Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

NỖI NHỚ NGÀY XUÂN - (Tùy bút Bùi Nguyêt - Chemnitz)



NỖI NHỚ NGÀY XUÂN
Bài thơ Xuân ở nơi đây con viết
Năm mới sang điểm hoa Tuyết trên cành
Nỗi nhớ trong con lại cồn cào da diết
Bên bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh…

(Xuân xa xứ - Bùi Nguyệt)

Tôi không ngờ bài thơ “Xuân xa xứ” của tôi lại được cô bạn gái người Kinh Bắc đọc thuộc lòng và cứ ngâm nga, tỏ ra tâm đắc lắm. Có lẽ, cô ấy cũng đang như tôi - da diết nhớ những ngày Tết cổ truyền ở quê hương.
Ngày mai là ngày 30 Tết. Đêm mai còn gọi là đêm Trừ tịch. Đêm Trừ tịch ở quê, bếp nhà ai cũng đỏ lửa, và quây quần bên nồi bánh chưng xanh, không khí gia đình rất yên bình và ấm áp. Bất giác, tôi bật lên câu thơ:
Đêm Trừ tịch cùng nhau đi hai hái lộc
Tiếng nói cười náo nức cả trời khuya.
(Xuân xa xứ)
Đó là cảnh nam thanh nữ tú vừa đi hái lộc đầu Xuân vùa đi xem pháo hoa mà Nhà nước ta vẫn tổ chức để đón mừng năm mới ở Thủ đô Hà Nội và những Thành phố lớn trong cả nước. Cái cảnh tưng bừng náo nức này, ở đây - trên đất khách quê người, chúng tôi chỉ được nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình. Ngay cả những lời chúc của người thân trong gia đình, của bạn bè trong nước cũng chỉ được nghe trong điện thoại. Không gian được xích lại cũng là nhờ thời đại thông tin. Đúng như một nhà thơ đã viết:
Thời đại thông tin không gian như xích lại
Anh với em xa thế mà gần
Hai người ở hai đầu điện thoại
Nghe nồng nàn hơi thở của người thân.
(Thời đại thông tin- HTD)
Năm nào, đêm Giao thừa, các con, bạn bè cũng chúc Tết tôi trên điện thoại. Phút Giao Thừa năm ngoái, anh bạn tôi ở Mỹ Đức – Hà Nội gọi điện chúc Tết tôi. Thật bất ngờ, tôi nghe được cả tiếng gà gáy vọng vào trong điện thoại (vì chênh múi giờ bên Đức là 0 giờ thì ở Việt Nam là 6 giờ) thế là một “luồng điện” cảm hứng đã truyền cho tôi, ngay đêm đó, tôi có ngay một tứ thơ. Và tôi đã viết được bài ”Phút đầu năm” khổ mở đầu thế này:
Khoảnh khắc đầu năm -  Anh chúc em trên điện thoại
Ấm áp lời anh xao xuyến nghĩa tình
Quyện lời anh vẳng tiếng gà gáy gọi bình minh
Da diết quá bao năm rồi nghe lại
Ngỡ hồn quê tha thiết gọi tên mình
(Phút đầu năm - Bùi Nguyệt)


 
Nỗi nhớ gia đình, quê hương, đất nước cứ trào dâng như sóng dậy trong lòng tôi. Ôi! Lúc ấy, chỉ ước mình có cánh để bay về vui Tết ở quê hương.

Tâm trạng đó, giờ đây cũng đang tái diễn trong tôi và có lẽ đó là tâm trạng chung của những người ở xa, cháy lòng nỗi nhớ quê hương, nhớ cả những điều bình thường nhất:

Nhớ làn gió bấc cuối mùa Đông
Nhớ sợi mưa phùn bay lất phất
Nhớ cảnh đào hoa nở rực hồng

Dù ở bất cứ nơi đâu trên năm châu, bốn biển, người Việt Nam chúng ta khi xa xứ, luôn tạo ra một không gian riêng cho mình, trong cái không gian chung của nước sở tại. Nói theo cách nói của Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì đó là “Khoảng trời xanh” của cộng đồng người Việt. Vâng! “Khoảng trời xanh” ở đây chính là bản sắc văn hóa Việt Nam: Đó là lời ăn tiếng nói, là phong tục tập quán, là trang phục, là nếp sống mang truyền thống quê hương...

Xuân về Tết đến, hội đoàn người Việt ở các Thành phố cũng tổ chức cho bà con cộng đồng họp mặt, phát phần thưởng cho các cháu học sinh có thành tích trong học tập, rồi cùng múa cho nhau xem, hát cho nhau nghe những làn điều dân ca mượt mà êm ái, những ca khúc hào hùng đi cùng năm tháng và những bản tình ca đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Những bài thơ ấy, bài ca ấy đã nâng cao lòng tự hào dân tộc và thắt chặt tình đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau như lời ông cha khuyên nhủ:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Nơi đây, dưới trời Tây, những ngày này chỉ có thông xanh cùng tuyết trắng, nhưng nhiều gia đình người Việt cũng có hoa Đào hoặc hoa Mai, có khi đó chỉ là hoa giả nhưng bản sắc dân tộc thì rất thật. Thật như bánh chưng, bánh tét dâng lên thờ cúng ông bà của những người con lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ, cùng nhau lưu giữ dòng chảy văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn trong trái tim những người con xa xứ.
Bùi Nguyệt ( Chemnitz, CHLB Đức)

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

HOA - RƯỢU - THƠ (Thủ nhất thanh tứ đối)


HOA - RƯỢU - THƠ
(Thủ nhất thanh tứ đối)


HOA
Hoa đào chím chím chào xuân mới
Hoa tuyết lả lơi hứng nắng vàng
Hoa ủ hương thơm lời dịu ngọt
Hoa lồng nhụy thắm nét đoan trang
Hoa nương ánh mắt lòng xao xuyên
Hoa ngỏ lời yêu dạ xốn xang
Hoa nở nồng nàn luôn kết tụ
Hoa cười rạng rỡ mãi vương mang.


Bùi Nguyệt - Chemnitz
-------------
RƯƠU & THƠ
( Thủ nhất thanh, tứ đối.)


RƯỢU
Rượu tiễn Bính Thân nhiều bạn quý
Rượu chào Mậu Tuất lắm điều hay
Rươu tình dẫn lối trang đời đẹp
Rượu nghĩa soi đường lý tưởng say
Rượu thấm làn môi xuân sắc dậy
Rươu hòa mạch cảm cánh thơ bay
Rượu mời thi hữu lòng phơi phới
Rượu trải tâm hồn dạ ngất ngây.


Hoàng Tấn Đạt
---
THƠ
THƠ Mừng năm mới hưng toàn nước
THƠ Chúc xuân tươi phúc mọi nhà.
THƠ Tết tưng bừng chùm pháo nổ
THƠ Xuân phơi phới hạt mưa sa.
THƠ Tình lai láng hoà dòng nhạc
THƠ Trẻ ngân vang rộn tiếng ca.
THƠ Rượu nồng nàn ru mộng đẹp
THƠ Say đằm thắm ước mơ hoa.


PHẠM VĂN DƯƠNG

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

CHÚC MỪNG TÂN XUÂN THI NHÂN CHẮP BÚT


XƯỚNG - HỌA ĐẦU XUÂN
---------------

CHÚC MỪNG TÂN XUÂN THI NHÂN CHẮP BÚT
(Họa y đề)


CHÚC đệ huynh tình mãi đẹp sang
MỪNG vui thịnh vượng với an khang
TÂN niên tân tuổi yêu gương sáng
XUÂN nước xuân non quý bạn vàng
THI hữu trăm miền chung một cội
NHÂN sinh vạn thủa mở nhiều trang
CHẮP lời chắp cánh xuyên châu lục
BÚT lực dồi dào tiếng sẽ vang.


Bùi Nguyệt - Chemnitz
5 Tết Mậu Tuât
-----------------
 
CHÚC MỪNG TÂN XUÂN THI NHÂN CHẮP BÚT

CHÚC Hội thơ mình đẹp, quý, sang
MỪNG nhau sức viết thật cường, khang
TÂN từ, tân ý long lanh sáng
XUÂN tứ, xuân thanh lấp lánh vàng.
THI hứng ngập tràn dâng khắp chốn
NHÂN văn đầy ắp trải dầy trang.
CHẮP vần, chắp điệu khơi dòng sống
BÚT pháp để đời vọng tiếng vang.


PHẠM VĂN DƯƠNG.
----------
HỌA Y ĐỀ
( Thơ Phạm Văn Dương)


CHÚC toàn huynh đệ đón xuân sang
MỪNG thấy gia đình phước thịnh khang
TÂN hội tân thời tươi nét lạ
XUÂN mai xuân cúc rực hoa vàng
THI đàn mở rộng vui trăm nẻo
NHÂN nghĩa bồi cao đep mỗi trang
CHẮP ý chắp từ khơi mạch cảm
BÚT nâng tầm ắt tiếng thơ vang.


HOÀNG TẤN ĐẠT

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

THƠ - VALENTINDAY



KHỞI SẮC XUÂN

Dào dạt uốn mình dệt bức tranh
Bình minh ôm sóng rực long lanh
Hồn thơ xao xuyến say tình ái
Khúc nhạc du dương ấm mộng lành
Môi quyện làn môi trên biển biếc
Mắt hòa ánh mắt dưới trời xanh

Mùa Xuân khới sắc bừng khơi dậy
Thắm lại mối tình em với anh.


14 - 2 - 2018
Bùi Nguyệt - Chemnitz

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

CHÚC MỪNG NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG






CHÚC MỪNG NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG
(Cổ phong - Khoán thủ)

CHÚC xuân thắng lợi bạn gần xa
MỪNG đón nắng vàng rực sắc hoa
NĂM cũ dẫu qua lòng mãi đậm
MỚI mùa lộc biếc thắm tình ca
AN lành cuộc sống say hương vị
KHANG chở niềm vui ấm mọi nhà
THỊNH đến nụ cười tràn hạnh phúc
VƯỢNG về sóng dậy khúc ngân nga.


Bùi Nguyệt - Chemnitz

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

LẮNG ĐỌNG MÙA XUÂN






LẮNG ĐỌNG MÙA XUÂN

Mấy hôm nay, tuyết đã rải khắp mặt đường và phủ trắng những mái nhà, ôm trên những cành cây, khoác lên một màu trắng long lanh, tạo nên một bức tranh lập thể với nhiều dáng hình kỳ thú tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người. Đi dưới hàng cây trên cành tuyết phủ ta có cảm giác thảo mộc cũng đang run lên trong giá lạnh, cũng khao khát trông chờ hơi ấm của vầng dương; như chúng tôi khát thèm màu nắng của quê hương. Ở nơi đây, chúng tôi vẫn nói vui với nhau: “Thấy tuyết là biết Tết về”
Khi xuân về, những người xa quê chúng tôi, càng cồn cào nỗi nhớ thành phố, xóm làng, cây đa, giếng nước, sân đình. Thông thường, những năm trước, sau Noen  tôi lại  bay về Hà Nội để đón Tết với gia đình. Nghe các em tôi nói lại: Vào dịp này, từng ngày, mẹ tôi  hay ngóng đợi. Mỗi khi thấy máy bay bay qua, mẹ tôi thường hay nói với em gái tôi:" không biết chị con có về trong chuyến bay này không"? Rồi mẹ tôi tự đi mua những thức ăn mà tôi ưa thích. Ngày nào nắng to, mẹ lại dở ra giặt giũ phơi cho thơm mùi nắng bộ quần áo dài của tôi để về đi chúc tết họ hàng. Những thói quen của mẹ ngày trước đã in sâu trong tiềm thúc của tôi – một  người con xa quê đang nhớ về gia đình da diết. Đúng như mấy câu thơ của anh bạn đồng hương với tôi đã viết:

Tết đến nhớ quê cháy cả lòng
Nhớ làn gió bấc cuối mùa đông
Nhớ sợi mưa phùn bay lất phất
Nhớ cảnh đào tươi dưới nắng hồng
 
Đó là mấy câu thơ từ hồi chúng tôi mới đăt chân lên nước Đức, cũng là cái Tết đầu tiên chúng tôi phải nếm cảnh tha hương nơi quê người, đất khách. Quả thực, mấy câu này chẳng lấy gì hay cho lắm, mà sao tôi cứ nhớ mãi, nhớ hoài, có lẽ, nó thể hiện rất thật tâm trạng của chúng tôi, khi Tết đến, xuân về.

Nhớ lại những ngày giáp Tết ở quê nhà, nhóm bạn học xưa chúng tôi lại tổ chức đi vào vườn đào Nhật Tân ngắm cảnh. Những nụ đào chúm chím, như bẽn lẽn, e thẹn trước bao con mắt của du khách tới nhà vườn. Lại có lúc, chúng tôi rủ nhau đi chợ hoa họp ở phố Hàng Lược để ngắm đa sắc màu của hoa xuân và cảnh nhộn nhịp của dòng người đi sắm Tết
Những cành đào Hà Nội, mai Sài Gòn rực rỡ trong se lạnh và rộn ràng dưới nắng vàng để khoe sắc. Xuân đã về trên quê hương làm sáng bừng ánh mắt long lanh trên từng khuôn mặt trẻ trung, e ấp nụ cười của những lứa đôi ngập tràn hạnh phúc. Phải rồi, hẳn không chỉ với riêng tôi, mà mùa xuân còn mang bao điều tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà.
Ngày tết ở nơi đây, dưới trời Tây,  chỉ có thông xanh cùng tuyết trắng, còn đào thắm mai vàng chỉ là hoa giả. Nhưng bản sắc dân tộc thì rất thật. Thật như bánh chưng, bánh tét dâng lên thờ cúng ông bà của những người con lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ, lưu giữ dòng chảy văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn trong trái tim những người xa xứ.  
Những ngày này, các Hội đoàn và Đại sứ quán đều tổ chức họp mặt đón xuân, để cộng đồng người Việt chúng tôi xa xôi xích lại thêm gần, thương yêu, đoàn kết nhiều hơn, để ai cũng tự hào và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống của đất nước đến các bạn bè trên thế giới.
 Trong ngày này, chị em chúng tôi đa phần mặc áo dài truyền thống. Và chính những tà áo dài đã tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, dịu dàng của những dáng lưng thon, trong mắt bạn bè ở trên đất nước sở tại và cả trong thế hệ con cháu. Làn điệu dân ca quan họ trong trang phục truyền thống của liền anh, liền chị hòa cùng tiếng trống hội khai xuân đã để lại những ấn tượng tốt đẹp của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền thuần Việt dưới trời  Âu...
Nhìn các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba ở nơi đây thể hiện màn trình diễn thời trang áo dài, trong lòng tôi chợt ngân lên lời bài hát “Một thoáng quê  hương” của Nhạc sỹ Thanh Tùng

"Đẹp xiết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu
Dù ở đâu paris, London hay ở những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!”
Tiếng pháo hoa đón chào năm mới đã vút lên vang trời, hòa với niềm vui của chúng tôi đang dạo lên những bản nhạc trong lòng - lắng đọng những mùa xuân .
 
Bùi Nguyệt,

Chemnitz, CHLB Đức


Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

XUÂN XA XỨ


XUÂN XA XỨ

Bài thơ xuân ở nơi đây con viết
Năm mới sang điểm hoa tuyết trên cành
Nỗi nhớ trong con cồn cào da diết
Bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh


Mẹ lặng lẽ giữ ấm hồng ngọn lửa
Mái nhà xưa vương vấn khói lam chiều
Bao khát khao trào dâng trong lòng mẹ
Gói cho đầy nỗi nhớ gửi con yêu


Nơi xa xứ lặng thầm trong khoảnh khắc
Nhớ mẹ hiền chải mái tóc cho con
Bàn tay mẹ nhẹ gỡ từng sợi rối
Giữ nuột nà suối tóc phủ lưng thon


Nhìn thông xanh trên cành tuyết phủ
Nhớ đào mai đượm nắng ấm quê nhà
Niềm hạnh phúc ngập tràn trong giấc ngủ
Con ngả đầu vào lòng mẹ vai cha !


Hình dáng anh với nét cười đôn hâu
Của ngày xưa trong tiềm thức hiện về
Đêm Trừ tịch cùng nhau đi hái lộc
Tiếng nói cười vang dội cả trời khuya


Chông chênh quá nơi đây bao năm tháng
Tiếng xuân cười khúc khích gợi tình ai
Ôi! da diết những mùa xuân khát vọng...
Vẳng tiếng gà xao xuyến buổi ban mai.


Bùi Nguyệt - Chemnitz
--
LỜI BÌNH CỦA HUYỀN TRANG


Xuân về tết đến, là những ngày đoàn tụ của mỗi gia đình chúng ta. Những người còn ở xa, thì càng da diết nhớ mẹ cha, anh em ,chòm xóm .Bài thơ “Xuân xa xứ”là tâm trạng ấy của nhà thơ Bùi Nguyệt , hiện đang ở CHLB Đức
Xin hãy nghe lời bày tỏ tâm tình của chị với cha mẹ:

Bài thơ xuân ở nơi đây con viết
Năm mới sang điểm hoa tuyết trên cành


Hình ảnh tuyết điểm trắng trên cành gợi ra một không gian vắng lặng, lạnh lẽo đang thấm vào nỗi buồn, lan vào nỗi nhớ da diết, cồn cào như sóng dậy trong lòng của nhà thơ :

Nỗi nhớ trong con lại cồn cào da diết
Bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh


“Bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh” là bức tranh tả thực. Trước mắt ta , hiện ra một không gian nhỏ trong một mái ấm gia đình,. có ngọn lửa hồng bập bùng tỏa ánh sang người mẹ đang lặng lẽ gói bánh chưng, để mừng xuân, đón tết.
Có lẽ vì cái lạnh đêm cuối đông nên mẹ phải sưởi ấm bắng bếp lủa đó là điều bình thương . Nhưng cái hay ở đây là từ hơi ấm ngọn lửa, tác giả đã liên tưởng tới hơi ấm của tình yêu thương, ấp ủ trong một gia đình quả là tài tình, thú vị:

Mẹ lặng lẽ giữ ấm hồng ngọn lửa
Mái nhà xưa vương vấn khói lam chiều


Rõ ràng, ngọn lửa ở đây đã mang tính ẩn dụ - ngọn lửa hạnh phúc, ngọn lửa yêu thương ngọn lửa niềm tin . Nó chính là ngọn lửa lòng của mẹ . Hiểu như thế ta mới thấy có lý khi tác giả hạ tiếp những câu sau:

Bao khát khao trào dâng trong lòng mẹ
Gói cho đầy nỗi nhớ gửi con yêu


Vẫn là sư liên tưởng độc đáo, Bùi Nguyệt đã cụ thể hóa ý trừu tượng : “Gói cho đầy nỗi nhớ gửi con yêu” Trừu tượng là nỗi nhớ niềm thương con của mẹ, cụ thể nhiều như những hạt gạo mẹ đang gói bánh đêm nay, làm sao mà đếm được.
Từ đây, tứ thơ dược phát triển theo dòng suối cảm xúc trào dâng:


Nhớ mẹ hiền chải mái tóc cho con
Bàn tay mẹ nhẹ gỡ từng sợi rối
Giữ nuột nà suối tóc phủ lưng thon


Qua cử chỉ “ Nhe nhàng gỡ từng sợi rối”,ta thấy mẹ thật là cưng chiều, âu yếm thương yêu con gái của mình, dù con đã trở thành một thiếu nữ có “suối tóc phủ lưng thon” chắc chắn đã hút hồn những người khác giới! Có lẽ là

Hình dáng anh với nét cười đôn hậu
Của ngày xưa trong tiềm thức hiện về
Đêm Trừ tịch cùng nhau đi hái lộc
Tiếng nói cười náo nức cả trời khuya


Chỉ vài nét chấm phá thế thôi, nhưng tuyệt vời hạnh phúc! Ngập tràn không khí mùa xuân. Xuân đất trời, xuân trong lòng người “Tiếng nói cười náo nức cả trời khuya” Đây mới tâm điểm của hạnh phúc gia đình:

Niềm hạnh phúc ngập tràn trong giấc ngủ
Con ngả đầu vào lòng mẹ vai cha !


“Con ở đây có thể là tác giả và cũng có thể hiểu là con của nhà thơ.. Hai cách hiểu vẫn hoàn toàn logic trong một mái ấm gia đình mà trong văn cảnh này, sự êm ấm ấy chỉ còn là kỷ niệm.chỉ còn là khát vọng, ước mơ:

Ôi da diết những mùa xuân khát vọng...
Vẳng tiếng gà xao xuyến buổi ban mai.


Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ nhưng lại mở ra một chân tròi tươi sáng của buổi bình minh vẳng tiếng gà như tiếng gọi của hồn quê đối với người viễn xứ. Hình tượng thơ được nâng lên, tầm khái quát được mở rộng
Nhà thơ ơi! Tâm cảnh của chị cũng là tâm cảnh của chúng tôi – những người ở “Hai phía chân trời” Đoc bài thơ náy càng tăng thêm nỗi nhớ quê hương, nhất là lúc xuân về tết đến.

HUYỀN TRANG