Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

VẸN ĐẦY TÌNH THƠ -



VẸN ĐẦY TÌNH THƠ

Từ ngày tạm biệt quê hương
Tóc dài bện lại tình thương gói vào
Lắng sâu đáy mắt dâng trào
Sóng lòng từng đợt xót cào chơi vơi


Gom từng sợi nhớ đan lời
Dệt nên cánh võng ru đời tha hương
Tình quyện gió - tóc pha sương
Mênh mang nỗi nhớ nẻo đường phù du


Nắng vàng ấp ủ mùa thu
Heo may lộng gió lời ru đượm tình
Cất lên từ trái tim mình
Nương vào câu chữ bóng hình thiết tha


Khi nắng sớm - lúc chiều tà
Vườn thơ ươm nụ nở hoa từng ngày
Vui ngọn bút - thỏa hồn say
Nơi đây lắng đọng vẹn đầy tình thơ.


Bùi Nguyệt
Chemnitz - CHLB Đưc
--------------

LỜI BÌNH CỦA NHÀ GIÁO - NHÀ THƠ HOÀNG TẤN ĐẠT

Từ ngày tạm biệt quê hương
Tóc dài bện lại tình thương gói vào


Câu thơ mở đầu rất đỗi dung dị mà cũng vô cùng tài hoa. Tài hoa ở chỗ Nhà thơ đã tạo ra cặp tiểu đối trong một câu thơ “Tóc dài bện lại - tình thương gói vào” vừa giàu nhạc điệu, vừa tinh tế cả nghĩa đen và nghĩa bóng, gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc, nhất là các chị em đã từng đi xuất khẩu lao đông, làm trong nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp nước ngoài.
Tục ngữ có câu
“Cái răng cái tóc là góc con người” . Bởi nó là cái đẹp ngoại hình của người phụ nữ. Vậy mà cái đẹp thiên phú ấy, đã trở thành vô nghĩa khi em phải xa anh.Nó thiếu hụt sự ấm áp của bàn tay ve vuốt, của đôi mắt ngắm nghía ngất ngây. Chính vì thế mà em phải “bện lại” cho phù hợp với môi trường lao động mới. Và cả cái tình gia đình thương yêu sớm chiều đoàn tụ trước kia cũng tạm thời” gói vào’ gác lại.Tê tái lắm chứ!, xót xa lắm chứ! Vậy mà câu thơ đọc lên cứ nhẹ tênh, bình thản. Phải chăng sự bình thản ấy chính là tâm thế tự tại của một người biết vượt lên chính mình, hy sinh tất cả vì gia đình, con cái.
“ Lời thương gói vào” chẳng khác nào cánh cửa tình yêu em đóng lại, niêm phong hai chữ ái tình, dập tắt ngọn lửa lòng của bản năng nhân loại.Nhưng khổ nỗi, lý trí và con tim cũng có khi khó tìm được tiếng nói chung, Lý trí kìm nén bao nhiêu thì con tim người ta càng nổi loạn bấy nhiêu. Mỗi lần con tim nổi loạn thì suối lệ tuôn trào và sóng lòng cũng từng đợt dâng theo:


Lắng sâu đáy mắt dâng trào
Sóng lòng từng đợt xót cào chơi vơi

Đọc đến đây, tôi lại nhớ câu ca dao:
Đêm qua mới thực là đêm
Ruột xót như muối dạ mềm như dưa


Từ “xót cào” trên không có trong từ điển mà có lẽ do Bùi Nguyệt tự sáng tạo bằng cách ghép từ xót xa với cồn cào đẻ tăng thêm giá trị biểu cảm trạng tâm lý của con người.
Thương ai trong héo ngoài tươi .Chim xa tổ khác chi người xa quê . Người xa quê thường nhớ về quá khứ, nhớ về mái ấm gia đình và tự ru mình bằng lời ca tiếng hát:


Gom từng sợi nhớ đan lời
Dệt nên cánh võng ru đời tha hương
Tình quyện gió - tóc pha sương
Mênh mang nỗi nhớ nẻo đường phù du


Theo triết lý của nhà Phật thì cõi Ta Bà của chúng ta là cõi phù du .Vì thế mà cụ Nguyễn Công Trứ đã thốt lên “Ôi! Nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…” nên Bùi Nguyệt cũng “Mênh mang nỗi nhớ nẻo đường phù du"
Vẫn biết kiếp sống này là kiếp phù du nhưng chẳng ai khước từ được nó mà cứ kiên nhẫn song hành với sự vần xoay của tạo hóa, với bốn mùa xuân, hạ, thu,đông.Từ nỗi nhớ “ Nẻo đường phù du”, nhà thơ trở về với thực tại mùa thu,với hồn thơ bay bổng, lắng đọng và ấm áp tình người:


Nắng vàng ấp ủ mùa thu
Heo may lộng gió lời ru đượm tình
Cất lên từ trái tim mình
Nương vào câu chữ bóng hình thiết tha


Thì ra, nhà thơ Bùi Nguyệt cũng thực hiện theo nhà thơ Phùng Quán - “Những lúc ngã lòng”, chị cũng “vịn câu thơ mà đứng” dậy, rồi “Nương vào câu chữ bóng hình thiết tha” và để cho:

Khi nắng sớm - Lúc chiều tà
Vườn thơ ươm nụ nở hoa từng ngày
Vui ngọn bút - thỏa hồn say
Nơi đây lắng đọng vẹn đầy tình thơ.


Lại một lần nữa tôi thật sự bất ngờ trước cấu trúc của những câu thơ kết, đặc biệt là các tiểu đối rải khắp cả khổ thơ Khi nắng sớm – lúc chiều tà, ươm nụ - nở hoa, vui ngọn bút – thỏa hồn say, lắng đọng – vẹn đầy. Biện pháp tu từ này đã làm cho bài thơ thêm đượm nhạc, tươi vần. góp phần nâng cao tầm sử dụng ngôn ngữ.Có thể nói đây là điểm nổi bật trong thơ lục bát của Bùi Nguyêt, tạo nên một vẻ đẹp riêng rất đáng được nâng niu trân trọng.
Hoàng Tấn Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét