Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

TÌNH THƠ CÒN MÃI VỚI ĐỜI



hoasen

                                             TÌNH THƠ CÒN MÃI VỚI ĐỜI
                                                           Trần Vân Hạc
 
Trên bầu trời thi ca Việt Nam, ít có nhà thơ nào mới xuất hiện đã sáng chói, làm xôn xao dư luận không chỉ trong giới phê bình mà cả hàng vạn trái tim những người yêu thơ như nhà thơ Lý Phương Liên. Những bài thơ tươi mới, chân thật, trong trẻo, lạc quan, thấm đẫm tình người và tình đời, gieo vào lòng người đọc niềm tin yêu vào một ngày mai tươi sáng của dân tộc, khơi dậy những hạt mầm tốt đẹp trong mỗi con người, chưa nói rằng thơ Lý Phương Liên đã dự báo chính xác tiến trình lịch sử tất yếu của đất nước trong quan hệ Việt – Mỹ, mà lúc đó gần như không mấy ai tưởng tượng nổi.
Những năm 70 của thế kỷ 20, khi đất nước đang chiến tranh, thơ của Lý Phương Liên được coi là một hiện tượng văn học, đem lại niềm tin cho người ở hậu phương, đặc biệt với những người ra trận. Nhiều bài thơ của chị được in trên báo Nhân dân, báo Lao Động, báo Văn nghệ… nhiều chiến sĩ ngoài mặt trận chuyền tay nhau đọc những bài: “Ca bình minh”, “Em mơ có một phiên tòa”, “Ngã ba”, “Thư gửi người bạn gái Mỹ”… “Ca bình minh” được phổ nhạc, được hát trên các sân khấu của những người lao động, trên sàn diễn các nhà văn hóa, bài ca ấy luôn được phát trên làn sóng đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Lớp lớp thanh niên ra chiến trường, trong ba lô là cuốn sổ tay chép thơ chị, tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho những chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng. Còn giới nghiên cứu thơ ngày đó đã dành cho chị một sự trọng thị, với lời thẩm định quý hơn vàng cho một người mới cầm bút: “Một bông hoa vừa nở đã ngát hương…” – (Báo Nhân Dân, năm 1970). Thơ Lý Phương Liên đi vào tình cảm người đọc tự nhiên bằng bản sắc riêng, cụ thể, khá sinh động, không trộn lẫn với những người khác mà rất gần gũi với người thưởng thức.
Ít ai biết được lúc đó Lý Phương Liên chỉ là một cô công nhân mới học xong lớp 8/10, bố mẹ mất sớm, chị ngày đi làm, lại còn phải làm thêm, đi giữ xe đạp để thêm thu nhập nuôi các em – “năm miệng khỏe”. Tình yêu quê hương đất nước, tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc đã chắp cánh cho thơ của chị bay cao bay xa. Từ những sự việc tưởng như bình thường, chị đã nâng tầm thành cảm xúc thơ trong sáng đạt đến ý nghĩ rộng lớn, chắt ra từ cuộc sống đời thường những tinh hoa, nâng lên tầm nghệ thuật, như bài “Ca bình minh. Bài thơ đưa người đọc đến với những ý tưởng lạ lẫm, vô tư, bay bổng của tuổi trẻ: “Em gọi ca ba là ca bình minh”. Hiện thực mỗi khi tan ca về gặp bình minh mai sớm đã được thi vị hóa thành một hình tượng thơ đắc địa: “Ca bình minh”, của một ngày mới, của một chân trời mới, của mỗi người và đất nước. Chị đã từng bao đêm đi ca ba, bao lần: “Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường”. Ngày ấy đất nước còn bị chia cắt, “tất cả vì miền Nam thân yêu”. Các chị đi ca ba hay các anh bộ đội “thẳng tới chiến trường” để một ngày không xa được: “Đón bình minh đất nước”. “Ca bình minh” mang một tầm cao mới đầy chất sáng tạo với hình tượng thơ: “bình minh đất nước” phơi phới tinh thần lạc quan. Trong bài thơ cất lên một âm thanh rất lạ, dù lúc đó chị còn rất trẻ nhưng có lẽ cái thiên chức của người phụ nữ và sự nhậy cảm của một hồn thơ dẫn cho mạch thơ của chị đến được âm thanh tuyệt diệu của cuộc sống ấy: “Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc”. Cuộc sống vốn như thế đấy, mãi sinh sôi bất tận. Cái tiếng oa oa của đứa trẻ mới chào đời trong “gió cao trời xanh” ấy hứa hẹn một mùa xanh cho tương lai. Khổ thơ cuối như một phương châm sống của chị, của những người tử tế: “Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp”. Cao trào của bài thơ chợt căng lên như dây đàn rồi nhẹ nhàng ngân lên giai điệu về tình yêu cuộc sống. Cái hiện thực “ca ba” như một điểm tựa để vươn tới: “bình minh”: “Ơi ca ba! Ca ba em đi vào hôm nay/ Đã thấy bình minh trước mặt”. Mấy chục năm rồi, niềm tin vào “ca bình minh” ấy đã thành hiện thực. Đất nước hòa bình thống nhất và gia đình chị hôm nay cùng bao gia đình khác luôn có: “bình minh trước mặt”. Ẩn dụ: “ca bình minh” xuyên suốt bài thơ chợt tỏa sáng tươi hồng như ngọn lửa ấm mãi trong mỗi con người. Đọc bài thơ của chị Lý Phương Liên sáng tác từ bốn mươi năm trước mà vẫn tươi mới trong cuộc sống hôm nay. Ca ba – cái sự phấn đấu ngoài cái thông thường: đêm – ngày, thức – ngủ… kia sẽ đem lại bao điều tốt đẹp.
Còn bài “Lời ru với anh”, một trong những bài thơ tình hay nhất của chị lại ẩn chứa cái tình mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam mà vẫn rất riêng. Nhà thơ Lý Phương Liên viết bài này vào năm 1969, lúc mới hơn hai mươi tuổi, bởi vậy những câu thơ của chị trong sáng, mát lành, lóng lánh như giọt sương mai, vừa trẻ trung vừa lãng mạn và tràn đầy khát vọng về tình yêu cuộc sống. Bằng sự rung cảm từ trái tim son trẻ, khao khát cháy bỏng yêu thương; Trái tim đang yêu rung lên hình tượng nghệ thuật làm cho bài thơ tự nhiên như hơi thở, như khí trời, câu chữ không cầu kỳ mà hàm xúc, mỗi chữ mỗi câu như ủ lửa bên trong làm rung động, xao xuyến trái tim hàng vạn người đọc một thời. “Lời ru với anh” – lời ru tình yêu, là bài lục bát biến thể xuất hiện đột ngột, bất ngờ tạo một ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc lúc bấy giờ, bởi một thi pháp lạ, mới mẻ, không gò bó bởi khuôn mẫu truyền thống, cả về cảm xúc, ý nghĩa, hình ảnh, nhạc điệu. Người yêu thơ, sau thoáng ngỡ ngàng là cảm giác thích thú, cảm phục trước hiệu quả nghệ thuật đầy tính mỹ cảm do bài thơ đem lại. Người đọc ấn tượng với những điệp ngữ vòng tròn, nó chở được cái khao khát của muôn đời để có một tình yêu nồng thắm. Chính thế đã làm nên những câu thơ mang giá trị thẩm mĩ cao, tạo được cảm giác mênh mang, bằng điệp khúc triền miên:
Lẽ nào em buộc cánh anh
Buộc cánh anh
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu
Bài thơ xứng đáng được đưa vào hàng những bài thơ tình hay nhất Việt Nam với những câu:
Em muốn anh như bàn tay
Xòe ra là gặp
Chim bằng trời biếc
Chim bằng con trai
Lời ru tuy chỉ nói đến hiện tại là: “Đêm nay” và “mai xa” nhưng đã trải rộng trong một không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật không có giới hạn, chừng nào còn tình yêu trên trái đất này thì “Lời ru với anh” còn ngân lên những giai điệu tuyệt vời những cung bậc bất tận của con tim. Lời thơ như tiếng nhạc lòng của người con gái, vì hiểu được lý tưởng cao đẹp của các đấng nam nhi muốn được bay nhảy, phấn đấu, muốn ra đi vì sự nghiệp nên sẵn sàng hy sinh… để người mình thương yêu lên đường. Để có được tình yêu đích thực người con gái phải biết sẻ chia, biết đợi chờ và chị đã là người như thế!
Song ấn tượng to lớn với người đọc là bài “Em mơ có một phiên tòa” và “Thư gửi người bạn Mỹ”.“Em mơ có một phiên tòa” là một bài thơ đã làm lay động không biết bao nhiêu con tim, đặt ra bao điều nhức nhối về lẽ sống, về lương tri, giá trị nhân bản của con người và thời đại. Đấy là phiên tòa của lương tri và lẽ phải: “Bom và súng/ Giết một dòng sông/ Giết một con đò/ Có mẹ em và năm mươi cuộc sống/Bom và súng/ Ai dạy mi giết người?/ Bầy giặc lái cúi đầu im lặng/ Có khác chăng sông Hồng/ Dòng PôtôMác nước xanh/ Nước xanh nước hồng đâu cũng nước dòng sông/ Nếu bom đạn Việt Nam đổ xuống dòng Pô Tô Mác?/ Em trừng mắt nhìn lũ người làm giặc/ Chúng im lặng cúi đầu…/ Chúng bắn dòng sông Hồng/ Ta không bắn dòng sông PôtôMác/ Chúng đốt nhà ta/ Ta không đốt những vườn nho của chúng/ Chúng giết mẹ ta/ Ta không giết mẹ chúng/ Chúng đến Tổ quốc ta/ Việt Nam/ Ta không sang/ Nước Mỹ/ Không phải dài lời về chân lý/ Súng và bom/ Bom và súng/ Chúng giết ta/ Thì ta tiêu diệt chúng…” . Nhưng không chỉ có yêu thương và căm thù, thơ của chị còn là tiếng nói của một trái tim và khối óc có tầm nhìn nhân loại, rộng mở bao dung nữa. Trong bài“Thư gửi người bạn Mỹ” chúng ta sẽ thấy điều đó. Cái hay là bài thơ mang tính dự báo chính xác về mối quan hệ Việt – Mỹ đầu thế kỷ 21:“Nếu bạn và cậu Giôn đến chơi nhà mình/ Chắc chắn được đón là khách quý/ Cậu Phát em mình dang đôi tay võ sĩ/ Ôm chầm lấy cậu Giôn…”. Khi đất nước đang vô cùng khó khăn khốc liệt, không ai có thể tiên lượng được khi nào cuộc chiến kết thúc và quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai sẽ như thế nào, vậy mà một cô công nhân tuổi còn rất trẻ lại dự báo vô cùng chính xác, đấy không chỉ là mẫn cảm thiên bẩm mà hơn thế là khát khao của con người yêu hòa bình mới có được những vần thơ đi trước thời đại như vậy.
Vậy mà sau khi bài thơ: “Trò chuyện với Thúy Kiều” được in trên báo Văn nghệ thì Lý Phương Liên bị giới phê bình đánh tơi bời. Lúc đó khi cả nước đang trong cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, tất yếu những mâu thuẫn xã hội chị chỉ ra không bao giờ được chấp nhận: “Trái đất chúng mình cho đến hôm nay/ Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi/ Thời gian còn nửa ngày là đêm tối/ Còn đồng tiền đổi trắng thay đen/ Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen/ Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến…”. Đòn đánh quá nặng làm cho Lý Phương Liên choáng váng và đột ngột vắng bóng trên thi đàn trước bao sự tiếc nuối của người yêu thơ. Sau năm 1975 anh chị dắt díu nhau vào Nam sinh sống. Bao người vẫn âm thầm truyền tay nhau những bài thơ của chị, bao người vẫn âm thầm tìm kiếm thông tin về chị và trong một ngày đẹp trời chị đọc được những lời động viên, khích lệ của nhà thơ Xuân Họa, nhà thơ Văn Chinh… Nhìn tấm ảnh chụp cuốn vở chép những bài thơ của chị do nhà thơ Hoàng Xuân Họa cẩn trọng giữ gìn, tuy xém lửa đạn bom nhưng những trang thơ còn nguyên vẹn, chị không cầm được nước mắt. Chị không ngờ được sau mấy chục năm vẫn nhiều người yêu thơ chị đến như vậy. Sau phút choáng váng vì nhớ lại những kỷ niệm buồn năm xưa, chị thấy như mắc lỗi và với đời và quyết định gỡ bỏ khăn mây chít trắng thơ mấy chục năm trường. Và sau 40 năm tập Ca bình minh của chị – (NXB Văn hoc, năm 2011) được dư luận đón nhận trong niềm xúc động vô bờ bến của anh chị. Không ít lần anh chị đã rơi nước mắt như xuân năm 2011 trong buổi giới thiệu cuốn “Ca bình minh” tại Câu lạc bộ Thanh niên trên Hồ Thuyền Quang, Hà Nội, ngẫu nhiên một người bạn của chị gặp nhà sử học Hải Kế, khi biết đây là buổi ra mắt tập thơ “Ca bình minh” của Lý Phương Liên, nhà sử học già vồn vã bắt tay chị và đọc không sai một từ bài “Ca bình minh”. Rồi xuân 2013 anh chị cùng nhà văn Nguyễn Tiến Lộc lên thăm làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, trước sân đình, nhà văn Hà Nguyên Huyến cũng đọc một mạch “Ca bình minh” nhà văn thuộc từ khi còn rất trẻ. Còn nhà thơ Nguyễn Nghiêm của đất mỏ Quảng Ninh, đến thăm nhà tôi, khi biết hôm trước vợ chồng nhà thơ có tới chơi , nhà thơ Nguyễn Nghiêm cứ xuýt xoa tiếc nuối: “Tôi thuộc rất nhiều thơ của Lý Phương Liên từ hồi còn trẻ, cứ ao ước một lần được gặp, vậy mà…”. Thế mới biết những vần thơ đích thực khi đã đi vào lòng người đọc sẽ có sức sống lâu bền đến chừng nào.
Những người hiểu về cuộc đời và sự nghiệp và tình thơ của chị đều vô cùng khâm phục, vì tuy từng gặp thác ghềnh do thơ, vậy mà chị không hề trách cứ bất kỳ ai, hay oán thán số phận. Trong “Lý Phương Liên mở lòng” in trong tập “Ca bình minh” chị bộc bạch: “Tôi nín lặng với thơ suốt bốn mươi năm nay vì lời nguyền bỏ thơ của chính tôi, không vì bất cứ sự đe dọa, trù dập hay bất cứ áp lực nào khác. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì”. Chị sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất và xây dựng đất nước, bởi vậy chị yêu quí cuộc sống này biết nhường nào và những vần thơ giúp chị đứng vững. Gặp chị ai cũng thấy một sự ấm áp, gần gũi tỏa ra từ con người chị. Chị yêu kính người chồng thân yêu của mình: “Người liên quan đến thơ tôi và chịu nhiều cay đắng oan ức vì thơ tôi, là Nguyễn Nguyên Bảy, tình yêu của tôi, chồng tôi, người thầy duy nhất dạy tôi làm thơ và cùng tôi tu thân làm người tử tế… nếu trời cho em sống cùng lúc hai cuộc đời em cũng chưa đủ trả cái nghĩa yêu và cái ơn tình mà anh đã dành cho đời em và cho thơ em”. Hai con chị đều định cư ở nước ngoài, vậy mà hai cháu nội chào đời, chị đều chờ cai sữa là đem về Việt Nam, tận tình nuôi dạy mỗi cháu năm năm trời rồi mới trao lại cho bố mẹ cháu. Chị muốn các cháu thông thạo tiếng mẹ đẻ và chữ Việt, hiểu biết về quê cha đất tổ, hiểu về văn hóa Việt Nam, để rồi như cây xanh vững cội bền gốc, các cháu của anh chị sẽ biết gắn bó với quê hương, trân trọng nâng niu những gì đã có và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn. Điều này làm tôi rất cảm phục chị.
Hiểu về cuộc đời của nhà thơ Lý Phương Liên, ta càng hiểu tại sao thơ của chị chân thực, đằm thắm, chan chứa một tình yêu vô hạn, với những người thân yêu, với quê hương đất nước. Tố chất của một nhà thơ bẩm sinh cùng niềm tin và nghị lực phi thường, vươn lên và vượt qua những khó khăn khốc liệt của cuộc sống thăng hoa trong mỗi vần thơ của chị. Trong thơ chị có nhịp sống của thời đại, có nhạc khúc của tình yêu, phơi phới niềm lạc quan, để mỗi người đọc những câu thơ, bài thơ như một lẽ tự nhiên cứ ngân nga trong lòng, như ánh mặt trời gọi những mầm xanh. Chính điều đó làm cho thơ chị sống mãi với thời gian và cũng vì vậy mà dẫu cuộc đời của chị đã từng phải chịu bao cay đắng, bao thăng trầm bể khổ, chị vẫn tin: “Đường ra biển có thể dài năm tháng/ Mất mát nhiều hơn gian khổ cũng nhiều hơn/ Nhưng một điều chắc chắn phi thường/Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp” – “Trò chuyện với Thúy Kiều”. Và hôm nay chúng ta vui mừng đón nhận “Ca bình minh” của nhà thơ Lý Phương Liên trong một ngày “nắng đẹp”.
Trần Vân Hạc
3.2013

Theo nguon: Vanhac.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét