Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

ĐƯỜNG ĐỜI



ĐƯỜNG ĐỜI

Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương
Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào

Sao khuya gợi nhớ đêm nào
Ấm êm tình mẹ ngọt ngào lời ru
Sắc vàng đan áo mùa thu
Gió heo may cũng lãng du lưng trời

Tìm trong đắng đót những lời
Ngăn luồng cát bụi dập vùi đam mê
Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi

Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên.

Bùi Nguyệt 
                              (Chemnitz, CHLB Đức)
--------------
LỜI BÌNH CỦA HOÀNG THỊ NGOC ÁNH

Thơ là cộng hưởng của tâm hồn và trí tuệ, là tiếng hát của con tim cất lên khi trầm, khi bổng tùy theo cảm xúc, xuất xứ của nó. Có người lấy thơ để thả hồn vào trời trăng mây nước, có người làm thơ là phương tiện để giao lưu ,ngâm vịnh… Còn Bùi Nguyệt lấy thơ làm người bạn tri âm, tri kỷ, là một bờ vai, một điểm tựa tinh thần không thể thiếu vắng trong cuộc sống của nhà thơ. Cũng như ngày xưa,ông Phùng Quán cũng đã thốt lên” Nhũng lúc ngã lòng , tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” . Có nằm trong những hoàn cảnh ấy, chúng ta càng thấy đồng cảm với nhà thơ:
Tìm trong hơi ấm vần thơ
Kết thành vạt nắng xua mờ màn sương

“Hơi ấm vần thơ” là luồng sinh khí nuôi dưỡng cả tinh thần, thể chất nhà thơ Bùi Nguyệt như ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng những mầm xanh, cho thảo mộc vươn cành, tươi lá và xua tan băng giá của tuyết rải, sương giăng. Có phải chăng, đó là gia đình, bè bạn, quê hương, đất nước kết thành một khối tình vững chắ làm điểm tựa tinh thần nâng nhẹ bước chân và chắp cánh cho hồn thơ bay bổng.”
Sáng tâm hồn đẹp văn chương
Quê hương chắp cánh tình thương sóng trào

Bốn tiểu đối trong hai câu thơ vừa tạo nên sự hài hòa của nhịp điệu, vừa gợi tả niềm vui như sóng biển dâng trào hòa vào tình yêu quê hương đất nước như một sự đối lập với màn sương mờ mịt ở trên.
Từ cảm xúc ấy, nhà thơ như nhìn thấy hình ảnh người mẹ trẻ ngày nào dưới đêm sao, cất tiếng ru con ngọt ngào, êm ấm, trong một không khí thanh bình và tâm hồn phơi phới như làn gió mùa Thu “cũng lãng du lưng trời”
Đọc đến đây, tôi lại nhớ tới câu ca dao

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm

Lời ru trong bài thơ vừa cụ thể vừa khái quát. Ta có thể hiểu - đó cũng là hình ảnh của chủ thể bài thơ đã từng cất tiếng ầu ơ ru các con thơ, trong mái nhà êm ấm. Âu cũng là một dấu ấn đẹp trong cuộc đời của những người phụ nữ nói chung, của nhân vật trữ tình trong bài thơ nói riêng. Bao kỷ niệm khó quên, cứ hiện lên… hiện lên… trong dòng ký ức, càng làm thổn thức trái tim yêu, khơi dậy cả những điều tê tái:
Gập ghềnh mê lộ tái tê
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi

Câu thơ đọc lên, nghe như một tiếng thở dài, lay đông tâm can của những ai không vẹn tròn hạnh phúc. Xoáy sâu vào lòng bạn đọc ở tầm khái quát và tính hàm xúc. “ Gập ghềnh mê lộ tái tê” Chỉ có 3 từ( hai từ láy và một từ ghép trong một hình ảnh ẩn dụ ) thế thôi mà khái quát cả chặng đường đời của một người bất hạnh, lạc chân vào mê lộ ( Đường mê) có lẽ ở đây tác giả muốn nói tới đường tình gập ghềnh, trắc trở đã dẫn đến sự đau khổ, chua xót, tái tê.Hiểu như thế mới thấy được sự logic của câu thơ tiếp
Gạn trong nỗi nhớ câu thề chơi vơi
Tục ngữ có câu “ miếng ngon nhớ lâu / điều đau nhớ đời” Cái nhớ đời của chủ thề bài thơ là “…câu thề chơi vơi”
Câu thề chơi vơi là câu thề theo mây trôi, gió cuốn. có thể đó là lời thề non nguyện biển mang hàm ý thủy chung đến đầu bạc răng long …Vậy mà người thì nhớ ,kẻ thì quên, dẫn đến cảnh tình chia uyên rẽ thúy.
Thực tế, một điều rất đáng quý của phụ nữ chúng ta là tình yêu chân thật nhưng niền tin cũng có lúc lại dại khờ. Đời người ta như một ván cờ đi sai một nước là thua cả ván. Chủ thể bài thơ “ Đường đời” có lẽ là người đã rơi vào hoàn cảnh ấy nên bài thơ là một khúc ca buồn.
Buồn thì buồn nhưng không bi luỵ, không bất lưc và guc ngã mà vững bước đi lên trên chặng đường phía trước. Lấy thơ “ vá lại đường đời" Đường đời là hình ảnh ẩn dụ cuộc đời của mỗi con người. Mỗi cuộc đời ấy cũng như dòng sông có lúc bão giông, có thời yên ả. Cũng có khi lại được ví như chiếc lá qua câu thành ngừ " Lá lành đùm lá rách". Trong văn cảnh bài thơ này, ta có thể hiểu nó ở nhiều khía cạnh khác nhau cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, qua hình ảnh ẩn dụ ở hai câu kết:
"Bài thơ vá lại đường đời
Vọng trong sâu thẳm một thời bình yên

Cái bình yên của thẳm sâu quá khứ hiện về hòa quyện cùng bình yên hiện tại đã khắc họa lên bài " Đường đời" làm rung động tâm hồn ban đọc, nhất là những người cùng cảnh ngộ chúng tôi, nơi quê người đất khách.
Ngọc Ánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét