TRONG LỄ VU LAN
Vương vấn khói hương tỏa ngạt ngào
Cúi đầu vái lạy thấu trời cao
Mẹ vẫn vân du thăm con cháu
Con mừng gặp lại lúc chiêm bao
Nụ cười hiền hậu trên gương mặt
Dãi nắng dầm mưa thủa cơ hàn
Lưng còng mẹ gánh đời cơ cực
Trĩu nặng trong lòng chẳng oán than
Đau thắt lòng con - dáng mẹ già
Vào ra trước ngõ ngóng con xa
Xứ người biền biệt trao cho mẹ
Thay con nuôi cháu giữ nếp nhà
Trăng mờ đã gác ở đầu non
Bóng mẹ trên cao hiện chập chờn
Một chốn đôi quê lòng ấp ủ
Âm thầm nâng đỡ bước chân con.
Bùi Nguyệt - Chemnitz
------------------
ĐÔI LỜI CẢM NHẬN
Trăng mờ đã gác ở đầu non
Bóng Mẹ trên cao hiện chập chờn
Một chốn đôi quê lòng ấp ủ
Âm thầm nâng đỡ bước chân con.
“Trăng mờ đã gác ở đầu non” vừa gợi ra trước mắt chúng ta cảnh không
gian nhạt nhòa như mơ, như thực, vừa định hình được thời gian, thời điểm
đêm đã sắp tàn. Từ đây ta lại hiểu rằng : Rằm Vu Lan này, người con gần
trọn đêm không ngủ để tưởng nhớ người mẹ đã “ gánh cả đời cơ cực”,
“thay con nuôi cháu giữ nếp nhà.” Đến đây tôi lại nhớ câu ca dao:
Cháu ơi cháu lớn với bà
Bố còn đi đánh giặc xa chưa về
Nhưng ở đây, không phải hoàn cảnh ấy, mà bà nuôi cháu vì mẹ cháu đang ở
xứ người, nơi chân trời góc bể. Vì thế, hình ảnh đó luôn hiện lên trong
tâm trí và trở thành luỡi dao vô hình cứa vào tấm lòng hiếu thảo của
người con.
Đau thắt long con- dáng mẹ già
Vào ra trước ngõ ngóng con xa
Tuy Nhà thơ không nói ra, nhưng bạn đọc chúng ta vẫn thấy sự xót xa, tê
tái của người mẹ trẻ ( Nhân vật trữ tình trong bài thơ) từng ngày, từng
giờ diết da nhớ mẹ già và con thơ bé bỏng ở quê nhà. Xót xa lắm chứ! Tê
tái lắm chứ! Con xa mẹ, mẹ xa con vẫn là nỗi đau buồn nhất của những
người phụ nữ.
Khi còn tại thời, Mẹ nuôi cháu thay con, khi Mẹ đã trở về với cao tằng tổ khảo, Mẹ vẫn:
Một chốn đôi quê lòng ấp ủ
Âm thầm nâng đỡ bước chân con.
Vì con “ Một chốn đôi quê” nên mẹ dù đã trở về thế giới bên kia nhưng
vẫn phải khi sang trời Tây khi về đất Á. Cũng cảnh tình “ Một chốn đôi
quê”
ÔI! Đúng là: “ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” ( Chế Lan Viên)
HOÀNG TẤN ĐẠT