Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

THƠ CỦA NGƯỜI HÁT XA KHƠI NỔI TIẾNG - NSUT Tân Nhân


 

 Thơ của người hát Xa khơi nổi tiếng-NSUTTân Nhân:

Tân Nhân
Thứ bẩy ngày 28 tháng 9 năm 2013 9:20 PM

CỐ HƯƠNG

Mạ!
Con được đến một làng miền Nam nước Bảo
Lòng bồi hồi con bỗng nhớ quê mình
Nhìn bắp trổ cờ nhớ cồn bắp trước làng
Cứ những sáng tháng năm con lên chòi giữ quạ

Nhìn bát ngát những cánh đồng xanh um thuốc lá
Nhớ Mạ trồng đám thuốc lá “côi nam”
Giữa ngày mùa cao ngất những đụn rơm
Vẳng tiếng chim ca giục giã bồn chồn.

Mạ!

Trời ở đây cũng cao xanh như quê mình Quảng trị
Mây trắng nhởn nhơ lóa ánh mặt trời
Có cỏ cây hoa lá xanh tươi
Có ớt, có hành, có cà chua chín đỏ

Có bí trổ hoa vàng bò lên tường trước ngõ
Có Mệ già lụm đụm nấu cám cho heo
Bầy heo con ủn ỉn cuối chiều!

Cứ sáng tinh mơ gà gáy vang khắp xóm
Trăng lưỡi liềm còn lơ lửng trời cao
Nhớ ngày xưa Mạ thức con dậy sớm
Chặt chuối tàu hơ lửa bới cơm
Trong hơi sương nay còn đọng nhớ thương

Xa quê hương càng đậm nghĩa “Cố hương”
Kioctehgul
1970


BẤT LỰC

Dốc Trường Sơn cao nhất, ta đã vượt qua
Có suối nào sâu mà ta chưa lội?
Tuổi xuân không còn tới
Tiếng hát đã bay xa
Ta không sao níu lại!

Người ca hát không còn được hát ca
Như cây cỏ hết sinh sôi
Như mặt trời thôi chiếu sáng
Như thời gian không năm tháng
Như cuộc sống hết bóng người

Than ôi đời chiến sỹ
Giữa chiến trường không vũ khí
Trở nên yếu hèn
Cuộc chiến đấu giục giã tiến lên!

Bốn bề xao xuyến
Rầm rập tiếng bước chân
Xốn xang kèn xung trận
Cả đất trời chuyển động
Người chiến sỹ tay không
Giông tố và bão bùng
Căm hờn và bất lực
Trào nước mắt, tấn công!

Mùa xuân ơi, mùa xuân!
Hãy trả lời ta rõ
Chồi non từ cành già?
Chiến công từ đau khổ?

Tuổi trẻ đã đi qua
Tiếng ca không còn nữa
Nước mắt dẫu chan hòa
Trái tim dù tan vỡ!

Mùa xuân, mùa xuân đó
Đã trả lời cho ta:
“Chồi non từ cành già
Chiến công từ đau khổ”
10/1983


HỠI THIÊN TÀI NGHỆ THUẬT – NGƯỜI Ở ĐÂU?

Người ở đâu?
Ta tìm quá nửa đường đời mà không gặp!
Người ở đâu? Ở đâu?

Đã bao lúc ta mơ thấy Người
Bão táp biển khơi vùi dập
Cánh đại bàng rẽ sóng cưỡi mây
Bóng dáng Người lồng lộng đất trời

Khí tiết người rực chói ngời ngời
Nhạc nổi sóng hồn ai cuồn cuộn
Sức anh hùng sống lại Bethowen
Sức con người, sức thiên thần
Kỳ diệu vùng lên
Người truyền sức cho ta
Người đốt lửa tim ta cháy bỏng

Đã bao lúc ta nghe như vang vọng
Mênh mang, dìu dặt
Những giọt mưa rơi, bốn bề man mác
Những giọt mưa rơi, rơi mãi
Như nỗi lòng trống trải
Đi tìm ai
Như tìm hồn nhạc Chopin
Người ở đâu?
Ở đâu
Hỡi thiên tài nghệ thuật

Người ở đâu?
Mà sao ta chưa gặp?

Ôi! Ta đã đi qua quá nửa đường đời
Mà sao không gặp!
Vẫn thấy riêng mình
Không ấm áp
Ta không gặp Người đâu!

Đã nhiều khi lòng u ám âu sầu
Tâm tư dằn vặt
Những tháng năm trôi đi không quay mặt
Ta thao thức bốn mùa
Ôi thiên tài, thiên tài
Những thiên tài hun đúc từ ngàn xưa
Ở đó có bóng hình Người ta muốn gặp!

Dẫu yêu đương ta từng nếm mật
Dẫu thủy chung ta đã hiểu màu
Tình yêu bừng sáng trong khổ đau
Khi tan hợp, càng hiểu sâu hạnh phúc

Ôi tình yêu!
Tình yêu muôn đời tuyệt tác
Chính Sec-xpia đã thấu hiểu tình yêu
Còn thiên tài, thiên tài nghệ thuật
Người ở đâu? Ở đâu?

Dù tuẫn tiết, Thúy Kiều xưa vẫn nhớ lời nguyền
Ghi tạc dạ vàng mối tình Kim Trọng
Còn ta, ta muốn nghe bốn bề vang vọng
Tiếng gọi ta xao động bốn bề
Ta gọi Người, sao Người mãi chưa về?

Ôi! Những giọt mưa rơi
Bốn bề man mác
Những giọt mưa rơi
Bốn bề dìu dặt
Ôi! Những giòng nước mắt
Chảy vào trong
Ta chờ mong
Chờ mong!
1964-1975
(Những năm dài đau khổ trong nghệ thuật)


NHỚ TÂN NHÂN
Hải Bằng- nhà thơ Huế tặng Tân Nhân:

Biển động hay là biển vẫn yên
Nghe trăng rạo rực nước triều lên
Nhìn em trong cõi xa khơi ấy
Cửa Việt buồm căng một dáng thuyền

Tân Nhân  đáp:

Biển không động cũng không yên
Trời nước mênh mông một bóng thuyền
Trăng tròn trăng khuyết đời ấm lạnh
Giữa chốn xa khơi chẳng ngả nghiêng.



GIẤC MƠ

Trong giấc mơ
Gặp lại bóng dáng xưa
Tỉnh dậy bồn chồn thương nhớ…

Những con đường đã qua
Mùa này hoa đang nở
Những buổi chiều lộng gió
Những ngày mưa tiếp mưa
Đời ở rừng gian khổ

Ta muốn quay lại ngày xưa
Nắm chặt bàn tay anh thuở ấy
Trời lâm thâm mưa
Đường xa… về chiều anh không ở lại
Và cả cuộc đời dài
Xa mãi… xa mãi…







Theo nguon: TranNhuong.com

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

EM ĐI - Thơ Chu Văn Keng


Em đi (Chu Văn Keng) (06/09/2012) 
EM ĐI



Chu Văn Keng
Em đi mang cả trùng dương
Chiêm bao khóa lại, lời thương bỗng thừa

Còn đâu ngày nắng đêm mưa
Cơn đau xót... ngỡ người xưa trở về
Bóng chiều thổn thức bờ đê
Dây diều ai bứt mà quê tím lòng

Trời xanh mây trắng mây hồng...
Có nghe heo hắt, bòng bong rối bời
Mái chèo tắt nhịp à ơi
Bỏ thuyền ai lặng giữa đời... ! Em đi!
Berlin, ngày 31.05.2012
C.V.K
Theo nguồn : Lucbat.com
____________

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

BINH LUAN VAN HOC - Nên hiểu khổ đầu bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ"


Nên hiểu khổ đầu bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải như thế nào?

 Bài “Mùa xuân nho nhỏ” là một bài thơ hay đã đi vào lòng bạn đọc từ lâu rồi. Thiết tưởng việc thẩm định bài thơ cũng có nhiều cách và tất nhiên chẳng có gì khó khăn lắm.
Theo cuốn  NGỮ VĂN 9 – SÁCH GIÁO VIÊN- TậpII – NXB. Giao dục in tháng 05 năm 2005, việc xác định nội dung khổ đầu trong bố cục bài thơ được thể hiện như sau:
Khổ thơ đầu (gồm 6 dòng):
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời?
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Đó là cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời.
Theo hướng dẫn của người biên soạn, giáo viên sẽ phải dẫn dắt cho học sinh (bằng các câu hỏi ) để đi đến nhận thức: Mùa xuân ở khổ thơ đầu được dùng với ý nghĩa là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
Ở khổ thơ này, chỉ bằng vài nét phác họa của tác giả: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời... nhưng vẽ ra được cả không gian cao rộng (với dòng sông mặt đất,bầu trời bao la) cả màu sắc tươi thắm của mùa xuân (sông xanh ,hoa tím biếc-màu tím đặc trưng của xứ Huế ) cả âm thanh vang vọng tươi vui của chim chiền chiện (hót vang trời).
Tuy nhiên, Có lẽ quá câu nệ ở câu khái quát  “Mùa xuân ở khổ thơ đầu là mùa xuân của thiên nhiên đất trời” nên hai câu "Mọc giữa dòng sông xanh –Một bông hoa tím biếc" đã được nhiều GV hiểu và giảng cho học sinh: “ Bông hoa tím biếc” đó là một bông hoa tự nhiên! Có người giảng là hoa súng, có người giảng là hoa lục bình!
Hiểu như thế e không ổn bởi Sông Hương lúc nào cũng “tấp nập thuyền trôi lững lờ”  thì làm sao có thể tồn tại một bông hoa ở giữa dòng; vả lại phải là một bông hoa  to lắm mới không bị thuyền ghe che khuất và đập vào mắt tác giả đang đứng xa tít trên bờ mà vẫn thấy rõ cả màu tím biếc?
Phải chăng bông hoa đó chính là hình ảnh một cô gái đẹp mặc áo dài màu tím Huế (Màu đặc trưng của xứ Huế) đang đứng trên thuyền giữa dòng sông đã tạo nên cảm hứng đầu tiên trong lăng kính của nhà thơ?  Hiểu như thế mới thấy từ “Mọc” ở đây hết sức đắc địa – con người đã hòa quyện vào thiên nhiên, làm cho cảnh sắc thiên nhiên thêm lung linh huyền diệu.
Và cũng từ mạch suy nghĩ này cảm nhận về hai câu thơ:Từng giọt long rơi / Tôi đưa tay tôi hứng , sau đó theo gợi ý của người biên soạn, cho rằng đấy là nhà thơ đưa tay hứng từng giọt tiếng chim... Hiểu theo cách này thì ở đây có sự chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (Cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối- cảm nhận được bằng thị giác), từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác “Tôi đưa tay tôi hứng”.
Tôi rất tâm đắc với cánh hiểu thứ hai vì như thế tính liên kết của đoạn thơ mới chặt chẽ, nó mới liền mạch với hai câu “Ơi con chim chiền chiện – Hót chi mà vang trời”. Và mới “Biểu hiện được niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất lúc vào xuân”. Từ đó giá trị thẩm mỹ cũng nâng cao.
 Đúng là “thi trung hữu họa ,thi trung hữu nhạc”- đọc đoạn thơ mà ta có cảm giác đang xem một bức tranh tuyệt mỹ được họa sỹ phác những đường nét , phối những gam màu vừa tương phản vừa tương hỗ một cách khéo léo tài tình – dòng sông xanh, hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện cũng long lanh dưới vòm trời cao rộng. Tất cả đều sống động,rực rỡ vui tươi. Phải chăng đó cũng là bức tranh tâm trạng của nhà thơ cảm nhận lúc xuân về?                                                                                                                                        
                                              Hoàng Tấn Đạt: CLB thơ Giáo chức TP Vũng Tàu.


Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

GIẤC MƠ HỒNG







GIẤC  MƠ HỒNG


Bản nhạc tình em ru anh ngủ
Ánh trăng tràn ướt đẫm hương thu
Vần thơ theo làn mây lãng du
Vắt dải lụa khi mờ khi tỏ

Bao khát khao cuốn theo chiều gió
Vượt đêm dài vời vợi trăng soi
Lời hát ru mang niềm thương nỗi nhớ
Cũng nồng nàn như môi quyện làn môi

Gió đến bên uốn cong dải lụa
Rơi áo choàng e ấp hồn mê

Trong say sưa êm ái đưa về
Bản nhạc tình đêm trăng bay bổng

Mỉm cười dịu dàng em hỏi nhỏ
Anh của em ngủ có ngon không?
Giật mình… Em tỉnh giấc mơ hồng
Lá xào xạc lại mùa tuyết đến!

Bùi Nguyệt, CHLB Đức

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

SA PA TRONG TÔI - Trần Vân Hạc



Tang qua
 
Sa Pa một lần gặp lại:

Sa Pa không chỉ một lần tôi đến nhưng mỗi lần đều dâng lên trong lòng một cảm xúc mới. Mỗi con đường dãy phố hay bản làng dẫu thân thuộc nhưng luôn đem lại bao điều mới lạ. Những ánh mắt trìu mến thân thương, những cô gái Mông nếp váy đung đưa sóng ngời trong mắt… và Hoàng Liên xanh ngăn ngắt ẩn hiện trong mây như vòng tay lực sĩ của người cha dang tay đón đứa con xa nhà lâu ngày mới có dịp trở về thăm quê hương!
23.8.2013 tôi lên Sa Pa cùng anh em hội viên dự trại viết do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Đoàn gồm 20 thành viên của 16 tỉnh trong cả nước về dự trại. Nhiều người lần đầu đặt chân tới Sa Pa nên không giấu được vẻ háo hức. Trời như chiều lòng người nên hôm khai mạc trời hửng nắng, mọi người xuýt xoa trầm trồ trước vẻ tráng lệ của trời mây, non nước. Ngoài thời gian dành cho chuyên môn, cả đoàn không bỏ lỡ dịp may, đi thăm những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ và thơ mộng của Sa Pa. Đặc biệt những thành viên ở các tỉnh phía Nam luôn xông xáo tìm hiểu và khám phá vùng đất tuyệt đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc có một bề dầy lịch sử đang ngày càng phát lộ những vẻ đẹp diệu kỳ. Người ta như quên đi những ưu phiền, những toan lo thường nhật và như tan hòa cùng phong cảnh tráng lệ, hùng vĩ và con người nơi đây.
Đây thung lũng Mường Hoa dài rộng và trù phú nhất Sa Pa với những thửa ruộng bậc thang đang xanh mướt mát, những ngôi nhà thấp thoáng trên sườn núi ẩn hiện trong sương mang một vẻ bình yên và thơ mộng. Hôm đi thăm bãi đá cổ, trời mưa phùn, vậy mà cả những thành viên cao tuổi nhất cũng không bỏ cuộc. Đặt tay lên tảng đá cổ với những hình vẽ và ký tự vừa lạ vừa quen trầm tư những lời của tiền nhân gửi gắm điều gì cho muôn đời con cháu. Bản của người Mông nơi có dòng suối Vàng và dòng thác Tiên Sa thơ mộng, thấp thoáng sau màn nước ngời lên bảy sắc cầu vồng trong nắng như xiêm y của những nàng tiên trong vũ điệu nghê thường. Nghề rèn của người Mông ở đây có từ bao giờ, người già không nhớ được, chỉ biết rằng, con dao, cái cuốc… do những nghệ nhân dân gian ở đây tỉ mỷ rèn và tôi theo một công nghệ bí truyền cứ bền mãi cùng năm tháng.
Bên thác Tiên Sa những quán ăn bình dân lại thu hút được nhiều du khách bởi phong cách ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt quán của đôi vợ chồng Dương Thiên Tân có rất nhiều du khách quốc tế. Tò mò tôi hỏi, thì ra trong một cuốn sách về du lịch xuất bản ở nước ngoài đã dành cho những món ăn cùng phong cách phục vụ của đôi vợ chồng trẻ này những lời trọng thị và hữu xạ tự nhiên hương, du khách đã đến Cát Cát sau khi chụp ảnh lưu niệm bên thác Tiên Sa, thưởng thức những điệu dân ca, dân vũ của bà con dân tộc Sa Pa, bao giờ cũng không bỏ lỡ dịp may thưởng thức những món nướng nhâm nhi cùng hương vị rượu táo mèo của đôi vợ chồng trẻ này, khi ra về vẫn lưu luyến mãi hương vị của những món ăn dân dã, thơm ngon và lạ miệng và nụ cười rạng rỡ, thân thiện của cô chú quán xinh đẹp Dương Thiên Tân. Nhớ lại hình ảnh những em nhỏ, những người mẹ trẻ địu con cùng bao người dân các dân tộc ở những địa điểm du lịch đội mưa đeo bám nài nỉ du khách mua cho mình một món quà lưu niệm, hay chìa tay xin tiền du khách chúng tôi tiếc nuối bảo nhau: thế mới biết du lịch thân thiện và bền vững quan trọng tới mức nào.
Còn hôm đến thăm Thác Bạc đã để lại cho đoàn bao ấn tượng khó phai. Từ trên cao 150m dòng thác Bạc đổ xuống tung bọt trắng xóa, thầm lặng mang trong mình những phù sa của núi non mang hình Cha đổ vào dòng suối dưới thung Ô Qúi Hồ, nhập vào suối Mường Hoa, được dòng suối mang hình tượng Mẹ dẫn vào sông Hồng góp phần bồi đắp nên châu thổ sông Hồng màu mỡ, rồi đổ ra biển Đông bồi thêm cho Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng cao rộng. Chúng tôi đi thăm nhiều nơi, nhiều thắng cảnh trời cho của Sa Pa nhưng ấn tượng nhất là ngày lên thăm núi Hàm Rồng. Sương dăng lúc ẩn lúc hiện, núi non hùng vĩ lô nhô, những tảng đá trầm tư sát bên nhau như đang thầm thĩ điều gì, những dò lan đặc hữu khoe sắc đua hương, tiếng hát, tiếng khèn trong ngôi nhà sàn văn hóa gọi mời da diết. Từ Sàn Mây, trên độ cao 1.800m so với mực nước biển, chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác giao hòa giữa đất với trời gần gũi đến như vậy. Hàm Rồng như phập phồng hơi thở trong sương. Tiến sĩ Trương Thông Tuần, giảng viên của Đại học Tây Nguyên không giấu được cảm xúc của mình: “Đẹp quá trời anh hai ơi!”. Còn tôi tự hỏi: trên khắp mọi miền núi cao của đất Việt thân yêu của chúng ta có bao nhiêu địa danh mang tên Rồng. Phải chăng thuở xưa khi những người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng khai phá đất đai mở nước, nhìn về phía biển đông hướng mặt trời lên, nhớ Cha rồi đặt tên Người cho những vùng đất thiêng liêng ấy đánh dấu cương vực của nước và cho vơi nỗi nhớ đồng bào?
Đêm chợ tình, tiếng khèn da diết những lời yêu hòa cùng tiếng đàn môi thầm thì say đắm như trong cõi mộng. Trước khu nhà thờ đá cổ kính đang gấp rút xây dựng một sân khấu hoành tráng, Sa Pa đang làm hết sức mình chuẩn bị Lễ kỷ niệm 110 năm Du lịch Sa Pa. Chợ Sa Pa sầm uất với bao đặc sản của núi rừng Hoàng Liên. Hai bên đường các bà, các cô gái người Mông, Dao… bầy bán những sản phẩm thổ cẩm cho du khách. Tôi dừng chân bên một người mẹ trẻ đang bón cơm cho con, người mẹ đưa cho tôi chiếc đàn môi chào mời: “Mua cho mình một cái đi, có 40 nghìn thôi mà” và dù tôi không yêu cầu, người mẹ trẻ đưa đàn lên môi, chiếc đàn rung lên những cung bậc của tình yêu, trong đôi mắt chợt sáng lên một điều gì xa xăm của một phiên chợ tình ngày còn son trẻ.
Tạm biệt Sa Pa chúng tôi bùi ngùi xúc động, phong cảnh thơ mộng trời cho cùng tiểu vùng khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới tuyệt vời hàng năm thu hút rất nhiều du khách, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Nhưng giá như cảnh quan và không gian văn hóa được giữ gìn, người dân được giáo dục về du lịch thân thiện và bền vững tốt hơn thì lượng khách chắc sẽ thu hút được nhiều hơn nữa và cuộc sống của những người dân nơi đây chắc sẽ khởi sắc hơn nhiều.
Chia sẻ cùng Bản Khoang:

Tôi sinh ra ở một tỉnh nghèo miền trung du xanh mướt những đồi cọ nương chè nhưng lớn lên và gắn bó với Lào Cai hàng chục năm trời. Từng làm công tác dạy học và sinh sống ở Tây Bắc hơn 30 năm, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người cõng chữ lên non gieo vào lòng thế hệ tương lai những hạt mầm tốt đẹp. Cũng vì vậy hàng năm chúng tôi đều tổ chức một số chuyến hàng do những nhà hảo tâm đóng góp lên chia sẻ với các em học sinh cùng các thầy cô giáo vùng cao, trong lòng thầm mong bằng sự đóng góp nhỏ nhoi của mình, các em sẽ nhận được những ánh sáng tỏa ra từ những con chữ để rồi bớt đi những điều không tốt, các em được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh để có thể trở thành những công dân có ích cho quê hương.
Về Hà Nội mới được hơn tuần lễ thì nhận được hung tin, chiều và đêm 4/9/2013 trận lũ lụt bất ngờ quét qua Bản Khoang gây ra hậu quả hết sức nặng nề. Lòng tôi sôi như lửa đốt và ngay lập tức kết nối với những tổ chức, những nhà hảo tâm đã từng cùng chung tay tổ chức nhiều chuyến hàng lên chia sẻ với học sinh và nhân dân vùng cao. Những tấm lòng nhân từ dễ có tiếng nói đồng cảm. Tối 13.9 đoàn chúng tôi gồm chi đoàn Thanh niên của Bộ Y Tế, chi đoàn Thanh niên của Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm cùng một số nhà hảo tâm lên với Bản Khoang. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên để lại những hậu quả khủng khiếp. Dòng suối thường ngày thơ mộng trong xanh và là nơi nuôi cá hồi bậc nhất Sa Pa nay ngổn ngang những khối đá khổng lồ hàng mấy chục tấn, cây cối ngổn ngang: 11 người chết và mất tích, 17 người bị thương, 10 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn, 14 ngôi nhà bị hư hỏng trên dưới 50%; 1,3 ha đất ở, 9,5 ha đất nông nghiệp bị vùi lấp, tỉnh lộ 155, đường giao thông thôn Can Hồ A bị hư hỏng nặng… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Có gia đình có tới 3 thân nhân thiệt mạng, đau thương tang tóc hằn lên mỗi khuôn mặt khắc khổ. Lực lượng công an, bộ đội đang tiếp tục dọn dẹp, vận chuyển đất đá tại các khu vực lớp học ở trường tiểu học, trung học phổ thông Can Hồ A. Các thầy cô giáo cùng các em học sinh vẫn bền gan bám trường, bám lớp. Nhiều gia đình đưa đón con em mình đi học bằng xe máy, trong ánh mắt vẫn vương nỗi ám ảnh về trận lũ kinh hoàng nhưng vẫn không để con em mình bỏ học.
Cả nước chung tay cùng Bản Khoang, nhiều đoàn của các tỉnh trong cả nước lên chia sẻ cùng Sa Pa. Chúng tôi trao những phần quà tình nghĩa cho các em học sinh và những gia đình có thân nhân thiệt mạng mà lòng đau thắt vì lực bất tòng tâm. Thiệt hại của những người dân nơi đây không gì đong đếm được. Chỉ mong mọi người thêm ấm lòng vì sự tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cơn hoạn nạn. Chúng tôi cùng các thầy cô giáo tổ chức trung thu sớm cho các em. Cầm miếng bánh trên tay, nhớ những người con và cháu không may qua đời, bà Chủ San Mẩy, người có ba thân nhân bị thiệt mạng không kìm được nỗi xúc động: “Con chết, con dâu chết, cháu chết, chết hết cả rồi”. Tiếng khóc như mũi khoan xuyên thấu mây mù và trời đất khiến chúng tôi không cầm được nước mắt và tự sâu thẳm trong lòng như thấy mình mắc lỗi với bà con nơi đây.
Và đêm trung thu sau lũ:

Người Sa Pa vững vàng như cây thông đầu non, bạn với mây ngàn gió núi, ẩn dưới lớp vỏ xù xì thô mộc là dòng nhựa tinh luyện, chỉ ứa ra khi bị tác động khốc liệt của tự nhiên và con người nhưng rồi dần dần lặng thầm kết tinh thành hổ phách.
Đêm 12.8 Sa Pa tổ chức trung thu sớm cho các em. Sau mấy ngày mưa tầm tã, đêm nay trời trong xanh, những áng mây bồng bềnh trên núi. Mỗi trường học trên địa bàn thị trấn cùng các tổ dân phố đều trang hoàng cho những chiếc đèn trung thu thật đẹp. Tất cả tập trung quanh phố Nhà Thờ, có đèn mang hình tháp đỉnh Phan xi Păng, có đèn mang hình rồng, có cái như con thuyền lộng gió băng băng trên biển lớn… tất cả đều hướng về chủ đề kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa – (1093 – 2013) và trung thu nhớ Bác. Trước sân nhà thờ đá cổ là nơi trình diễn các tiết mục văn nghệ các dân tộc. Hàng ngàn người đổ xuống đường diễu hành cùng rước đèn. Ai cũng thân mật, vồn vã. Cả những người dân ở các bản xa trung tâm cũng nô nức về dự. Trong đôi mắt mỗi người, ánh trăng như đốm lửa. Tôi chợt hiểu rằng không có trở lực nào ngăn được bước tiến của người Sa Pa.
Chia tay Sa Pa, cô giáo Nguyễn Thanh Nhạn, phó phòng giáo dục huyện Sa Pa, người đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những ngày lên thăm và trao quà cho người dân và học sinh vùng bị lũ quét bịn rịn:
- Người dân Sa Pa nói chung và học sinh Sa Pa nói riêng còn nhiều khó khăn lắm và rất cần những tấm lòng vàng của bà con cả nước chia sẻ cùng Sa Pa.
Vâng! Chúng tôi cũng rất hiểu điều đó và vô cùng cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo, những người anh hùng cầm phấn đang từng ngày thầm lặng mang ánh sáng con chữ tới những vùng sâu và vùng xa và thầm hứa sẽ còn trở lại mảnh đất yêu thương này, bởi Sa Pa là một phần không thể thiếu trong mỗi chúng tôi rồi.

Sa Pa 23.8. 2013 – Hà Nội 13.9.2013
Theo nguồn VanHac.org

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

THƯ HÀ NỘI - Vân Hạc

thap-rua-thang-long

 Vân Hạc 

THƯ HÀ NỘI
Thân tặng Bùi Nguyệt Chemnitz, CHLB Đức

Em xa rồi Hà Nội nhớ không em
Cầu Thê Húc sớm nay bồn chồn nắng
Khoảng trời xanh vẫn ngời lên hy vọng
Ngọn bút hoa viết tiếp câu thơ



Phố cổ trầm tư thầm hỏi Tháp Rùa
Sóng ngơ ngác thiếu một tà áo nắng
Xuân len lỏi trong từng ngõ vắng
Đâu nét hồng trên má em duyên


Một sớm hôm nao thấp thoáng trong sương
Hoa Ngọc Hà mái tóc thề thơm thoảng
Con sông Hồng chợt cồn cào lên sóng
Cầu Long Biên như tà áo em bay


Em tinh khôi giữa non nước trời mây
Giữa trời Âu giữ lửa lòng Hà Nội
Dõi phương xa chợt nghe lòng bối rối
Xa em rồi Hà Nội nhớ em không.

  Vân Hạc
Theo nguon. vanhac.0rg

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

NHỮNG TRANG ĐỜI

Thơ Đường luật xướng họa nhiều tác giả - Gửi tư Bùi Nguyệt (CHLB Đức)

                            1 Nhiều tác giả

Bài xướng:
Tác giả Nguyễn Thị Lộc
SÓNG LÒNG

Sáu chục lăm le gõ cửa rồi
Xuân còn tội lắm hỡi người ơi
Hơi nghe chuyện cũ là sôi sục
Động nhớ cảnh nay lại rối bời
Tính nén hương lòng cho mãn hạn
Lại gờm sóng dạ chẳng nào nguôi
Chùa đâu như đã chày kinh giục
Biết trả sao đây món nợ đời

                                              Nguyễn Thị Lộc, TP Bắc giang
--------------------

CÁC BÀI HỌA

NHỮNG TRANG ĐỜI

(Họa bài Sóng lòng)

Sắc vàng đan áo dệt thu rồi
Giá lạnh theo về hoa cúc ơi!
Xào xạc cây run lòng vắng lặng
Cồn cào gió hú lá tơi bời
Tâm hồn dậy sóng tình luôn nhớ

Ánh mắt chạm luồng dạ chẳng nguôi
Khúc khuỷu đường dài bao kỷ niệm

Trong ta in đậm những trang đời.

                                                      Bùi Nguyệt. CHLB Đức

 -----------------------
LỬA TÂM
  
Vũ trụ vần xoay có luật rồi
Tháng năm tuần tự, kệ, ai ơi
Xuân còn đeo đuổi hoa còn thắm
Lòng vẫn đắm say lá vẫn bời
Gượng nén lửa tâm càng cháy bỏng
Cố kìm ước mộng chẳng tan nguôi
Mõ chuông đâu có quên cơn khát
Món nợ mang theo nặng suốt đời.
                                                        Phạm Thúy Lan

------------------------
CÙNG PHÁI ĐẸP
(Họa sóng lòng)

Má hồng dẫu có nhạt phai rồi!
Quy luật bình thường các bạn ơi!
Hoa thắm đương xuân thì yểu điệu
Vườn xanh hết hạ cũng tơi bời
Khắc sâu kỷ niệm tình bền chặt
Hòa quyện tâm hồn dạ khó nguôi
Chỉ trái tim yêu là mãi trẻ
Bên nhau ấp ủ sắc hương đời

                                                 Hoàng Tấn Đạt
----------------

SỐ KIẾP

Số kiếp tình duyên đã thế rồi
Muối sương điểm bạc tóc mây ơi
Phòng xưa hiu quạnh luôn thầm lặng
Rèm cũ đơn côi vẫn rối bời
Lửa đượm bao năm sao đã cạn
Gối nồng một phút nỡ nào nguôi
Ngân nga chuông điểm hồn thương nhớ
Tí tách mưa thu thả mộng đời.

                                                 Ngọc Tình (Tây Ninh)
-------------

VẪN CÒN LẤP LÓ
(Họa đảo vận)
Tuổi cao lòng vẫn thiết tha đời
Sóng dạ dâng trào chửa thể nguôi
Âm ỉ duyên xưa còn tiếc nuối
Lẻ loi tình cũ đã tơi bời!
Đôi khi thức dậy niềm mơ ước
Lắm lúc thờ ơ chuyện ấy rồi
Sáu chục xuân xanh chưa mãn kiếp
Vẫn còn lấp ló “nợ”người ơi!
                                              Huy Phương

---------------
ĐỜI SÁNG

Đại dương lặng sóng, bão tan rồi,
Mặt nhật tươi hồng gọi "Bạn ơi!".
Lau sạch thương đau nào rã nát,
Cuốn trôi thù hận bấy tơi bời.
Hành trình đi tới đường hoa nở,
Quá khứ chôn vùi mắt lệ nguôi.
Thơ phú chung vui men mật ngọt,
Im nghe thấm đượm vị tình đời!
                                                   Lương Lương Hòa

Bùi Nguyệt
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Chemnitz, CBLB Đức ngày 08.9.2013
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

MỘT THOÁNG ĐẦU THU

                                                       Chemnitz, CHLB Đức

Bài họa

MỘT THOÁNG ĐẦU THU
     Họa Một đời hoa


Thu đến xao lòng lá lại rơi
Đổi thay quy luật của muôn đời
Hồ kia  héo úa thân sen ngả
Vườn nọ vàng ươm đóa cúc cười
Hám mật chú ong đang bíu chặt
Yêu màu cô bướm chẳng buông lơi

Đường dài trăn trở cho ta hiểu
Suy thịnh vần xoay lẽ ở đời


Bùi Nguyệt, CHLB Đức 
 -------------

  EM TRONG ANH
  Họa: Một đời hoa

Dẫu có là hoa bị bỏ rơi
Trong anh mãi  đẹp nhất trên đời
Hương tình ngào ngạt khi bung nở  
Cảm giác ngất ngây lúc hé cười
Gặp lại duyên xưa thì kêt chặt
Nghĩ  về chặng mới chẳng buông lơi  
Cho dù khoảng cách hai châu luc
Ta vẫn bên nhau trọn cuộc đời.

Hoàng Tấn Đạt

-------------

  Bài Xướng :           
                        
                    MỘT ĐỜI HOA

           Cùng em đi nhặt cánh hoa rơi
           Thương cảm cho hoa ngắn tuổi đời
           Hoa thắm , trăng dòm khoe cánh đỏ
           Nhụy hường , gió gọi nở môi cười
           Cúc , hồng...ngào ngạt hương say đắm
           Ong , bướm lượn lờ tình lả lơi
           Em nhặt mấy bông về ép sách
           Lưu hồn hoa lại mãi cho đời  ../
                
14/8/2013     Phạm Xuân

ĐƯỜNG ĐỜI

Trang chính








01.09.2013 09:04

Thơ Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức): ĐƯỜNG ĐỜI
30.08.2013 13:43
(NguoiViet.de) .
Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên
 

Xem hình

Hình Intenet

ĐƯỜNG ĐỜI

Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương
Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào


Sao khuya gợi nhớ đêm nào
Ấm êm tình mẹ ngọt ngào lời ru
Sắc vàng đan áo mùa thu
 Gió heo may cũng lãng du lưng trời
Tìm trong đắng đót những lời
Ngăn luồng cát bụi dập vùi đam mê
Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi


Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên.

Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức)


Theo nguon: NguoiViet.de