Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Một góc thu – một góc nhớ về Hà Nội trong thơ Bùi Nguyệt



Một góc thu – một góc nhớ về Hà Nội trong thơ Bùi Nguyệt
      
       Trong  bốn mùa, hình như mùa Thu đem đến cho con người nhiều bâng khuâng, nhiều nỗi niềm, nhiều trăn trở… nhất là những người sống và làm việc xa nhà, xa quê, xa đất nước lâu ngày. Tôi chợt nghĩ thế sau khi đọc hai tập thơ của Bùi Nguyệt: “Bến xa và Hồn núi”. Đọc vội, cảm vội vì mãi sáng hôm qua 27/8, mới nhận được hai tập thơ chị gửi tặng.
          Mùa Thu trong thơ Bùi Nguyệt là mùa của cảm thức nhớ nhung, xa cách, cũng là mùa của người trải lòng cho ngày về:
          - “Ôi - da diết ngày dài thu lạnh
          Đếm lá rơi tính đến ngày về...”
                                 (Nhớ ngày về)
Vâng, người tha hương nào chẳng vậy. Dù có đi tận chân trời góc biển thì lòng vẫn luôn canh cánh nghĩ tới ngày về, cho ngày về. Về nơi hoa sữa tỏa hương Thu, nơi cành bàng nhuộm lá đỏ trước những dãy phố cổ rêu phong. Ấy là nơi ắp đầy kỷ niệm:
 - “Hà Nội ơi! Những chiều lộng gió
Nắng thu về nhuộm cây bàng lá đỏ          
         Thoáng đưa hương hoa sữa tỏa bên hồ
          Lớp rêu phong phố cổ bao đời
                                 (Hà Nội ơi – Hồn núi)
Nơi ấy có mặt hồ Thu in dấu thời xanh trẻ từng có cuộc tiễn đưa:
          - “Hàng cây xanh soi bóng Thiền Quang
          Phố Nguyễn Du hoa sữa nồng nàn 
          Quyện mái tóc bay chiều thu lạnh
          Tiếng còi tàu, lưu luyến vào Nam
                                   (Nhớ Hà Nội – Bến xa)
Ở bài “Hương cốm”, nhà thơ không hề nhắc tới hai từ  mùa Thu, nhưng đọc hai câu thơ sau đây chúng ta vẫn nhận ra đó là đắc trưng một mùa Thu Hà Nội:
          - “Vẳng tiếng rao “Ai cốm” đầu mùa/
           Gánh hàng nhỏ vai gày mẹ bước”.
Đó là mùa trăm nhớ nghìn thương của người đi xa, ở xa nhớ về Hà Nội.
  
                                                    Ảnh Võ Thi Nhung       
Mấy năm gần đây, mỗi tháng một lần tôi thường đi tắt qua ngõ An Trạch, phố Đoàn Thị Điểm, phường Quốc Tử Giám, quận Đông Đa. Đi sinh hoạt nhóm Bích Câu Thơ bên phố Cát Linh. Hào Nam, An Trạch xưa kia là hai làng cổ của Hà Nội. Giờ hai làng này không còn mang tên đơn vị làng như xưa nữa nhưng mỗi khi qua đây tôi vẫn có cảm giác như đi giữa một ngôi làng, giữa ngoằn ngoèo những ngõ, những vòng cua các con ngõ, xe phải luồn lách mà đi trong dấu tích ngồi làng cổ An Trạch và Hào Nam. Ngôi nhà của Bùi Nguyệt chính là đất làng An Trạch xưa đó. Mỗi lần trở về “Mái nhà xưa” chị nâng mình nhờ làn gió thu chắp cánh:
- “Lang thang ở nơi miền đất khách
Gió thu nâng chắp cánh em về…”
Rồi hằng đêm trong thao thiết nhớ nhung, cả trong giấc ngủ chị cũng mơ trở về nhà mình, ngõ nhỏ ấy vào một ngày thu:
          - “Trong giấc mơ đêm trắng vào thu
          Trong giá lạnh hoang tàn trống trải…”
Về với thành phố thân thương của mình bằng nhịp đập của trái tim hàng ngày trăn trở:
          - “Hoa sữa tỏa hương khi thu đến
          Soi bóng mặt hồ những lứa đôi”
                               (Hẹn ngày về) – Bến xa)
Về với:
          - “ Chiếc lá cuối thu ngời trong nắng
          Trong không gian nơi ấy lặng im”
                            (Hát ru – Hồn núi)
Về với:
- “Liễu vờn gỡ tóc mãi không nguôi
Lam chiều vương vấn hòa sương khói”
                                Ngày về - Bến xa)
Về lại nơi:
          - “Lá me rơi mái tóc vấn vương
          Làn môi run chưa một lần trao gửi”
                             (Thuở ấy- Bến xa)
Mùa Thu Hà Nội là thế, luôn đau đáu trong tâm tưởng những ngày xa… Mai em về:          
          - “Để má em hồng lại dưới chiều Thu ”./.

                                                                   Hoàng Xuân Họa

1 nhận xét:

  1. Hà nội mùa thu vẫn nhớ bóng em
    Ánh trăng ấy vẫn lay miền cô tạnh !

    Trả lờiXóa