàm oan, thơ của những người đã khuất cũng như người chưa được đăng thơ bao giờ. Cũng có những người quá nghèo, không thể tự mình in thơ, mà cũng không muốn đi xin in thơ. Tôi là một người tự trọng,  từng ở trong cảnh không bao giờ tự  đưa thơ  mình đi in, hoặc xin đăng thơ. Chính vì thế, ở đây, tôi muốn mình thật công tâm, chỉ chọn thơ hay bất kể là của người không quen biết, người có thơ hay đã là bạn mình rồi.  Hiện tôi đang gắng làm cho được 10 tập. Bạn bè gửi đến nhiều thơ lắm, mà thơ do người khác đề cử, chứ không phải tự họ gửi đến. Thế nên, tôi đang làm tập 3, cũng rất khó khăn vì nếu người ta gửi thơ mà chưa đăng kịp thì có cảm giác như mình cũng có lỗi với họ, còn nếu không đăng thì cũng phải gửi hồi âm vì lý do gì để họ đừng buồn.


Xin cảm ơn chị.

Box: Nhà thơ Lý Phương Liên sinh năm 1948 tại Hà Nội, hiện đang sống tại TPHCM. Chị từng là công nhân ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, rồi có thời gian làm báo Nhân Dân,  sau 1975 vào  làm ở Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Chị nổi tiếng như cồn từ sau khi chùm thơ 5 bài được TBT báo Nhân Dân chọn in vào năm 1970, bị “đánh tơi tả” sau khi in bài “Nghĩ về Thúy Kiều” (đổi tên thành “Trò chuyện với Thúy Kiều”), sau đó lặng lẽ ẩn mình cho đến năm 2011 ra cuốn thơ đầu tiên “Ca bình minh”. Chị đang chuẩn bị cho tập thơ mới, sắp xuất bản của mình. Mấy năm gần đây, chị cùng chồng là nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy tự bỏ tiền ra in thơ và văn của những người bạn trên khắp cả nước (“Thơ bạn thơ”, “Văn bạn văn”, dự kiến mỗi bộ 10 tập), do người khác đề cử và giới thiệu, không cần biết đã gặp người viết  hay chưa, miễn là tác phẩm phải hay và cách chọn bài phải công tâm.

                                            Báo Lao Động cuối tuần/ số 22/ 31/5/2013
Nguồn: nguyennguyenbay.blogspot.com

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

BIỂN ĐÊM TRĂNG

“Ngẫm đời” – Thơ Đường luật xướng họa Chu Văn Keng & Bùi Nguyệt (CHLB Đức)
BIỂN ĐÊM TRĂNG

  Họa thơ Ngọc Tình

 Phất phơ trước gió tóc huyền bay
 Khúc nhạc trong lòng rạo rực say
 Đắm đuối tia nhìn xao mặt nước
 Dịu dàng giọng nói thoảng làn mây
 Vần  thơ xao xuyến nồng hương vị
 Ánh mắt lung linh đượm nét mày
 Tắm ánh trăng thanh tình quện chặt

Hòa vào sắc biển ở nơi đây.



Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức

----------

TÂM TƯ CHIỀU
Họa “Chiều tà” của Ngọc Tình

Mù mịt sương giăng bóng núi mờ
Hay lòng thi sỹ trải hồn mơ?
Mà  nghe văng vẳng bao  tâm sự
Cứ vọng ngọt ngào những  tiếng thơ
Vương vấn lòng em câu ước hẹn
Xốn xang tâm cảnh mối duyên tơ
Anh ơi! Có hiểu người xa xứ
Xuyên xuốt thời gian nỗi đợi chờ.

Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức
 ----------------------



TRĂNG VÀNG

Lỡ choàng áo lụa gió làm bay
Lữ khách bàng hoàng tỉnh hóa say
Tiên nữ ngại ngùng che cánh quảng
Nguyệt nga e ấp núp làn mây
Đứng bên cành lá hằng che mặt
Ngồi cạnh gốc đa cuội ngước mày
Lấp ló tỏ tình khoe dáng ngọc
Trăng vàng đẹp quá mãi còn đây.

Ngọc Tình
 ----------
CHIỀU TÀ

Hoàng hôn ngả tím quyện mây mờ
Làn khói lam chiều thoáng mộng mơ
Nhớ bến trải lòng nghiêng nét chữ
Đợi trăng thảo bút viết lời thơ
Trông mùa sen nở khoe hoa lá
Đợi lúc diều bay vọng tiếng tơ
Ru khẽ con tim hòa giấc ngủ
Hương đêm thoang thảng ngỡ ai chờ.

Ngọc Tình

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

THÚ VUI - Tho XUONG - HOA



Bài xướng:

 THÚ VUI


Xướng họa thơ Đường, đẹp thú chơi
Tâm hồn bay bổng, thấy say đời
Anh tìm chữ khéo, sâu đằm nghĩa
Em chọn từ hay, thắm thiết lời
Bạn thích thiên nhiên, hồn đắm đuối
Tôi vui thế sự, dạ chơi vơi
Giao hòa thi hữu, tình thân ái
Tri kỉ cùng ai, nở nụ cười…

NGỌC THANH


 Bai hoa

ĐẸP THÊM ĐỜI

( Họa “ Thú vui”)
Đường luật Đôn Thư vẫn ghé chơi
Cùng nhau xướng họa đẹp thêm đời
Nỗi lòng ẩn náu trong từng ý
Cảnh vật hiện lên ở mỗi lời
Chau chuốt ngôn từ tình mãi đẹp
Lung linh hình tượng ý không vơi
Chỉnh chu niêm luật nâng tầm bút
Bay bổng hồn thơ tủm tỉm cười!

Bùi Nguyệt, CHLB Đức

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

MƯA HÀ NỘI

                                  


MƯA HÀ NỘI

Đêm vắng đi trong lòng Hà Nội 

Chợt mưa rơi giông gió tràn về

Mưa xối xả giọt ngắn dài hối hả

Cuộn chảy tràn nỗi nhớ rách trời khuya
 
Hàng Sấu già gồng mình che chắn 
Dưới màn mưa mặn đắng cuộc đời

Tóc dài ướt đầm trong gió thổi

Bỗng nhạt nhòa ấm áp nhớ bờ vai

Sau bao năm em trở lại 
Trăn trở đời thường xứ tuyết nặng đôi vai

Dòng đời tất bật bao mưu sinh vất vả
 Mưa...! Mưa rơi...
                      Ánh chớp rạch nát trời
  

Gốc Sấu già vẫn còn đây trước gió

 Rùng mình trao lại em quả nhỏ 

Món quà quê anh gửi đón em về

Nhắc em ơi! Hà Nội vẫn dang tay.
M ưa...!
            Mưa...!
                      Mưa...!
                                 giọt ngắn dài nức nở.


Bùi Nguyệt, CHLB Đức
Kỷ niệm ngày nghỉ hè trên quê hương

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

NHỚ CHA



NHỚ CHA

Sương mù quyện trong làn khói tỏa
Cha về sau ngày tháng xa con
Nụ cười xưa hiền hậu mãi còn
Như thủơ nào con còn thơ dại

Lý giải trên đường dài chông gai phía trước

Ánh mắt cha nhìn gửi ý chí niềm tin
Vẫn bên con  qua những mọi miền
Bước gập gềnh của người viễn xứ

 Cảm hoài thở dài cho số phận
Tiếp bước trên mê lộ cuộc đời
Miền đất lạnh tuyết vẫn đang rơi
MƠ và THỰC cuộc đời ơi! sâu lặng.

Bùi Nguyệt CHLB Đức

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

TÂM SỰ HOA NHÀI




TÂM SỰ HOA NHÀI

Thoang thoảng đưa hương của hoa nhài
Sắc hoa trắng muốt lưu giữ mãi
Dào dạt lòng người đắm say thay
Cài bông nhài trắng trên mái tóc
 Điểm dịu dàng đọng ở mắt ai?

Hương thơm dịu mãi chẳng hề phai
Tắm ánh trăng thanh hòa trong gió
Sánh người quân tử với lãng du
Biển đời dẫu có nhiều giông bão
Góc vườn hoa trắng vẫn đợi chờ...
Bùi Nguyệt, CHLB Đức

Giới thiệu sách mới - Nhà thơ Đinh Nam Khương, HNV

Giới thiệu sách mới xuất bản, Tuyển tập thơ HÓA ĐÁ TRƯỚC HEO MAY của TG Đinh Nam Khương

Ngày 20 tháng 5 năm 2013 
 
Vài nét về tác giả:

Nhà thơ Đinh Nam Khương sinh năm 1949

Quê quán : Hương Sơn –Mỹ Đức –Hà Nội

Phó chủ tịch Hội Đông y Mỹ Đức – Hà Nội

Hội viên Hội nhà văn Việt nam

Hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội

Giải thưởng:

Giải A cuộc thi thơ 1981-1982 –Báo Văn nghệ
Tặng thưởng bài thơ hay nhất 1992-Văn nghệ Quân đội
Tặng thưởng chùm thơ hay nhất 2001-Báo Văn nghệ
Giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002-2003
HÓA ĐÁ TRƯỚC HEO MAY
Tuyển tập thơ - Lần thư nhất
của Đinh Nam Khương
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 65- Nguyễn Du - Hà Nội
Khổ: 14x20,5 cm
In tại: Công ty in Thủy Lợi, 107 – Chùa Bộc – Hà Nội.
Giá bìa: 155.000 đồng.


LỜI TÁC GIẢ
“Hoa đá trước heo may” – Tuyển tập thơ lần thứ nhất – Đã khép lại một chặng đường thơ 30 năm của tôi. Với biết bao mưa tu, lá vàng rơi và trăng sáng! Với biết bao nhớ mong, buồn đau và khát vọng!... Khi là tiếng khóc khi là tiếng cười khà, lúc lặng im hóa đá trước ngọn đèn cô đơn trước con gió heo may!...
30 năm qua, tôi luôn tránh xa mọi sự ồn ào! Ẩn mình dưới chân núi chùa Hương làm thuốc trị bệnh cứu người và lắng lại để viết. Hết mình dâng hiến cho thơ. Và qua thơ, tôi dâng hiến cho tình yêu con người! Ngoài ra tôi rất quan tâm đến những đề tài khác. Với tôi, tình yêu luôn là vĩnh cửu…!
Bây giờ ngoảnh lại, không biết thơ mình đã đi tới đâu? Đã để lại những gì trong trái tim bạn đọc? Tôi chỉ biết: sau 30 năm cầm bút, một mình một ngựa rong ruổi trong rừng văn chương. Bản thảo chất cao đã gần mét, mà thơ tuyển chọn chưa được một đốt ngón tay. Thế mới biết văn chương thật khó và nghiệt ngã vô cùng! Đời một người làm thơ cũng vất vả và cực nhọc vô cùng! Tóc bạc, râu bạc mà những câu thơ hay vẫn còn lẩn khuất đau đó ở phía cuối trời!.. Thơ là gì, mà cứ như ma quỷ vậy?...
.......
Đinh Nam Khương

---------------
BBT trân trọng giới thiệu nhà thơ Đinh Nam Khương và Tuyển tập thơ HÓA ĐÁ TRƯỚC HEO MAY. Mời quý vị và các bạn tìm đọc. Chúng tôi sẽ trích đăng một số bài thơ trong tuyển tập trong thời gian tới. 
* Quê quán: Hương Sơn - Mỹ Đức - Hà Tây
* Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
+ Thầy thuốc đông y gia truyền (Hội viên Hội Đông y Việt Nam)

Theo nguon: Donthuqueme

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

ĐÊM BUỒN



     ĐÊM BUỒN
( Họa “Ngẫm đời”)

Trăn trở đêm buồn giọt lệ  rơi
Tình xưa không lẽ nhạt phai rồi?
Quê hương tít tắp lòng luôn nhớ
Hình bóng mơ màng dạ khó nguôi
Xào xạc hàng cây làn gió thổi
Thẫn thờ tâm trạng bóng trăng trôi
Nếu ai thấu hiểu người xa xứ
Tuyết phủ sương giăng đắng vị đời.
Bùi Nguyệt, Chemnitz

------
 NGẪM ĐỜI
 
Mỵ Nương giọt lệ... mãi còn rơi

Để phận Trương Chi lỡ mất rồi

Nhắc tới tình xưa lòng trống trải

Tìm về chuyện cũ dạ khôn nguôi

Mong chi tiếng sáo "Thời xa vắng"

Nhớ mãi con thuyền "Lúc nhẹ trôi"

Rũ hết ưu phiền, trời hửng nắng

Đắm say một thuở chút hương đời

Chu Văn Keng, Berlin 
------------------

THI CẢM
 
Thơ về bất chợt giữa hồn tôi
Ngẫu hứng cảm rung ngây ngất người
Luyến tiếc - Cảnh xưa lòng khắc khoải
Nhớ nhung bạn cũ dạ đầy vơi
Vần thơ lay lắt tìm neo đậu
Ý tứ dịu dàng kiếm bến chơi
Cõi nhớ mênh mang tình trải rộng
Để đời hiểu thấu biển trùng khơi
 Chu Văn Keng, Berlin
 ----------
 GỬI BẠN THƠ
( Họa “ Thi cảm”

Đọc  những bài thơ của bạn tôi
Quê hương ấm áp đậm tình người
Berlin trên ấy lòng luôn sáng
Chemnitz dưới này dạ chẳng vơi
Lay động tâm hồn nâng bút họa
Đi tìm  trang báo chọn sân chơi
Niềm vui thi phú hòa trong mạng
Xuyên cả địa cầu vượt biển khơi.

Bùi Nguyệt, Chemnitz
----------------
Theo nguon: Vandanviet
http://vandanvn.net/vi/news/Tho-Duong-luat-Co-thi/Ngam-doi-Tho-Duong-luat-xuong-hoa-Chu-Van-Keng-Bui-Nguyet-CHLB-Duc-1766/

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

TRĂNG TRÊN BIỂN

Xem hình
ảnh từ internet

TRĂNG TRÊN BIỂN

Lang thang dao bưóc dưới nắng chiều
Đường mòn vô định dẫn về đâu
Gứi gió mang theo về nơi ấy
Vị ngọt men tình những đắm say

Nhớ những trưa hè vàng lửa nắng
Mồ hôi thấm đẫm ướt cùng nhau
Rì rào sóng biển tràn bờ vắng
Khát khao nỗi nhớ đến bạc đầu

Cánh nhỏ Hải Âu liệng chơi vơi
Mênh mông trời nổi bão tố rồi
Cùng thuyền vội vã neo về bến
Ngày mai tan bão đón trăng lên

In dấu chân em trên bờ cát
Miên man biển hát với sóng tràn
Biển đây em sẻ vơi nỗi nhớ
Dưới vầng trăng khuyết thắp hồn thơ

Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Vườn hoa Thế giới Berlin - Anh Minh Hai




                                                    
                                              
                                                           Vườn hoa Thế giới Berlin




 



KORIA


Vuon Chi Na

Berlin 4 - 5 - 2013

THƠ Đinh Nam Khương -

NH TRĂNG



Trăng sáng quá nhưng mà xa xôi quá

Ta đợi trăng từ ấy đã lâu rồi

Hoa lá rụng!... Vô tư trăng chằng biết

Tóc trên đầu theo sóng cứ dần trôi



Ta chờ đợi!... Nhớ mong!...Ta chờ đợi!...

Trăng qua mây không thấy dẫu một lần

Trăng cao thế!... Làm sao ta tới được

Con đò tình xa tít tận sông Ngân



Nhắm mắt lại ta tìm trăng trong mộng

Trăng lim dim yên tĩnh ngủ ngon rồi

Ta nín thở!... Chỉ lo trăng thức dậy

Bay về trời – Tỏa sáng ở xa xôi!...



Trăng chẳng sáng cho ta! Trăng chẳng sáng

Để ta buồn khô héo giống như đêm

Đường hạnh phúc gập ghềnh trăm nẻo bước

Nhớ đến trăng phút chốc thấy êm đềm!...

                                         

                                          Đinh Nam Khương





Tình em di động



Yêu em chưa biết mặt nhau

Tơ hồng đứt nối về sau thế nào?

Tiếng em phủ sóng trên cao

Theo dây điện nhỏ ấm vào trong tôi



Bùa mê em thả theo lời

Tôi nghe bỗng thấy đất trời ngả nghiêng

Tháng mười như thể tháng giêng

Xương rồng cứ tưởng rong giềng đỏ hoa



Di động em gọi từ xa

Lời em âu yếm bay qua vòm trời

Đã đâu thấy mặt thấy người

Mà chim lại cứ mang lời quả ngon!...



Hình như có chút phấn son

Khi tôi đặt máy hương còn đâu đây

Hình như ta đã chạm tay

Rượu tôi chưa uống đã say với ngườ!...



Em thường di động khắp nơi

Còn tôi cố định đầy vơi nỗi buồn!...

                                      Đinh Nam Khương