Đọc "Thơ Việt ở Đức", ta hiểu được phần nào tình cảnh của từng tác giả nói riêng và cộng đồng người Việt nơi viễn xứ nói chung. Có thể nói, tập thơ là một bức tranh hiện thực của cuộc sống tha hương, được khắc họa bằng những gam màu đậm nhạt khác nhau. Đó là tiếng hát của những con tim cất lên từ nhiều cung bậc, là tiếng lòng khắc khoải trong những đêm thâu, là cái rét cắt da trong sương giăng tuyết phủ, là nỗi nhớ cồn cào về quê hương đất nước. Có nhiều bài của những cây bút ở phái đẹp được xem là những khúc nhạc trầm. khi đọc lên, ta cảm thấy như các chị đã vớt ngôn từ trong dòng suối nước mắt gửi vào thơ.
Khi đọc thơ của hơn ba mươi tác giả nữ trong tập “ Thơ Việt ở Đức” tôi thấy phần nhiều là nỗi nhớ, tình thương là tiếng lòng khao khát, là những lời tâm sự trong đêm, và những nỗi đau xé lòng cùng bao nỗi thiệt thòi chồng chất mà chị em phái yếu chúng tôi phải gánh chịu. Để rồi có những lời bật ra từ những dòng cảm xúc trào dâng, từ tấm lòng chân thật bao dung trong những đắng cay mặn chát của nước mắt mồ hôi, nên thơ cũng là nước mắt, nước mắt cũng là thơ.
Bao mùa lá đã thay màu
Ôm con nức nở nhịp cầu giấc mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương
( Bùi Nguyệt – Viết cho con)
"Phải xa con trong lúc các con còn nhỏ, người mẹ nhớ con trong nỗi nhớ tột cùng. Để rồi hàng đêm chị nối nhịp cầu giấc mơ ôm con trong tưởng tượng, gọi con trong thần giao cách cảm, trong giấc mơ của giấc ngủ chập chờn. Thế là trong tiềm thức đã cất tiếng ru con trong tâm tưởng. Những giọt nước măt chảy tràn suốt canh thâu trong đêm mờ thổn thức của người mẹ trẻ đã hòa vào thơ, thả những vần thơ làm mờ cả đêm sương. Một không gian buồn đã trùm lên tâm hồn người mẹ. Đây là hình ảnh ẩn dụ, nhưng không hề ẩn dụ - đó là nỗi đau rất thật của cảnh tình mẹ phải xa con." (Ngọc Ánh)
Hơn ba mươi tác giả nữ trong tập thơ là các mảnh đời khác nhau, nhưng cùng chung cảnh ngộ tha hương, đều mang nặng niềm thương nỗi nhớ đất Tổ, quê cha. Họ đến nơi đất khách quê người từ khi mái tóc còn xanh, má hồng còn thắm, tràn trề sinh lực của tuổi thanh xuân.Ôi! vậy mà tính đến nay, đã xấp xỉ một phần ba thế kỷ, những mái tóc dài, những dáng lưng thon ấy đã bị thời gian gặm nhấm trong cuộc mưu sinh dưới không gian mênh mang sương tuyết .
Bài thơ " Sao anh hờ hững" của tác giả Quỳnh Nga cũng làm ta xót xa trước tâm trạng bâng khuâng, chờ đợi:
Mắt buồn nhìn về cuối dòng sông
Hoàng hôn giấu giọt nắng cuối cùng
Bâng khuâng, em nhớ, em chờ mãi
Nhòa lệ... "anh còn nhớ em không?"
Sông thì cuối dòng, ngày thì cuối ngày, giọt nắng cũng cuối cùng. Điệp từ “Cuối” nằm trong các hình ảnh ở đây gợi cho ta sự liên tưởng và đồng cảm cùng tác giả. Tác giả nhìn về cuối dòng sông hay chính là đang nghĩ về cuối dòng đời? Và giọt nắng cuối cùng kia phải chăng cũng là tia hy vọng cuối cùng về một người ở chân trời xa xôi tít tắp? Quả thật, rất logic với hai câu thơ tiếp
Bâng khuâng, em nhớ, em chờ mãi
Nhòa lệ... "anh còn nhớ em không?"
Cảnh và tình trong khổ thơ cùng chung một gam buồn. Em buồn cũng đúng thôi, vì em đã nhớ nhiều mong mãi, và sự nhớ thương, chờ đợi ấy không kìm nổi hai dòng lệ ứa chẳng biết là “Anh còn nhớ em không”? Một câu hỏi tu từ đặt đúng chỗ làm cho sự mong chờ khắc khoải đươc dâng lên theo dòng cảm xúc.
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Loan cũng không ngoài tâm cảnh ấy, chị cảm thấy bâng khuâng trống vắng
Bên sông bến cũ con thuyền vắng
Bãi cỏ đìu hiu chẳng bóng người
(Nguyễn Thị Ngọc Loan - Vào Thu)
Sông, bến, thuyền đều là những hình ảnh ẩn dụ khá quen thuộc. Dòng sông chính là dòng đời. Bến sông chính là hình ảnh người phụ nữ chung thủy đợi chờ, con thuyền là đấng mày râu nay nơi góc bể, mai phía chân trời để bến bờ vẫn ngày đêm trông ngóng.
Bài thơ "Vẫn một mình em" của tác giả Kim Ngân, nhân vật trữ tình cũng trong hoàn cảnh mòn mỏi chờ đợi:
Xin lỗi em yêu! Anh chẳng thể chở về
Anh sẽ tới một miền Tây khát vọng
Cuộc sống phồn hoa rực rỡ muôn màu
Em hãy đợi, hãy chờ và thế nhé!
Nhưng rồi hứa hẹn cũng chỉ là hứa hẹn,chờ mong thì vẫn cứ chờ mong. Kết quả cuối cùng là:
Vẫn một mình em một nách hai con
.......................................................
Vẫn một mình em lặng lẽ với thời gian
(Kim Ngân - Vẫn một mình em)
Nguyễn Thanh trang thì đưa người đọc tới một không gian và thời gian dễ cồn cào nhung nhớ, để thổ lộ tiếng lòng:
Em vẫn về trong thơ anh đêm đêm
Dòng chữ nhỏ, bóng hình xưa ẩn hiện
Em vẫn về giữa bao nhiêu kỷ niệm
Em vẫn về giữa bao nỗi nhớ nhung
(Nguyễn Thanh Trang - Chắc tại mùa thu)
Điệp ngữ “ Em vẫn về” thể hiện sư khát khao, nhung nhớ nghĩa cũ tình xưa, chẳng bao giờ phai nhạt cho dù tình cảm ấy, giờ đây, chỉ còn lưu dấu trong những dòng thơ và ẩn hiện trong tư duy, tưởng tượng.
Khác với Thanh Trang, tác giả Đặng Thị Hương đã đưa chúng ta vào cõi mộng, trong trạng thái xuất hồn qua những câu thơ khá độc đáo:
Mỗi đêm khuya thanh khí thượng ngang trời
Hồn nhè nhẹ bay lên cùng sương khói
Bỏ lại phàm thân mê man mệt mỏi
Nhằm phương Nam hồn mải miết bay về.
( Đặng thị Huơng - Mộng du)
Tác giả Nguyễn Thị Lý ôn cố để tri tân:
Nhớ khi chia củ sắn lùi
"Ô quan đánh tú" ngọt bùi có nhau
Tóc xanh đã điểm tóc nâu
Tình người vẫn giữ một màu thanh xuân
(Nguyễn Thị Lý - Về quê Ngoại)
Ra đi từ tuổi thanh xuân, nay mái tóc đã đổi màu nhưng tình nghĩa thì trước sau không hề thay đổi mà luôn luôn canh cánh trong lòng chị
Ở nơi viễn xứ khi Xuân về, Tết đến lại trỗi dậy nỗi nhớ quê hương cồn cào da diết, tác giả Trịnh Thị Mùi đã phải thốt lên:
Chao ôi! Khoảng trống lòng ta
Đó là cố quốc, đó là cố huơng
Muôn đời vẫn cứ vấn vuơng
Vì ta thiếu vắng quê huơng, gia đình
( Trịnh Thị Mùi - Tết ơi)
Sự dồn nén cảm xúc của bao tháng ngày tích tụ nỗi nhớ, niềm thương quê hương, đất nước trong lòng chị như được bật lên, ở từ cảm thán "Chao ôi!", ta càng thấy rõ sự trống trải, vì thiếu vắng hình bóng những người thân trong gia đình làng xóm khi Tết đến Xuân về. Cái khoảng trống và thiếu vắng này ở đây thật thật khó lấp đầy vì nỗi nhớ tình thương thì vô cùng vô tận. Nó cũng được thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhiều cung bậc trong nhiều bài thơ của chị.
Với thể thơ tự do khá điêu luyện và sắc sảo khi sử dụng ngôn từ, hình ảnh. Qua bài “ Xuân viễn xứ”, Thu Hà đã lần về ký ức tuổi thơ của mình, làm chúng ta cũng xót xa đồng cảm. Có lẽ hoàn cảnh ấy, đối với thế hệ chúng ta, ai cũng trải qua nếu sinh ra và lớn lên ở thời Bao cấp:
Đã bao năm rồi con vẫn nhớ
Tuổi thơ làm bạn với cơ hàn
Con gói lại những hình hài tuổi thơ ấy
Cõng trên mình làm hành trang năm tháng
--------
Những mong nhớ cồn cào như muốn vỡ
Trái tim đau của người con xa xứ
(Xuân viễn xứ - Thu Hà, Cottbus)
-----
Đã bao năm rồi con vẫn nhớ
Tuổi thơ làm bạn với cơ hàn
Con gói lại những hình hài tuổi thơ ấy
Cõng trên mình làm hành trang năm tháng
--------
Những mong nhớ cồn cào như muốn vỡ
Trái tim đau của người con xa xứ
(Xuân viễn xứ - Thu Hà, Cottbus)
-----
Bài “Hãy gửi cho em” của Thu Hà - Berlin đã thể hiện tình yêu Tổ quốc nồng nàn. Chị muốn lấp đầy nỗi nhớ bằng một góc trời xứ sở, quê hương qua nghệ thuật ẩn dụ và hoán dụ
Gửi cho em cả một góc bầu trời
Của Việt Nam quê huơng em yêu dấu
Xa quê hương ta mới nhìn được thấu
Tình yêu này xin hãy gửi cho em.
(Hãy gửi cho em - Thu Hà Berlin)
Tác giả Giáp Thị Ngọ nhớ thương người mẹ cực khổ tảo tần và người cha đã nằm trong lòng đất bằng những dòng thơ xúc động lòng người, qua những từ tượng hình gợi cảm:
Rất nhiều kỷ niệm còn in
Con về tìm lại nổi chìm ngày xưa
Mộ cha sũng ướt sương mưa
Mồ hôi mẹ chảy mặn chua một đời
(Giáp Thị Ngọ - Lời ru mẹ).
Hình ảnh người mẹ dịu hiền hiện lên trong những buổi trời chiều nhung nhớ trong thơ tác giảTrương Thị Hoa Lài cũng làm ta xúc động:
Chiều nay gió thì thầm gợi kể
Con chạnh buồn nâng nhẹ chiều thêm
Chiều làm con đắng chát môi mềm
Chiều và mẹ...êm đềm như sông chảy.
Chiều buồn nhớ mẹ (Trương Thị Hoa Lài)
Tục ngữ có câu:
Có rách áo mới thương người áo rách
Có đói cơm mới thương kẻ lạnh lòng
Ở xứ người, chúng tôi không rách áo, không đói cơm, nhưng quả thật chúng tôi đói tình. Đó là tình gia đình, tình quê hương đất nước. Chúng tôi thèm nghe từng làn điệu dân ca, tiếng gà gáy sáng đến tiếng gọi nhau của chòm xóm láng giềng, tiếng rao ngày đêm của những người buôn thúng bán bưng, khao khát mọi âm thanh, hình ảnh của gia đình, quê hương, đất nước.
Có thể nói "Thơ Việt ở Đức" Là những dòng nhật ký, là bức tranh hiện thực cuộc sống, mà chị em phụ nữ chúng tôi đã trải nghiệm, là bức tranh tâm trạng, là:
Tiếng lòng thao thiêt nơi viễn xứ
Như giàn hợp xướng quyện thanh âm
Từ dòng nhạc lý tim bừng lửa
Thì những bài thơ, đoạn thơ trong bài viết này là những khoảng lặng của tâm hồn, là những khúc nhạc trầm buồn cất lên từ những con tim bên phái đẹp. Xin được sự đồng cảm và nâng niu của cộng đồng người Việt Nam ở Đức chúng ta nói riêng và toàn thể bạn đọc nói chung!
Ngày 15/7/2014
Bùi Nguyệt- Chemnitz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét