Vịn câu thơ đứng dậy giữa tuyết băng* - Giới thiệu thơ Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức)
01.09.2012 19:04
(NguoiViet.de) “Hồn núi” và
“Bến xa”- NXB Hội Nhà văn, năm 2012 là hai tập thơ đầu tay của nhà thơ
Bùi Nguyệt, hội Văn học nghệ thuật TP. Chemnitz, CHLB Đức.
|
Hai tập thơ "Hồn núi" và "Bến xa" của nhà thơ Bùi Nguyệt - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Chemnitz, CHLB Đức |
Đọc
những vần thơ đầy tâm trạng, chan chứa tình người và tình đời của chị
ta cảm nhận được thơ với chị nói riêng và với những người xa xứ nói
chung là món ăn tinh thần không thể thiếu. Giữa bốn bề mưa gió tuyết
băng và sự đơn côi, có lúc tưởng chừng không gượng dậy nổi, những câu
thơ như điểm tựa tinh thần giúp chị vững tin và vượt lên sự nghiệt ngã
của cảnh “thân cò lặn lội xứ tuyết”.
Thơ
chị có nhiều mảng đề tài nhưng nổi bật nhất vẫn là tấm lòng tha hương
cố quốc, tình cảm với mẹ cha, với con mà chị dành tất cả thương nhớ, hy
sinh và hy vọng. Những ngày đầu đến với thơ, những bài thơ của chị mang
dáng dấp những dòng nhật ký ghi lại những nỗi niềm, những tâm tư tình
cảm, những trăn trở hoài bão. Người đọc cảm thông cho nỗi vất vả mưu
sinh nơi xứ người, thương trường thực sự là chiến trường khắc nghiệt vây
bọc và đè nặng trên vai người phụ nữ bé nhỏ:
“Có sướng gì đâu phận bán rong
Suốt ngày lận đận lại long đong
Nắng sém màu da đen như cháy
Đông về tuyết xuống đánh đàn răng”
(Đánh đàn răng)
Nhưng
bằng nghị lực phi thường, chị vượt lên tất cả, dẫu rằng sau mỗi ngày
bươn chải, chị lại ngóng về phía trời xa, nơi ấy là quê hương, là nơi
chôn nhau cắt rốn, nơi ấy có những người thân yêu nhất với bao kỷ niệm
êm đềm và cả đau thương, tiếc nuối:
Thu đến...
Thu đi...
Bao mùa nhớ
Nào ai đếm được lá vàng rơi
Phương ấy đêm nay trời có lạnh
Có biết phương này trăng đơn côi.
(Đêm thu)
Những
câu thơ gửi gắm cả nỗi niềm và khát vọng, khá tinh tế trong cách thể
hiện với hình tượng và giọng điệu thơ mang âm hưởng dân ca Việt.
Càng
về sau thơ chị càng tinh tế trong lập tứ và lập ngôn, trong cách sử
dụng những hình ảnh nghệ thuật, tạo ra không gian đa chiều và thời gian
rộng mở hơn. Đây là tình cảm với người mẹ vô vàn yêu thương như suối
nguồn trong mát:
Mẹ ơi! Nhớ mẹ mỗi chiều
Băn khoăn trăn trở nhiều điều thương con
Mẹ là cả dải nước non
Đi xa muôn dặm cho con lối về
Mẹ là sông núi con đê
Cho con nguồn chảy tràn trề nước trong
Mẹ là ngọn lửa sưởi lòng
Đêm đông giá lạnh con mong ấm người
(Tình mẹ)
Chị
nhớ người mẹ thân yêu đã hy sinh tất cả vì con nhưng nỗi nhớ ấy không
bó hẹp trong cái tôi nhỏ bé mà đã nâng lên tầm non nước, là chốn đi về
trong tâm tưởng, là ngọn lửa sưởi ấm, nâng bước chị trong “đêm đông”
giá lạnh của cuộc đời. Con gái của mẹ xa mẹ gần nửa vòng trái đất nên
càng trân quý tình người, càng khát khao tình thương biết bao. Hay trong
bài “Phút đầu năm”:
Quyện lời anh
Vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh
Da diết quá bao năm rồi nghe lại
Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình
Dẫu
tiếng gà gáy gọi bình minh kia là thật hay hư cấu cũng đã trở thành một
hình tượng thơ đẹp. Tiếng gà với người Việt rất đỗi thân thương, đồng
hành với mỗi con người từ thuở lọt lòng trong suốt cuộc đời, để rồi mỗi
khi nghe một tiếng gà ấm cúng, bao kỷ niệm quê ùa về. Và khi nghe “tiếng gà” ấy trong phút giao thừa, chị “ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình”
thì câu thơ đã nâng lên tầm phổ quát. Đấy không chỉ là tình cảm của
riêng chị nữa, mà đó còn là tình cảm của cộng đồng người Việt xa Tổ quốc
luôn đau đáu hướng về quê hương yêu dấu.
Dù
cuộc sống khó khăn nghiệt ngã nhưng bằng nghị lực vững vàng và lòng
khát khao sống, khát khao yêu, chị luôn mơ một mái ấm cho mình, dẫu điều
đó nhiều khi không chỉ do mình chị mà có được:
Em vẫn tìm anh trong biển đời xa xứ
Vẫn tìm anh trong những lúc lãng du
Trong giấc mơ đêm trắng vào thu
Trong giá lạnh hoang tàn trống trải
…
Tựa bờ vai anh ấm áp cuối cuộc đời
Hạnh phúc giản đơn của em - người viễn xứ.
(Tìm về hạnh phúc)
Ta cảm thông và đồng cảm với: “hạnh phúc giản đơn”
của chị, bởi tuy gọi là giản đơn mà đâu có đơn giản, vì ta đâu có thể
chủ động được nhưng đó là tình người, mà nếu thiếu nó, con người sẽ
thiếu hụt, cuộc sống sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.
Trong thơ chị có bài đọc lên người đọc thực sự xao xuyến bởi chất xúc cảm của tình mẫu tử như bài “Viết cho con”:
Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm: Mẹ ơi
Lặng nghe trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời trong tôi
Đã bao mùa lá vàng rơi
Mẹ con chỉ gặp những lời trong mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Ru con mẹ thả vần mờ đêm sương
Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương đời người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con
Nỗi
lòng của người mẹ thương con ở đâu cũng đẹp lắm thay, nhất là khi mẹ và
hai con gái bé bỏng xa cách vời vợi, từ phương trời Âu mẹ luôn day dứt
thương nhớ con nơi quê nhà:
Đã bao mùa lá vàng rơi
Mẹ con chỉ gặp những lời trong mơ
Để rồi nỗi thương nhớ, xót xa cứ ngày một dâng đầy theo thời gian:
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Ru con mẹ thả vần mờ đêm sương
Tình
yêu vô bờ bến của chị với con đã kết thành những câu thơ chạm tới những
điều sâu nặng nhất, thuộc vào hàng những câu thơ hay về tình mẹ con:
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con
Đọc
thơ của nhà thơ Bùi Nguyệt, ta hình dung một người phụ nữ mang tâm hồn
Việt, nghị lực của người phụ nữ Việt, dũng cảm đương đầu và vượt lên tất
cả để vươn lên một cuộc sống ngày một ấm hơn. Chị mang trong mình “hồn núi”:
Biết bao mùa mưa nắng bào mòn
Gọt giũa tạo nên hình tĩnh lặng
Cái “tĩnh lặng”
ấy ẩn chứa một nội lực để không hóa đá, mà vững vàng trước phong ba,
làm nên sức sống diệu kỳ, nuôi dưỡng tâm hồn chị, tiếp sức cho chị:
Núi mỉm cười hé lòng khoảng trống
Để cây xanh bám rễ chắc ngang lưng
Làm bạn đời với đá ở nơi đây
Tồn tại nên diệu kỳ sức sống
Thủy chung vách đá cao lồng lộng
Tạo non xanh một dải thắm liền
Hồn núi ở nơi đây giữ mãi
Nuôi dưỡng cây đứng vững trước bão đời
…
Trải bao mùa gió giật tuyết rơi
Vẫn đứng cùng núi cao hiểm trở
Hai
tập thơ của nhà thơ Bùi Nguyệt có nhiều bài hay, nhiều câu hay, nhiều
bài nhiều câu nếu dụng công gọt giũa sẽ trở thành những viên ngọc quí.
Đặc biệt tình cảm quê hương đất nước, gia đình, bè bạn và chất dân ca
Việt xuyên suốt hai tập thơ như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn nuôi
dưỡng và chắp cánh cho thơ chị. Điều đó làm chúng ta tin rằng, trong
thời gian tới nhà thơ sẽ có nhiều bài thơ, nhiều tập thơ hay hơn nữa.
Trần Vân Hạc
-------------------
* Ý thơ Phùng Quán: “Tôi vịn câu thơ và đứng dậy”
(Theo vanhocquenha)