Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Lê Hùng bình bài thơ “Xuân Hẹn Ước” của Minh Hải (Đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin 2013)

Theo nguồn: Vandanviet.net
XUÂN HẸN ƯỚC - Lời bình của Lê Hùng
Để chia xẻ cùng bạn trong và ngoài nước- Bùi Nguyệt gửi bài bình của Lê Hùng qua bài thơ đạt giải nhì trong cuộc thi thơ toàn CHLB Đức do CLB Thơ Berlin tổ chức với chủ đề "Mùa Xuân và Quê hương" của MINH HẢI trong đêm thơ Nguyên Tiêu Berlin 2013- (BGK: Bùi Nguyệt, Sa Huỳnh, Thế Sáng, Thế Dũng, Huy Thắng)

XUÂN HẸN ƯỚC
Bài thơ đạt giải nhì trong cuộc thi thơ toàn CHLB Đức do CLB Thơ Berlin tổ chức với chủ đề "Mùa Xuân và Quê hương"


Mùa Xuân thắm lại đất trời
Hoa trao hương sắc ngỏ lời thương nhau
Thủy chung lòng giữ trước sau
Trái tim mang tặng cho nhau suốt đời
Mặc sương phủ, mặc tuyết rơi
Hồng kia vẫn rực góc trời xa xa
Biển đời bão táp phong ba
Tình sâu nghĩa nặng phù sa đắp bồi
Thuyền anh vẫn vượt em ơi
Bến bờ hẹn ước đậu nơi em chờ
Anh tấu nhạc, em hòa thơ
Xốn xang gió sớm, ngẩn ngơ nắng chiều.
Minh Hải
Chemnitz, CHLB Đức
---------------------

Lời bình của Lê Hùng

Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ hình tượng. Hình tượng ở đây gần như rải khắp cả bài thơ.
Ở khổ thơ đầu là:
Mùa Xuân thắm lại đất trời
Hoa trao hương sắc ngỏ lời thương nhau
Từ “thắm” thường làm phụ tố cho mấy tính từ chỉ màu sắc: xanh thắm, tươi thắm, đỏ thắm. Đó là những gam màu tươi sáng, rực rỡ. Chỉ một từ “thắm” thôi, mà tác giả đã gợi ra cho chúng ta những gam màu ấy của thiên nhiên khi mùa xuân đến và ẩn sâu trong đó ta thấy cả niềm vui.
Đúng như Như Tùng đã cảm nhận: “Ngôn ngữ của chim là tiếng hót. Ngôn ngữ của hoa được Minh Hải cho là hương vị. Xem ra cũng thật lý thú, rất hơp. Biện pháp tu từ nhân hóa ”ngỏ lời thương nhau” Rõ ràng khổ thơ đầu hiện ra trước mắt chúng ta một không gian rưc rỡ, tươi thắm của trời đất vào xuân. Tình hoa quyện với tình người như một sự giao thoa hòa cảm.”
Từ đây, tứ thơ đước phát triển, hình tượng được nâng cao:
Mặc sương phủ, mặc tuyết rơi
Hồng kia vẫn rực góc trời xa xa
Biển đời bão táp phong ba
Tình sâu nghĩa nặng phù sa đắp bồi
“Bốn hình ảnh đối lập trong một khổ thơ qua cùng một thủ pháp ẩn dụ; “sương phủ, tuyết rơi” đối lập với “Hồng kia vẫn rực”, ”bão táp phong ba” đối lâp với “phù sa đắp bồi” đã khẳng đình sự chung thủy của một mối tình tuyêt.mỹ. Nó bất chấp mọi khó khăn gian khổ, cho dù ở hoàn cảnh khắc nghiệt nào đi nũa thì ngọn lửa tình yêu vẫn rực hồng từ trái tim người con gái đẹp: “hồng kia vẫn rực góc trời xa xa” và “Biển đời có bão táp phong ba“ mối tình ấy - về phía chàng trai vần như phú sa dưới dòng sông âm thầm bồi đắp cho bến bờ hạnh phúc của mình…” Có lẽ, bạn đọc chúng ta ai cũng đồng cảm với Văn Thành qua lời bình khá sắc trên đây. Tuy nhiên vẫn còn những khía cạnh có thể khai thác. Khi đọc câu ”măc suơng phủ mặc tuyết rơi/ Hồng kia vẫn rực góc trời xa xa” thì tôi lại nhớ đến câu ca dao:
Lạnh lùng lắm láng giềng ơi!
Láng giềng lạnh ít nhưng tôi lạnh nhiều!
Thế mới biết, đối với phái đẹp, cái lạnh bên ngoài không đáng sợ bằng cái lạnh bên trong. Sương phủ, tuyết rơi ngoài trời không đáng sợ bằng sương phủ, tuyết rơi trong lòng. Vậy mà ở đây “Mặc” dù thế “Hồng kia vẫn rực góc trời xa xa!” Một hình ảnh mà đẹp cả hai bình diện– hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong.. Đó là lòng chung thủy. Thật đáng quý biết nhường nào! Lòng chung thủy ấy đã tạo sức mạnh cho chàng trai vượt qua biển đời phong ba bão táp. Lời hứa quyết tâm chân tình mộc mạc ”Thuyền anh vẫn vượt em ơi” tưởng chừng sẽ tan vào hư không, gữa mênh mông biển cả, vậy mà chiếc thuyền ấy đã vào “Bến bờ ước hen đậu nơi em chờ” Và chính tôi cũng muốn bay lên khi đọc hai câu thơ cuối:
Anh tấu nhạc, em hòa thơ
Xốn xang gió sớm, ngẩn ngơ nắng chiều.
Hai câu thơ này hay thật! Hay vì đó là kết quả tất yếu của mối tình cao đẹp, hay vì nó mang nhiều tầng ý nghĩa, gợi cho ta nhiều sư liên tưởng trong những bình diện khác nhau. Hạnh phúc là sự đồng điệu tâm hồn, nó hòa quyện như thơ với nhạc, như nhạc với thơ. Nếu ta liên tưởng tới sự thầm kín, bí mật kia của mối tình này, thì lại thấy cái hay ở sự diễn tả bóng bẩy về thao tác rất bản năng của trai và gái, của đàn ông với đàn bà. Họ đang hòa vào nhau trên bến bờ hạnh phúc. “Thi trung hữu nhac” trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ. Hình ảnh “anh tấu nhạc em hòa thơ” phải chăng đó là cách thể hiện: trong anh có em, trong em có anh. Chẳng còn đâu là khoảng cách.
Mối tình đẹp đẽ ấy đã lan tỏa vào cả thiên nhiên cảnh vật. Một không gian mênh mang, xốn xang ngây ngất hiên lên trước mắt chúng ta, ”xốn xang gió sớm. ngẩn ngơ nắng chiều”. Đúng như bạn Nam Phong viết nắng và gió “Chúng nó biết nhiều, chứng kiến nhiều mà vẫn phải kinh ngạc” Kinh ngạc trước sự phi thường của tình yêu, hay kinh ngạc truớc sắc đẹp của “Bông Hồng”. Ta có thể hiểu câu thơ này ở nhiều góc độ, ở nhiều sự liên tưởng. “Xốn xang gió” ta có thể hiểu đó là phơi phới của niềm vui, phơi phới của sư thăng hoa trong hạnh phúc. Ôi! Hạnh phúc thật tuyệt vời, khiến mặt trời cũng phải ngẩn ngơ trước giờ bàn giao cho trăng sao ngự trị bầu trời.
Hai câu thơ này không những hay ở nội dung mà con hay ở nghệ thuật. Đó là nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, nghệ thuật ngăt nhip 3/3, 4/4 và tuyệt vời nhất là những tiểu đối trong cả hai câu: “anh tấu nhạc” đối với “Em hòa thơ”; “Xốn xang gió sớm” đối với “ngẩn ngơ nắng chiều”
Có thể nói đây là hai câu thơ xuất thần giàu hình tượng, giàu nhạc điệu lại hàm súc và có sức gợi cho bạn đọc.
Nếu ai đã từng vượt đại dương đi tìm hạnh phúc sẽ thấm thía hơn khi đoc bài thơ “Xuân ước hẹn” này. Tôi nghĩ đây là bản tình ca rất hay, ca ngợi sức mạnh phi thường của tình yêu. Đúng như câu ca dao:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội tam thập lục đèo cũng qua
Lê Hùng

1 nhận xét:

  1. Người bình rất hiểu người viết . Đã lâu không gặp . Chúc em vui !

    Trả lờiXóa