Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

TÌNH MẸ - Bui Nguyet


TÌNH MẸ

Mẹ ơi! Nhớ mẹ mỗi chiều
Băn khoăn trăn trở nhiều điều thương con
Mẹ là cả dải nước non
Đi xa muôn dặm cho con lối về


Mẹ là ngọn núi triền đê
Cho con nguồn chảy tràn trề nước trong
Mẹ là ngọn lửa sưởi lòng
Đêm đông giá lạnh con mong ấm người


Mẹ là người bạn đường đời
Chia cay sẻ ngọt của người tha hương
Tình mẹ ôm cả đại dương
Ngập tràn sắc nắng quê hương đón chờ...


Bùi Nguyệt, Chemnitz
--------------
LỜI BÌNH CỦA HOÀNG TẤN ĐẠT


Mẹ là đề tài muôn thuở của thơ ca. Tôi đã nghe nhiều bài hát, đã đọc nhiều câu thơ nói về mẹ và đều thấy thương những bà mẹ Việt Nam: Anh hùng- Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang, đúng như tám chữ vàng Bác Hồ đã tặng. Nhưng khi đọc "TÌNH MẸ" của Bùi Nguyệt tôi lại thấy thương người con viết bài thơ hơn người mẹ viết ở trong thơ: Mẹ ơi! Nhớ mẹ mỗi chiều - Băn khoăn trăn trở nhiều điều thương con. Đó là lời gọi mẹ, giãi bày với mẹ nỗi nhớ, niềm thương của người con tha hương khi chiều buông, nắng tắt. Vì thời điểm này, người con mới có thời gian được thảnh thơi, nghỉ ngơi sau ngày lao động. Gia đình sum họp trong bữa cơm chiều. Đây cũng là thời điểm gà sắp lên chuồng, chim đang về tổ và cả màu hoàng hôn kia cũng gợi nhớ khêu buồn đối với những người xa quê hương xứ sở. Đến đây tôi lại nhớ câu ca dao: Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều! Ôi! Cái niềm thương nỗi nhớ của những người viễn xứ còn bát ngát, mênh mông, bao trùm cả non sông, đất nước: Mẹ là cả dải nước non - Đi xa muôn dặm cho con lối về. Nỗi nhớ mẹ của tác giả gắn liền với nỗi nhớ Tổ quốc mang hình chữ S. Thiết nghĩ, cụm từ "Dải nước non" rất chuẩn với dáng hình đất nước Việt Nam. Và phải chăng? Dáng hình ấy luôn hiện hữu trong đáy lòng tác giả? Hình ảnh mẹ gắn chặt với hình dáng non sông. Tầm khái quát này vừa có chiều sâu về tư tưởng vừa có bề rộng về tình cảm. Từ mạch cảm xúc ấy, nhà thơ đã cụ thể hóa ý trừu tượng - Tình mẹ, lòng con bằng nghệ thuật điệp ngữ và liên hiệp tỉ dụ. Nó có tác dụng khắc sâu tình cảm mẹ con, gây ấn tượng cho người đọc. Mẹ là nước non - Cho con lối về.
Mẹ là ngọn núi triền đê - Cho con nguồn chảy.
Mẹ là ngọn lửa - sưởi lòng con khi giá lạnh đêm đông.
Mẹ là bạn đường đời để chia cay sẻ ngọt.
Mẹ là đại dương để ngập tràn sắc nắng quê hương.

Rõ ràng, đối với con thì mẹ là tất cả. Mọi cảnh sắc quê hương đều vương vấn bóng mẹ. Cái thú vị là sự liên tưởng rất logic trong một hệ thống hình ảnh vừa kỳ vĩ vừa giản dị. Kỳ vĩ là sông núi, đại dương. Giản dị là bạn đường, ngọn lửa. Mẹ là thế đó rất mênh mông và vô cùng ấm áp, chia bùi sẻ ngọt cho con
Kết cấu của bài thơ gây bất ngờ cho người đọc. Đó là hệ thống không gian đang từ lớn cứ thu nhỏ dần rồi bất thần mở ra mênh mông vô cùng vô tận! Sự liên tưởng logic của tác giả cũng góp phần mang lại giá trị thẩm mỹ của bài thơ. Qua "TÌNH MẸ" Ta hiểu cả lòng con! Nếu tình mẹ mênh mông thì lòng con sâu nặng công ơn sinh thành dưỡng dục. Nhớ nhiếu thương lắm người mẹ già ở quê nhà đang từng ngày trăn trở nhớ thương con.

Khi tà dương gác đỉnh non
Cha thương mẹ nhớ mong con trở về.

Tình thương ấy đâu chỉ như nước trong nguồn mà ôm cả đại dương mênh mông vời vợi. Tôi thấu hiểu nỗi lòng người con xa xứ. Tác giả ơi! Phải thế này không: Sợi nhớ sợi thương cuốn trọn địa cầu? Tâm cảnh này đâu phải của riêng ai.
Thương đôi mắt của những người viễn xứ
Đăm đắm nhìn quê mẹ phía xa xăm.

Hoàng Tấn Đạt

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

SỢI TÓC PHAI MÀU - Bùi Nguyệt



                                                          Bùi Nguyệt - 2011

SỢI TÓC PHAI MÀU

(Kỷ niệm 25 năm Ngày tới nước Đức)


Bên sông trăng
Hai nhăm năm trước...


Ánh hoàng hôn khuất sau dốc vắng
Thẫm dần buông phủ tím mặt sông
Càng nhòa nhạt bóng cô gái nhỏ
Đang cùng sông chia sẻ nỗi lòng


Cuộn chặt bài thơ bằng sợi tóc
Nâng nhẹ nhàng thả xuống mặt sông
Gửi sông trăng đưa về với biển
Để hòa vào sâu thẳm mênh mông


Giữa biển trời những trận bão giông
Từng đợt sóng dập vùi nghiệt ngã
Vần thơ với màn đêm vật vã
Giằng xé lòng chịu đựng cuồng phong


Bên bờ xưa -
 nay vẫn bâng khuâng
Đi tìm lại hồn thơ đã mất


Ôi! sông trăng
Sông trăng như thấu tỏ
Hồn thơ say và sợi tóc phai màu.


Bùi Nguyệt

Chemnitz 21/ 2011

NỖI NIỀM XA QUÊ - Bùi Nguyệt



NỖI NIỀM XA QUÊ 

Tuổi thanh xuân mang bao hoài vọng
Xa quê hương đến sống xứ người
Mắt xoe tròn lần đầu thấy được
Bông tuyết rơi điểm trắng cành thông


Tụ họp nhau đây dưới chợ trời
Hàng rau, hàng vải lẫn đồ chơi
Hoa tươi rực rỡ thêm cây cảnh
Có cả hàng ăn món quê nhà


Mỗi người mỗi cảnh mỗi làng quê
Giúp đỡ mưu sinh có bạn hiền
Tụ hội nơi đây vì cuộc sống
Yêu thương đùm bọc thắm tình quê


Xứ lạnh đường trơn phủ trắng đồi
Vai gày thấp thoáng dưới tuyết rơi
Đường xa thăm thẳm giày in gót
Chung một niềm vui giúp gia đình


Ánh sao khuya lấp lánh lung linh
Gió thì thầm lời ru dào dạt
Sà lòng mẹ vợi lòng khao khát
Hòa tiếng cười con trẻ đùa vui


Thuyền trông đợi bến sông xưa đó
Cùng sẻ chia bớt cả âu lo
Nhành hoa bưởi anh cài mái tóc
Hương thơm xoa dịu vợi nỗi niềm


Tiếng sếu kêu giật mình tỉnh giấc
Bâng khuâng xao xuyến nỗi nhớ nhà
Bình minh lên một ngày mới đến
Ấm lòng người xa xứ tình quê. 


Bùi Nguyệt
Chemnitz 3/ 2011.

NHO LAI NHUNG NGAY NAY NAM 2013

 Theo nguon NguoiViet.de
 http://www.nguoiviet.de/nv/modules.php?name=News&op=viewst&sid=28254
 Tham luận của bà Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức) tại Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài
25.11.2013 22:55
(NguoiViet.de) Nhà thơ cộng đồng Bùi Nguyệt, cây bút nữ quen thuộc của Báo NguoiViet.de đã tham gia đoàn phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức về dự Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài, vừa được tổ chức tại Hà Nội từ 18-23.11.2013. Sau đây là bài tham luận đã được chị Bùi Nguyệt đọc tại hội nghị nói trên.

Tác giả Bùi Nguyệt (bìa trái) cùng chị em phụ nữ Việt Nam tại Đức tham dự Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội từ 18-23.11.2013.
Tác giả Bùi Nguyệt (bìa trái) cùng chị em phụ nữ Việt Nam tại Đức tham dự Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội từ 18-23.11.2013.

PHỤ NỮ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
GIỮ GÌN & PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TÔC

 
Dù ở bất cứ nơi đâu trên năm châu, bốn biển, người Việt Nam chúng ta khi xa xứ, luôn tạo ra một không gian riêng cho mình, trong cái không gian chung của nước sở tại. Nói theo cách nói của Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì đó là “Khoảng trời xanh” của cộng đồng người Việt.
Vâng! “Khoảng trời xanh” ở đây chính là  bản sắc văn hóa Việt Nam, mãi mãi trường tồn trong trái tim những người con  xa xứ. Đó là lời ăn tiếng nói, là phong tục tập quán, là trang phục, là nếp sống mang truyền thống quê hương. Nổi bật nhất là phụ nữ chúng ta vẫn áo dài thướt tha trong những ngày lễ hội và nét đẹp “ Công dung  ngôn hạnh” vẫn được bảo tồn.
Bản sắc Việt, văn hóa Việt, ẩm thực Việt  hiện hữu ngay trong những bữa cơm hàng ngày trong mỗi gia đình, trong các nhà hàng ẩm thực Việt Nam trên nước bạn mà trong đó vai trò của người phụ nữ cực kỳ quan trọng.
Đất nước Việt Nam đang trên đà đổi mới, hội nhập, thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Càng ngày, số người đi học, đi lao động ở nước ngoài càng đông và đã hình thành những cộng đồng người Việt trên nước bạn. Việt kiều về thăm quê hương, về đầu tư vào Việt Nam cũng dễ dàng và số lượng đang tăng dần. Điều đáng mừng là quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng phát triển. Việt kiều ở nước ngoài ngày càng được các nước sở tại coi trọng.
Theo tinh thần “Hòa nhập chứ không hòa tan”, bản sắc dân tộc, văn hóa Việt  Nam càng cần phải được giữ gìn và phát triển. Đó là tình yêu Tổ quốc, là trách nhiệm, là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam nói chung và những người con xa xứ chúng tôi nói riêng.
Để thích nghi với cuộc sống nơi quê người, đất khách,  tiếng nói của nước nơi mình trú ngụ, đối với chúng tôi, cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, là con Hồng cháu Lạc, chúng tôi - ai cũng nuôi dưỡng trong mình tình yêu Tổ quốc thiết tha. Cho nên, bằng mọi cách, các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài đều cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết là giữ gìn ngôn ngữ của mình. Chúng tôi ý thức được rằng “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chính là góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đã sử dụng tiếng Việt thường xuyên trong từng gia đình và khi  giao tiếp với cộng đồng.
Hàng năm, trong những buổi giao lưu thơ ca, trong những đêm liên hoan văn nghệ  kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đại sứ quán cùng các hội đoàn tổ chức cho bà con cộng đồng họp mặt, phát phần thưởng cho các cháu học sinh có thành tích trong học tập, rồi cùng múa cho nhau xem, hát cho nhau nghe những làn điều dân ca mượt mà êm ái, những ca khúc hào hùng đi cùng năm tháng và những bản tình ca đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Những bài thơ ấy, bài ca ấy đã nâng cao lòng tự hào dân tộc và thắt chặt tình đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau như lời ông cha khuyên nhủ.
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
 Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Đối với các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trong cộng đồng người Việt ở CHLB Đức đều dùng tiếng Việt để viết nên tác phẩm của mình. Những tác phẩm ấy dù ở nhiều cấp độ, tầng bậc khác nhau, nhưng đều có nét chung là đậm đà bản sắc  dân tộc.

Các đại biểu dự Hội nghị phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu dự Hội nghị phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài chụp ảnh lưu niệm

Những người phụ nữ Việt Nam sống xa đất nước như chúng tôi, ngoài vai trò giữ lửa trong mỗi gia đình còn phải giáo dục con cháu mình lòng yêu quê hương, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt . Đã có nhiều thành phố tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu  thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba... để dòng chảy văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn trong trái tim những người con  xa xứ. Chúng tôi rất cảm ơn các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng … đã giúp chúng tôi gần gũi với quê hương hơn. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho những thế hệ tương lai ở nước ngoài là rất quan trọng và cần thiết. Chúng tôi mong nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ đất nước, chẳng hạn như: mời về nước dự trại hè hàng năm cho các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập, có những cuộc giao lưu  cho chị em ở quy mô khu vực và châu lục v.v...
Tôi xin được kết thúc ở đây bằng bài thơ tặng chị em
CHÚC CHỊ EM MÌNH
Trời Âu trắng tuyết lại mờ sương
Chúc chị em mình chẳng nhạt hương
Vẫn rạng nụ cười tươi vẻ đẹp
Cứ êm lời nói đượm tình thương
Đảm đang tháo vát trong công việc
Năng động tự tin chốn học đường
Hạnh phúc tình yêu luôn thắm mãi
Dịu dàng duyên dáng nét Đông phương.
Bùi Nguyệt, CHLB Đức
--------------------------------- 

                               Chu tich nuoc Truong Tan Sang tang ky niem chuong



                                               Doan Dai bieu CHLB Duc



                                   Hoi nghi Phu nu cac nuoc chup anh voi 
                              nguyen pho Chu tich nuoc TRuong My Hoa
                                              


Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

NIỀM HY VỌNG (Thơ mời họa) - Bui Nguyet

Theo nguon.: NguoiViet.de
 http://www.nguoiviet.de/nv/modules.php?name=News&op=viewst&sid=31106

NIỀM HY VỌNG
(Thơ mời họa)

Nhà giáo Việt Nam náo nức ngày
Thầy cô hoa nở giữa vòng tay
Yêu nghề gìn giữ tâm trong sạch
Mến trẻ đắp bồi tính thẳng ngay
Đức sáng tiền nhân ngời lịch sử
Tài cao hậu thế xứng thời nay
Rạng danh dân tộc niềm hy vọng
Con cháu Tiên Rồng vút cánh bay.
 


Bùi Nguyệt, Chemnitz

-----------------------
CAC BAI HOA

LÒNG THẦY
( Tự họa)



Trường xưa thăm lại nhớ bao ngày

Bè bạn quây quần  siết chặt tay

Bình luận văn chương tìm ý đẹp

Trau dồi đạo đức giữ lòng ngay

Lời thầy đã dạy  từ khi ấy

Tấc dạ còn ghi mãi tới nay

Hồi tưởng trong ta  thời cắp sách

Mà lòng phơi phới gió tung  bay



Bùi Nguyêt.
--------------
Lời thầy
( Họa “Niềm hy vọng”)

Lời thầy mong mỏi biết bao ngày
Dưỡng dục yêu thương trải rộng tay
Giáo huấn thực thi làm việc tốt
Khuyên răn học hỏi những điều ngay
Lễ nghi gắng dạy từ ngàn cổ
Kiến thức tận truyền đến bấy nay
Học lễ đầu tiên ,sau học vấn
Tương lai tươi sáng rộng tầm bay

Khang Nguyên
---------------

MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO

Ngày này chẳng giống những bao ngày 
Rộn rã thầy cô hoa ắp tay
Vẫn nét thanh tâm, tình chẳng cạn
Cũng đường thiện ý, khí đầy ngay
Theo gương bao bậc danh đồ cổ
Nối nghiệp mấy hàng sư giỏi nay
Quốc học ngàn năm còn sử sách
Rồng Tiên nòi giống tiếng thơm bay

Cao Văn Nuôi
--------------------

ƯỚC VỌNG

Mừng vui ấp ủ đợi mong ngày
Nhà giáo tưng bừng - Xiết chặt tay
Nhân cách phải chi tôi luyện vội
Đức tài nào dễ giũa rèn ngay
Tôn Sư tỏa sáng bao đời trước
Trọng Đạo nêu cao thế hệ nay
Xứng với năm châu đầy ước vọng
Tự hào dân tộc vút trời… bay…
12/11/2014

Ngô Thái
Phú Thọ-Việt Nam

----------------

ĐỦ SỨC BAY
(Ứng tác bài "Niềm hy vọng")

Đất nước chúng ta có một ngày
Thầy trò quyến luyến nối vòng tay
Dậy VĂN tạo dựng hành trang mới
Huấn LỄ làm nên đạo đức hay
Lễ giáo tuyệt vời trong quá khứ
Gia phong chói sáng giữa hôm nay
Nước nhà hội nhập tràn hy vọng
Bởi lớp hậu sinh đủ sức bay.

Phạm Đao
HCM, 12/11/14

----------------
 Sáng Nghiệp Trồng Người
             (họa loạn vận)
Niềm tin chắp cánh rộng đường bay 
Khát vọng trào dâng sẽ có ngày
Trò gắng học hành nuôi chí lớn 
Thầy mê dạy giảng giữ lòng ngay
Trời Nam mở cõi ngàn năm ấy 
Đất Việt rèn tài vạn thuở nay
Sáng nghiệp trồng người tâm ái quốc 
 Kết đoàn chung sức triệu bàn tay.
     
 12/11/2014            

 Ngọc Toàn
-----------------
 THỎA TRÍ BAY

Đất nước Việt Nam có một ngày

Tôn vinh nhà giáo hãy chung tay

Kiên trì cải cách không hề nản

Bền trí đổi thay quyết sửa ngay

Trọng đạo Thầy tài lưu  đức  cổ

Tôn  sư  Trò giỏi rạng thời nay

Xứng danh văn hiến ngàn năm có

Rạng rỡ sử xanh-thỏa trí bay

 Phạm Minh Tiến
Hải Phòng
-----------------------

  NGHỀ CAO QUÝ
(Thơ họa)


Dạy học tròn năm mới có ngày
Tưng bừng nhộn nhịp tay trong tay…
Thanh liêm bản ngã đời trong sáng
Hữu hảo nhân tâm dạ thảo ngay!
Đức trọng cha ông ngời thuở trước
Tài cao con cháu rạng ngày nay!
Truyền lưu hậu thế Nghề cao quý
Lạc Việt vươn mình thỏa sức bay.


Huy Phương
TP Vinh Nghệ An

------------------
VINH QUANG NGHỀ
(Họa thơ Bùi Nguyệt)
Vinh quang cao quý hiến chương ngày
Sự nghiệp trông người sống chuẩn ngay
Ươm hạt giống đời giầu trí tuệ
Uốn mầm thế hệ giỏi cánh bay
Tiền nhân gương sáng vang thời trước
Hậu thế chuyên hồng xứng thủa nay
Yêu trẻ mến nghề tâm đức sáng
Đưa thuyền  nhân cách chẳng chùng tay
Nguyễn Thị Thịnh
Yên Bái 18/11/2014
 ---------------------------
  NIỀM HY VỌNG 

(Hoa y de của Bùi Nguyệt)

Nhà giáo tôn vinh sắp đến ngày
Ơn thuyền chở đạo góp chung tay
Bó hoa tươi thắm thay lời đẹp
Lời chúc ân tình tỏ ý ngay
Phấn trắng phai mờ năm tháng cũ
Bảng đen ghi tạc đến hôm nay
Tình thầy nghĩa bạn luôn trong sáng
Kiến thức cùng ta một chuyến bay


Vũ Hữu Bình
 Gia Lộc, Hải Dương
-------------
 THẲNG  HƯỚNG BAY
( Họa  " Niềm hy vọng" )

Lễ hội tôn sư rực rỡ ngày
Trống trường vang nhịp ấm bàn tay
Yêu trò thầy dạy điều thông thái
Trọng nghiệp cô rèn nết thảo ngay
Nguyên khí lưu truyền đời thuở trước
Văn minh thúc gọi buổi hôm nay
Xây nền hiện đại sôi tâm huyết
Tổ quốc - Rồng thiêng thẳng hướng bay 
 Xuân Chính
 TP- Vũng Tàu
------------------
  THƯƠNG THẦY
Họa “Niềm hy vọng”

Bục giảng bao năm chẳng tính ngày
Mỏi mòn viên phấn ở trong tay
Con tim thắp lửa tâm hồn sáng
Trí tuệ soi đường bản tính ngay
Đổi mới tư duy nhìn quá khứ
Nâng cao nhận thức luận ngày nay
Thương thầy mái tóc phơ phơ bạc
Giấc mộng thiên đường gửi gió bay

Hồng Tấn Anh
------------------------------
CẢM NGHĨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
(Họa nguyên vận NIỀM HY VỌNG)


Hạnh phúc vô biên có một ngày
Gia đình mô phạm nối vòng tay
Mừng nhau, tóc bạc tình không đổi
Vui chúc, tay run dạ vẫn ngay
Học nếp cổ nhân, soi ngọn đuốc
Xây nền thế hệ, hướng người nay
Là niềm hy vọng toàn dân tộc
Rạng rở ngày mai vững cánh bay


VÂN TRINH (TPTN)
-----------------
NHỚ BỤC GIẢNG


Bục giảng thân thương suốt tháng ngày
Vì tương lai trẻ gắng chung tay
Tâm tư sâu thẳm mong truyền đạt
Phương thứ nào hay ứng dụng ngay
Trí tuệ hiền nhân trao lớp trẻ
Tinh hoa bốn cõi gửi đời nay
Vui thay sự nghiệp thời qua ấy
Thanh thản tuổi già mơ phấn bay


Văn Sỹ
TP Vũng Tàu
-----------------------------------
THẤM SÂU DẤU ẤN


Dấu ấn thầy cô gắn tháng ngày
Thường niên Nhà giáo hội chung tay
Kề cô độ ấy sao quên được
Cận bạn giờ đây vẫn nhớ ngày
Đèn sách ghi lòng từ thuở nọ
Văn chương tạc dạ đến ngày nay
Ơn thầy rèn luyện ta thành đạt
Chừ bước vào đời định hướng bay


Nguyễn Xuân Phước
TP Vũng Tàu

-------------

 CHẮP CÁNH TƯƠNG LAI
(Họa “ Niềm hy vọng”)



Ba mấy năm qua đã định ngày

20 -11 ấm bàn tay

Vườn xanh ủ hạt vươn mầm mới

Mực đỏ dạy trò giữ nết ngay

“Tiên lễ hậu văn” dù ấm lạnh

“Tôn sư trọng đạo” vẫn xưa nay

Vì tâm kiến tạo nguồn tri thức

Cho cháu con mìnhthỏa sức bay!
  Nam Quân 
TP Vũng Tàu 
-------------
 ƯỚC MƠ
(Họa “ Niềm hy vọng”)

 Mơ ước mai kia có những ngày
Chăm vườn giáo dục góp đều tay
Ngôi nhà kiến thức xây bền vững
Đạo đức con người giữ chính ngay
Ánh mắt tương lai nhìn quá khứ
Tâm hồn lịch sử nhớ hôm nay
Tưng bừng nở mới cành hoa cũ
Để sắc hương đới tỏa ngát bay

Phạm Phú
TP Vũng Tàu 
------------ 
Mở vòng tay 
Lễ hội thầy cô chỉ một ngày
Bầy em hớn hở mở vòng tay
Kính cô trọng thầy tấmtrong sạch
Mến nghề yêu trẻ lòng thẳng ngay
Đức độ cao sang ngời sử sách
Nhân tài tỏa sáng xứng thời nay
Tâm nguyện thanh tao hướng cội nguồn
Công thầy nghĩa mẹ chắp cánh bay.

Lý nguyễn Thị. Leipzip
-----------------
ƠN NGƯỜI
(Họa thơ Bùi Nguyệt)
Dạy dỗ quanh năm lặng lẽ ngày
Hiền hòa dịu ấm những đôi tay
Nâng niu chồi búp gieo lòng thẳng
Dìu dắt ân tình chọn đức ngay
Cuốn tập còn nguyên mùa hạ trước
Con đò vẫn trọn nghĩa thu nay
Ơn người tận tụy chung đường bước
Thế hệ bao đời gió lộng bay
Hoàng Giao

------------------


Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Gửi bạn xa - Bui Nguyet

Gửi bạn xa
(Họa Đêm dài - Ngũ độ thanh)


Lặng lẽ trong vườn chỉ có ta
Nhìn gương cảm thấy vẫn chưa già
Hàng cây lá rụng buông nền cỏ
Bức dậu sương tràn phủ dãy hoa
Nghĩ cảnh làng quê chiều nhạt nắng
Thương hình bóng mẹ buổi xa nhà
Đầu non tỏa ánh vầng trăng hiện
Nỗi nhớ âm thầm gửi bạn xa

Bùi Nguyệt
-------------
Đêm dài
(Ngũ độ thanh)


Đêm dài vắng lặng chỉ mình ta
Cúi mặt buồn cho buổi đã già
Đã biệt trăng mờ lơi lả lá
Đang là thoảng gió lạnh hồn hoa
Thương hoài cố phụ mồ rêu phủ
Nhớ mẹ già xa tỏ nghĩa nhà
Ngước mặt trông trời sao ngã đỏ
Đau lòng độc ẩm ngó trời xa


Cao Văn Nuôi

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Một góc thu – một góc nhớ về Hà Nội trong thơ Bùi Nguyệt - Hoàng Xuân Họa




Một góc thu – một góc nhớ về Hà Nội trong thơ Bùi Nguyệt

Trong bốn mùa, hình như mùa Thu đem đến cho con người nhiều bâng khuâng, nhiều nỗi niềm, nhiều trăn trở… nhất là những người sống và làm việc xa nhà, xa quê, xa đất nước lâu ngày. Tôi chợt nghĩ thế sau khi đọc hai tập thơ của Bùi Nguyệt: “Bến xa và Hồn núi”. Đọc vội, cảm vội vì mãi sáng hôm qua 27/8, mới nhận được hai tập thơ chị gửi tặng.
Mùa Thu trong thơ Bùi Nguyệt là mùa của cảm thức nhớ nhung, xa cách, cũng là mùa của người trải lòng cho ngày về:
- “Ôi - da diết ngày dài thu lạnh
Đếm lá rơi tính đến ngày về...”
(Nhớ ngày về)
Vâng, người tha hương nào chẳng vậy. Dù có đi tận chân trời góc biển thì lòng vẫn luôn canh cánh nghĩ tới ngày về, cho ngày về. Về nơi hoa sữa tỏa hương Thu, nơi cành bàng nhuộm lá đỏ trước những dãy phố cổ rêu phong. Ấy là nơi ắp đầy kỷ niệm:
- “Hà Nội ơi! Những chiều lộng gió
Nắng thu về nhuộm cây bàng lá đỏ
Thoáng đưa hương hoa sữa tỏa bên hồ
Lớp rêu phong phố cổ bao đời
(Hà Nội ơi – Hồn núi)
Nơi ấy có mặt hồ Thu in dấu thời xanh trẻ từng có cuộc tiễn đưa:
Hàng cây xanh soi bóng Thiền Quang
Phố Nguyễn Du hoa sữa nồng nàn
Quyện mái tóc bay chiều thu lạnh
Tiếng còi tàu, lưu luyến vào Nam
(Nhớ Hà Nội – Bến xa)
Ở bài “Hương cốm”, nhà thơ không hề nhắc tới hai từ mùa Thu, nhưng đọc hai câu thơ sau đây chúng ta vẫn nhận ra đó là đắc trưng một mùa Thu Hà Nội:
- “Vẳng tiếng rao “Ai cốm” đầu mùa/
Gánh hàng nhỏ vai gày mẹ bước”.
Đó là mùa trăm nhớ nghìn thương của người đi xa, ở xa nhớ về Hà Nội
Mấy năm gần đây, mỗi tháng một lần tôi thường đi tắt qua ngõ An Trạch, phố Đoàn Thị Điểm, phường Quốc Tử Giám, quận Đông Đa. Đi sinh hoạt nhóm Bích Câu Thơ bên phố Cát Linh. Hào Nam, An Trạch xưa kia là hai làng cổ của Hà Nội. Giờ hai làng này không còn mang tên đơn vị làng như xưa nữa nhưng mỗi khi qua đây tôi vẫn có cảm giác như đi giữa một ngôi làng, giữa ngoằn ngoèo những ngõ, những vòng cua các con ngõ, xe phải luồn lách mà đi trong dấu tích ngồi làng cổ An Trạch và Hào Nam. Ngôi nhà của Bùi Nguyệt chính là đất làng An Trạch xưa đó. Mỗi lần trở về “Mái nhà xưa” chị nâng mình nhờ làn gió thu chắp cánh:
- “Lang thang ở nơi miền đất khách
Gió thu nâng chắp cánh em về…”
Rồi hằng đêm trong thao thiết nhớ nhung, cả trong giấc ngủ chị cũng mơ trở về nhà mình, ngõ nhỏ ấy vào một ngày thu:
- “Trong giấc mơ đêm trắng vào thu
Trong giá lạnh hoang tàn trống trải…”
Về với thành phố thân thương của mình bằng nhịp đập của trái tim hàng ngày trăn trở:
- “Hoa sữa tỏa hương khi thu đến
Soi bóng mặt hồ những lứa đôi”
(Hẹn ngày về) – Bến xa)
Về với:
- “ Chiếc lá cuối thu ngời trong nắng
Trong không gian nơi ấy lặng im”
(Hát ru – Hồn núi)
Về với:
- “Liễu vờn gỡ tóc mãi không nguôi
Lam chiều vương vấn hòa sương khói”
Ngày về - Bến xa)
Về lại nơi:
- “Lá me rơi mái tóc vấn vương
Làn môi run chưa một lần trao gửi”
(Thuở ấy- Bến xa)
Mùa Thu Hà Nội là thế, luôn đau đáu trong tâm tưởng những ngày xa… Mai em về:
- “Để má em hồng lại dưới chiều thu"


Hoàng Xuân Họa

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

BÊN CỬA SỔ ( Họa “ Ước vọng” ) -Bùi Nguyệt



BÊN CỬA SỔ
( Họa “ Ước vọng” )

Nhẹ nhàng bóng nguyệt  lách qua song
Nỗi nhớ tri âm cũng ngập lòng
Mắt dõi chân trời trên xứ lạnh
Tâm hòa ngọn gió dưới trăng trong
Dạt dào mạch cảm nâng cao tứ
Bay bổng hồn thơ mở rộng vòng
Ấp ủ tình quê nơi đất khách
Loan phòng da diết nỗi chờ mong

Bùi Nguyệt
--------------------
ƯỚC VỌNG
(Bài xướng)

Tỉnh dậy sao ngời rọi chính song
Trào dâng cảm xúc ngất ngây lòng
Đầu hiên gió thổi hương nồng đậm
Cuối ngõ trăng hòa giọt sáng trong
Rạo rực tâm hồn thơ vút tứ
Phiêu diêu trí tuệ ý xoay vòng
Đời vui cuộn chảy dòng hoa nắng
Thảo một đôi vần gửi khát mong.
Nguyên Xuân.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

TIỄN THU - Bùi Nguyệt.



TIỄN THU
Ngũ độ thanh


Đưa tiễn nàng thu rất dịu dàng
Tiết trời thay đổi gọi mùa sang
Rừng phong chuyển sắc sao là lạ
Đàn sếu tìm nhau cũng vội vàng
Buồn cảnh sương mù giăng dãy núi
Sợ ngày bão tuyết phủ điền trang
Nỗi niềm trăn trở người xa xứ
Tổ ấm gia đình nghĩa nặng mang.


Bùi Nguyệt.
Chemnitz - Thu 2014

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Một vài cảm nhận về bài thơ "Đường đời" của Bùi Nguyệt





ĐƯỜNG ĐỜI

Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương
Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào

Sao khuya gợi nhớ đêm nào
Ấm êm tình mẹ ngọt ngào lời ru
Sắc vàng đan áo mùa thu
Gió heo may cũng lãng du lưng trời

Tìm trong đắng đót những lời
Ngăn luồng cát bụi dập vùi đam mê
Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi

Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên.
Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức



Một vài cảm nhận về bài thơ "Đường đời" của Bùi Nguyệt - 17/10/2013

           Thơ là cộng hưởng của tâm hồn và trí tuệ, là tiếng hát của con tim cất lên khi trầm, khi bổng tùy theo cảm xúc, xuất xứ của nó. Có người lấy thơ để thả hồn vào trời trăng mây nước, có người làm thơ là phương tiện để giao lưu ,ngâm vịnh…Còn Bùi Nguyệt lấy thơ làm người bạn tri âm, tri kỷ, là một bờ vai, một điểm tựa tinh thần không thể thiếu vắng trong cuộc sống của nhà thơ. Cũng như ngày xưa, nhà thơ Phùng Quán cũng đã thốt lên ” Những lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” . Có nằm trong những hoàn cảnh ấy, chúng ta càng thấy đồng cảm với nhà thơ:

Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương


          “Hơi ấm vần thơ” là luồng sinh khí nuôi dưỡng cả tinh thần, thể chất nhà thơ Bùi Nguyệt như ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng những mầm xanh, cho thảo mộc vươn cành, tươi lá và xua tan băng giá của tuyết phủ, sương giăng. Có phải chăng, đó là gia đình, bè bạn, quê hương, đất nước kết thành một khối tình vững chắc làm điểm tựa tinh thần nâng nhẹ bước chân và chắp cánh cho hồn thơ bay bổng.

Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào


          Bốn tiểu đối trong hai câu thơ vừa tạo nên sự hài hòa của nhịp điệu, vừa gợi tả niềm vui như sóng biển dâng trào hòa vào tình yêu quê hương
đất nước như một sự đối lập với màn sương mờ mịt ở trên. Từ cảm xúc ấy, nhà thơ như nhìn thấy hình ảnh người mẹ trẻ ngày nào dưới đêm sao, cất tiếng ru con ngọt ngào, êm ấm, trong một không khí thanh bình và tâm hồn phơi phới như làn gió mùa thu “cũng lãng du lưng trời”

Đoc đến đây ,tôi lại nhớ tới câu ca dao: "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày thức đủ vừa năm"

           Lời ru trong bài thơ vừa cụ thể vừa khái quát. Ta có thể hiểu - đó cũng là hình ảnh của chủ thể bài thơ đã từng cất tiếng ầu ơ ru các con thơ, trong mái nhà êm ấm. Âu cũng là một dấu ấn đẹp trong cuộc đời của những người phụ nữ nói chung, của nhân vật trữ tình trong bài thơ nói riêng. Bao kỷ niệm khó quên, cứ hiện lên… hiện lên… trong dòng ký ức, càng làm thổn thức trái tim yêu, khơi dậy cả những điều tê tái:

Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi


           Câu thơ đọc lên, nghe như một tiếng thở dài, lay đông tâm can của những ai không vẹn tròn hạnh phúc. Xoáy sâu vào lòng bạn đọc ở tầm khái quát và tính hàm xúc. “Gập ghềnh mê lộ tái tê” Chỉ có 3 từ (hai từ láy và một từ ghép trong một hình ảnh ẩn dụ) thế thôi mà khái quát cả chặng đường đời của người vất vả xa hương. Mê lộ (Đường mê) phải chăng ở đây tác giả muốn nói tới đường tình gập ghềnh, trắc trở đã dẫn đến sự đau khổ, chua xót, tái tê. Hiểu như thế mới thấy được sự logic của câu thơ tiếp "Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi"

          Tục ngữ có câu “ miếng ngon nhớ lâu / đòn đau nhớ đời” Cái nhớ đời của chủ thề bài thơ là “…câu thề chơi vơi”
Câu thề chơi vơi là câu thề theo mây trôi, gió cuốn. có thể đó là lời thề non nguyện biển mang hàm ý thủy chung đến đầu bạc răng long ...Vậy mà người thì nhớ, kẻ thì quên, dẫn đến cảnh tình chia uyên rẽ thúy.

          Thực tế, một điều rất đáng quý của phụ nữ chúng ta là tình yêu chân thật nhưng niềm tin cũng có lúc lại dại khờ. Đời người ta như một ván cờ đi sai một nước là thua cả ván. Chủ thể bài thơ “ Đường đời” có lẽ là người đã rơi vào hoàn cảnh ấy nên bài thơ là một khúc ca buồn. Buồn thì buồn nhưng không bi luỵ, không bất lưc và guc ngã mà vững bước đi lên trên chặng đường phía trước. Lấy thơ “vá lại đường đời". Đường đời là hình ảnh ẩn dụ cuộc đời của mỗi con người. Mỗi cuộc đời ấy cũng như dòng sông có lúc bão giông, có thời yên ả. Cũng có khi lại được ví như chiếc lá qua câu thành ngữ " Lá lành đùm lá rách". Trong văn cảnh bài thơ này, ta có thể hiểu nó ở nhiều khía cạnh khác nhau cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, qua hình ảnh ẩn dụ ở hai câu kết:

Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên


           Cái bình yên thẳm sâu quá khứ hiện về làm điểm tựa vươn lên đã khắc họa lên bài " Đường đời" làm rung động tâm hồn bạn đọc, nhất là những
người cùng cảnh ngộ chúng tôi, nơi quê người đất khách.


Ngọc Ánh

--------------------
Theo nguon Lucbat.com 
http://lucbat.com/news.php?id=12909

THƠ BẠN THƠ. 2

Mời chia sẻ/Tôn vinh Thơ Bạn Thơ 2/ Phần 3/ Tác giả 31-40

NHIỀU TÁC GIẢ
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên)

 
THƠ BẠN THƠ. 2


NXB VĂN HỌC
C
. THƠ NGƯỜI THƠ ĐƯƠNG THỜI


40. BÙI NGUYỆT

LÃNG DU MÙA THU
Chiều cuối thu đem gom ngọn gió
Đến lay cây trút chiếc lá cuối cùng
Lá phong đỏ như tình yêu thắp lửa
Đập bồi hồi xao xuyến đắm say

Hãy cùng nhau cạn chén rượu này
Tiễn mùa thu trải thảm vàng lá rụng
Êm ấm quá tiếng lòng sao thổn thức
Chắp cánh bay vì hồn khát lãng du

Đẹp nao lòng rừng nhuộm ánh nắng thu
Màn sương mắc xanh, đỏ, vàng cảnh sắc
Nét chấm phá đưa về miền cực lạc
Mãi nguyên sơ như những buổi ban đầu

Giữa rừng thu vui với gió ngất ngây
Cho nụ hôn ngọt ngào không cay đắng
Để mai rồi những ngày dài không nắng
Tuyết lại về phủ trắng ở nơi đây

Tím mờ sương rừng thu buồn ly khách
Gửi gió về mang nỗi nhớ xa hương...

TIẾNG GỌI TRONG ĐÊM

Mẹ thầm lặng trong mảnh đời khô khát
Chắt chiu từng giọt ngọt hỡi con yêu
Tiếng gọi mẹ ơi! Như nước trên sa mạc
Mẹ khát khao trong mỗi sớm chiều

Bão tuyết, sương giăng, gió lạnh
Trên đường dài băng đá nặng đôi vai
Đêm văng vẳng tiếng nai con gọi mẹ
Tái tê lòng hai hàng lệ tuôn rơi

Gạt nước mắt lặng thầm trong đêm vắng
Đón các con vòng tay mẹ bao lần
Ôi! đôi mắt long lanh biết nói
Hòa quyện cùng mắt mẹ rạn chân chim

Ríu rít cùng con ơi! Mẹ gọi
Vẫn thủa nào các con tuổi ấu thơ
Bao khát khao lắng đọng gửi vần thơ
Các con gọi mẹ ơi! mãi nhé…
                
Thơ Bùi Nguyệt, CHLB Đức/ Tác giả  tự chọn

/ CÒN TIẾP, 41-50/
thơ bạn thơ, 2

 Theo nguon: Van dan Nguyennguyenbay
  http://nguyennguyenbay.blogspot.de/2013/04/sach-tho-ban-tho-2-phan-3bai-31-40.html#more