Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Biết thêm về Nguyễn Bính và hàn Mạc Tử

Thứ Hai, ngày 17 tháng 3 năm 2014

Biết thêm về Nguyễn Bính và hàn Mạc Tử


T và Trúc trong thơ Nguyễn Bính

Thi sĩ của đồng quê Nguyễn Bính với những câu thơ lưu danh hậu thế như: “Tuổi son má đỏ môi hồng/Bước chân về đến nhà chồng là thôi/Đêm qua mưa gió đầy trời/Trong hồn chị có một người đi qua/Em về thương lấy mẹ già/Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công/Chị giờ sống cũng bằng không/Coi như chị đã ngang sông đắm đò”, khiến người đọc ai chẳng tin người chị ấy là chị gái của Nguyễn Bính. Nhưng sự thật lại không phải thế.
Nhà thơ Nguyễn Bính

Theo nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, con cô con cậu và chơi thân với nhà thơ Nguyễn Bính thì “chị Trúc” là người phụ nữ có thật ở ngoài đời, quê ở Phủ Hoài – Hà Đông, họ Lê, tên N.Th (còn có tên là Ch). Chị là người đẹp nổi tiếng ở thị xã Hà Đông vào những năm 1930 – 1940. Nhà có một hiệu ảnh nhưng chồng cả ngày chỉ co quắp bên chiếc bàn đèn nên một mình chị phải lo toan, gánh vác công việc gia đình.


“Mỗi văn nghệ sĩ đều có một cuộc sống sáng rõ và một cuộc sống riêng tư ít người biết tới, như hai mặt của một tờ giấy, mà chúng ta thường chỉ chú ý đến mặt phải của nó. Nhưng nếu không có mặt trái, thì làm sao có thể gọi là tờ giấy được”.- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Khi đã sinh được một người con thì chị Trúc quen và đem lòng yêu Nguyễn Mạnh Phác (tức Trúc Đường, anh trai của Nguyễn Bính). Vì là mối tình thầm lén lại thêm tình cảm quý mến từ đáy lòng nên chị Th rất chiều Nguyễn Bính, coi như em. Ngược lại, Nguyễn Bính cũng rất tôn trọng và cảm thông với cảnh ngộ nên đã làm nhiều bài thơ chia sẻ nỗi niềm với chị. Lúc đầu những bài thơ này thường đề là “gửi chị T” nhưng đến khi Nguyễn Mạnh Phác lấy bút danh là Trúc Đường thì Nguyễn Bính gọi chị Th là chị Trúc. Từ ngày Trúc Đường thôi dạy học, lên Hà Nội làm báo Ích Hữu rồi làm cho nhà in Lê Cường thì mối tình với chị Trúc càng thắm thiết.

Nhưng rồi một buổi, khi chị Trúc đang đan áo len để tặng Trúc Đường thì nghe tin nhà in Lê Cường vừa xuất bản một tập thơ của tác giả nữ do chính Trúc Đường biên tập. Chị Trúc liền “nổi máu sư tử Hà Đông” không chịu gặp Trúc Đường nữa. Nguyễn Bính biết vậy rất buồn nên đã làm bài thơ “Gửi chị Trúc” nhằm thanh minh cho ông anh trai: “Người ấy yêu thương chị nhất đời/Trọ qua đêm ấy song người ấy/Với chị đêm nào cũng nhớ thương/Chị hãy nghe lời em bé đây/Hết buồn hết khóc từ hôm nay/Vui lên chị ạ rồi đan áo/ Em thấy cây vườn sắc lá thay”.

Nhưng những lời thơ tha thiết và khẩn khoản của Nguyễn Bính không ngăn được nước mắt ghen tuông, khổ đau của chị Trúc. Nguyễn Bính cũng không ngờ là chị lại ghen mãnh liệt đến như vậy. Và Nguyễn Bính làm tiếp bài thơ “Chị đã ghen” cảm thương cho cả người thơ lẫn nhân vật trong thơ: “Sóng hồ Ba Bể dâng cao quá/ Con chạch Ngân Hà vỡ tứ tung/ Chị ạ làm sao em cứ thấy/ Chị buồn như lúc sang sông. Em thấy hình như chị khóc luôn/ Mấy ngày môi chị biệt ly son/ Buồn không trang điểm buồn không nói/ Ai đã làm cho chị Trúc buồn. Em hỏi vì sao? Chị lặng yên/Để lời em hỏi chịu vô duyên/Nhưng rồi chị kể loanh quanh mãi/Em mới hay rằng chị đã ghen”.

Nàng Thương Thương trong thơ Hàn Mặc Tử

Nàng Thương Thương xuất hiện rất nhiều lần trong thơ Hàn Mặc Tử với một tình cảm rất đặc biệt: “Chiều nay tàn tạ hồn hoa/Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào/Thương Thương em, trời cho ta kỳ ngộ/Nói ra cho thần diệu của vàng bay”.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử

Hoặc có lúc thi sĩ lại nói rõ cả họ của nàng trong thơ: “Em là Trần Thương Thương, Anh là Hàn Mặc Tử”... Nàng Thương Thương là một nàng thơ huyền diệu nhất của Hàn Mặc Tử, xuất hiện trong thơ không đơn thuần như những bóng hồng khác, bởi trong tâm tưởng của thi sĩ Hàn, Thương Thương còn vượt cả lên những phàm tục của cõi trần, thánh thiện như một nàng tiên vậy. Văn chương, báo chí tốn không ít giấy mực để bàn luận về nàng thơ này, có người viết nàng Thương Thương không có thật ngoài đời, người lại cho rằng thi sĩ Hàn lúc lâm bệnh nặng mà tưởng tượng ra...

Sự thực, nàng Thương Thương là một cô gái có thật ngoài đời. Nàng tên là Trần Thị Thương Thương, cháu nội Thừa Biện Bộ Binh Trần Nhã và là con thứ 7 của Tham tá tòa Khâm sứ Trung Kỳ Trần Thanh Đạt. Nàng sinh ngày 8/10/1924, quê gốc ở thôn Tiên Nộn, Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Khi Hàn Mặc Tử “biết” đến cái tên Thương Thương thì nàng đang là nữ sinh Đồng Khánh (1939). Lúc đó, nàng ở lại Huế ăn học cùng hai anh trai và các chị gái, không đi theo cha mẹ vào Phan Thiết khi cha cô được bổ làm Tuần vũ tỉnh Bình Thuận.


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Dịp nghỉ hè năm 1940, nàng có vào chơi Phan Thiết cùng gia đình. Đến cuối năm lại vào một lần nữa cùng cha mẹ ăn Tết ở đấy rồi đọc báo “Người mới” mới biết Hàn Mặc Tử đã chết ở Quy Hòa và biết đến nhiều bài thơ “chàng” đã viết cho mình. Lúc ấy Thương Thương 17 tuổi. Sau khi tốt nghiệp bậc trung học, năm Thương Thương 21 tuổi đã vâng lời cha mẹ kết hôn với luật sư Phạm Duy là người Hà Tĩnh. Trước năm 1975, bà là giáo sư Trường Trung học Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Bà có một con trai, bốn con gái, sau khi di trú ở Mỹ bà qua Pháp theo các con an dưỡng tuổi già, nhưng bà vẫn có thư liên lạc đều đặn với bà con gia đình trong nước.

Hàn Mặc Tử biết cái tên Trần Thương Thương là do bạn của ông là Trần Thanh Địch giới thiệu qua thư. Đấy là giai đoạn mà thi sĩ Hàn ốm nặng, lại bị thất tình. Trần Thanh Địch muốn “cứu bạn” nên đã thêu dệt nên những bức thư của nàng Thương Thương mê thơ Hàn. Và quả thực, cái tên Thương Thương và những lá thư mê thơ ấy đã khiến Hàn Mặc Tử xúc động viết nên tập thơ “Cẩm Châu Duyên” và hai vở kịch “Duyên kỳ ngộ”, “Quần tiên hội” mà nhân vật chính là Thương Thương (còn có tên là Quỳnh Tiên). Cuối vở kịch Duyên kỳ ngộ, Hàn Mặc Tử còn ghi: “Tặng Thương Thương, người lụa bến sông Hương”.
Trong những lá thư mà thi sĩ Hàn gửi cho nàng Thương Thương (qua địa chỉ của Trần Thanh Địch, mà kỳ thực không bao giờ đến tay nàng) có đoạn thật xúc động: “Thương Thương, cái tên thi vị quá chừng. Thương Thương là một bài thơ, hơn nữa, một nguồn thơ bất tuyệt... Ở lòng anh có Thương Thương nghĩa là có thơ, có nguồn thơ vĩnh viễn đấy... Sau này văn thơ anh ảnh hưởng ở em, nếu có chút giá trị gì với văn học, cái công của em không phải là nhỏ”.

Nhưng khi anh trai của Thương Thương là Trần Tái Phùng đọc được những tác phẩm của Hàn Mặc Tử gửi ra Huế cho Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng giật mình sợ em gái mình bị đồn oan, mang tiếng cả gia đình. Và Trần Tái Phùng đã viết thư cho Hàn Mặc Tử nói rõ sự thật và đề nghị thi sĩ không viết tiếp vở “Quần tiên hội” nữa. Hàn Mặc Tử nhận được thư, tưởng trời đất sụp đổ và không viết tiếp đoạn kết của vở kịch “Quần tiên hội” nữa. Vở kịch này mãi mãi dang dở. Rồi ông bị đau nặng, phải vào trại phong Quy Hòa. Cuối cùng, ông đã ra đi ở đó vào ngày 11/11/1940, đau đớn như những câu thơ ông viết trước cho nàng Thương Thương:

“Một mai kia bên khe nước ngọc/Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không nhìn thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương lòng”.

Hạnh Vân
(Ghi theo lời kể của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)
Theo nguon: NGUYỄN NGUYÊN BẢY
 http://nguyennguyenbay.blogspot.de/2014/03/biet-them-ve-nguyen-binh-va-han-mac-tu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét