Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Hai bài bình về bài thơ VIẾT CHO CON

Nguyet Bui This Foto.
VIẾT CHO CON
Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm Mẹ ơi
Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu
Bao mùa lá đã thay màu
Ôm con thổn thức nhịp cầu giấc mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương
Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con.
Bùi Nguyệt 
------------ 
HÒA THƠ VÀO NƯỚC MẮT
Lời bình của Nhà thơ Đinh Nam Khương
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Từ xưa tới nay, trên thi đàn thơ ca Việt Nam và thế giới, mỗi nhà thơ thường có một số bài thơ làm rung động trái tim người đọc và tỏa sáng tới mai sau. Hầu hêt những bài thơ ấy đều là những bài thơ viết về mẹ, về con nhất là những trường hợp xa cách, thương nhớ đến mòn mỏi! Vì những bài thơ ấy không phải viết ra bằng văn chương chữ nghĩa hào nhoáng; không phải viết ra bằng sự lạnh lùng của trí thông minh; mà nó được viết ra từ trái tim ấm nóng; nhớ thương khắc khoải. Được viết ra trong sự trào dâng cảm xúc từ tấm lòng nhân ái của người viết đối với mẹ hoặc con. Nó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc và chân thành nhất máu thịt nhất. Không hề pha trộn một ít giả dối hoặc vỏ bọc của những ngôn từ sáo rỗng. Đó là những bài thơ thương thật! Nhớ mong thật! Sung sướng và khổ đau thật! Những bài thơ như thế; ngay từ trong cốt lõi của nó đã chứa đựng sự hấp dẫn và thuyết phục. Làm cho người đọc phải ứa lệ !... Bài thơ "Viết cho con" của nhà thơ Bùi Nguyệt người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng không ngoài trường hợp đó …
Tác giả đã chọn thể thơ lục bát- một thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam mang đậm bản sắc độc đáo của người Việt Nam, rất gần gũi với tâm hồn và hơi thở cuộc sống thường ngày của người Việt Nam để miêu tả tình cảm dạt dào của người mẹ đối với đứa con máu thịt của mình sau 25 năm xa cách. Tình cảm đó đã được kìm nén và cô đúc lại trong 12 câu thơ lục bát ngắn gọn với ngôn ngữ giản dị, trong sáng mà ta vừa tìm thấy trên đỉnh núi cao của văn chương chữ nghĩa chứ không phải là sự nôm na, dông dài. Nó luôn được hiện lên lấp lánh qua những hình tượng kỳ diệu của thi ca với những cảm xúc thẩm mĩ rất đẹp.
Ở phương trời xa lạ, để mưu sinh, để chắp cánh cho con bay đến chân trời mơ ước, 25 năm xa cách, 25 năm "Lá đã thay màu" Không có đêm nào nhà thơ – người mẹ Bùi Nguyệt lại không nghe thấy tiếng con gọi:


"Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu"


25 năm nghe tiếng con gọi trong những đêm xa cách ấy; Bùi Nguyệt đã "Hòa nước mắt vào thơ" bên ngọn đèn cô đơn và trước những trang giấy trắng. Để tình cảm của chị bay lên trong sự thăng hoa cùng những vì sao xa xôi nơi phương trời thương nhớ... Cứ thế cảm xúc trong thơ luôn vận động và phát triển đến đỉnh cao trào dâng của tâm hồn. Đó chính là lúc bài thơ đã khép lại và mở ra những cửa sổ lớn của tâm trạng với 4 câu thơ tài hoa hé lộ tài năng và sức sáng tạo của người viết:


Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con
Hai câu thơ cuối cùng đó là sự xuất thần của ngòi bút, nó tỏa sáng và mang lại ý nghia cho toàn bài, nâng nghệ thuật của bài thơ lên một tầng cao mới. Hình tượng mái tóc xanh của mẹ sau 25 năm xa cách và nhớ thương con vô hạn giờ đã trở thành một mái tóc bạc. Mái tóc bạc ấy đã bện thành một cánh võng êm ái để ru bóng con. Vì thân xác của con còn cách mẹ một khoảng trời xa lắc. Lục bát là một thể thơ cũ kĩ đến cổ xưa nhưng dưới ngòi bút của Bùi Nguyệt đã trở nên mới mẻ và độc đáo một cách kì lạ.Tôi thực sự phải nghiêng mình trước hai câu thơ này của chị.
Rất mong chị luôn mạnh khỏe và may may mắn ở phương trời xa lạ để luôn nhớ về tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nơi có mái nhà bình yên của chị, nơi có những giọt máu đào ấm nóng đang nhớ về trái tim thổn thức của chị - một trái tim đa cảm và tràn đầy vẻ đẹp của tâm hồn thi ca Việt Nam.


Nhà thơ Đinh Nam Khương 
Hội viên hội nhà văn Việt Nam
----------------
LỜI BÌNH “ VIẾT CHO CON”
Ngọc Ánh
Đọc “Viết cho con” chắc hẳn ai cũng thương người mẹ vì trong tất cả nỗi buồn trần thế, thì có lẽ là nỗi buồn của người mẹ phải xa con là tê tái nhất, giày vò nhất.
Mở đầu bài thơ:
Tiếng con goi mẹ trong đêm.
Vòng tay ấm áp êm đềm mẹ ơi
Ngây thơ trong treo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu
Hình ảnh con thơ vòng tay ôm cổ mẹ cất tiếng gọi” ngây thơ trong trẻo”, ta có cảm giác là đứa con đang trong vòng tay mẹ thật, người mẹ đang cảm nhận cả sự êm đềm, ấm áp của con bằng xúc giác của mình, Nhưng tội nghiệp thay bởi đó chỉ là sự tưởng tượng mà thôi. Nhớ con quá mà hóa thành hoang tưởng tiếng con văng vẳng mãi canh thâu. Xét về mặt tâm lý đây là câu thơ rất thật của trạng thái người mẹ mà nỗi nhớ con gần tới mức có thể phát điên lên được? Đây là nỗi đau buồn rất thực được thể hiện bằng thơ.
Chỉ có bốn câu thơ thôi mà ta cảm nhận được cả không gian và thời gian của tiếng con gọi mẹ. Không gian là cách xa vời vợi, thời gian là trong đêm tối. Ôi! Trong đêm mới càng thêm xót xa, tê tái ở cảnh tình mẹ phải xa con, con phải xa mẹ.
Thương cho số phận hồng nhan, thương cho người phụ nữ Việt Nam phải đứt ruột xa con mà tha hương cầu thực:
Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Để rồi, trời ơi! Chỉ nghe tiếng con trong thần giao cách cảm, trong tâm tưởng hoăc trong giấc mơ mà thôi! và có lẽ là ở trong tâm tưởng nên mới hình dung được sự mềm mại, ấm áp và tiếng con “ngây thơ trong trẻo”. Vì trong tâm tưởng nên mới hòa nước mắt vào thơ“ và "khẽ ầu ơ” cho vợi đi niềm thương nỗi nhớ:
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ…thả vần mờ đêm sương
Câu thơ hay quá! Ẩn dụ nhưng không hề ẩn dụ - đó là nỗi đau rất thật, nước mắt ròng ròng thật đấy chứ. Nên thơ là nước mắt, nước mắt là thơ, chảy suốt canh thâu dưới sương mờ thổn thức. Cả một không gian buồn bao trùm lên một tâm hồn cô đơn, trống trải
Ta khó thể tưởng tượng được vì không phải một vài đêm, một vài tháng, một vài năm như thế đâu, mà nỗi buồn đau này đã gặm nhấm cả cuộc đời nữ sỹ từ lúc tóc còn xanh cho đến khi điểm bạc
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con.
Câu thơ “ tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi” vừa diễn tả được sự gian lao, vất vả, vừa nói lên sự chuyển hóa về tuổi tác của nhà thơ. Tính hàm xúc khá rõ nét trong thơ Bùi Nguyêt. Đó là điều đáng trân trọng và ghi nhận.
Khép lại bài thơ là một hình ảnh đẹp – đẹp như sự hy sinh bản thân mình để nuôi con khôn lớn, trưởng thành của nhà thơ. Cả cuộc đời nữ sỹ đã hóa thành cánh võng ru con.
Cám ơn nhà thơ Bùi Nguyệt đã khắc lên thi đàn nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam hy sinh tất cả vì con, rất đáng yêu thương và quý trọng.
Ngọc Ánh
-----------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét