Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

SA PA TRONG TÔI - Trần Vân Hạc



Tang qua
 
Sa Pa một lần gặp lại:

Sa Pa không chỉ một lần tôi đến nhưng mỗi lần đều dâng lên trong lòng một cảm xúc mới. Mỗi con đường dãy phố hay bản làng dẫu thân thuộc nhưng luôn đem lại bao điều mới lạ. Những ánh mắt trìu mến thân thương, những cô gái Mông nếp váy đung đưa sóng ngời trong mắt… và Hoàng Liên xanh ngăn ngắt ẩn hiện trong mây như vòng tay lực sĩ của người cha dang tay đón đứa con xa nhà lâu ngày mới có dịp trở về thăm quê hương!
23.8.2013 tôi lên Sa Pa cùng anh em hội viên dự trại viết do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Đoàn gồm 20 thành viên của 16 tỉnh trong cả nước về dự trại. Nhiều người lần đầu đặt chân tới Sa Pa nên không giấu được vẻ háo hức. Trời như chiều lòng người nên hôm khai mạc trời hửng nắng, mọi người xuýt xoa trầm trồ trước vẻ tráng lệ của trời mây, non nước. Ngoài thời gian dành cho chuyên môn, cả đoàn không bỏ lỡ dịp may, đi thăm những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ và thơ mộng của Sa Pa. Đặc biệt những thành viên ở các tỉnh phía Nam luôn xông xáo tìm hiểu và khám phá vùng đất tuyệt đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc có một bề dầy lịch sử đang ngày càng phát lộ những vẻ đẹp diệu kỳ. Người ta như quên đi những ưu phiền, những toan lo thường nhật và như tan hòa cùng phong cảnh tráng lệ, hùng vĩ và con người nơi đây.
Đây thung lũng Mường Hoa dài rộng và trù phú nhất Sa Pa với những thửa ruộng bậc thang đang xanh mướt mát, những ngôi nhà thấp thoáng trên sườn núi ẩn hiện trong sương mang một vẻ bình yên và thơ mộng. Hôm đi thăm bãi đá cổ, trời mưa phùn, vậy mà cả những thành viên cao tuổi nhất cũng không bỏ cuộc. Đặt tay lên tảng đá cổ với những hình vẽ và ký tự vừa lạ vừa quen trầm tư những lời của tiền nhân gửi gắm điều gì cho muôn đời con cháu. Bản của người Mông nơi có dòng suối Vàng và dòng thác Tiên Sa thơ mộng, thấp thoáng sau màn nước ngời lên bảy sắc cầu vồng trong nắng như xiêm y của những nàng tiên trong vũ điệu nghê thường. Nghề rèn của người Mông ở đây có từ bao giờ, người già không nhớ được, chỉ biết rằng, con dao, cái cuốc… do những nghệ nhân dân gian ở đây tỉ mỷ rèn và tôi theo một công nghệ bí truyền cứ bền mãi cùng năm tháng.
Bên thác Tiên Sa những quán ăn bình dân lại thu hút được nhiều du khách bởi phong cách ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt quán của đôi vợ chồng Dương Thiên Tân có rất nhiều du khách quốc tế. Tò mò tôi hỏi, thì ra trong một cuốn sách về du lịch xuất bản ở nước ngoài đã dành cho những món ăn cùng phong cách phục vụ của đôi vợ chồng trẻ này những lời trọng thị và hữu xạ tự nhiên hương, du khách đã đến Cát Cát sau khi chụp ảnh lưu niệm bên thác Tiên Sa, thưởng thức những điệu dân ca, dân vũ của bà con dân tộc Sa Pa, bao giờ cũng không bỏ lỡ dịp may thưởng thức những món nướng nhâm nhi cùng hương vị rượu táo mèo của đôi vợ chồng trẻ này, khi ra về vẫn lưu luyến mãi hương vị của những món ăn dân dã, thơm ngon và lạ miệng và nụ cười rạng rỡ, thân thiện của cô chú quán xinh đẹp Dương Thiên Tân. Nhớ lại hình ảnh những em nhỏ, những người mẹ trẻ địu con cùng bao người dân các dân tộc ở những địa điểm du lịch đội mưa đeo bám nài nỉ du khách mua cho mình một món quà lưu niệm, hay chìa tay xin tiền du khách chúng tôi tiếc nuối bảo nhau: thế mới biết du lịch thân thiện và bền vững quan trọng tới mức nào.
Còn hôm đến thăm Thác Bạc đã để lại cho đoàn bao ấn tượng khó phai. Từ trên cao 150m dòng thác Bạc đổ xuống tung bọt trắng xóa, thầm lặng mang trong mình những phù sa của núi non mang hình Cha đổ vào dòng suối dưới thung Ô Qúi Hồ, nhập vào suối Mường Hoa, được dòng suối mang hình tượng Mẹ dẫn vào sông Hồng góp phần bồi đắp nên châu thổ sông Hồng màu mỡ, rồi đổ ra biển Đông bồi thêm cho Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng cao rộng. Chúng tôi đi thăm nhiều nơi, nhiều thắng cảnh trời cho của Sa Pa nhưng ấn tượng nhất là ngày lên thăm núi Hàm Rồng. Sương dăng lúc ẩn lúc hiện, núi non hùng vĩ lô nhô, những tảng đá trầm tư sát bên nhau như đang thầm thĩ điều gì, những dò lan đặc hữu khoe sắc đua hương, tiếng hát, tiếng khèn trong ngôi nhà sàn văn hóa gọi mời da diết. Từ Sàn Mây, trên độ cao 1.800m so với mực nước biển, chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác giao hòa giữa đất với trời gần gũi đến như vậy. Hàm Rồng như phập phồng hơi thở trong sương. Tiến sĩ Trương Thông Tuần, giảng viên của Đại học Tây Nguyên không giấu được cảm xúc của mình: “Đẹp quá trời anh hai ơi!”. Còn tôi tự hỏi: trên khắp mọi miền núi cao của đất Việt thân yêu của chúng ta có bao nhiêu địa danh mang tên Rồng. Phải chăng thuở xưa khi những người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng khai phá đất đai mở nước, nhìn về phía biển đông hướng mặt trời lên, nhớ Cha rồi đặt tên Người cho những vùng đất thiêng liêng ấy đánh dấu cương vực của nước và cho vơi nỗi nhớ đồng bào?
Đêm chợ tình, tiếng khèn da diết những lời yêu hòa cùng tiếng đàn môi thầm thì say đắm như trong cõi mộng. Trước khu nhà thờ đá cổ kính đang gấp rút xây dựng một sân khấu hoành tráng, Sa Pa đang làm hết sức mình chuẩn bị Lễ kỷ niệm 110 năm Du lịch Sa Pa. Chợ Sa Pa sầm uất với bao đặc sản của núi rừng Hoàng Liên. Hai bên đường các bà, các cô gái người Mông, Dao… bầy bán những sản phẩm thổ cẩm cho du khách. Tôi dừng chân bên một người mẹ trẻ đang bón cơm cho con, người mẹ đưa cho tôi chiếc đàn môi chào mời: “Mua cho mình một cái đi, có 40 nghìn thôi mà” và dù tôi không yêu cầu, người mẹ trẻ đưa đàn lên môi, chiếc đàn rung lên những cung bậc của tình yêu, trong đôi mắt chợt sáng lên một điều gì xa xăm của một phiên chợ tình ngày còn son trẻ.
Tạm biệt Sa Pa chúng tôi bùi ngùi xúc động, phong cảnh thơ mộng trời cho cùng tiểu vùng khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới tuyệt vời hàng năm thu hút rất nhiều du khách, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Nhưng giá như cảnh quan và không gian văn hóa được giữ gìn, người dân được giáo dục về du lịch thân thiện và bền vững tốt hơn thì lượng khách chắc sẽ thu hút được nhiều hơn nữa và cuộc sống của những người dân nơi đây chắc sẽ khởi sắc hơn nhiều.
Chia sẻ cùng Bản Khoang:

Tôi sinh ra ở một tỉnh nghèo miền trung du xanh mướt những đồi cọ nương chè nhưng lớn lên và gắn bó với Lào Cai hàng chục năm trời. Từng làm công tác dạy học và sinh sống ở Tây Bắc hơn 30 năm, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người cõng chữ lên non gieo vào lòng thế hệ tương lai những hạt mầm tốt đẹp. Cũng vì vậy hàng năm chúng tôi đều tổ chức một số chuyến hàng do những nhà hảo tâm đóng góp lên chia sẻ với các em học sinh cùng các thầy cô giáo vùng cao, trong lòng thầm mong bằng sự đóng góp nhỏ nhoi của mình, các em sẽ nhận được những ánh sáng tỏa ra từ những con chữ để rồi bớt đi những điều không tốt, các em được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh để có thể trở thành những công dân có ích cho quê hương.
Về Hà Nội mới được hơn tuần lễ thì nhận được hung tin, chiều và đêm 4/9/2013 trận lũ lụt bất ngờ quét qua Bản Khoang gây ra hậu quả hết sức nặng nề. Lòng tôi sôi như lửa đốt và ngay lập tức kết nối với những tổ chức, những nhà hảo tâm đã từng cùng chung tay tổ chức nhiều chuyến hàng lên chia sẻ với học sinh và nhân dân vùng cao. Những tấm lòng nhân từ dễ có tiếng nói đồng cảm. Tối 13.9 đoàn chúng tôi gồm chi đoàn Thanh niên của Bộ Y Tế, chi đoàn Thanh niên của Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm cùng một số nhà hảo tâm lên với Bản Khoang. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên để lại những hậu quả khủng khiếp. Dòng suối thường ngày thơ mộng trong xanh và là nơi nuôi cá hồi bậc nhất Sa Pa nay ngổn ngang những khối đá khổng lồ hàng mấy chục tấn, cây cối ngổn ngang: 11 người chết và mất tích, 17 người bị thương, 10 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn, 14 ngôi nhà bị hư hỏng trên dưới 50%; 1,3 ha đất ở, 9,5 ha đất nông nghiệp bị vùi lấp, tỉnh lộ 155, đường giao thông thôn Can Hồ A bị hư hỏng nặng… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Có gia đình có tới 3 thân nhân thiệt mạng, đau thương tang tóc hằn lên mỗi khuôn mặt khắc khổ. Lực lượng công an, bộ đội đang tiếp tục dọn dẹp, vận chuyển đất đá tại các khu vực lớp học ở trường tiểu học, trung học phổ thông Can Hồ A. Các thầy cô giáo cùng các em học sinh vẫn bền gan bám trường, bám lớp. Nhiều gia đình đưa đón con em mình đi học bằng xe máy, trong ánh mắt vẫn vương nỗi ám ảnh về trận lũ kinh hoàng nhưng vẫn không để con em mình bỏ học.
Cả nước chung tay cùng Bản Khoang, nhiều đoàn của các tỉnh trong cả nước lên chia sẻ cùng Sa Pa. Chúng tôi trao những phần quà tình nghĩa cho các em học sinh và những gia đình có thân nhân thiệt mạng mà lòng đau thắt vì lực bất tòng tâm. Thiệt hại của những người dân nơi đây không gì đong đếm được. Chỉ mong mọi người thêm ấm lòng vì sự tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cơn hoạn nạn. Chúng tôi cùng các thầy cô giáo tổ chức trung thu sớm cho các em. Cầm miếng bánh trên tay, nhớ những người con và cháu không may qua đời, bà Chủ San Mẩy, người có ba thân nhân bị thiệt mạng không kìm được nỗi xúc động: “Con chết, con dâu chết, cháu chết, chết hết cả rồi”. Tiếng khóc như mũi khoan xuyên thấu mây mù và trời đất khiến chúng tôi không cầm được nước mắt và tự sâu thẳm trong lòng như thấy mình mắc lỗi với bà con nơi đây.
Và đêm trung thu sau lũ:

Người Sa Pa vững vàng như cây thông đầu non, bạn với mây ngàn gió núi, ẩn dưới lớp vỏ xù xì thô mộc là dòng nhựa tinh luyện, chỉ ứa ra khi bị tác động khốc liệt của tự nhiên và con người nhưng rồi dần dần lặng thầm kết tinh thành hổ phách.
Đêm 12.8 Sa Pa tổ chức trung thu sớm cho các em. Sau mấy ngày mưa tầm tã, đêm nay trời trong xanh, những áng mây bồng bềnh trên núi. Mỗi trường học trên địa bàn thị trấn cùng các tổ dân phố đều trang hoàng cho những chiếc đèn trung thu thật đẹp. Tất cả tập trung quanh phố Nhà Thờ, có đèn mang hình tháp đỉnh Phan xi Păng, có đèn mang hình rồng, có cái như con thuyền lộng gió băng băng trên biển lớn… tất cả đều hướng về chủ đề kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa – (1093 – 2013) và trung thu nhớ Bác. Trước sân nhà thờ đá cổ là nơi trình diễn các tiết mục văn nghệ các dân tộc. Hàng ngàn người đổ xuống đường diễu hành cùng rước đèn. Ai cũng thân mật, vồn vã. Cả những người dân ở các bản xa trung tâm cũng nô nức về dự. Trong đôi mắt mỗi người, ánh trăng như đốm lửa. Tôi chợt hiểu rằng không có trở lực nào ngăn được bước tiến của người Sa Pa.
Chia tay Sa Pa, cô giáo Nguyễn Thanh Nhạn, phó phòng giáo dục huyện Sa Pa, người đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những ngày lên thăm và trao quà cho người dân và học sinh vùng bị lũ quét bịn rịn:
- Người dân Sa Pa nói chung và học sinh Sa Pa nói riêng còn nhiều khó khăn lắm và rất cần những tấm lòng vàng của bà con cả nước chia sẻ cùng Sa Pa.
Vâng! Chúng tôi cũng rất hiểu điều đó và vô cùng cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo, những người anh hùng cầm phấn đang từng ngày thầm lặng mang ánh sáng con chữ tới những vùng sâu và vùng xa và thầm hứa sẽ còn trở lại mảnh đất yêu thương này, bởi Sa Pa là một phần không thể thiếu trong mỗi chúng tôi rồi.

Sa Pa 23.8. 2013 – Hà Nội 13.9.2013
Theo nguồn VanHac.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét