Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

BINH LUAN VAN HOC - Nên hiểu khổ đầu bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ"


Nên hiểu khổ đầu bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải như thế nào?

 Bài “Mùa xuân nho nhỏ” là một bài thơ hay đã đi vào lòng bạn đọc từ lâu rồi. Thiết tưởng việc thẩm định bài thơ cũng có nhiều cách và tất nhiên chẳng có gì khó khăn lắm.
Theo cuốn  NGỮ VĂN 9 – SÁCH GIÁO VIÊN- TậpII – NXB. Giao dục in tháng 05 năm 2005, việc xác định nội dung khổ đầu trong bố cục bài thơ được thể hiện như sau:
Khổ thơ đầu (gồm 6 dòng):
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời?
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Đó là cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời.
Theo hướng dẫn của người biên soạn, giáo viên sẽ phải dẫn dắt cho học sinh (bằng các câu hỏi ) để đi đến nhận thức: Mùa xuân ở khổ thơ đầu được dùng với ý nghĩa là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
Ở khổ thơ này, chỉ bằng vài nét phác họa của tác giả: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời... nhưng vẽ ra được cả không gian cao rộng (với dòng sông mặt đất,bầu trời bao la) cả màu sắc tươi thắm của mùa xuân (sông xanh ,hoa tím biếc-màu tím đặc trưng của xứ Huế ) cả âm thanh vang vọng tươi vui của chim chiền chiện (hót vang trời).
Tuy nhiên, Có lẽ quá câu nệ ở câu khái quát  “Mùa xuân ở khổ thơ đầu là mùa xuân của thiên nhiên đất trời” nên hai câu "Mọc giữa dòng sông xanh –Một bông hoa tím biếc" đã được nhiều GV hiểu và giảng cho học sinh: “ Bông hoa tím biếc” đó là một bông hoa tự nhiên! Có người giảng là hoa súng, có người giảng là hoa lục bình!
Hiểu như thế e không ổn bởi Sông Hương lúc nào cũng “tấp nập thuyền trôi lững lờ”  thì làm sao có thể tồn tại một bông hoa ở giữa dòng; vả lại phải là một bông hoa  to lắm mới không bị thuyền ghe che khuất và đập vào mắt tác giả đang đứng xa tít trên bờ mà vẫn thấy rõ cả màu tím biếc?
Phải chăng bông hoa đó chính là hình ảnh một cô gái đẹp mặc áo dài màu tím Huế (Màu đặc trưng của xứ Huế) đang đứng trên thuyền giữa dòng sông đã tạo nên cảm hứng đầu tiên trong lăng kính của nhà thơ?  Hiểu như thế mới thấy từ “Mọc” ở đây hết sức đắc địa – con người đã hòa quyện vào thiên nhiên, làm cho cảnh sắc thiên nhiên thêm lung linh huyền diệu.
Và cũng từ mạch suy nghĩ này cảm nhận về hai câu thơ:Từng giọt long rơi / Tôi đưa tay tôi hứng , sau đó theo gợi ý của người biên soạn, cho rằng đấy là nhà thơ đưa tay hứng từng giọt tiếng chim... Hiểu theo cách này thì ở đây có sự chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (Cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối- cảm nhận được bằng thị giác), từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác “Tôi đưa tay tôi hứng”.
Tôi rất tâm đắc với cánh hiểu thứ hai vì như thế tính liên kết của đoạn thơ mới chặt chẽ, nó mới liền mạch với hai câu “Ơi con chim chiền chiện – Hót chi mà vang trời”. Và mới “Biểu hiện được niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất lúc vào xuân”. Từ đó giá trị thẩm mỹ cũng nâng cao.
 Đúng là “thi trung hữu họa ,thi trung hữu nhạc”- đọc đoạn thơ mà ta có cảm giác đang xem một bức tranh tuyệt mỹ được họa sỹ phác những đường nét , phối những gam màu vừa tương phản vừa tương hỗ một cách khéo léo tài tình – dòng sông xanh, hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện cũng long lanh dưới vòm trời cao rộng. Tất cả đều sống động,rực rỡ vui tươi. Phải chăng đó cũng là bức tranh tâm trạng của nhà thơ cảm nhận lúc xuân về?                                                                                                                                        
                                              Hoàng Tấn Đạt: CLB thơ Giáo chức TP Vũng Tàu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét