Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

ĐÊM THU - Bùi Nguyệt.


                      Phương ấy đêm nay trời có lạnh
                          Có biết phương này trăng đơn côi
------------
ĐÊM THU

Thu đi...

Thu đến...
Bao mùa lá

Lối cũ ngày xưa lạnh lối về
Gió thoảng đưa hương nồng hoa Sữa
Bồi hồi tiếng vạc rỗng trời khuya

Giờ đây đôi ngả ta đã bước
Tháng năm vời vợi những ưu phiền
Anh vẫn cùng em trong ký ức
Mỉm cười độ lượng chẳng hề quên

Thu đến...
Thu đi...
Bao mùa nhớ
Nào ai đếm được lá vàng rơi
Phương ấy đêm nay trời có lạnh
Có biết phương này trăng đơn côi

Bùi Nguyệt.
Chemnitz, CHLB Đức
Báo" Quân đội nhân dân cuối tuần"

---------------------
LỜI BÌNH CỦA HỒNG TẤN ANH

Mùa thu là đề tài muôn thuở của thi ca Việt Nam ta: Với Phan Huy Vịnh:

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt
Lạnh hơi thu lau lách đìu hưu

Lưu Trọng Lư thì:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu

Còn ở Xuân Quỳnh:

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá.

Ở nhà thơ Bùi Nguyệt- Chemnitz – CHLB Đức tính hiện đại trong thơ khá rõ nét:
Thu đến
Thu đi
Bao mùa lá
....
Thu đến
Thu đi
Bao mùa nhớ!

Có thể nói: trong những bài thơ, những tác giả nói trên, xem ra -“Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười?
Đọc “Đêm thu” của nhà thơ Bùi Nguyệt, ta bắt gặp một đêm buồn của một kiếp hồng nhan dang dở
Câu thơ đầu là một tiếng thở dài:

Thu đến
thu đi
bao mùa lá

Thời gian trôi nhanh quá! Thu vừa mới đến đã mau đi! Ôi! Cái tâm trạng não nề khi nhớ về những kỷ niệm ngày xưa của nhà thơ cũng làm ta xót xa, tê tái

Lối cũ người xưa lạnh lối về
Gió thoảng đưa hương nồng hoa sữa
Bồi hồi tiếng vạc rỗng trời khuya..

Lối về lạnh hay lòng người trống lạnh? Cái lạnh bên trong và cái lạnh bên ngoài như một sự giao thoa làm tăng thêm nỗi xót xa, tê tái dưới đêm thu,"thoang thoảng hương đưa mùi hoa sữa. ôi! Cái mùi hoa sữa – đối với nam nữ thanh niên Hà Nội đã trở thành hương vị của tình yêu “ Hoa sữa thôi bay anh thương em…” Càng thêm gợi nhớ khêu buồn. Bất ngờ tiếng vạc kêu trong đêm lại càng thêm não lòng hơn. Rõ ràng - một không gian buồn trùm lên một tâm hồn cô đơn như tiếng vạc kêu sương, khao khát gọi bầy, vì:

Giờ đây đôi ngả ta đã bước
Tháng năm vời vợi những ưu phiền.
Anh vẫn cùng em trong ký ức.
Mỉm cười độ lượng chẳng hề quên”

Khổ thơ trên vừa lí giải nỗi buồn, vừa bày tỏ niềm thương, nỗi nhớ về một người có nụ cười độ lượng. Thì ra con người nhân hậu, đáng yêu ấy đã trở thành ký ức khó phai mờ trong tâm trí của nhà thơ Bùi Nguyệt, cho dù thời gian cứ trôi hoài, trôi mãi, đã bao mùa cây đổi lá thay mầm:

Thu đến.
Thu di
Bao mùa nhớ
Nào ai đếm được lá vàng rơi !

Vẫn là thời gian trôi nhanh, quẩn quẩn, quanh quanh, bốn mùa thay đổi . Điệp ngữ thu đến, thu đi đã thể hiện khá rõ ý thơ này .Cái hay ở đây là trên thì: " Bao mùa lá" còn dưới là “Bao mùa nhớ” chứng tỏ rằng: Em nhớ anh quanh năm suốt tháng, hết năm này qua năm khác. Cây theo mùa thay lá nhưng em chẳng thay lòng.
Son sắt thủy chung vẫn là đức hạnh tuyệt vời của người con gái Việt Nam nói chung và Bùi Nguyệt nói riêng. Bởi vì không gì thiêng liêng bằng mối tình đầu, nụ hôn đầu? Và rõ ràng sự thủy chung ấy xuất phát từ sự hy sinh và tấm lòng vị tha cao cả:

Phương ấy đêm nay trời có lạnh
Có biết phương này trăng đơn côi?

Dù tình lứa đôi không thành, nhưng anh ơi! Em vẫn lo cho anh và thương nhiều, nhớ lắm! Còn anh có hiểu cho tình cảnh của em hay không ? Em vẫn sáng trong như vầng trăng trên trời lẻ loi giữa muôn ngàn tinh tú .Cụm từ "Trăng đơn côi " thật là thích thú, vừa là ẩn dụ, vừa là chơi chữ vì : “Nguyệt” nghĩa là trăng!
Tôi tin rằng: tứ thơ này, vầng trăng ấy, sẽ lung linh, sáng mãi trong lòng người đọc.
Xin cám nữ sỹ Bùi Nguyệt đã cho tôi thưởng thức một bài thơ thật sự là một khúc ca buồn được cất lên từ trái tim thổn thức! Cho tôi xin được sẻ chia từng phút, từng giây với tâm hồn trống trải này!

HỒNG TẤN ANH -( HOÀNG TẤN ĐẠT)

1 nhận xét:

  1. Hai phía trời thu lòng khắc khoải
    Mong gửi về nhau ánh mắt cười !

    Trả lờiXóa