Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Bùi Nguyệt - Người giữ hồn thơ cổ - Phúc Nguyễn ,Chemnitz



Mục -THI NHÂN VIÊT TRÊN ĐẤT ĐỨC

Giáng Sinh – khai sinh và tưởng nhớ Đức Chúa Trời. Những đứa con xa quê, những ngày này không thể không có nỗi nhớ quê. Xin gửi một chút tình quê qua bài viết về thơ Bùi Nguyệt. Chúc Giáng Sinh an lành đến tất cả các anh chị bạn bè trên Facebook. 
 ------------
5- BÙI NGUYỆT – NGƯỜI GIỮ HỒN THƠ CỔ

Đọc thơ Bùi Nguyệt ta như được gặp cảnh cũ, người xưa, lòng ta không khỏi có chút bồi hồi thương nhớ. Cảnh, ấy là nơi ta đã từng thấy, đã đi qua. Và người, là hồn khí nơi ấy cùng bóng dáng thời gian còn lưu lại, bất chấp bao biến thiên của cuộc sống.
Thu Hồ Gươm là một trong nhiều bài thơ Thất ngôn bát cú của Bùi Nguyệt, đưa ta về những cuộc hạnh ngộ như thế. Hình ảnh Tháp Rùa, Ngọn Bút, lồng trong khung cảnh mặt hồ lăn tăn sóng gợn, bóng cây thấp thoáng trăng cài, không chỉ tình ý nên thơ mà chính là hình ảnh đã neo đậu trong hồn bao kiếp nhân sinh về một Hồ gươm trầm mặc, huyền bí linh thiêng và đầy thơ mộng.
Mặt nước hồ thu in bóng cây
Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây
Lăn tăn sóng gơṇ rung cành rủ
Thấp thoáng trăng cài quyện tóc bay
Ngọn bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say
Hồ gươm chứng kiến bao huyền thọai
Níu bước người đi nhớ chốn này

Khi cầm trên tay gần năm mươi bài thơ Thất ngôn bát cú, in trong tập thơ Trăng Trên Tuyết của Bùi Nguyệt, tôi đã phải tìm đọc để hiểu về loại thơ này, thứ thơ tưởng chừng đã biến mất trên thi đàn, sau trào lưu thơ mới những năm ba mươi thế kỷ trước.
Thất ngôn bát cú nghĩa là thể loại thơ có tám câu, mỗi câu bẩy chữ. Hai câu đầu được qui định là hai câu Đề, tiếp theo là hai câu Thưc̣, sau đến hai câu Luận, cuối cùng là hai câu Kết. Như vậy, làm một bài thơ Đường thất ngôn bát cú phải tuân thủ qui định khắt khe, theo bốn phần, thứ tự từ trên xuống: Vào đề- Miêu tả- Suy luận và Kết luận. Ngoài quy định trên, các câu trong bài còn phải tuân thủ qui tắc vần bằng, trắc, đối thanh, đối nghĩa rất chặt chẽ. Bởi sự gò bó trong một khuôn mẫu như vậy, nên chắc chắn làm thơ loại này không thể để cảm xúc tràn lên trang giấy, mà là sự chọn lựa từ ngữ lắp vừa đủ trong cái khung có sẵn, theo đúng thứ tự từng mắt xích đã được định trước. Như thế, một bài thơ Đường thể Thất ngôn bát cú hay là một bài thơ chỉnh chu về vần luật, hòa quyện được cái tình và thể hiện được cái ý của tác giả muốn nói. Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, hoặc tam Thu của Nguyễn Khuyến ( tức ba bài Thu Vịnh, Thu Điếu, Thu Ẩm) là những bài Thất ngôn bát cú để lại dấu ấn trong dòng văn học cổ.
Trở lại với Bùi Nguyệt, ta có thể khẳng định trong dòng văn học của những người con xa xứ taị Đức, chị là người giữ hồn thơ cổ - Thơ Đường, trong đó mạnh nhất là thể thơ Thất ngôn bát cú. Ngay từ ngày có tờ báo mạng NguoiViệt.de, vào những dịp lễ, Tết, đầu Xuân hay sự chuyển mùa, Bùi Nguyệt thường là người lĩnh xướng bằng bài thơ Đường, mời các thi sỹ vào họa. Quả thật, nhiều khi đọc những bài thơ cổ, nỗi nhớ quê, nhớ nhà sao mà sâu nặng, trầm luân đến thế:

Ngồi đếm giọt buồn lòng buốt giá
Đứng nhìn sắc úa dạ u sầu
Trich- Sắc Thu Vàng

Quê hương tít tắp tình luôn đậm
Hình bóng mơ màng dạ khó vơi
Xào xạc hàng cây làn gió thổi
Thẫn thờ tâm cảnh bóng trăng trôi
Nào ai thấu hiểu người xa xứ
Tuyết phủ sương giăng đắng vị đời
Trích- Đêm buồn

Thơ Xướng, Họa, hay thơ Vịnh là đặc tính nổi trội của thơ Đường mà Thất ngôn bát cú cũng không ngọai lệ. Đặc biệt là thơ Vịnh. Nó hợp với cuộc sống giới quí tộc xưa, khi trà dư tửu hậu, lúc ngắm trăng lên, khi chờ hoa nở, hoặc trước phong cảnh hữu tình mà đề thơ thưởng ngoạn. Cảnh vật, nhiều khi chỉ là cái nền cho thi nhân biểu lộ tình cảm, gửi gắm cái mong ước, cái ý chí của mình lên đó.
Vịnh Sen là một trong nhiều bài thơ Thất ngôn bát cú hay của Bùi Nguyệt.
Nếu với thơ tự do ta có thể nhìn một vật ở nhiều góc độ, dùng nhiều lối viết khác nhau để miêu tả chúng, mà không phải lệ thuộc vào sự dài ngắn của câu thơ, của bài thơ, thì Thất ngôn bát cú lại hoàn toàn ngược lại, bị giới hạn bởi số câu, số chữ. Có thể nhận thấy, trong thơ Thất ngôn bát cú chỉ có bốn câu thơ đầu, Đề và Thực là để miêu tả sự vật. Bốn câu vừa dựng cảnh, vừa tả vật, bắt buộc thi sỹ phaỉ chọn ý chọn từ để câu thơ vừa có hình ảnh, vừa mang đặc tính riêng của vật, lại không vi phạm vần luật của câu thơ. Ở bài Vịnh sen, tác giả đã lựa chọn hình ảnh lá và bông, đặt trong không gian rất đặc trưng của sắc hạ, của trăng thanh, làm nổi bật cái hình hài và hồn cốt của cây sen. Hai câu Thực, lời thơ thanh thoát, đối ý đối thanh nhẹ nhàng, khiến hồn khí bài thơ toát ra trong một không gian thanh tịnh, cho ta cảm giác như gặp lại cái hồn mỗi vùng quê nơi cửa phật.

Lá nhìn như những chiếc ô xanh
Mỗi cuống một bông chẳng thấy cành
Tươi thắm màu in trong sắc hạ
Ngát thơm hương tỏa dưới trăng thanh
Bùn nhơ kề cạnh không vương ố
Nước đục bên mình chẳng nhiễm tanh
Phẩm chất hoa này ai sánh được
Xứng người quân tử bậc hùng anh
Vịnh Sen- Thơ họa. Trích, Trăng Trên Tuyết

Khi bàn về nghệ thuật thơ trong tam Thu của Nguyễn Khuyến, nhiều nhà phê bình cho rằng tác giả đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh trong câu thơ :Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Cá đâu đớp động dưới chân bèo. Thực ra, làm thơ Vịnh cũng giống như họa sỹ vẽ chân dung, vừa đúng về hình, vừa phải tóat ra cái mặt tinh thần. Âm thanh và hình ảnh trong hai câu thơ trên đến từ cảm giác trực quan, hoặc hình ảnh đó đã in dấu trong lòng tác giả. Tiếng ngỗng trên không, cá đớp động ao bèo đều là những chuyển động, những hình ảnh rất đặc trưng, quen thuộc của mùa Thu, nhất là mùa Thu xưa còn vẹn nguyên vẻ hoang sơ của đất trời. Đấy là nghệ thuật tả chân! Thủ pháp nghệ thuật nhiều khi chỉ là con đẻ của nhà nghiên cứu, phê bình. Dù vậy, nó vẫn là chén rượu mừng, thêm phần hương vị cho bạn đọc và tác giả.
Hình ảnh trong thơ Thất ngôn bát cú thường cô đọng, có tính khái quát cao. Sóng nhạc trong câu thơ cũng vậy, nổi lên rất rõ, do luật vần bằng- trắc, tạo nên độ cao thấp khác nhau trong âm giai một câu thơ. Có thể nói thơ, nhạc, họa, ba lọai hình nghệ thuật như hình với bóng, hiện hữu trong cảnh núi sông, hoa lá trăng sao của dòng thơ cổ. Lời cổ nhân, Trong thơ có hoạ, bắt nguồn từ đây chăng?
Người xưa cũng nói: Văn vô sơn thủy phi kỳ khí. Văn thơ không có núi sông thì không có hồn. Trong hành trang thơ Bùi Nguyệt ta đã được biết đến các tập thơ Hồn Núi, Bến Xưa, nay đến Trăng Trên Tuyết, thì đúng là đã hội tụ đủ các yếu tố của hồn thơ. Có điều, cái hồn thơ ấy thăm thẳm một nỗi nhớ quê. Xứ người vời vợi từng đêm vắng / Hà nội nhớ về ứa giọt cay (Trićh, Tình viễ xứ). Với Bùi Nguyệt, cô nữ sinh trường Trưng Vương cùng quãng đời tuổi trẻ gắn bó với mảnh đất Cố đô - Hà Nội, Thăng Long xưa, thì hình bóng quê hương không thể không có hai Đệ nhất cảnh, Hồ Gươm và Hồ Tây. Trong dòng thơ hải ngoại tôi chưa thấy ai viết nhiều, dành nhiều tình cảm cho Hà Nội như chị. Đặc biệt với thể thơ Đường, Bùi Nguyệt đã tỏ rõ tài năng trong nghệ thuật miêu tả. Hồ Gươm, Hồ Tây ở góc nhìn nào trong thơ chị cũng mang vẻ đẹp truyền kỳ, lấp lánh hào quang lịch sử dân tộc cùng bề dày văn hóa trên mảnh đất Kinh Kỳ ngàn năm văn hiến:

Hồ Tây bảng lảng làn sương mỏng
Hoàn Kiếm liêu xiêu bóng liễu gầy
Trích- Niềm ước vọng

Chỉ một bài thơ Nhớ Hà Nội cũng đủ thấy cái tình của Bùi Nguyệt với quê hương:
Nón lá chao nghiêng vạt áo dài
Dịu dàng tha thướt bóng hình ai
Bao mùa lá rụng tình không nhạt
Mấy độ đông về sắc chẳng phai
Rạng rỡ nhân văn in bóng nguyệt
Long lanh đức trí hiện trang đài
Hồ Gươm mặt nước soi kim cổ
Hà Nội nhớ về mỗi sớm mai.
Nhớ Hà Nội

Có lẽ đây cũng là một trong số rất ít bài thơ nhớ, không đượm vẻ u sầu của Bùi Nguyệt. Còn một điều đặc biệt trong thơ Bùi Nguyệt, ấy là sự đối trọng trong một hồn thơ, vừa đau đáu một nỗi buồn thương nhớ, vừa lạc quan tin tưởng. Có phải vì thế mà Bùi Nguyệt rất thành công với thể thơ Thất ngôn bát cú, lấy đối cảnh đối hình, đối thanh và đối nghĩa làm hồn cốt cho một bài thơ.
Tiếng lòng thổn thức suốt năm canh
Lặng ngắm sao trời nhớ đến anh
Lấp lánh trăng soi hoa tuyết lạnh
Lung linh nến tỏa ước mơ lành
Gom làn hơi ấm trong khao khát
Kết ngọn lửa lòng giữa mỏng manh
Ánh mắt em nhìn sâu nỗi nhớ
Hòa trong vời vợi sắc trời xanh
Trong Sắc Trời Xanh

Tôi tin, Bùi Nguyệt biết sở trường của mình, và tôi cũng tin chị sẽ thành công hơn khi đi tiếp dòng thơ cổ Thất ngôn bát cú này.
Say sưa thi sỹ- say sưa ngắm
Lặng lẽ nỗi buồn- lặng lẽ trôi
Đối cảnh sinh tình thơ dậy tứ
Bên nhau khắc hoạ bức tranh đời.
Trích- Dạ Khúc Cùng Trăng 


Chemnitz 25-12- 2018
Phúc Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét