Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Đại sứ quán VN tại Berlin...



 Tối 27/1, tại khách sạn Maritim ở Thủ đô Berlin, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức Tiếp tân mừng Năm mới 2015 và khai mạc Năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức (1975-2015).









Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

XUÂN HỒNG

                          Xuân hồng khởi sắc rộn ràng bay !


XUÂN HỒNG
(Họa bài " Mong")


Nỗi niềm viễn xứ có ai hay?
Cánh én mong hoài ở chốn đây
Lòng nặng hồn quê trao đất nước
Thơ giàu hình tượng gửi làn mây
Lung linh bóng nguyệt ôm hoài mộng
Dào dạt tâm hồn siết chặt tay
Có biết không anh niềm khát vọng
Xuân hồng khởi sắc rộn ràng bay !


Bùi Nguyệt
---------
MONG


Đào sắp nở rồi ai có hay ?
Xuân này ta hẹn gặp nhau đây
Người đi đất khách mơ hồn nước
Kẻ ở quê nhà dõi bóng mây
Mù mịt trời Tây thương bóng Nguyệt
Mênh mông đất Việt rộng vòng ta
Ngày mong đêm nhớ anh chờ đón
Em ở phương trời cất cánh bay.!


Hoàng Tấn Đạt

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Tình yêu Hà Nội qua bài thơ "Thu Hồ Gươm" của Bùi Nguyệt


 Tình yêu Hà Nội qua bài thơ "Thu Hồ Gươm" của Bùi Nguyệt
 (Hoàng Giao (TP Hồ Chí Minh)

Hồ Gươm là một di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội- trái tim Tổ quốc chúng ta và là nguồn cảm hứng của thi ca từ xa xưa đến ngày nay. Cũng từ nguồn cảm hứng này, bài thơ “Thu Hồ Gươm” của Bùi Nguyệt đã hiện lên như một bức tranh được vẽ bằng ngôn ngữ, trong khuôn khổ thất ngôn bát cú Đường luật.
Ngay cái thi đề đã gợi lên cái trong xanh tình tứ của “trời thu xanh ngát mấy tầng cao”.
Hai câu đề càng thể hiện rõ điều đó:
“Mặt nước hồn thu in bóng cây
Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây”.

Một cảnh tượng huyền hoặc giữa Tháp Rùa và những bóng cây soi bóng mặt nước hồ. Chắc nó lung linh lắm, mê hồn lắm trong lòng du khách, mà tác giả là người nắm bắt được điều này để đưa vào thơ. Thơ và cảnh như được thẩm thấu: mặt nước trong veo in bóng cây hòa vào tâm hồn con người tạo nên một “hồn thu”. Một Tháp Rùa đứng sừng sững “trầm mặc” dưới “trời mây”. Ở đây tác giả thật khéo léo nhân cách hóa Tháp Rùa qua từ “trầm mặc”. Trầm mặc là trạng thái suy nghĩ trầm tư của con người, chỉ thế thôi mà Tháp Rùa đã có trái tim của người Hà Nội.
Từ “in” trong câu đầu được xem là thi nhãn bởi nó làm mặt hồ lung linh rõ nét và nhẹ bẫng cả tâm hồn. Không gian trên bờ hòa vào không gian dưới nước, làm cho cảnh vật như thật như mơ.
Tác giả không viết “hồ thu” mà lại là “hồn thu”? Phải chăng hồ thu chưa đủ ý? Còn “hồn thu” là thu đã đi vào tâm hồn, tắm mát hồn ta? Hồn thu làm nên một tứ thơ hay hơn, nên thơ hơn. Cách dùng từ như thế thật là đắc địa.
Tóm lại, hai câu thơ đầu bằng phương pháp dùng từ tượng hình (bóng cây, trầm mặc) và biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa, tác giả đã phác họa được khung cảnh mùa thu Hồ Gươm tuyệt sắc, một “hồn thu” lay động cả không gian.
Nếu hai câu đề là cảnh khái quát thì hai câu thực là cảnh chi tiết:
"Lăn tăn sóng gợn rung cành rủ
Thấp thoáng trăng cài quện tóc bay"

Bằng những từ gợi tả, gợi cảm các từ tượng hình: Lăn tăn, gợn, rung, rủ, thấp thoáng, cài, quện, bay… Tác giả đã diễn tả một sức sống mê hồn, không còn trầm mặc như hai câu trước mà nó xao động tràn đầy sự sống. Sóng gợn lăn tăn, trăng lung linh hòa quyện, cành lá rung rinh rủ bóng và dù không nói đến ai chúng ta cũng hình dung ra bóng hình một thiếu nữ duyên dáng, thả làn tóc bay trước gió giữa thu đang dạo bên hồ! Tác giả dùng từ “trăng cài” rất khéo và có ý nghĩa. Với tứ thơ nồng nàn, với cách ví von lung linh, khiến người đọc vừa say vừa sảng khoái, lâng lâng…
Về kỹ thuật ở cặp thực này đối hay cả từ, cả ý, cả thanh, đúng niêm luật.
Về đối của hai câu thực này: Đối chữ, nghĩa, ý:
Lăn tăn/ sóng gợn - rung cành rủ
Thấp thoáng/ trăng cài - quện tóc bay.

Đối ý, đối chữ, đối nghĩa đều chuẩn đạt từng từ, từng cụm từ đối nhau.
Đối thanh:
BB TT BB T
TT BB TT B

Đối thanh cũng chuẩn.
Như vậy trong bốn câu thơ đầu tác giả đã diễn tả được trọn vẹn một khung cảnh nên thơ hữu tình của Hồ Gươm huyền dịu dưới trăng thanh, một bên Tháp Rùa trầm mặc.
Bây giờ chúng ta chuyển sang hai câu luận:
Hai câu luận vừa lý giải vừa bình phẩm những cảnh vật. Cụ thể là Ngọn Bút tô lên vẻ đẹp cuốn hút lòng tác giả và từ đó đi vào trang thơ ngọt ngào say đắm khơi gợi tình yêu quê hương đất nước con người.
"Ngọn Bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say "

Về kỹ thuật ổn, chỉnh đối, đúng niêm luật.
Ngọn Bút là một cái Tháp Bút sừng sững kia, nhưng cũng có thể hiểu là cây bút của tác giả nên đối với "trang thơ" hoàn toàn thú vị… Nó gợi cho ta sự liên tưởng phong phú, "trang thơ” chưa hẳn là trang thơ mà có thể đó là cảnh sắc nên thơ, khung cảnh nên thơ mà tác giả đã ví von, liên tưởng. Đọc đến đây, tôi lại nhớ đến những câu thơ của cố thi sỹ Chế Lan Viên trong bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”.
"Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng..."

Đó chính là sự tinh tế của tác giả, tính hàm súc của câu thơ và cũng là góc nhìn mở cho người đọc.
Về đối trong cặp luận này: Đối ý, chữ, nghĩa :
Ngọn Bút/ vươn cao - tô vẻ đẹp
Trang thơ /mở rộng - thấu tình say.

Đối chỉnh từng chữ, từng nghĩa, từng ý
Đối thanh:
TT BB TT B
BB TT BB T

Đối thanh chuẩn.
Như vậy sáu câu thơ trên đã tô lên một vẻ đẹp trọn vẹn cả về cảnh về người cả trong ý thơ, tất cả đã tạo nên những tứ thơ nồng nàn tình yêu đắm say, nỗi nhớ ngọt ngào mà tác giả dành cho Hà Nội nói chung và "Thu Hồ Gươm" nói riêng.
Tất cả gói vào một câu kết thắm chặt nghĩa tình của du khách muôn phương:
“Hồ Gươm chứng kiến bao huyền thoại
Níu bước người đi nhớ chốn này”.

Cũng bằng nghệ thuật nhân hóa, Hồ Gươm với những Tháp Rùa, Bút Tháp, cầu Thê Húc, những con đường rợp bóng cây bên Hồ Gươm đã trở thành chứng nhân của lịch sử. Tự trong lòng nó từ bao đời nay là cả những câu chuyện huyền thoại không ai dễ gì quên, nơi uy nghiêm, linh thiêng chứa chan niềm hi vọng người đến nguyện cầu, nơi có những câu chuyện về Rùa Vàng, Gươm Thần giúp dân trừ giặc. Nơi trầm mặc, nên thơ hữu tình thiên nhiên gợi nhớ. Nơi mà bây giờ “níu” bước chân người đi nôn nao “nhớ chốn này”. Ý thơ hay, và hai từ “níu bước”ở đây cũng được xem là thi nhãn. Hà Nội là Thủ đô trọng khách, quý người và du khách về đây ai cũng lưu luyến chẳng muốn rời chân.
Toàn bộ bài thơ lay động tâm tình, nhẹ nhàng thanh thoát, như nhịp sống nên thơ quyến rũ. Giá trị ấy đã cho ta hình dung ra được "Thu Hồ Gươm" đã thực sự đi vào tình yêu nỗi nhớ của tác giả với mùa thu Hà Nội.

THU HỒ GƯƠM

Mặt nước hồn thu in bóng cây
Tháp Rùa trầm mặc dưới trời mây
Lăn tăn sóng gợn rung cành rủ
Thấp thoáng trăng cài quện tóc bay
Ngọn Bút vươn cao tô vẻ đẹp
Trang thơ mở rộng thấu tình say
Hồ Gươm chứng kiến bao huyền thoại
Níu bước người đi nhớ chốn này.

 Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức


Hoàng Giao (TP Hồ Chí Minh)

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

VIẾT TRONG NGÀY GIỖ CHA

                                Đi trong tuyết phủ mà hoang tưởng
                                                                      Cứ ngỡ cuộc đời kết nhành hoa


VIẾT TRONG NGÀY GIỖ CHA 

Thắp nén hương trầm ở xứ xa
Tâm nương làn khói đến quê nhà
Nơi đây con gửi lời cầu nguyện
Những lời tâm sự nói với cha


Cha có thấu không ở phương xa?
Mấy chục năm qua sống xa nhà
Thân gái mỏi mòn đời viễn xứ
Mái đầu tóc điểm ngấm sương pha


Cha có thấu không ở phương xa?
Cuộc đời vay mượn nỗi xót xa
Đi trong tuyết phủ mà hoang tưởng
Cứ ngỡ cuộc đời kết nhành hoa


Cha có thấu không ở  phương xa?
Khao khát tình yêu một mái nhà
Hàng đêm ngồi ghép vần thơ lại

Thèm cả tiếng gà chuyển canh ba

Cha có thấu không ở  phương xa?
Bến bờ ảo vọng ngóng xứ xa
Bốn bề vần vũ đầy dông tố
Âm thầm chèo lái vượt phong ba


Thắp nén hương tâm hương ở xứ xa
Niết bàn cha giải nỗi diết da
Nếu có kiếp sau
cho con được 
Không làm kiếp sống kẻ xa nhà.

Bùi Nguyệt.
Chemnitz ngày 1 - 12 Giap Ngọ

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

GIẤC MƠ CÁNH PHƯỢNG - Bùi Nguyệt.


                                       Choàng tỉnh giấc trong khung trời xứ lạnh
                                   Ngắm vầng trăng vời vợi giữa muôn sao


GIẤC MƠ CÁNH PHƯỢNG

Trở về thăm lại mái trường xưa
Cái thủa ban đầu dệt mộng mơ
Cây bàng năm xưa còn đứng đó
Thân cây vết khắc phủ rêu mờ


Như ngoc- Tâm hồn tuổi học sinh
Sân trường rực rỡ ánh bình minh
Chia tay xao xuyến hồng cánh phượng
Ánh mắt trao nhau thắm đượm tình


Cuộc đời dâu bể có ngờ đâu!
Kể từ ngày đó biệt tăm nhau
Giấc mơ cánh phượng dòng lưu bút
Đặc quánh trong lòng dưới trời Âu


Tuyết nối mùa biển đời trôi nổi
Gặp nhau mái tóc điểm sương rồi
Cùng ôn lại chặng đường dài gian khổ
Bỗng thấy mình thức dậy tuổi đôi muơi


Ôi! Những phút xao lòng lưu luyến
Ấm màu hồng cánh phượng phủ làn môi
Hồi hộp chờ đếm thời gian quay ngược
Đắm mình trong những áng mây trôi


Choàng tỉnh giấc trong khung trời xứ lạnh
Ngắm vầng trăng vời vợi giữa muôn sao
Nuối tiếc giấc mơ hồng cánh phượng.
Phút xao lòng của những buổi anh trao.


Bùi Nguyệt.
Chemnitz 14 - 1 - 2015

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Trong hồn tuyết – Thơ Bùi Nguyệt

Trong hồn tuyết – Thơ Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức)


Tiễn thu đi cây chẳng còn chiếc lá
Để đông về trong trần trụi mù sương
Giọt nắng cuối cùng tan vào băng giá
Gió thét gào trong nỗi nhớ còn vương  
 

_______    
 
                             
1

TRONG HỒN TUYẾT

Tiễn thu đi cây chẳng còn chiếc lá
Khi đông về trong trần trụi mù sương
Giọt nắng cuối cùng tan vào băng giá
Gió thét gào mang nỗi nhớ còn vương


Tuyết trắng phủ bầu trời mây vần vũ
Cứ bâng khuâng giữa hoang lạnh sương mờ
Tê tái lắm! Ôi! Cuộc đời viễn xứ
Ngọn lửa nào thắp sáng sưởi dòng thơ?


Mòn mỏi bước lê trên nền thảm lạnh
Ngập giá băng nỗi đau trượt tháng ngày
Đã kết lại thành cuồng phong bão nổi
Đến mọi miền ngóc ngách đắng cay


Có phải không như cây thông trước gió
Uống giá băng rồi kết tủa trong lòng
Hòa nhập với sương giăng tuyết phủ
Quyện hồn mình vào hồn tuyết mênh mông.


Bùi Nguyệt
Chemnitz 10 - 1 - 2015
Đã đăng Báo Vandanviet
   -------------------------


                                                                           

VẪN THẦM MONG

                         Hoi VHNT Thanh pho Chemnitz

VẪN THẦM MONG
(Họa “ Khát mong”)


Cuốn theo làn gió vị hương nồng
Bát cú năm vần mới họa xong
Niêm luật chỉnh chu khoan khoái dạ
Tứ thơ bay bổng xuyến xao lòng
Tình quê thắp lửa xua sương tuyết
Mạch cảm khơi nguồn quyện dãy thông
Những buổi chiều xuân trên phố núi
Bóng hình thi hữu vẫn thầm mong.


Bùi Nguyệt.
------------
KHÁT MONG
(Mời họa)


Sương sớm hòa tan dưới đất nồng
Cây đời vươn dậy nụ mầm xong
Môi hồng mắt biếc say trong dạ
Rượu ngọt gừng cay thấm tận lòng
Xuân đợi bên trời trao vạn phúc
Núi chờ giữa nắng tỏa ngàn thông
Nàng như hoa nở lay vườn cúc
Chàng bén duyên rồi thỏa khát mong.


Song Hà

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2015




KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2015

Cảm xúc dạt dào tình biển rộng
Tràn trề mộng đẹp dệt hồn thơ
Nửa vòng trái đất trong gang tấc
Xao xuyến triều dâng ngập bến bờ.


Bùi Nguyệt.