TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI VIỆT Ở ĐỨC VỚI ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
10.10.2013 08:28
(NguoiViet.de) Tôi nghe tin
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần qua mạng Facebook. Thời buổi bây giờ,
không phương tiện thông tin nào truyền tải nhanh hơn mạng xã hội này.
Những người sử dụng FB hầu hết là thanh niên, học sinh. Tôi vào FB chỉ
để xả tress, tìm niềm vui, chia sẻ cảm xúc qua những trang viết của mình
và bạn bè chứ không phải để tìm thông tin.
Minh họa - Internet |
Thông
tin trên FB là thông tin chưa kiểm chứng. Cho nên khi đọc được tin dữ
về Đại tướng qua một người bạn trẻ trên FB, tôi đã không tin và lướt đi.
Nhưng càng lướt qua các trang khác càng nhiều tin này. Toàn những cô
cậu ngày thường viết nhăng viết cuội, vậy mà vào thời điểm này toàn đưa
ảnh Đại tướng với những tình cảm xót thương đến vô hạn. Lúc đó tôi mới
lặng người và tin điều đó là có thật.
Tôi đã từng là người lính. Cũng từng
tham gia trận mạc, vào sống ra chết nên tôi hiểu thế nào là chỉ huy, là
cấp trên. Sức mạnh của quân đội là tính kỷ luật. Trong điều lệnh kỷ
luật, tôn trọng và phục tùng mệnh lệnh cấp trên được xem là điều khoản
số 1, điều khoản then chốt. Cho nên tôi kính trọng Đại tướng Võ Nguyên
Giáp trước hết vì tôi là người lính, Đại tướng là vị chỉ huy tối cao của
tôi. Chưa kể từ hồi lên 5 lên 10, bất cứ đi đến đâu, tôi cũng nhìn thấy
chân dung Đại tướng với đầy đủ quân hàm, quân hiệu oai phong của một vị
Tư lệnh nhưng lại có đôi mắt thật hiền hậu như mắt của người cha, người
ông, treo ở mỗi gia đình hay trong công sở, trường học. Rồi những bài
học trên lớp, những trang sách đã đọc, những câu chuyện ngoài đời đâu
đâu cũng hết lời ca ngợi tài năng và chiến công hiển hách của ông. Tất
cả đã hun đúc trong tôi niềm kính trọng và tự hào về ông từ khi tôi còn
bé dại. Lại chưa kể, tôi có cậu em rể, nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ, trong
tấm lòng coi Đại tướng như người cha, nhưng lại ngưỡng mộ và tôn sùng
Đại tướng như vị thánh sống. Trần Hiếu Lễ đã dày công tìm hiểu về cuộc
đời, thân thế của Đại tướng với mong muốn làm được một bức tượng về chân
dung của vị tướng tài ba này cho thỏa tình cảm của mình. Sau mấy năm
nghiền ngẫm, em rể tôi đã bỏ tâm sức miệt mài suốt 3 tháng để hoàn thành
pho tượng. Cho đến nay khi nhìn thấy bức tượng to nhất về chân dung Đại
tướng được đổ đồng và đặt ở vị trí trang trọng trong văn phòng Đại
tướng tôi cũng mừng và tự hào về người em rể tài hoa. Chính những tình
cảm chân thành của cậu em với Đại tướng cùng những câu chuyện kể về
những thăng trầm trong cuộc đời Đại tướng đã truyền cho tôi ngoài sự
kính trọng và ngưỡng mộ, còn có cả sự yêu thương lẫn xót xa. Nó làm cho
hình ảnh Đại tướng không cao vọi, xa vời mà gần gũi, thân thương. Chỉ có
lòng kính trọng không thôi sự mất mát không làm lòng ta đau xót thế.
Và dòng người bình dân hay gọi chính xác là Nhân Dân không đông đảo,
chỉnh tề, nghiêm cẩn mà vẫn đầy tiếc thương như thế vào những ngày này ở
trước cửa số nhà 30 Hoàng Diệu nơi cố Đại tướng đã sống những năm tháng
qua cùng gia đình.
Đã hơn 20 năm sống ở Đức, tôi thấy,
chưa có tin tức nào làm cộng đồng người Việt ở đây xôn xao và bàng hoàng
như tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Tất cả các báo mạng trong
cộng đồng đều đưa tin này từ nguoiviet.de, tapchihuongviet đến
Thoibao.de. Riêng báo mạng nguoiviet.de, một trang báo được cộng đồng
người Việt ở đây truy cập nhiều nhất, chỉ trong 2 ngày đã đăng tải tới
12 bài liên quan đến Đại tướng. Những cây viết, những nhà thơ của cộng
đồng đã viết ra những cảm xúc, đã đăng những vần thơ khiến bao người đọc
rơi lệ:
“Nước mắt như suối như sông sẽ cạn khô, sau bao cuộc tiễn đưa
Biển cạn, đọng thành muối, đắp tượng đài đất nước
khắc tên
Văn – Võ
vẹn tròn
Độc lập
một kỷ nguyên“ (Nguyễn Văn Thọ).
“Cách xa nửa quả địa cầu
Nghe tin Bác mất lòng rầu xót xa
Trời thu thương tiếc vỡ òa
Nghẹn ngào tiếng nấc quyện hòa tiếng mưa“ (Minh Hải).
“Đại tướng trở về cõi Phật Tiên
Đau thương trải rộng khắp trăm miền
Đời Người rạng rỡ hồn dân tộc
Công trạng lẫy lừng trận Điện Biên“. (Bùi Nguyệt)
Và còn bao câu thơ, bao tình cảm nữa
của người viết đang hằng ngày xuất hiện trên báo mạng cộng đồng. Dường
như tất cả tâm huyết, cảm hứng của những người viết trong những ngày này
đều hướng về vị Đại tướng, một nhân cách lớn của dân tộc, một vị võ
tướng, tâm văn của thời đại.
Ngày Chủ nhật mùng 6/10 tôi vào khu
Trung tâm thương mại Đồng Xuân, một Trung tâm Thương mại lớn nhất của
người Việt tại thủ đô Berlin, đã thấy phóng viên của Truyền hình đối
ngoại Đài truyền hình Việt Nam VTV4 cắm máy ở giữa sân phỏng vấn bà con
trước tin buồn về Đại tướng. Rất nhiều người có cả ta, cả tây đã trả lời
phỏng vấn trong niềm xúc động không thể kìm nén, có những người đã
không cầm nổi những giọt nước mắt. Tôi bắt gặp cả những gương mặt quen
thuộc trong cộng đồng từ Tổng giám đốc TTTM Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền,
Chủ tịch CLB Hội CCB Berlin – Brandenburg Mai Ngọc Yên, Chủ tịch Hội
đồng hương Quảng Bình Trần Công Thành đến Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam
tại CHLB Đức Chu Thị Châu... Hỏi ra mới biết vừa nghe tin Đại tướng qua
đời, 4 tổ chức hội đoàn và doanh nghiệp này đã quyết định đứng ra tổ
chức lễ truy điệu Đại tướng tại TTTM Đồng Xuân đúng ngày 13/10, tức vào
ngày mà trong nước cũng tổ chức lễ truy điệu Đại tướng. Tôi đã nghe mọi
người bàn thảo về kế hoạch đó tỉ mỉ, chu đáo đến từng chi tiết. Còn mời
Đại Đức Thích Phước Tiến UV Ban Hoằng Pháp TƯ Giáo hội Phật giáo Việt
Nam chủ trì phần nghi lễ trong lễ truy điệu Đại tướng nhân chuyến Hoằng
Pháp của Đại Đức tại CHLB Đức. Ngoài lễ truy điệu, BTC cũng dành một nơi
để bà con xung quanh TTTM Đồng Xuân có thể đến trực tiếp ghi vào sổ
tang những tình cảm của mình với Đại tướng. Đồng thời mở sổ tang online
trên các trang báo mạng để bà con từ khắp mọi miền của nước Đức có thể
thắp nén tâm nhang, ghi lời chia buồn, gửi gắm nỗi tiếc thương và tri ân
tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
bên các anh các chị trong BTC sau khi
đã bàn xong công việc, mọi người lại nhắc đến những câu chuyện liên quan
đến Đại tướng. Hóa ra trong mấy người ngồi đây đã có hai người được gặp
Đại tướng. Nhà thơ cộng đồng Thế Sáng ngậm ngùi kể lại lần gặp Đại
tướng với nỗi ân hận rằng lần gặp đó vì ngại ngùng nên anh đã mắc tội
nói dối Đại tướng. Số là năm 1994, vào dịp tết nguyên đán, từ Đức về
Việt Nam thăm nhà anh có ghé qua chơi chỗ bạn bè là phóng viên quân đội.
Đúng lúc các bạn anh được cử đến nhà Đại tướng chụp ảnh tư liệu thế là
anh xin đi cùng không quên cầm theo máy ảnh của mình. Anh rất xúc động
khi lần đầu tiên được nhìn Đại tướng bằng xương bằng thịt, thấy Đại
tướng khỏe mạnh, giản dị, thân tình. Biết anh là Việt kiều ở Đức Đại
tướng ân cần hỏi về cuộc sống, gia đình, quê quán của anh. Sau khi trò
chuyện, anh say sưa chụp ảnh Đại tướng đến mức hết cả số phim trong máy.
Trước khi ra về, thật bất ngờ Đại tướng vui vẻ đề nghị anh chụp thêm
một tấm ảnh chung làm kỷ niệm. Vì quá đột ngột lại sợ Đại tướng mất vui,
nên dù biết máy hết phim nhưng anh vẫn chụp. Sau đó anh đã kể toàn bộ
sự thật với bạn bè, nhờ thông báo với thư ký của Bác, như một hành động
thành khẩn của một cựu quân nhân đối với cấp trên. Dẫu vậy nỗi ân hận
cứ theo anh mãi. Đúng ngày Bác mất anh đã khóc bên di ảnh của Người và
tự tay viết bài cho báo với tựa đề như một lời sám hối:“Con xin lỗi Bác
Giáp“.
Anh Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc
TTTM Đồng Xuân lại được gặp Đại tướng trong kế hoạch của đoàn đại biểu
Việt kiều về thăm quê hương. Gặp Đại tướng để chúc sức khỏe Đại tướng là
nguyện vọng chung của tất cả thành viên trong đoàn. Với riêng anh,
nguyện vọng đó còn cháy bỏng hơn. Vì ngay khi còn bé anh đã ngưỡng mộ
Đại tướng như một thần tượng về ý chí quyết thắng mà mình nguyện noi
theo. Khi nhìn thấy Đại tướng xuất hiện, cả đoàn Việt kiều đã lặng đi
xúc động vì thấy Đại tướng không được khỏe, không nhanh nhẹn, tráng kiện
như trong hình dung của mọi người về một vị tướng tài ba, lừng lẫy tên
tuổi. Đại tướng dù không được khỏe nhưng vẫn ân cần tiếp đoàn Việt kiều,
hỏi han mọi người, nhắc nhở người Việt ở nước ngoài phải gìn giữ và
phát huy truyền thống đoàn kết của người Việt Nam để hình ảnh người Việt
luôn đẹp trong con mắt bè bạn. Đại tướng còn gửi lời thăm hỏi tới các
cháu thiếu niên, nhi đồng ở nước ngoài và nhờ đoàn gửi tới các cháu
những nụ hôn thân ái của Đại tướng và Phu nhân. Khi Đại tướng nói đến
đây, ai nấy đều cảm động rưng rưng, riêng anh Nguyễn Văn Hiền đã bật
khóc, vì thấy Đại tướng dù tuổi cao, sức yếu, trăm công ngàn việc vẫn
không quên cả những nụ hôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng đang
sống xa Tổ Quốc. Trong tấm ảnh chụp đoàn hôm gặp Đại tướng , còn ghi lại
khoảnh khắc anh Nguyễn Văn Hiền vẫn đang đăm đắm nhìn Đại tướng với đôi
mắt hoe đỏ. Anh tâm sự:“Tôi vốn là người kinh doanh nên không dễ mủi
lòng. Nhưng trước một người vì nước, vì dân tận tụy, cống hiến suốt cả
cuộc đời đã khiến tôi cảm động, khâm phục. Nói như con út của Đại tướng,
dù biết Đại tướng đã đi hết con đường của mình, như ngọn đèn đã hết dầu
nhưng hôm nghe vô tuyến phát bản tin đặc biệt về tang lễ của Đại tướng
tôi vẫn ngỡ ngàng và lại một lần nữa không cầm nổi nước mắt. Tôi tin
rằng trong lễ truy điệu Đại tướng tổ chức sắp tới tại TTTM Đồng Xuân sẽ
có rất đông hội đoàn và bà con người Việt mình tham gia bởi Đại tướng
Võ Nguyên Giáp trong tâm khảm bất cứ người Việt Nam nào cũng là vị tướng
của dân và vì dân“.
Tôi cũng tin như anh rằng ngày 13/10
tới sẽ rất đông đảo bà con đến với lễ truy điệu Đại tướng, như tôi đang
nhìn thấy hàng ngày những dòng cảm xúc của người Việt trên toàn nước Đức
đang viết lên sổ tang online của Đại tướng trên Tạp Chí Hương Việt mỗi
ngày một thêm dài. Tình cảm đó là của người Việt ở nước Đức dành cho đại
tướng Võ Nguyên Giáp cũng là tấm lòng của kiều bào hướng về quê hương,
cội nguồn, về cái tâm sáng, một nhân cách lớn mà mọi người hằng ngưỡng
mộ và noi theo.
Hùng Lý (Berlin)
Theo nguon: NguoiViet.de
Những ngày này người Việt khắp nơi đều hướng về Hà nội , Quảng bình và Điện biên để thương tiếc , tiễn đưa anh linh một nhân cách tuyệt vời : Võ Nguyên Giáp !
Trả lờiXóaTrong đó có em !