Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

TÌNH MẸ




TÌNH MẸ

Mẹ ơi! nhớ mẹ mỗi chiều
Băn khoăn trăn trở nhiều điều thương con
Mẹ là cả dải nước non
Đi xa muôn dặm cho con lối về


Mẹ là sông núi triền đê
Cho con nguồn chảy tràn về nước trong
Mẹ là ngọn lửa sưởi lòng
Đêm đông giá lạnh sương giăng ấm người


Mẹ là người bạn đường đời
Chia cay sẻ ngọt của người tha hương
Tình mẹ ôm cả Đại dương
Ngập tràn sắc nắng quê hương đón chờ.,.


Bùi Nguyệt
Chemnitz,CHLB Đức
------------
QUA TÌNH MẸ TA HIỂU ĐƯỢC LÒNG CON


Mẹ là đề tài muôn thuở của thi ca. Tôi đã nghe nhiều bài hát, đọc nhiều bài thơ nói về mẹ, thấy thương những bà mẹ Việt Nam : anh hùng ,bất khuất ,trung hậu đảm đang, như tám chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng. Nhưng khi đọc "Tình mẹ" của Nhà thơ Bùi Nguyệt, tôi lại thấy thương người con viết bài thơ hơn người mẹ viết ở trong thơ.


Mẹ ơi! Nhớ mẹ mỗi chiều
Băn khoăn trăn trở nhiều điều thương con


Mở đầu bài thơ là lời gọi mẹ, giãi bày với mẹ nỗi nhớ, niềm thương của người con tha hương khi chiều buông, nắng tắt. Vì thời điểm này mới được thảnh thơi, nghỉ ngơi sau ngày lao động. Gia đình xum họp trong bữa cơm chiều. Đây cũng là thời điểm gà sắp lên chuồng, chim đang về tổ và cả cái màu hoàng hôn kia cũng gợi nhớ, khêu buồn đối với những người xa quê hương xứ sở.
Đến đây tôi lại nhớ câu ca dao:


Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều


Đó là tâm trạng của người con gái ngày xưa lấy chồng xa , mà xa nhất thì cũng chỉ là khác tỉnh ,khác miền nên phạm vi của nỗi nhớ chỉ là một vùng quê." Quê mẹ ". Còn cái niềm thương, nỗi nhớ của những người viễn xứ thì bát ngát mênh mông, bao trùm cả non sông đất nước.


Mẹ là cả dải nước non
Đi xa muôn dặm cho con lối về


Nỗi nhớ mẹ của tác giả gắn liền với nỗi nhớ Tổ quốc mang hình chữ S.
Thiết nghĩ cụm từ"Dải nước non" Rất chuẩn với dáng hình đất nước Việt Nam. Dáng hình ấy luôn hiện hữu trong đáy lòng tác giả.
Hình ảnh mẹ gắn chặt với hình dáng non sông. Tầm khái quát này vừa có chiều sâu về tư tưởng, vừa có bề rộng về tình cảm. Từ mạch cảm xúc ấy, nhà thơ đã cụ thể hóa ý trìu tượng tình mẹ, lòng con bằng nghệ thuật điệp ngữ và liên hiệp tỷ dụ:


Mẹ là sông núi con đê - Cho con nguồn chảy
Mẹ là dải nước non - cho con lối về
Mẹ là ngọn lửa - Sưởi lòng con khi giá lạnh đêm đông
Mẹ là bạn đường đời -để chia cay sẻ ngọt .
Mẹ là ánh sáng mặt trời ôm cả đại dương - để ngập tràn rực nắng quê hương!


Rõ ràng mẹ là tất cả ,mọi cảnh sắc quê hương đều vấn vương bóng mẹ .Cái thú vị ở đây là sư liên tưởng rất logic trong một hệ thống hình ảnh vừa kỳ vĩ, vừa giản dị. Kỳ vĩ là vầng thái dương, là nước non, sông núi, con đê ...,giản dị là bạn đường, ngọn lửa . Mẹ là thế đó! Tình mẹ là thế đó, mênh mông mà vô cùng gần gũi, vô cùng ấm áp , chia bùi sẻ ngọt cho con .
Kết cấu của bài thơ gây bất ngờ cho người đọc. Đó là hệ thồng không gian đang từ lớn :( nước non , sông núi ) cứ thu nhỏ dần (ngọn lửa ) rồi bất thần mở ra một không gian mênh mông vô cùng vô tận:


Tình mẹ ôm cả Đại dương
Ngập tràn sắc nắng quê hương đón chờ


Tình mẹ ở đây được tác giả nhân cách hóa qua động từ "ôm" khá tài tình, vừa cụ thể hóa được ý trìu tượng, vừa gợi ra sự liên tưởng cho bạn đọc. Tình mẹ rộng lớn hơn cả đại dương, còn bao trùm cả đại dương như ánh sáng mặt trời ấm áp. Thiết nghĩ, nếu không phải là người con xa quê, ở nơi xứ tuyết như Nhà thơ Bùi Nguyệt thì khó có thể viết được câu thơ như thế. Và sự liên tưởng logic ấy đã góp phần mang lại giá trị thẩm mỹ của bài thơ.
Qua "Tình mẹ" ta hiểu được cả lòng con! Nếu tình mẹ mênh mông thì lòng con sâu nặng. Nhớ nhiều thương lắm người mẹ già ở quê nhà đang từng ngày trăn trở thương con.


“Khi tà duơng gác đỉnh non
Cha thương mẹ nhớ mong con trở về”


Tình thương đâu chỉ như nước trong nguồn mà ôm cả đại dương mênh mông vời vợi.
Nhà thơ ơi! Phải thế này không: Sợi nhớ sợi thương cuốn trọn địa cầu? Tâm cảnh này đâu chỉ của riêng ai?


Thương đôi mắt của những người viễn xứ
Đăm đắm nhìn quê mẹ phía xa xăm !

HOÀNG TẤN ĐẠT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét