Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Báo: TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC

Một vài cảm nhận về ngôn ngữ tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Tôn Vinh Văn Hoá Đọc

http://tonvinhvanhoadoc.vn/

Chùm thơ Bùi Nguyệt


---------------------
Hà Nội, đó là những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ, tuổi học trò và tuổi trẻ của tôi.
Đã bao năm sống xa Hà Nội nhưng những ngày hè rộn rã tiếng ve kêu gọi hoa Phượng nở.
Những chiều thu se lạnh đượm nồng hoa sữa. Tháp Rùa giữa hồ Gươm xanh biếc cùng bưu điện thành phố nơi mà những người ở gần, ở xa có dịp đến Hà Nội không thể không ghé thăm vẫn in đậm mãi trong tôi.

Hà Nội nay đã và đang được xây dựng hiện đại hơn, rộng lớn hơn song những phố nhỏ, ngõ nhỏ đã khắc sâu vào tâm hồn làm nao lòng những người con xa xứ. Tôi xin được gửi gắm những tình cảm của mình vào bài thơ:

NHỚ HÀ NỘI


Chiếu rời đô Vua Lý truyền ban
Dựng Thăng Long ngàn năm văn hiến
Nắng Ba Đình rợp cờ Hà Nội
Bản Tuyên ngôn lời Bác mãi vang


Trao kiếm thần Vua Lê đuổi giặc
Rùa vàng ngậm xanh biếc Hồ Gươm
Cầu Thê Húc tươi hoa phượng nở
Làn gió lay Liễu rủ bên hồ


Năm Cửa Ô cổng chào rộng mở
Đoàn quân về giải phóng Thủ đô
Nước mắt rơi mừng ngày độc lập
Chợ Đồng Xuân tấp nập Hàng Đào


Đường Cổ Ngư Tây hồ gió lộng
Nép bên nhau đón nụ hôn nồng
Nón chao nghiêng má hồng thắm đỏ
Đào Nhật Tân đón nắng xuân sang


Hàng cây xanh soi bóng Thiền Quang
Phố Nguyễn Du hoa sữa nồng nàn
Quyện mái tóc bay chiếu thu lạnh
Ga Hàng Cỏ lưu luyến dần xa...


Tà áo dài nhẹ bay trong gió
Bóng cô gái gánh nước bên hồ
Xác máy bay vẫn còn lưu lại
Hoa Ngọc Hà rực rỡ tỏa hương


Và còn nữa ba sáu phố xưa
Chẳng phai mờ từng ngõ, phố nhỏ
Tóc xõa vai áo dài tha thướt
Lắng đọng lòng ai nét mượt mà




CÁNH PHƯỢNG XƯA


Tiếng ve kêu cuốn đưa ngọn gió
Thắm nở tình ai tuổi học trò
Những bối rối cúi nhìn trang vở
Gọi tên nhau đỏ mặt thẹn thùng
Mộng đầy tương lai đang chung ý
Khép lại giữa trang cánh phượng hồng
Xếp sách vở anh vào quân ngũ
Em xa hàng phượng vỹ năm xưa


Thời gian như những cánh thoi đưa
Nhớ về anh buổi đầu xao xuyến
Nhịp đập con tim thầm mách bảo
Sánh vai cùng chắp những vần thơ


Năm tháng dài thêm bao nỗi nhớ
Gặp lại nhau tóc điểm sương rơi
Như thủa nào màu hoa phượng đỏ
Ánh mắt trao nhau những ngượng ngùng


Hồi tưởng ước mộng xưa dang dở

Cảm nhận ra lẽ sống ở đời
Cuốn sách hay là điều phải trải
Ép nhành hoa là mối tình đầu.

PHÚT ĐẦU NĂM



Khoảnh khắc đầu năm
anh chúc em trên điện thoại
Ấm áp lời anh xao xuyến nghĩa tình
Quyện lời anh
Vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh
Da diết quá bao năm rồi nghe lại
Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình
Lời anh nói tiếng lòng anh trao gửi
Em ở bên này
cảm nhận ánh bình minh
Xua băng giá cho ngày mai ấm áp
Những vần thơ trao gửi cả tâm tinh
Nửa vòng trái đất ta truyền nhau hơi ấm
Ấm áp cùng anh, em trao cả tâm hồn
Ngọn nến hồng thắp lửa lòng soi rọi
Phương trời xa băng giá, tuyết rơi
Em hiểu lắm:
Anh thương vầng trăng khuyết
Nơi xứ người em cảm nhận được tình anh
Anh giữ mãi nửa vầng trăng khuyết nhé
Sẽ lại đầy khi gặp áng thơ anh...
Bùi Nguyệt
Chemnitz ,CHLBĐức
(bimbenbon@yahoo.de)

-------------------
LỜI BÌNH CỦA HOÀNG TẤN ĐẠT:


Ngày nay, vào thời buổi thông tin hiện đại nối mạng toàn cầu, những người ở xa thường qua điện thoại để cung chúc Tân xuân. Vậy mà nhà thơ Bùi Nguyệt đã thi vị hóa điều bình thường đó qua bài thơ "PHÚT ĐẤU NĂM" làm ngân rung trái tim bạn đọc từ vần thơ nặng nghĩa sâu tình
Khoảnh khắc đầu năm
Anh chúc em trên điện thoại
Ấm áp lời anh xao xuyến nghĩa tình
Quyện lời anh
Vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh
Da diết quá bao năm rồi nghe lại
Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình!


Ôi! Một mối tình, mối tình xuyên lục địa trong hoàn cảnh chàng đất Á nàng trời Âu như thế thì tuyệt vời và cao đẹp biết bao. Chẳng dễ cầm lòng đâu đối với người xa xứ, lại còn đang ở nơi băng, tuyết ngập tràn, thèm cả sợi nắng vàng và tiếng gà gáy sáng.
Lời thơ chân thực quá! Thực như nỗi nhớ quê hương vẫn ngày đêm cồn cào da diết của nữ sỹ Bùi Nguyệt, chủ thể trong bài thơ. Nỗi nhớ ấy trỗi dậy, bùng lên trong giây phút bất chợt: Vẳng tiếng gà trong điện thoại mà nghĩ rằng tiếng gọi của hồn quê. Đúng là chỉ có người ly hương mới viết được những dòng thơ như thế.
Nếu "lời anh" là tình riêng thì "Tiếng gà" là tình chung. Riêng và chung hòa quyện vào nhau, dâng trào cảm xúc và mạch cảm xúc ấy cứ cuồn cuộn chảy rồi xoáy vào tâm điểm của tình yêu:
Lời anh nói là tiếng lòng anh trao gửi
Em ở bên này cảm nhận ánh bình minh
Xua băng giá cho ngày mai ấm áp
Những vần thơ trao gửi cả tâm tình

Một chuyển đổi cảm giác khá tài tình giữa sự giao thoa về âm thanh và màu sắc. Âm thanh là "Lời anh", màu sắc là "Ánh bình minh" . Ánh bình minh trong văn cảnh này được xem là Thi nhãn: Nó gợi cảm cả ấm nóng, sự sáng trong và niềm tin yêu, hy vọng của tình yêu. Tình yêu ấy đang rực rỡ, rạng ngời mở ra chân trời hạnh phúc, làm lung linh cả "Những vần thơ trao gửi tâm tình". Vần thơ ấy là hơi ấm của tình yêu, là ánh lửa lòng soi rọi. Họ đã truyền cho nhau qua làn sóng điện, đó là phương tiện để hai tâm hồn thi sỹ giao thoa:
Nửa vòng trái đất ta truyền nhau hơi ấm
Ấm áp cùng anh em trao cả tâm hồn

Và đây là đỉnh điểm của sự thăng hoa. Bạn đọc chúng ta phải cảm nhận bằng xúc giác mới thấy được sự nồng nàn ấm áp của tình yêu. Tình yêu ấy như ngọn lửa hồng bừng bừng rực cháy để xua tan "băng giá", "tuyết rơi", đó là cái lạnh ngoài trời và cái lạnh trong lòng của người xa xứ. Người xa xứ ở đây phải chăng chình là tác giả, chủ thể của bài thơ. Đúng rồi! Nguyệt nghĩa là Trăng. Hiểu như thế ta mới thấy sự tinh tế và logic cùng ẩn ý nằm ở khổ thơ cuối:
Em hiểu lắm:
Anh thương vần trăng khuyết
Nơi xứ người em cảm nhận được tình anh
Anh giữ mài nửa vầng trăng khuyết nhé!
Sẽ lại đầy khi gặp áng thơ anh.

Đọc đến đây tôi lại nhớ câu thơ của Hoàng Hữu
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mảnh trăng còn khuất nửa ở trong nhau

Bài thơ khép lại bằng lời nhắn nhủ xa xôi: Anh giữ mãi tình yêu anh nhé! Hai chúng ta là hai nửa vầng trăng. Hai nửa vầng trăng khi hợp nhất sẽ tràn đầy viên mãn. Tôi thầm nghĩ "Vầng trăng khuyết", hình ảnh rất đẹp và lãng mạn này sẽ ngất ngây - "Anh" - Bạn tình của nữ sỹ. Nó đã góp phần nâng cao thẩm mỹ của bài thơ, lung linh mãi trong lòng bạn đọc
"PHÚT ĐẦU NĂM" Là tiếng nói nội tâm riêng của nhà thơ và có lẽ cũng là tiếng nói chung mối tình của những người xa xứ.
Thời đại thông tin không gian như xích lại
Anh với em xa thế mà gần
Hai người ở hai đầu điện thoại
Nghe nồng nàn hơi thở của người thân

Hoàng Tấn Đạt
Vũng Tàu - Việt Nam



ĐÊM THU

Thu đi...
           Thu đến...
                           Bao mùa lá
Lối cũ ngày xưa lạnh lối về
Gió thoảng đưa hương nồng hoa sữa
Bồi hồi tiếng vạc rỗng trời khuya...
Giờ đây đôi ngả ta đã bước
Tháng năm vời vợi những ưu phiền
Anh vẫn cùng em trong ký ức
Mỉm cười độ lượng chẳng hề quên
Thu đến...
                Thu đi...
                           Bao mùa nhớ
Nào ai đếm được lá vàng rơi
Phương ấy đêm nay trời có lạnh
Có biết phương này trăng đơn côi.

Bùi Nguyệt.
Chemnitz, CHLB Đức


-------------------
LỜI BÌNH CỦA HOÀNG TẤN ĐẠT:
Câu thơ đầu đọc lên nghe như một tiếng thở dài:
Thu đến...
              Thu đi...
                               Bao mùa lá

Thời gian trôi nhanh quá - thu vừa mới đến đã mau đi. Ôi! Cái tâm trạng não nề khi nhớ về những kỷ niệm ngày xưa của nhà thơ cũng làm ta đồng cảm:
Lối cũ người xưa lạnh lối về
Gió thoảng đưa hương nồng hoa sữa
Bồi hồi tiếng vạc dưới trời khuya..
.
Lối về lạnh hay lòng người trống lạnh? Cái lạnh bên trong và cái lạnh bên ngoài như một sự giao thoa làm tăng thêm nỗi xót xa tê tái dưới đêm thu và bất ngờ tiếng vạc kêu trong đêm lại càng thêm não lòng hơn. Cả một không gian buồn trùm lên một tâm hồn cô đơn như tiếng vạc kêu sương, khao khát gọi bầy. Vì:
Giờ đây đôi ngả ta đã bước
Tháng năm vời vợi những ưu phiền.
Anh vẫn cùng em trong ký ức.
Mỉm cười độ lượng chẳng hề quên

Khổ thơ trên vừa lí giải nỗi buồn vừa bày tỏ niềm thương nỗi nhớ về một người có nụ cười độ lượng. Con người nhân hậu đáng yêu ây đã trở thành ký ức khó phai mờ trong tâm trí của nhà thơ, cho dù thời gian cứ trôi hoài trôi mãi đã bao mùa cây đổi lá thay mầm
Thu đến...
              Thu đi...
                          Bao mùa nhớ
Nào ai đếm được lá vàng rơi

Vẫn là thời gian trôi nhanh, quẩn quẩn, quanh quanh, bốn mùa thay đồi. Điệp ngữ thu đến thu đi được lặp lại đã thể hiện khá rõ ý thơ này. Cái hay ở đây là trên thì "Bao mùa lá" còn dưới là "Bao mùa nhớ” chứng tỏ rằng: Em nhớ anh quanh năm suốt tháng, hết năm này qua năm khác. Cây theo mùa thay lá nhưng em chẳng thay lòng. Son sắt thủy chung vẫn là đức hạnh tuyệt vời của người con gái Việt Nam. Và rõ ràng sự thủy chung ấy xuất phát từ sự hy sinh và lòng vị tha cao cả
Phương ấy đêm nay trời có lạnh:
Có biết phương này trăng đơn côi?
Dù tình lứa đôi không thành nhưng anh ơi, em vẫn lo cho anh và thương nhiều, nhớ lắm. Còn anh có hiểu cho tình cảnh của em hay không? Em vẫn sáng trong như vầng trăng trên trời lẻ loi giữa muôn ngàn tinh tú.
"Trăng đơn côi" vừa là ẩn dụ vừa là chơi chữ vì Nguyệt nghĩa là Trăng.
Tôi tin rằng vầng Trăng ấy sẽ sáng mãi trong lòng người đọc...
Hoàng Tấn Đạt
Vũng Tàu - Việt Nam
1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét