Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Tết cổ truyền trên xứ tuyết



Tết cổ truyền trên xứ tuyết

“Ở quê nhà mẹ cha ơi! Có biết
Năm mới sang điểm hoa tuyết trên cành
Nỗi nhớ trong con lại cồn cào da diết
Bên bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh…"


Tôi không ngờ bài thơ “ Xuân xa xứ” của tôi lại được cô bạn gái người Kinh Bắc đọc thuộc lòng và cứ ngâm nga, tỏ ra tâm đắc lắm. Có lẽ cô ấy cũng đang như tôi da diết nhớ những ngày Tết cổ truyền ở quê hương.
Ngày mai là ngày 30 Tết; đêm mai còn gọi là đêm Trừ tịch. Đêm Trừ tịch ở quê, bếp nhà ai cũng đỏ lửa, và quây quần bên nồi bánh chưng xanh, không khí gia đình rất yên bình và ấm áp. Ngoài đường phố, nam thanh nữ tú vừa đi hái lộc đầu xuân vùa đi xem pháo hoa mà Nhà nước ta vẫn tổ chức để đón mừng năm mới ở Thủ đô Hà Nội và những thành phố lớn trong cả nước. Cái cảnh tưng bừng náo nức này, ở đây - trên đất khách quê người, chúng tôi chỉ được nhìn thấy qua màn ảnh truyền hình. Ngay cả những lời chúc của người thân trong gia đình, của bạn bè trong nước cũng chỉ được nghe qua điện thoại. Không gian được xích lại cũng là nhờ thời đại thông tin.
Năm nào, đêm Giao thừa, các con, bạn bè cũng chúc Tết tôi trên điện thoại. Phút Giao thừa năm ngoái, anh bạn tôi ở Mỹ Đức – Hà Nôi gọi điện chúc Tết tôi. Thật bất ngờ, tôi nghe được cả tiếng gà gáy vọng vào trong điện thoại
Ôi! Lâu lắm rồi tôi mới được nghe tiếng gà gáy sáng mà cứ ngỡ hồn quê đang da diết gọi tên mình. Và thế là nỗi nhớ gia đình, quê hương, đất nước cứ trào dâng như sóng dậy trong lòng tôi lúc ấy. Lúc ấy, chỉ ước mình có cánh để bay về vui Tết ở quê hương.
Tâm trạng đó, giờ đây cũng đang tái diễn trong tôi và có lẽ đó là tâm trạng chung của những người con xa xứ, cháy lòng nỗi nhớ quê hương, nhớ cả những điều bình thường nhất: giọt mưa phùn bay lất phất, làn gió bấc cuối mùa đông. Nhớ cảnh đào hoa nở rực hồng.
Dù ở bất cứ nơi đâu trên Năm châu, bốn biển, người Việt Nam chúng ta khi xa xứ, luôn tạo ra một không gian riêng cho mình, trong cái không gian chung của nước sở tại. Nói theo cách nói của nhà văn Nguyễn Đình Thi thì đó là “Khoảng trời xanh” của cộng đồng người Việt. Vâng! “Khoảng trời xanh” ở đây chính là bản sắc văn hóa Việt Nam: Đó là lời ăn tiếng nói, là phong tục tập quán, là trang phục, là nếp sống mang truyền thống quê hương.
Hòa trong không khi ở quê nhà , Đại sứ quán nước ta tại Đức đã tổ chức mừng xuân đón tết Giáp Ngọ tại tòa Thị chính Berlin.
Ở mỗi đia phương,Thành phố. các hội đoàn cũng tổ chức cho bà con cộng đồng họp mặt, phát phần thưởng cho các cháu học sinh có thành tích trong học tập, rồi cùng múa cho nhau xem, hát cho nhau nghe những làn điều dân ca mượt mà êm ái, những ca khúc hào hùng đi cùng năm tháng và những bản tình ca đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Những bài thơ ấy, bài ca ấy đã nâng cao lòng tự hào dân tộc và thắt chặt tình đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau như lời ông cha khuyên nhủ:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

Nơi đây, những ngày này chỉ có thông xanh cùng tuyết trắng, nhưng ở mỗi gia đình người Việt, cũng có hoa đào hoặc hoa mai, có khi đó chỉ là hoa giả nhưng bản sắc dân tộc thì rất thật. Đặc biệt là bánh chưng, bánh tét - hương vị chính của ngày Tết cổ truyền được người Việt ở đây làm ngay dưới trời Tây trên xứ tuyết. dâng lên thờ cúng ông bà của những người con lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ. Cùng nhau lưu giữ dòng chảy văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn trong trái tim những người con xa xứ.
Xuân Giáp Ngọ

Bùi Nguyệt
(Chemnitz (CHLB Đức)

---------
 Bài đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét