Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

BƯỚC VÀO THU




BƯỚC VÀO THU

Nơi quê nhà nay đã vào thu
Hương hoa sữa lan đến từng hơi thở
Sóng Tây Hồ cuộn những chiều lộng gió
Cứ chập chờn vỗ vào giấc chiêm bao

Ô! thu về lòng sao nghe nôn nao
Ướp Hà Nội nồng nàn trong đáy mắt
Cách xa nhau nửa vòng quay trái đất
Mà ngỡ rằng không quá một tầm tay

Tà áo dài trong làn gió bay bay
Của bạn cũ trường xưa cũng từng ngày tái hiện
Tuổi xuân thì đẹp bao mơ ước
Vẫn nao lòng trong mỗi vần thơ

Hà Nội ơi! Ba sáu phố xưa
In đậm trong ta từng con ngõ nhỏ
Cốm Làng Vòng lan theo làn gió
Hương vị quê nhà như phảng phất đâu đây

Trải thảm vàng mùa thu dưới trời Tây
Trái tim cũng bừng bừng thắp lửa
Muốn gói trọn sắc màu trong nhung nhớ
Gửi về nhau da diết nỗi mong chờ.

Bùi Nguyệt - Chemnitz

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

VUI NGÀY GIAO LƯU


 
 
VUI NGÀY GIAO LƯU

Gom từng sợi nắng mùa thu
Đan vào cánh võng lời ru mượt mà
Mưu sinh vất vả xa nhà
Tình người viễn xứ đậm đà thủy chung

Vui buồn chia sẻ nhau cùng
Ba miền gắn bó như chung gia đình
Giữ ngọn lửa ủ hương tình
Dệt nên tấm áo lung linh sắc màu
Lời ru Việt dưới trời Âu
Hòa vào sương tuyết ngả màu thời gian
Bên nhau ta vẫn nồng nàn
Truyền nhau hơi ấm chứa chan tình người

Siết chặt tay nở nụ cười
Cánh thơ bay bốn phương trời giao thoa
Ngọt ngào làn điệu dân ca 
Chao nghiêng vành nón mượt mà hương quê

Văn học Nghệ thuật tụ về
Say sưa ngọn bút đam mê thỏa lòng
Biển đời bát ngát mênh mông
Văn chương thắp lửa theo dòng thời gian

Lời thơ tiếng hát cung đàn
 Cho vơi giá lạnh xua tan sương dày
Về vui với bạn hôm nay 
Đậm đà tình nghĩa trong ngày giao lưu.

Bùi Nguyệt - Chemnitz

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

TIẾNG THU



TIẾNG THU

Chênh vênh vạt nắng nghiêng sang
Khát khao ngọn gió mênh mang khắp vùng
Thả hồn lữ khách ngân rung
Tiếng thu trăn trở gọi cùng lãng du.


Bùi Nguyệt - Chemnitz

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

THU HỒ GƯƠM


THU HỒ GƯƠM

Mặt nước hồn thu in bóng cây
Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây
Lăn tăn sóng gợn rung cành rủ
Thấp thoáng trăng cài quện tóc bay
Ngọn Bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say
Hồ Gươm chứng kiến bao huyền thoại
Níu bước người đi nhớ chốn này.


Bùi Nguyệt - Chemnitz
-------------
ĐỌC “THU HỒ GƯƠM” CỦA TÁC GIẢ BÙI NGUYỆT

Tôi mới đến trang Nguoiviet.de, nên chưa biết nhiều về trang này, cũng chưa đọc nhiều thơ của Bùi Nguyệt. Bài thơ đầu tiên tôi đọc của Bùi Nguyệt là bài THU HỒ GƯƠM, tôi đọc ngày 10/10/2014. Bùi Nguyệt với tôi hoàn toàn là một người bạn mới.
Cho nên tôi không thể nói gì nhiều về tác giả, chỉ phân tích riêng bài THU HỒ GƯƠM để chia sẻ cùng tác giả và các bạn gần xa.
Hồ Gươm là một di tích lịch sử, là trái tim của Thủ đô Hà Nội.
Hồ Gươm từ ngàn xưa đã để lại bao thi hứng trong thơ ca.
Bài thơ THU HỒ GƯƠM của Bùi Nguyệt nguyên cái tựa đề THU HỒ GƯƠM đã nói lên rằng mặt Hồ Gươm trong trẻo trong xanh tình tứ như mùa thu.
Bài thơ THU HỒ GƯƠM của Bùi Nguyệt viết bằng thể thơ đường luật thất ngôn bát cú gồm 56 chữ, 8 câu. Viết theo thể luật trắc vần bằng.
Toàn bài thơ nói về một khung cảnh mùa thu ngày nay xung quanh Hồ Gươm Hà Nội thật hữu tình tràn đầy niềm tin và nỗi nhớ. Đồng thời lý giải về ý nghĩa một Hồ gươm huyền thoại trong lòng dân tộc Việt Nam, khẳng định một tình yêu quê hương, yêu Hà Nội của chính tác giả cũng như của toàn dân tộc.
Bài thơ viết thóang, hồn thơ nhẹ nhõm như những làn gió mùa thu mơn man làn tóc ai bay. Bằng cách dùng những từ ngữ tượng hình tượng thanh cho ta thấy một mùa thu Hồ Gươm thanh bình gợi nhớ.
Gieo thông vận, vần thoáng, tự do, bài thơ vần điệu giàu thanh nhạc, trữ tình.
Bài thơ có một bố cục như bao bài thơ đường luật khác. Rõ ràng bốn phần đề, thực, luận, kết. Về nhịp điệu 4/3 chuẩn, tứ thơ nhẹ nhàng, câu chữ đẹp.
Hai câu đề giới thiệu chủ đề của bài thơ: Khung cảnh mùa thu ở Hồ Gươm Hà Nội.

“Mặt nước hồn thu in bóng cây
Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây”

Một cảnh tượng huyền hoặc giữa Tháp Rùa, những bóng cây soi bóng mặt nước hồ. Chắc nó lung linh lắm, mê hồn lắm trong lòng du khách, mà tác giả là người nắm bắt được điều này để đưa vào thơ. Thơ và cảnh như được thẩm thấu: mặt nước trong veo in bóng cây hòa vào tâm hồn con người tạo nên một “hồn thu”. Một Tháp Rùa đứng sừng sững “trầm mặc” dưới “trời mây” nghe nao nao.
Ngay ở câu đầu chúng ta đã nhận ra chữ “in” vướng vào nhất ngũ tam bất luật ở chữ thứ 5. Người ta nói chỉ nên dùng bất luật ở chứ thứ 1, hoặc 3 chứ không nên dùng bất luật ở chữ thứ 5 trong mỗi câu. Hoặc để tránh bệnh “khổ độc” không dùng những chữ thứ 3 bất luật trong các câu 2 và 6 cho một bài thơ luật bằng, không dùng chữ thứ 3 bất luật trong câu 4 cho một bài thơ luật trắc. Bởi nó làm câu thơ đọc ngang mất đi phần nào sự quyến rũ. Giống như ta đang đi mà gặp phải một bức tường chắn ngang vậy!
Nhưng không hiểu sao khi đọc chữ “in” trong câu đầu này tôi lại muốn giữ nó, không muốn thay bất kỳ từ nào khác, bởi nó làm mặt hồ lung linh nhẹ bẫng cả tâm hồn. Một chữ “in” làm trong veo mặt nước hồ thu, còn gì bằng? Tôi nghĩ các bạn cũng cảm nhận như vậy khi đọc chữ “in” này! Tại sao tác giả không nói “hồ thu” mà lại nói “hồn thu”? Phải chăng hồ thu chưa đủ ý? Còn “hồn thu” là thu đã đi vào tâm hồn, tắm mát hồn ta? Hồn thu làm nên một tứ thơ hay hơn, nên thơ hơn. Làm ta gợi ta nhớ đến QUA ĐÈO NGANG của Bà HuyệnThanh Quan

Từ “trầm mặc” tác giả lồng vào khung cảnh rất thấm. Tháp Rùa trầm mặc là làm sao? Thế nào là trầm mặc? Trầm mặc hiểu nôm na là trầm tư.
Tóm lại hai câu thơ đầu bằng phương pháp dùng từ tượng hình (bóng cây,trầm mặc) và từ ẩn dụ (hồn thu) tác giả đã phác họa được khung cảnh mùa thu Hồ Gươm tuyệt sắc, một “hồn thu” lay động cả không gian.

Tiếp theo là hai câu thực:

« Lăn tăn sóng gợn rung cành rủ
Thấp thoáng trăng cài quện tóc bay»


Tác giả cũng dùng hình ảnh tượng hình (lăn tăn, gợn, rung, rủ, thấp thoáng, cài, quện, bay), từ láy (lăn tăn, thấp thoáng) để diễn tả một sức sống mê hồn, ở đây tác giả đã thổi hồn người vào cảnh, cảnh không còn trầm mặc như hai câu trước mà nó xao động tràn đầy sự sống. Sóng gợn lăn tăn, trăng lung linh hòa quyện, cành lá rung rinh rủ bóng và dù không nói đến ai chúng ta cũng như hình dung ra một dánh hình một thiếu nữ duyên dáng thả làn tóc bay trước gió giữa chiều thu bên hồ! Tác giả dùng từ “trăng cài” rất khéo và có ý nghĩa. Với tứ thơ nồng nàn, với cách ví von lung linh, khiến người đọc vừa say vừa sảng khoái, lâng lâng…
Về kỹ thuật ở cặp thực này tường đôi ổn, chỉnh đối, đúng niêm luật.
Về đối của hai câu thực này:
Đối chữ, nghĩa, ý:


Lăn tăn/ sóng gợn - rung cành rủ
Thấp thoáng/ trăng cài - quện tóc bay


Đối ý đối, đối chữ, đối nghĩa đều chuẩn đạt từng từ, từng cụm từ đối nhau.
Đối thanh:
BB TT BB T
TT BB TT B
Đối thanh cũng chuẩn.
Như vậy trong bốn câu thơ đầu tác giả đã diễn tả được trọn vẹn một khung cảnh nên thơ hữu tình của Hồ Gươm huyền dịu dưới trăng thanh bên một Tháp Rùa trầm mặc.

Bây giờ chúng ta chuyển sang hai câu luận:
Hai câu luận lý giải những cảnh vật (cụ thể là Ngọn Bút) tô lên vẻ đẹp cuốn hút lòng tác giả và từ đó đi vào trang thơ ngọt ngào say đắm khơi gợi tình yêu quê hương đất nước con người.


« Ngọn Bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say »


Về kỹ thuật ổn, chỉnh đối, đúng niêm luật.
Ngọn Bút là một cái Tháp Bút sừng sững kia, nhưng cũng có thể hiểu là cây bút của nhà thơ nên đối với « trang thơ » hoàn toàn thú vị…
Phần luận cụm ”trang thơ” chưa hẳn là trang thơ mà có thể đó là cảnh sắc nên thơ, khung cảnh nên thơ mà tác giả đã ví von, liên tưởng. Đó chính là sự tinh tế của tác giả. Cũng là góc nhìn mở của người đọc.
Về đối trong cặp luận này:
Đối ý, chữ, nghĩa :

Ngọn Bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say

Đối chỉnh từng chữ, từng nghĩa, từng ý
Đối thanh:
TT BB TT B
BB TT BB T
Đối thanh chuẩn.

Như vậy sáu câu thơ trên đã tô lên một vẻ đẹp trọn vẹn cả về cảnh về người cả trong ý thơ, tất cả đã tạo nên những tứ thơ nồng nàn tình yêu đắm say, nỗi nhớ ngọt ngào mà tác giả dành cho HÀ NỘI nói chung và THU HỒ GƯƠM nói riêng.
Tất cả gói vào một câu kết thắm chặt nghĩa tình của du khách muôn phương:


“Hồ Gươm chứng kiến bao huyền thoại
Níu bước người đi nhớ chốn này”


Hồ Gươm với những Tháp Rùa, Bút Tháp, cầu Thê Húc, những con đường rợp bóng cây bên Hồ Gươm, tự trong lòng nó từ bao đời nay là cả những câu chuyện huyền thoại không ai dễ gì quên, nơi uy nghiêm, linh thiêng chứa chan niềm hi vọng người đến nguyện cầu, nơi có những câu chuyện về Rùa Vàng, Gươm Thần giúp dân trừ giặc. Nơi trầm mặc, nên thơ hữu tình thiên nhiên gợi nhớ. Nơi mà bây giờ “níu” bước chân người đi nôn nao “nhớ chốn này”. Ở hai câu kết này tôi thích từ “níu bước”.
Toàn bộ bài thơ lay động tâm tình, nhẹ nhàng thanh thoát, như nhịp sống nên thơ quyến rũ. Giá trị ấy đã cho ta hình dung ra được THU HỒ GƯƠM đã thực sự đi vào tình yêu nỗi nhớ của tác giả với mùa thu Hà Nội.


HOÀNG GIAO - 20/10/2014

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

HỒN QUÊ MẸ




HỒN QUÊ MẸ

Hạ đã nhạt rồi nắng lãng du
Văn chương thắp lửa xóa sương mù
Cho khung trởi lạnh tràn hơi ấm
Để trái tim hồng quyện sắc thu
Bay bổng cánh thơ giàu cảm xúc
Lắng sâu thi tứ đẹp ngôn từ
Tinh hoa Việt ngữ hồn quê mẹ
Thức dậy trong lòng những tiếng ru.

Bùi Nguyệt - Chemnitz

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

HƯƠNG CỐM MÙA THU


                        


HƯƠNG CỐM MÙA THU

Nhớ Hà Nội bước vào thu
Mẹ đưa hương cốm lãng du phố dài
Dâp dềnh quang gánh trên vai
Tiếng rao nhuộm ánh ban mai trên đường

Hà Nội Ba sáu phố phường
Cốm Làng Vòng đã tỏa hương từng nhà
Những bước đường mẹ đi qua
Gập ghềnh nhiêu nỗi xót xa trong lòng

Nghĩ về mẹ lệ tuôn ròng
Ngày xưa quảy gánh hàng rong nuôi mình
Bao nặng nghĩa bấy sâu tình
Ướp trong đáy mắt bóng hình mẹ ơi!

Bùi Nguyệt - Chemnitz
---
Đã đăng trên Lục bát.com 
http://lucbat.com/news.php?id=18834

ĐƯỜNG ĐỜI



ĐƯỜNG ĐỜI

Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương
Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào

Sao khuya gợi nhớ đêm nào
Ấm êm tình mẹ ngọt ngào lời ru
Sắc vàng đan áo mùa thu
Gió heo may cũng lãng du lưng trời

Tìm trong đắng đót những lời
Ngăn luồng cát bụi dập vùi đam mê
Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi

Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên.

Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức
-----------------

 Cảm nhận về bài thơ "Đường đời" của Bùi Nguyệt

           Thơ là cộng hưởng của tâm hồn và trí tuệ, là tiếng hát của con tim cất lên khi trầm, khi bổng tùy theo cảm xúc, xuất xứ của nó. Có người lấy thơ để thả hồn vào trời trăng mây nước, có người làm thơ là phương tiện để giao lưu ,ngâm vịnh…Còn Bùi Nguyệt lấy thơ làm người bạn tri âm, tri kỷ, là một bờ vai, một điểm tựa tinh thần không thể thiếu vắng trong cuộc sống của nhà thơ. Cũng như ngày xưa, nhà thơ Phùng Quán cũng đã thốt lên ” Những lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” . Có nằm trong những hoàn cảnh ấy, chúng ta càng thấy đồng cảm với nhà thơ:

Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương


          “Hơi ấm vần thơ” là luồng sinh khí nuôi dưỡng cả tinh thần, thể chất nhà thơ Bùi Nguyệt như ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng những mầm xanh, cho thảo mộc vươn cành, tươi lá và xua tan băng giá của tuyết phủ, sương giăng. Có phải chăng, đó là gia đình, bè bạn, quê hương, đất nước kết thành một khối tình vững chắc làm điểm tựa tinh thần nâng nhẹ bước chân và chắp cánh cho hồn thơ bay bổng.

Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào


          Bốn tiểu đối trong hai câu thơ vừa tạo nên sự hài hòa của nhịp điệu, vừa gợi tả niềm vui như sóng biển dâng trào hòa vào tình yêu quê hương
đất nước như một sự đối lập với màn sương mờ mịt ở trên. Từ cảm xúc ấy, nhà thơ như nhìn thấy hình ảnh người mẹ trẻ ngày nào dưới đêm sao, cất tiếng ru con ngọt ngào, êm ấm, trong một không khí thanh bình và tâm hồn phơi phới như làn gió mùa thu “cũng lãng du lưng trời”

Đoc đến đây ,tôi lại nhớ tới câu ca dao: "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày thức đủ vừa năm"

           Lời ru trong bài thơ vừa cụ thể vừa khái quát. Ta có thể hiểu - đó cũng là hình ảnh của chủ thể bài thơ đã từng cất tiếng ầu ơ ru các con thơ, trong mái nhà êm ấm. Âu cũng là một dấu ấn đẹp trong cuộc đời của những người phụ nữ nói chung, của nhân vật trữ tình trong bài thơ nói riêng. Bao kỷ niệm khó quên, cứ hiện lên… hiện lên… trong dòng ký ức, càng làm thổn thức trái tim yêu, khơi dậy cả những điều tê tái:

Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi


           Câu thơ đọc lên, nghe như một tiếng thở dài, lay đông tâm can của những ai không vẹn tròn hạnh phúc. Xoáy sâu vào lòng bạn đọc ở tầm khái quát và tính hàm xúc. “Gập ghềnh mê lộ tái tê” Chỉ có 3 từ (hai từ láy và một từ ghép trong một hình ảnh ẩn dụ) thế thôi mà khái quát cả chặng đường đời của người vất vả xa hương. Mê lộ (Đường mê) phải chăng ở đây tác giả muốn nói tới đường tình gập ghềnh, trắc trở đã dẫn đến sự đau khổ, chua xót, tái tê. Hiểu như thế mới thấy được sự logic của câu thơ tiếp "Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi"

          Tục ngữ có câu “ miếng ngon nhớ lâu / đòn đau nhớ đời” Cái nhớ đời của chủ thề bài thơ là “…câu thề chơi vơi”
Câu thề chơi vơi là câu thề theo mây trôi, gió cuốn. có thể đó là lời thề non nguyện biển mang hàm ý thủy chung đến đầu bạc răng long ...Vậy mà người thì nhớ, kẻ thì quên, dẫn đến cảnh tình chia uyên rẽ thúy.

          Thực tế, một điều rất đáng quý của phụ nữ chúng ta là tình yêu chân thật nhưng niềm tin cũng có lúc lại dại khờ. Đời người ta như một ván cờ đi sai một nước là thua cả ván. Chủ thể bài thơ “ Đường đời” có lẽ là người đã rơi vào hoàn cảnh ấy nên bài thơ là một khúc ca buồn. Buồn thì buồn nhưng không bi luỵ, không bất lưc và guc ngã mà vững bước đi lên trên chặng đường phía trước. Lấy thơ “vá lại đường đời". Đường đời là hình ảnh ẩn dụ cuộc đời của mỗi con người. Mỗi cuộc đời ấy cũng như dòng sông có lúc bão giông, có thời yên ả. Cũng có khi lại được ví như chiếc lá qua câu thành ngữ " Lá lành đùm lá rách". Trong văn cảnh bài thơ này, ta có thể hiểu nó ở nhiều khía cạnh khác nhau cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, qua hình ảnh ẩn dụ ở hai câu kết:

Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên


           Cái bình yên thẳm sâu quá khứ hiện về làm điểm tựa vươn lên đã khắc họa lên bài " Đường đời" làm rung động tâm hồn bạn đọc, nhất là những người cùng cảnh ngộ chúng tôi, nơi quê người đất khách.

Ngọc Ánh