Tham luận của bà Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức) tại Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài
25.11.2013 22:55
(NguoiViet.de) Nhà thơ cộng
đồng Bùi Nguyệt, cây bút nữ quen thuộc của Báo NguoiViet.de đã tham gia
đoàn phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức về dự Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở
nước ngoài, vừa được tổ chức tại Hà Nội từ 18-23.11.2013. Sau đây là
bài tham luận đã được chị Bùi Nguyệt đọc tại hội nghị nói trên.
|
Tác giả Bùi Nguyệt (bìa trái) cùng chị em phụ nữ Việt
Nam tại Đức tham dự Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà
Nội từ 18-23.11.2013. |
PHỤ NỮ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI GIỮ GÌN & PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TÔC
Dù
ở bất cứ nơi đâu trên năm châu, bốn biển, người Việt Nam chúng ta khi
xa xứ, luôn tạo ra một không gian riêng cho mình, trong cái không gian
chung của nước sở tại. Nói theo cách nói của Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì
đó là “Khoảng trời xanh” của cộng đồng người Việt.
Vâng!
“Khoảng trời xanh” ở đây chính là bản sắc văn hóa Việt Nam, mãi mãi
trường tồn trong trái tim những người con xa xứ. Đó là lời ăn tiếng
nói, là phong tục tập quán, là trang phục, là nếp sống mang truyền thống
quê hương. Nổi bật nhất là phụ nữ chúng ta vẫn áo dài thướt tha trong
những ngày lễ hội và nét đẹp “ Công dung ngôn hạnh” vẫn được bảo tồn.
Bản
sắc Việt, văn hóa Việt, ẩm thực Việt hiện hữu ngay trong những bữa cơm
hàng ngày trong mỗi gia đình, trong các nhà hàng ẩm thực Việt Nam trên
nước bạn mà trong đó vai trò của người phụ nữ cực kỳ quan trọng.
Đất nước Việt Nam đang trên đà đổi mới, hội nhập, thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Càng
ngày, số người đi học, đi lao động ở nước ngoài càng đông và đã hình
thành những cộng đồng người Việt trên nước bạn. Việt kiều về thăm quê
hương, về đầu tư vào Việt Nam cũng dễ dàng và số lượng đang tăng dần.
Điều đáng mừng là quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng phát
triển. Việt kiều ở nước ngoài ngày càng được các nước sở tại coi trọng.
Theo
tinh thần “Hòa nhập chứ không hòa tan”, bản sắc dân tộc, văn hóa Việt
Nam càng cần phải được giữ gìn và phát triển. Đó là tình yêu Tổ quốc, là
trách nhiệm, là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam nói chung và
những người con xa xứ chúng tôi nói riêng.
Để
thích nghi với cuộc sống nơi quê người, đất khách, tiếng nói của nước
nơi mình trú ngụ, đối với chúng tôi, cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, là
con Hồng cháu Lạc, chúng tôi - ai cũng nuôi dưỡng trong mình tình yêu Tổ
quốc thiết tha. Cho nên, bằng mọi cách, các thế hệ người Việt Nam ở
nước ngoài đều cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết là giữ
gìn ngôn ngữ của mình. Chúng tôi ý thức được rằng “Giữ gìn sự trong
sáng của tiếng Việt, chính là góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam. Vì vậy,
chúng tôi đã sử dụng tiếng Việt thường xuyên trong từng gia đình và
khi giao tiếp với cộng đồng.
Hàng
năm, trong những buổi giao lưu thơ ca, trong những đêm liên hoan văn
nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đại sứ quán cùng các hội đoàn
tổ chức cho bà con cộng đồng họp mặt, phát phần thưởng cho các cháu học
sinh có thành tích trong học tập, rồi cùng múa cho nhau xem, hát cho
nhau nghe những làn điều dân ca mượt mà êm ái, những ca khúc hào hùng đi
cùng năm tháng và những bản tình ca đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Những bài thơ ấy, bài ca ấy đã nâng cao lòng tự hào dân tộc và thắt chặt
tình đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau như lời ông cha khuyên nhủ.
"Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Đối
với các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trong cộng
đồng người Việt ở CHLB Đức đều dùng tiếng Việt để viết nên tác phẩm của
mình. Những tác phẩm ấy dù ở nhiều cấp độ, tầng bậc khác nhau, nhưng đều
có nét chung là đậm đà bản sắc dân tộc.
Các đại biểu dự Hội nghị phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài chụp ảnh lưu niệm
Những
người phụ nữ Việt Nam sống xa đất nước như chúng tôi, ngoài vai trò giữ
lửa trong mỗi gia đình còn phải giáo dục con cháu mình lòng yêu quê
hương, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt . Đã có nhiều thành phố tổ
chức các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu thuộc thế hệ thứ hai, thứ
ba... để dòng chảy văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn trong trái tim
những người con xa xứ. Chúng tôi rất cảm ơn các phương tiện thông tin
đại chúng, phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng … đã giúp chúng
tôi gần gũi với quê hương hơn. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho
những thế hệ tương lai ở nước ngoài là rất quan trọng và cần thiết.
Chúng tôi mong nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ đất
nước, chẳng hạn như: mời về nước dự trại hè hàng năm cho các cháu có
thành tích xuất sắc trong học tập, có những cuộc giao lưu cho chị em ở
quy mô khu vực và châu lục v.v...
Tôi xin được kết thúc ở đây bằng bài thơ tặng chị em
CHÚC CHỊ EM MÌNH
Trời Âu trắng tuyết lại mờ sương Chúc chị em mình chẳng nhạt hương Vẫn rạng nụ cười tươi vẻ đẹp Cứ êm lời nói đượm tình thương Đảm đang tháo vát trong công việc Năng động tự tin chốn học đường Hạnh phúc tình yêu luôn thắm mãi Dịu dàng duyên dáng nét Đông phương.
Bùi Nguyệt, CHLB Đức
--------------
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét