Trần Vân Hạc(Cảm nhận khi đọc bài thơ: “Phơi áo” của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải)
PHƠI ÁO
Ướt đâu mà áo mang phơi
Phơi là phơi lại cái thời Trường Sơn
Phơi là phơi nỗi cô đơn
Bao năm ai mất ai còn ở đâu
Rừng xanh áo lính nhợt mầu
Phơi là để nhớ ngày sau còn tìm
Trường Sơn bảy nối, ba chìm
Phơi là phơi những cái nhìn dửng dưng
Ba lô cõng đến chồn lưng
Phơi là phơi nỗi căng chùng mưa rơi
Áo ôm lấy những cuộc đời
Đi vào lửa đạn vẫn cười như không
Nhìn ai phơi áo cho chồng
Lại thương đêm lạnh nỗi lòng Trường Sơn
Bây giờ ai tính thiệt, hơn
Ai còn phơi lại áo sờn chiều mưa
Phơi là để nhớ ngày xưa
Để không quên những giao thừa bom rung
Để còn thương nhớ sau lưng
Để mai còn biết thẹn thùng ở đâu
Để còn nhắc với muôn sau
Áo Trường Sơn dẫu bạc màu vẫn phơi.
Nguyễn Hưng Hải
(Rút trong tập: Chiều mưa hai đứa đợi tàu, NXB Quân đội Nhân dân, năm 2013)
Đôi lời của Trần Vân Hạc:
Chỉ một hình tượng nghệ thuật: “Phơi áo”
nhưng đã đem lại cho người đọc biết bao cung bậc của cảm xúc, ấm lại
những ký ức về một thời chiến tranh với bao hiểm nguy đau thương mất mát
nhưng những chiến sĩ của chúng ta vẫn anh dũng, kiên cường, hy sinh vì
đất nước vô cùng tự nguyện, vô tư, trong sáng và cao đẹp. Không những
thế nắng ấm mặt trời còn làm ấm thêm nghĩa tình, lòng biết ơn và cả văn
hóa ứng xử với những người lính trở về sau cuộc chiến.
“Ướt đâu mà áo mang phơi/ Phơi là phơi
lại cái thời Trường Sơn/ Phơi là phơi nỗi cô đơn/ Bao năm ai mất ai còn ở
đâu”. “Phơi áo” chỉ là cái cớ, hình tượng thơ gợi bao hoài niệm, nhớ
khôn nguôi những kỷ niệm chiến trường năm xưa cùng bao đồng đội người
còn, người mất, người có lẽ mãi không bao giờ tìm được thông tin hoặc
hài cốt…. Chiến tranh vốn khốc liệt như thế đấy, bao người con ưu tú của
Mẹ Việt Nam vĩnh viễn ra đi, bao nhiêu người trở về thầm lặng giữa đời
thường, chưa nói bao nhiêu người còn mang trong mình di chứng của chiến
tranh, những thiệt thòi không kể xiết. Bởi vậy “phơi áo” còn “để nhớ
ngày sau còn tìm”, tìm lại những năm tháng đau thương và anh dũng của
dân tộc, tìm lại chính mình, biết trân trọng những gì có được hôm nay,
tri ân xương máu, công sức của bao người đã vì nước quên thân. Câu thơ:
“Phơi là phơi những cái nhìn dửng dưng” như xoáy và lòng người, nhắc nhở
những thế hệ kế tiếp phải có thái độ ứng xử đúng mức với công lao của
những người vì đất Việt thân yêu này đã anh dũng ra trận, hy sinh không
màng danh lợi “Áo ôm lấy những cuộc đời/ Đi vào lửa đạn vẫn cười như
không”. Qua mỗi lần “phơi áo”, bài thơ lại ngân lên những hồi chuông
vang vọng: “Phơi là để nhớ ngày xưa/ Để không quên những giao thừa bom
rung/ Để còn thương nhớ sau lưng”. Đặc biệt “phơi” để: “Để mai còn biết
thẹn thùng ở đâu/ Để còn nhắc với muôn sau/ Áo Trường Sơn dẫu bạc màu
vẫn phơi”. Khi con người còn biết “thẹn” với lương tâm, biết “thẹn” với
quá khứ oai hùng của dân tộc thì mới biết trân trọng, nâng niu những gì
đã có và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn, hòa bình, hạnh phúc,
công bằng và bác ái. Mầu xanh áo lính ấy như một ẩn dụ cùng hình tượng
“phơi áo” như nhịp cầu nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Áo
Trường Sơn là “mầu áo chú bộ đội”, mầu áo của lính chiến, mầu áo của một
thời đạn bom, một thời gian lao không thể nào quên của cả một dân tộc
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, một vật dụng tưởng như đơn sơ bình
thường mà chứa đựng bao nhiêu tình đời và cũng nặng trĩu bao nhiêu tâm
sự nhân thế, vì vậy mà “Phơi áo” trở thành một tứ thơ khá độc đáo. Câu
thơ: “Nhìn ai phơi áo cho chồng, Lại thương đêm lạnh nỗi lòng Trường
Sơn” khiến người đọc thấm thía, xa xót. Bao hy sinh chịu đựng đâu phải
chỉ của người lính mà là của cả những người phụ nữ một thời chờ đợi…
Chiếc áo như một lời nhắc nhở, một nhân chứng của lịch sử hào hùng và
đau thương, ai nỡ nào quên cho dù cuộc sống hôm nay có hối hả đến đâu
thì chiếc áo dù cũ cũng cho ta cái giật mình rất nhân văn!
Bài thơ lục bát khá nhuần nhụy trong vần
điệu, nhịp nhạc cùng những hình tượng nghệ thuật chuyên chở bao điều
lớn lao về nhân tình thế thái, khơi dậy trong lòng mỗi người bao hoài
niệm, trăn trở và lương tri nhưng nên chăng nhà thơ cô đọng hơn, tinh
luyện hơn nữa để mỗi người đọc cũng được “hít thở”, được sống cùng quá
khứ hào hùng và bi tráng của dân tộc và tự soi mình, có thể bài thơ sẽ
đạt được những hiệu quả thẩm mỹ hơn chăng.
Hà Nội 12. 2013
Theo nguon Vanhac.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét