Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

ĐI ĂN CƯỚI VỢ CŨ – LỜI BÌNH CỦA ĐỖ TRỌNG KHƠI & LỜI “NÓI LẠI” CỦA NHÀ THƠ BÙI HOÀNG TÁM

DamCuoi 

ĐI ĂN CƯỚI VỢ CŨ

Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới

Mình bàn với vợ mới

Có đi không mình ơi!
Vợ mới cười rất tươi
“Chị mời thì nên đến

Hai đứa mình cùng đi

Để tỏ tình thân mến!”
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy đến chào

Chồng mới của vợ cũ

Ra tận nơi đón vào…
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ

Mọi người tranh nhau hát

Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Mình ghé tai hỏi vợ

“Nếu cuộc tình này vỡ

Mình có mời anh không?”
(theo BLOG Dân trí)
BÙI HOÀNG TÁM

Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:

Căn cứ qua tiểu sử tác giả và nếp sống văn hoá, tập quán, thái độ tình cảm con người trong gia đình truyền thống Việt Nam thì có thể khẳng định: bối cảnh không gian trong thơ “Đi ăn cưới vợ cũ” là hư cấu. Với tính mực thước, lễ độ con người ta khó chấp nhận một hoàn cảnh, không khí lễ cưới diễn ra như thế. Vậy vì sao bài thơ này lại chiếm được cảm tình của nhiều đọc giả ở các lứa tuổi, vị trí xã hội? (Kết quả theo Google là 8.430.000 lượt truy cập bài thơ này). Câu trả lời và qua đó sẽ phản ánh nên phần nào thái độ tiếp nhận lối sống mới của con người Việt Nam thời @ chăng?
Trong đời sống thuần phong mỹ tục của gia đình người Việt Nam thì lễ cưới là một trong những nghi thức được tổ chức long trọng bậc nhất. Tên nghi thức được đặt “Lễ rước dâu”. Chữ “rước” ở đây là cách xác định tính chất tôn nghiêm, ngang bậc với các nghi thức tôn nghiêm tôn giáo khác, như lễ rước kiệu thần thánh nơi đình chùa. Một đằng chỉ việc thờ phụng thánh thần, một đằng việc duy trì, thờ phụng dòng giống tổ tiên. Thơ văn xưa nay miêu tả về việc này thảy đều là các tác phẩm chữ nghĩa chuẩn mực, chân thực và trang trọng. Vậy mới cho hay, bài thơ “Đi ăn cưới vợ cũ” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám là một tiếng nói mới mẻ, riêng biệt và nó có tính cách phản phong. Với một giọng thơ tưng tửng đùa chơi, giễu nhại, các nhân vật vợ, chồng mới, cũ đến với lễ cưới vui vẻ, cứ như trong lòng họ chưa hề chịu nỗi xót xa nào. Họ vốn là vợ chồng, nghĩa là cũng từng yêu thương, đầu gối tay ấp, rồi tan vỡ và hẳn không thể nói, lúc đối diện cảnh tan vỡ, phân ly cõi lòng không đau đớn. Vậy, vết thương lòng xưa đâu mà giờ đây chỉ thấy, với người vợ: “Vợ cũ mặc rất đẹp/ Trông thấy chạy đến chào…”, người chồng cũ: “Mọi người tranh nhau hát/ Mình cũng lên đọc thơ” Và đặc biệt, khổ kết bài sự tếu táo, giễu chơi đã được đẩy tới đỉnh, như lời dự báo: “Trong làn khói lơ mơ/ Mình ghé tai hỏi vợ/ Nếu cuộc tình này vỡ/ Mình có mời anh không?”. Thật chông chênh, tình vợ chồng như thế khác nào những cuộc tình sống thử khá phổ biến của lớp sinh viên ngày nay, nó cũng từa tựa cách chơi trò vợ chồng của trẻ con nơi chòm xóm hồi thơ ấu.
Như trên khẳng định, tác giả đã hư cấu một không gian, không khí buổi lễ cưới không có thật nhưng nó vẫn hiện diện sinh động như thật và bởi thế nó đã tìm được sự tương thích của đông đảo bạn đọc. Chính vì, qua thái độ tiếp nhận hoàn cảnh mới một cách nhẹ nhàng, tự nhiên vô tư của các nhân vật vợ, chồng cũ, mới kia đã chạm trúng vào niềm mong muốn được cởi bỏ những giàng buộc lễ giáo truyền thống cho một phong cách sống mới, với những chuẩn mực giá trị đã nhiều khác biệt của con người trẻ tuổi thời @.
Nếu hoạ hình ảnh biểu trưng cho một bộ phận không nhỏ con người và các gia đình Việt Nam ngày nay, có thể hình dung đó là một gương mặt đầy bất an, thiếu hình mẫu lý tưởng, thiếu cơ sở nền tảng cần cho sự bền vững nhưng nó lại đang hồ hởi được đánh chìm mình trong cơn thèm khát thoả mãn các nhu cầu sống cá thể và tính cá thể đã được đẩy tới mức khiến nó trở nên trơ lỳ, vô cảm trước các giá trị truyền thống, nó luôn trong tư thế hân hoan tận hưởng và tất nhiên, để trạng thái sống đó thành một bản năng, hay một dạng ý thức mạnh mẽ thì đồng thời nó đòi hỏi đối tác phải biết xoá dấu quá khứ. Mỗi bước chân là một lãng quên! Đấy chính là thái độ, tính cách phản phong, phản kháng lại giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục hằng được xác lập đã bao thời.
Và đây cũng chính là nét bút hoạ thi ca đã phục dựng bức tranh “Đi ăn cưới vợ cũ” cho một thế hệ, thậm chí một thời đại đang tự “tiêu” mình trong canh bài kỹ trị, vật chất, dục tính bản năng, của nhà thơ Bùi Hoàng Tám.
1/12/2013

LỜI “NÓI LẠI” CỦA NHÀ THƠ BÙI HOÀNG TÁM

LI HÔN LÀ TIẾN BỘ KHỔNG LỒ CỦA NHÂN LOẠI!
Đỗ Trọng Khơi là một người bạn của mình ở Thái bình. Cách đây mấy hôm, Khơi có gửi cho mình bài này. Đã định nói lại với Khơi nhưng bận “cày cuốc” cho báo TẾT. Hôm nay thấy Khơi đăng trên trang Web bác Nguyễn Trọng Tạo, đành “nói lại cho rõ” với Khơi.
Dưới đây là đôi lời nói lại của Bùi Hoàng Tám.
Phải thừa nhận, đây là bài viết khá công phu, nghiêm túc và có chiều sâu của một người từng trải.
Tuy nhiên, cái sai cơ bản trong tư duy của Đỗ Trọng Khơi là ở chỗ như nhiều người cùng thế hệ, Khơi không (hoặc chưa) hiểu rằng LI HÔN là bước tiến khổng lồ của nhân loại trong cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Khi vì lý do gì đó không còn ở được với nhau thì LI HÔN chính là sự giải phóng cho nhau.
Lễ giáo phong kiến và giờ đây vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những dân tộc theo đạo Hồi, phụ nữ bỏ chồng bị coi là tội tày đình, đáng “cạo đầu, bôi vôi”, thậm chí ném đá đến chết.
Đã có biết bao nhiêu phụ nữ phải cam chịu hết cả cuộc đời mình trong cái vòng kim cô tù đày đó.
Đã có biết bao số phận sống trong tủi hờn, nước mắt và cả máu…
Ở đây, Khơi chỉ mới nhìn LI HÔN bằng cái nhìn bi quan dưới cái bình phong “truyền thống”, chấp nhận cái gọi là “sự bền vững” bằng mọi giá, kể cả tù ngục.
Tóm lại như đã nói ở trên, Đỗ Trọng Khơi không (hoặc chưa) hiểu được rằng LI HÔN chính là bước tiến bộ khổng lồ trong cong cuộc giải phóng con người nói chung, đặc biệt là với phụ nữ nói riêng.
Về bút pháp, Đỗ Trọng Khơi cho rằng “Với một giọng thơ tưng tửng đùa chơi, giễu nhại, các nhân vật vợ, chồng mới, cũ đến với lễ cưới vui vẻ, cứ như trong lòng họ chưa hề chịu nỗi xót xa nào. Họ vốn là vợ chồng, nghĩa là cũng từng yêu thương, đầu gối tay ấp, rồi tan vỡ và hẳn không thể nói, lúc đối diện cảnh tan vỡ, phân ly cõi lòng không đau đớn”.
Có thể nói, Đỗ Trọng Khơi đã quá thật thà bởi văn chương, đến một tầm nào đó mới nói về sự đau đớn, xót xa bằng cái giọng “tưng tửng và diễu nhại”. Nói “tưng tửng và diễu nhại” nhưng đằng sau đó là sự xót xa…
Có một điều mà hình như Đỗ Trọng Khơi không nhận thấy, đó là lòng nhân ái và sự thể tất.
Trong cuộc li hôn, không ai không có lỗi. Khi cuộc tình đã tan vỡ, xin hãy gạt bỏ những tức tối, thậm chí hận thù mà hãy dành cho nhau niềm mong mỏi tốt đẹp.
21/12/2013
Theo nguon: bloc Nguyen trong Tao 

1 nhận xét:

  1. Lý thăm chúc chị BN mùa Giáng sinh an lành
    Dọc bài thơ đi ăn cưới vợ cũ,nhũng cặp vơ chồng li hôn,không còn tức tối hận thù
    Đó là cách ứng xử có văn hóa chị nhỉ.

    Trả lờiXóa