Kỷ niệm khó quên - Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức)
26.06.2011 13:58
(NguoiViet.de) Lâu đài
Augustusburg nằm trên một ngọn đồi của vùng trung du Erzgebirge miền
Đông Nam nước Đức. Gần như tất cả các thành quách xưa đều được xây dựng
trên cao, vừa là biểu hiện cho uy quyền, vừa là vị trí thuận lợi quan
sát sơn hà và tự vệ trước sự tấn công của quân thù. Đây là một ngọn đồi
cao 516 m so với mực nước biển trung bình, cách thành phố Chemnitz 20 km
về phía Nam. Vương hầu người Đức August von Sachsen đã cho xây dựng lâu
đài này vào năm 1568 với mục đích phô trương quyền lực ở miền đất vùng
trung Đức. Ngày nay lâu đài này là một điểm du lịch hấp dẫn không chỉ vì
kiến trúc độc đáo, mà nó còn là một viện bảo tàng trưng bày vũ khí săn
thời trước.
Từ
phải sang: Tác giả Bùi Nguyệt, Minh Hải, Dương Huy Tiến cùng các thành
viên của đoàn chụp ảnh chung với vợ chồng cháu gái mang hai dòng máu
Việt - Đức (bên trái).
|
Nhân
ngày lễ „Chúa giáng trần“ (13. 06. 2011), nhóm chúng tôi, những thành
viên của Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Chemnitz, tổ chức một buổi
tham quan lâu đài nổi tiếng này. Đường lên thành phố cùng tên
Augustusburg nằm dưới chân đồi rất dốc và ngoằn ngoèo như trong huyền
thoại. Phóng xe giữa hai làn cây rất đều, chúng tôi được thưởng thức
sóng lúa đại mạch nhấp nhô trong gió. Trước đây chỉ chừng bốn tuần, cả
nước Đức vàng rực vì những cánh đồng hoa cải, nếu được ngồi trên máy bay
lên thẳng, bạn sẽ được chứng kiến một tấm thảm tuyệt mĩ của thiên
nhiên. Đâu rồi những vất vả mưu sinh kiếm ăn trên xứ người, chúng trốn
hết chỉ còn lại những con người rạng rỡ muốn giang tay ôm lấy thiên
nhiên, muốn uống những thanh bình của xứ này, muốn cười muốn nói với
nhau những gì ấm áp nhất. Người ta nói rằng cả châu Âu là một vườn hoa
khổng lồ, có lẽ cũng không ngoa. Thành phố đây rồi, hai bên đường là
những ngôi nhà biệt thự hàng trăm năm tuổi, được bao bọc bởi cây xanh và
hoa. Chúng tôi có cảm giác rằng, cây cỏ ở xứ này cũng vội vàng tận
hưởng mùa hè ngắn ngủi, nên tất cả đều trổ hoa dù to dù nhỏ với những
màu sặc sỡ. Chúng vừa làm khổ những người dị ứng phấn hoa vừa cho những
vị khách đến thăm xứ này một thế giới huyền thoại.
Lâu đài Augustusburg (Chemnitz). Ảnh Minh Hải
Sau
khi đậu xe, chúng tôi rảo bước trên con đường dành cho người đi bộ, hai
bên rực rỡ hoa mua, thỉnh thoảng lại có những bông hoa sao giống hoa
bằng lăng ở quê mình thế! Giọt mưa đêm còn đọng trên cánh mềm, long lanh
trong ánh mặt trời, nhẹ đưa trong gió như những bàn tay nhỏ xíu vẫy
chào khách từ mọi miền trên trái đất này đến thăm lâu đài. Đó thực sự là
những bông hoa thầm lặng của núi rừng có nét đẹp hoang dã, không giống
những bông hồng kiêu sa trong vườn cảnh.
Một đất nước nền văn minh lại trải đều như ở nước Đức, Berlin hay thành phố nhỏ Aue, Hamburg hay Freiberg, nền văn minh và kỷ cương Đức đâu có khác nhau nhiều. Nhìn những cụ già gần 90 tuổi mà vẫn nhanh nhẹn khỏe mạnh, nụ cười vẫn luôn hồn nhiên và tự tin, tôi mới hiểu cái ý nghĩa thanh bình và nhân bản đã thấm đến từng chiếc lá cây ngọn cỏ. Có người nói tính cách người Đức hơi lạnh, nhưng đó chính là vì họ tôn trọng không muốn quấy rầy người khác. Nếu bạn hỏi thăm hay nhờ người ta làm giúp điều gì thì mới thấy cái nhiệt tình thực sự của họ. Chuyến tham quan của chúng tôi tuy ngắn ngủi nhưng rất thú vị.
Lâu đài Augustusburg (Chemnitz). Nguồn Internet.
Khi
ra bãi đậu xe có ba thanh niên tiến lại chỗ chúng tôi. Một cô gái
khoảng chừng 20 người nhỏ nhắn, da trắng hồng, tóc quăn rủ xuống vầng
trán thông minh, mắt to đen và hàng mi cong rất đẹp đến bắt tay tôi và
hỏi:
- Xin lỗi, ngài có phải là người Việt Nam không?
- Xin chào, vâng tôi là người Việt Nam.
Cô gái reo lên mừng rỡ và nói với chúng tôi bằng tiếng Việt lơ lớ :
- Tôi có bố là người Việt Nam, mẹ là người Đức.
Và thế là cô ôm chầm lấy từng người reo lên vui sướng, làm cho chúng tôi bàng hoàng xúc động.
- Cháu năm nay bao nhiêu tuổi – Anh Tiến hỏi và nhìn cháu bằng cái nhìn trìu mến.
-
Dạ, năm nay cháu 24 ạ. Đây là chồng cháu và đây là anh của chồng cháu –
Cô gái giới thiệu và chỉ vào hai thanh niên đi cùng. (họ là hai anh em
sinh đôi)
Thật
hồn nhiên cô gái cho chúng tôi biết đã cùng chồng về Việt Nam tìm lại
được bố đẻ của mình. Cô kể rằng, hơn hai mươi năm về trước, mẹ cô đã yêu
một thanh niên Việt Nam làm cùng trong nhà máy. Hết hợp đồng lao động,
anh phải về nước và để lại mầm non là cô gái này trên xứ người. Cô được
sinh ra trong vòng tay ấm áp của người mẹ trẻ và tình thương của cả gia
đình. Mang trong mình hai dòng máu Việt – Đức mà chưa hề biết mặt bố,
cô ấp ủ một dự định sẽ về Việt Nam để tìm người cha của mình. Cô đã tự
tìm thầy để học tiếng Việt và tìm hiểu quê nội của mình.
- Cháu học tiếng Việt ở đâu và ai dạy cháu? – Anh Tiến hỏi.
-
Dạ, cháu học tiếng Việt ở Chemnitz. Một thầy giáo 70 tuổi dạy cháu. – Cô
gái trả lời bằng tiếng Việt khá trôi chảy – Tháng Tư vừa qua cháu và
chồng đã về Việt Nam và gặp được bố cháu rồi.
Cô
muốn chia sẻ với chúng tôi niềm vui được gặp bố, bởi vì đối với người
châu Âu niềm vui được chia sẻ tức là niềm vui được nhân đôi. Cô kể lại
giây phút thiêng liêng ấy hai bố con ôm chầm lấy nhau, nước mắt tuôn
trào. Lúc đó hình như trên hành tinh này chỉ còn tình cha con, tình con
người bao phủ. Giấc mơ của cô gái lai đã thành hiện thực, có lẽ chỉ
những người sống ở Đức lâu năm như chúng tôi mới thấm hết cái ý nghĩa
của sự khát khao này. Chúng tôi ôm hôn và chia tay cô gái trong niềm
vui và cả sự trống trải mơ hồ. Nhưng đó chính là những thông điệp đầy
tính nhân văn giữa người với người và chúng tôi hiểu thêm một điều: Tình
yêu không bao giờ có biên giới, nó trường tồn vĩnh hằng, không giấy bút
nào mô tả siết.
Cuộc
gặp tình cờ đầy thú vị trên đã làm cho chuyến đi của chúng tôi là một
kỷ niệm không thể nào quên. Ngày hôm ấy chúng tôi có tất cả: Lịch sử,
lâu đài, kiến trúc, cảnh đẹp, hoa, tình đồng đội, tiếng cười và đặc biệt
là cuộc gặp mặt tình cờ với ba người thanh niên Đức kể trên.
Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét