Ra mắt hai tập thơ "Hồn núi" và "Bến xa" của nhà thơ Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức
Ngọc Mai: Tấm lòng người xa xứ
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Câu ca dao thân thuộc với người Việt tự bao đời nay đã nói hộ tâm sự của những người con xa quê. Dù xã hội hiện đại, với những phương tiện kỹ thuật tiên tiến có thể phần nào nối liền mọi khoảng cách địa lý nhưng một cuộc điện thoại, vài cái tin nhắn, những món quà xa xỉ... cũng đâu thể nói hết được nhớ thương chất chứa trong lòng. Có lẽ vì thế, ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nhà thơ Bùi Nguyệt cũng mượn những câu thơ, trang viết để gửi gắm tâm tư, nỗi nhớ trông mòn mỏi về Đất Mẹ.
Là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật TP. Chemnitz, CHLB Đức, cộng tác viên thường xuyên của nhiều tạp chí, trang tin dành cho người Việt ở xa Tổ quốc, Bùi Nguyệt là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Năm 2012, hai tập thơ "Hồn núi” và "Bến xa” tập hợp những sáng tác tâm đắc của Bùi Nguyệt do NXB Hội Nhà văn ấn hành như một món quà gửi đến những người yêu thơ, ủng hộ chị trong suốt thời gian qua.
Thơ hay không tính độ dài ngắn, cũng chẳng kể kỹ thuật, mà "thơ là tiếng lòng thật thà” như ai đó đã từng nói. Tìm đến với thơ của nữ sĩ Bùi Nguyệt, độc giả, nhất là những trái tim phiêu dạt nơi chân trời góc bể sẽ ít nhiều đồng cảm với những sẻ chia của chị. Giống như rất nhiều kiều bào khác, cuộc sống của Bùi Nguyệt nơi xứ người cũng có cay cực, có khổ đau, có hạnh phúc, niềm vui và cả nước mắt. Những năm tháng ấy dạy cho chị nhiều bài học về thế giới quan, nhân sinh quan.
"Ở xứ người, chúng tôi không rách áo, không đói cơm, nhưng quả thật là đói tình. Đó là tình gia đình, tình quê hương đất nước. Chúng tôi thèm nghe từ tiếng gà gáy sáng đến tiếng gọi nhau chòm xóm láng giềng, tiếng rao ngày đêm của những người buôn thúng bán bưng, khao khát mọi âm thanh, hình ảnh của quê hương, đất nước” – Bùi Nguyệt đã nói giản dị mà đầy xúc động như thế về tâm trạng, nỗi lòng của mình trong 25 năm sống tha hương. Có lẽ, đó cũng là tiếng lòng chung của hơn 4.000 đồng bào Việt Nam ở đây đang sống xa Tổ quốc.
Chẳng hạn, trong bài thơ Viết cho con, Bùi Nguyệt đã thủ thỉ thế này: "Cuộc đời của mẹ tha hương/ Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người/ Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi/ Kết thành cánh võng ru hời bóng con”.
Không đao to búa lớn, cũng chẳng kể lể dông dài, bốn câu thơ chân chất mộc mạc mà nói được cả một chặng đường đời dằng dặc, thấm thía biết bao! Mỗi câu thơ ngân lên, tưởng đâu như nghe tiếng mẹ tâm tình, kể chuyện... Vì thế, không biết có đúng khi tôi cứ nghĩ rằng ưu thế lớn nhất của Bùi Nguyệt chính là chất nữ tính, những dịu dàng, êm ái của một người phụ nữ, một người mẹ đã khiến thơ chị dễ dàng đi vào lòng người đến vậy. Đối mặt với giông bão, đắng cay, Bùi Nguyệt cũng nói đầy thấu hiểu thế này: Trải bao mùa gió giật tuyết rơi/ Vẫn đứng cùng núi cao hiểm trở/ Những trăn trở cựa mình đá thở/ Cho rêu phong trải thảm trên mình... (Hồn núi)
Có tình yêu lứa đôi, những rung động trước thiên nhiên, đời sống nhưng mạch nguồn cảm xúc chủ đạo trong thơ Bùi Nguyệt vẫn là tình quê hương tha thiết, mặn nồng. Vì vậy, không ngạc nhiên khi giữa mênh mông tuyết trắng, giữa vi vút bạch dương gió thổi, phút đầu năm vẫn có người khắc khoải thốt lên: Da diết quá bao năm rồi nghe lại/ Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình (Phút đầu năm).
Ngọc Mai
(Theo Đại Đoàn Kết)
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Câu ca dao thân thuộc với người Việt tự bao đời nay đã nói hộ tâm sự của những người con xa quê. Dù xã hội hiện đại, với những phương tiện kỹ thuật tiên tiến có thể phần nào nối liền mọi khoảng cách địa lý nhưng một cuộc điện thoại, vài cái tin nhắn, những món quà xa xỉ... cũng đâu thể nói hết được nhớ thương chất chứa trong lòng. Có lẽ vì thế, ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nhà thơ Bùi Nguyệt cũng mượn những câu thơ, trang viết để gửi gắm tâm tư, nỗi nhớ trông mòn mỏi về Đất Mẹ.
Là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật TP. Chemnitz, CHLB Đức, cộng tác viên thường xuyên của nhiều tạp chí, trang tin dành cho người Việt ở xa Tổ quốc, Bùi Nguyệt là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Năm 2012, hai tập thơ "Hồn núi” và "Bến xa” tập hợp những sáng tác tâm đắc của Bùi Nguyệt do NXB Hội Nhà văn ấn hành như một món quà gửi đến những người yêu thơ, ủng hộ chị trong suốt thời gian qua.
Thơ hay không tính độ dài ngắn, cũng chẳng kể kỹ thuật, mà "thơ là tiếng lòng thật thà” như ai đó đã từng nói. Tìm đến với thơ của nữ sĩ Bùi Nguyệt, độc giả, nhất là những trái tim phiêu dạt nơi chân trời góc bể sẽ ít nhiều đồng cảm với những sẻ chia của chị. Giống như rất nhiều kiều bào khác, cuộc sống của Bùi Nguyệt nơi xứ người cũng có cay cực, có khổ đau, có hạnh phúc, niềm vui và cả nước mắt. Những năm tháng ấy dạy cho chị nhiều bài học về thế giới quan, nhân sinh quan.
"Ở xứ người, chúng tôi không rách áo, không đói cơm, nhưng quả thật là đói tình. Đó là tình gia đình, tình quê hương đất nước. Chúng tôi thèm nghe từ tiếng gà gáy sáng đến tiếng gọi nhau chòm xóm láng giềng, tiếng rao ngày đêm của những người buôn thúng bán bưng, khao khát mọi âm thanh, hình ảnh của quê hương, đất nước” – Bùi Nguyệt đã nói giản dị mà đầy xúc động như thế về tâm trạng, nỗi lòng của mình trong 25 năm sống tha hương. Có lẽ, đó cũng là tiếng lòng chung của hơn 4.000 đồng bào Việt Nam ở đây đang sống xa Tổ quốc.
Chẳng hạn, trong bài thơ Viết cho con, Bùi Nguyệt đã thủ thỉ thế này: "Cuộc đời của mẹ tha hương/ Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người/ Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi/ Kết thành cánh võng ru hời bóng con”.
Không đao to búa lớn, cũng chẳng kể lể dông dài, bốn câu thơ chân chất mộc mạc mà nói được cả một chặng đường đời dằng dặc, thấm thía biết bao! Mỗi câu thơ ngân lên, tưởng đâu như nghe tiếng mẹ tâm tình, kể chuyện... Vì thế, không biết có đúng khi tôi cứ nghĩ rằng ưu thế lớn nhất của Bùi Nguyệt chính là chất nữ tính, những dịu dàng, êm ái của một người phụ nữ, một người mẹ đã khiến thơ chị dễ dàng đi vào lòng người đến vậy. Đối mặt với giông bão, đắng cay, Bùi Nguyệt cũng nói đầy thấu hiểu thế này: Trải bao mùa gió giật tuyết rơi/ Vẫn đứng cùng núi cao hiểm trở/ Những trăn trở cựa mình đá thở/ Cho rêu phong trải thảm trên mình... (Hồn núi)
Có tình yêu lứa đôi, những rung động trước thiên nhiên, đời sống nhưng mạch nguồn cảm xúc chủ đạo trong thơ Bùi Nguyệt vẫn là tình quê hương tha thiết, mặn nồng. Vì vậy, không ngạc nhiên khi giữa mênh mông tuyết trắng, giữa vi vút bạch dương gió thổi, phút đầu năm vẫn có người khắc khoải thốt lên: Da diết quá bao năm rồi nghe lại/ Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình (Phút đầu năm).
Ngọc Mai
(Theo Đại Đoàn Kết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét