Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Từ củ sắn Thanh Ba đến những mảnh đời trước cổng thành Brandenburg Nghĩ về sự đa dạng và tính hiện thực trong tập TVOD


Bìa cuốn "Thơ Việt ở Đức", tập thơ đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Đức được tuyển chọn rộng rãi do Vipen xuất bản  
Bìa cuốn "Thơ Việt ở Đức", tập thơ đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Đức được tuyển chọn rộng rãi do Vipen xuất bản
Bìa cuốn "Thơ Việt ở Đức", tập thơ đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Đức được tuyển chọn rộng rãi do Vipen xuất bản

Từ củ sắn Thanh Ba đến những mảnh đời trước cổng thành Brandenburg
             Nghĩ về sự đa dạng và tính hiện thực trong tập TVOD

Sau bài viết Cây thơ Việt giữa trời Âu, có bạn hỏi tôi: Anh ví tập TVOD như cây đời có đủ cành cao, cành thấp, cành hướng thẳng trời xanh, có phải đấy là ngụ ý phân cao thấp các bài thơ ? Cụm từ “ hướng thẳng trời xanh“ còn có ý nghĩa gì khác?

Bài viết này và cũng một phần lý giải câu hỏi trên, tôi mượn một nhận xét của nhà thơ Thế Dũng: Tập TVOD có đủ chiều dài và chiều sâu! Từ củ sắn Thanh Ba đến những mảnh đời vỡ vụn ngân nga trước cổng thành Brandenburg.
Nhận xét trên cũng như“ Cây đời“ mà tôi ví với tập thơ chính là nhận định về sự đa dạng và tính hiện thực trong nội dung cũng như nghệ thuật trong tập TVOD.

Nhà thơ vĩ đại người Đức Göthe có câu thơ nổi tiếng như là chân lý cuộc sống:
   Mọi lý thuyết chỉ là mầu xám
   Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.

Cây đời là hiện sinh của cuộc sống. Cây đời trong thơ ca cũng chính là chủ nghĩa hiện thực được phản ánh trong đó dưới góc nhìn của cảm xúc. Chủ nghĩa hiện thực trong tập TVOD theo tôi đấy là đặc tính nổi bật mà ít tập thơ nào có được, kể cả so với thơ ở trong nước.

 Về cụm từ “ cành hướng thẳng trời xanh“ tượng trưng cho những bài thơ mang đậm hơi thở nóng hổi của thời cuộc, như ngọn cây cao chót vót luôn luôn đón nhận thứ ánh sáng tươi mới của mặt trời. Đương nhiên tôi cũng không có ý phân cao thấp các bài trong tập thơ. Cụm từ “cành cao, cành thấp“ cũng chỉ để nói về sự đa dạng trong đề tài cũng như sự phong phú về nội dung mà các tác giả trong tập TVOD đề cập tới.

Cây đời trong TVOD phá triển sum xuê cành lá chủ yếu ở cuối thập niên đầu thế kỷ hai mốt, dù trước đấy vào những năm 90 của thế kỷ trước có hàng trăm nghìn người Việt sang Đức làm việc. Tại sao lại thế? Tôi cho rằng có hai lý do chính: Một là do cuộc sống trong nước quá khó khăn, nên khi sang Đức chúng ta bị choáng ngợp trước nước Đức khá phồn thịnh, ta lao vào kiếm tiền, hay chỉ nghĩ đến hưởng thụ trong một môi trường sống tương đối tự do. Hai là trong cộng đồng người Việt khi ấy chưa có một sân chơi dành cho thơ ca. Trong tập TVOD chỉ duy nhất một bài thơ Giao thừa của Lê Lương Cẩn viết năm 1972, nói về nỗi nhớ nhà của anh sinh viên trong giờ phút chuyển giao của năm cũ và năm mới. Chỉ đến sau khi nước Đức thống nhất năm 1993 mới xuất hiện bài Tự Vấn của Thế Dũng, phản ánh đúng một phần cái khát khao hạnh phúc, muốn thoát ra ngoài sự trói buộc của luật lệ đối với lớp người sang hợp tác lao động:

   Lẽ nào không đẻ đái?
   Giao hợp chỉ để chơi
   Lẽ nào ?
   Ngừa thai cho tuyệt chủng
   Kiếp lưu vong u cuồng.
                     Tự vấn.

Đọc câu thơ này tôi lại nhớ cô người yêu của bạn tôi năm 1989 mang thai phải chạy trốn khắp nước Đức ( Đông Đức Cũ) để thoát sự truy lùng của cảnh sát. Cuối cùng cô vẫn bị bắt, bị trục xuất về nước.

Lý giải trên không có nghĩa những năm 90 không ai làm thơ. Có, nhưng chắc chắn không nhiều, mà có lẽ các tác giả viết xong chỉ để tự thỏa mãn rồi để thơ nằm yên nơi hốc tủ. Sau này, ngoài sự phát triển mạnh mẽ của Internet, ta phải ghi nhận sự đóng góp rất tích cực và hiệu quả của những tờ báo mạng điện tử những năm gần đây cho sự nở rộ của dòng TVOD, như Nguoiviet.de, Thoibao.de..vvv. Nó là sân chơi lành mạnh của thơ nói riêng, cũng như có ý nghĩa gắn kết và thúc đẩy sự phát triển đi lên của cộng đồng người Việt ở Đức. Ngoài ra còn có một yếu tố cần tính đến là nước Đức tự do ngôn luận. 

 Người ta thường nói, thơ là tiếng reo vui của hạnh phúc, là nhịp thở bùng thoát  từ những trăn trở, ray rứt, buồn phiền. Thơ còn là tiếng kêu ai oán, hay tiếng thét của con tim đang gỉ máu. Nói như Hàn Mạc Tử:“ Ta muốn hồn ta trào ra đầu ngọn bút“.

Tập TVOD không mang sắc thái mầu hồng, cũng đồng nghĩa với tiếng reo vui rất ít có trong tập thơ. Phần lớn các bài thơ phản ánh cuộc sống lao động vất vả, cực nhọc trên xứ tuyết cùng những trăn trở, băn khoăn tìm lối thoái trong cuộc đời và, những ray rứt, nhớ nhung bởi chia lìa, xa cách của kiếp sống tha hương. Đây là điều khác biệt chủ yếu so với thơ ở trong nước.

Sự khác biệt này cũng dễ lý giải bởi các tác giả đều là những người sống xa tổ quốc, những người trực tiếp lao động. Cầm bút không phải việc làm của kế sinh nhai đối với họ mà là nhu cầu tự thân được giãi bày, được giải tỏa từ dồn nén của cảm xúc trước thực tại cuộc sống mà họ là người trong cuộc. Thứ chất liệu để làm nên mỗi bài thơ họ không cần vay mượn hoặc nhìn qua một lăng kính nào khác, đã một phần tạo nên độ tin cậy mang tính hiện thực cùng sự đồng cảm  của bạn đọc đối với tập thơ. Nếu ta đem tái hiện cuộc sống lao động được đề cập tới trong tập thơ, trên một mặt phẳng thì ta sẽ thấy một công trường nhộn nhịp với đủ các nghành nghề mà người Việt đang mưu sinh trên đất Đức. Từ công việc nơi nhà máy trong, Tuy không dãi gió dầm mưa, của Hoàng Khoa Toán, tới công việc của chị y tá bên người bệnh trong Ca đêm  của Nguyễn Thị Quyết Thắng...www. Hay quanh năm lăn lộn ngoài trời với nghề bán buôn quần áo, rau quả dưới nắng, gió, tuyết, sương:
  
   Có những kẻ bán buôn quần áo
   Dựng bạt lều phơi phới gió sương
   Run run góc chợ đầu đường
   Chân in dấu tuyết tóc vương gió trời.
                         Hoàng Việt Hùng

Hay:
   Cha mẹ làm ngày tới nửa đêm
   Guồng quay cuộc sống cứ đảo điên
   Thời gian cho con sao quá hiếm
   Lỡ chuyện giờ thôi chỉ khóc phiền.
                         Lê hoài Phương

Thế mà khi Tết đến Xuân về, vẫn chẳng đủ tiền về thăm mẹ, thăm quê, đấy là nỗi ray rứt, buồn phiền trong lòng người xa xứ:

   Thôi thì tết ở lòng ta
   Xa quê cố gượng như là ở quê...
   Nhớ quê mà chẳng thể về
   Công cha nghĩa mẹ bao giờ trả xong?
                        Hoàng Việt Hùng

Thực ra, làm công việc trên thì ở đâu cũng vất vả, chứ chẳng riêng gì ở Đức. Cái khổ của kẻ tha hương còn ở trạng thái bất an „đi thì cũng dở, ở không xong“, của nhiều thân phận không tự quyết định được hướng đi cho cuộc đời mình:

   Dùng dằng mãi chuyện về hay ở
   Nên cuối cuộc đời vẫn ẩm ương
                                 Lê Hoài Phương

Cuộc tình buồn tẻ tay ba...là bài thơ mang tính hiện thực điển hình cho rất nhiều những cuộc tình người Việt ở Đức. Những đứa con sinh ra không phải vì tình yêu mà nằm trong toan tính vì cuộc sống mưu sinh. Lời tỏ tình cũng thành dối trá. Cuộc đời vì thế mà không thể bình an:

   Thế rồi ba gặp mẹ con
   Rồi lòng ba nói huyên thuyên yêu nàng
   Mẹ con nhẹ dạ bẽ bàng
   Mấy năm sau đó nhẹ nhàng sinh con...
   Con ơi ba ngán cảnh đời
   Có ba con vẫn là người mồ côi
   Sinh con chẳng tại số trời
   Nằm trong toan tính cuộc đời ba đây
                             Vũ Doãn Khoát
                 
Hiện thực cuộc sống qua TVOD không chỉ hiện lên như một bức tranh với nhiều đề tài, mà điều quan trong hơn ấy là những gam mầu đậm, nhạt, tối, sáng hiện lên rất trung thực. Nó là cái hồn của bức tranh. Cái hồn trong tập TVOD chính là nỗi lòng người xa xứ được thể hiện qua rất nhiều cung bậc, trạng thái của tình cảm.

Ngày xưa tôi nghe kể kẻ tha hương đêm nằm không ngủ vì nhớ tiếng giun, tiếng dế.  Sau này đi xa tôi thấy cảm giác ấy là có thật. Sự gắn bó gần gũi lâu ngày thì vật vô tri cũng trở nên có hồn. Tôi sống ở Đức đã lâu, dù đi đâu, tới Leipzig, Berlin... thì chỉ khi về tới Chemntz tôi mới có cảm giác mình trở về nhà. Những góc đường trong đêm dù thiếu ánh đèn vẫn cho tôi cảm giác yên bình, những bức tượng đá sau nhà nhìn tôi thân thiết như đón người thân trở về, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

   Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
   Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

 Chúng ta nay sống ở Đức. Một phần tuổi trẻ nơi ta sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Việt. Tình cảm thật lạ kỳ, càng xa thì càng lớn! Từ củ sắn Thanh Ba của Nguyễn Văn Bộ đến Con trót thành người xa xứ của Đinh Vũ Long, ta  đã đi từ hoài niệm đến trăn trở trong cõi lòng của kẻ tha hương khi rời xa đất Việt:

   Con trót thành người xa sứ
   Quay về đò đã sang sông
   Biết rằng vẫn còn bến đợi
   Biết rằng mẹ vẫn chờ mong
                       Đinh Vũ Long

Ta vẫn thường lấy vầng trăng trong thơ cổ để nói về sự chia cắt vợ chồng:
   Vầng trăng ai xẻ làm đôi
   Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường

Thì ở trong tập TVOD ta bắt gặp rất nhiều cảnh đời như thế. Phần lớn các tác giả trong tập thơ là những người đi hợp tác lao động cuối thế kỷ trước. Họ đều đã có gia đình, ra đi là chấp nhận chia ly con cái, vợ chồng. Cuộc sống đẩy đưa, có những vầng trăng chia nửa để rồi mãi mãi không tròn, cứ một mình lơ lửng, cô đơn giũa trời xa:
   Thu đến...
   Thu đi...
   Bao mùa nhớ
   Nào ai đếm được lá vàng rơi
   Phương ấy đêm nay trời có lạnh
   Có biết phương này trăng đơn côi.
                         Bùi Nguyệt.

Nữ sỹ Bùi nguyệt tâm sự: Thơ đã là một phần trong cuộc đời chị, mỗi khi buồn đau em lại vịn vào thơ để không gục ngã. Cuộc sống vất vả, một mình bươn trải trên xứ tuyết. Đêm về nhớ chồng, nhớ con, chỉ biết trải lòng mình lên trang giấy. Nước mắt rơi nhiều lắm, không còn là giọt, là dòng, em không biết dùng từ nào để đong lượng nước mắt đã rơi:
   Mẹ hòa nước mắt vào thơ
   Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương.
                        Bùi Nguyệt

Không chỉ phản ánh cuộc sống mưu sinh cùng những tâm tư tình cảm vui buồn trong cộng đồng người Việt, TVOD còn đồng hành, ghi lại được thời khắc đổi thay lịch sử của nước Đức thống nhất, từ hạnh phúc tột đỉnh cùng những trạng thái vui, buồn trong đêm trừ tịch qua thơ Thế Dũng:
   Đêm trừ tịch chỉ có Trời - Đất hát?
   Đèn chín mầu, sóng nhạc vỗ năm cung
   Người ảo diệu- nghiêng ly và ngừng lệ
   Nghe như mây bay, nước chảy tới vô cùng!

   Phút giao thừa chẳng có mấy lo âu!
   Cả vũ trụ như một ngôi nhà ấm!
   Pháo khoe sắc- Rượu phô mầu say đắm...
   Những mảnh đời vỡ vụn cũng ngân nga!

   Đêm trừ tịch đầu tiên tôi được thấy
   Đông với Tây cởi mở nỗi lòng mình?
   Chân phiêu lãng chợt buồn trên xứ lạ!
   Dưới chân mình đâu phải đất khai sinh!
                                        Thế Dũng

Người Việt xa quê nhưng không hề xa tổ quốc! Hồn Tổ quốc đi vào từng giấc ngủ / Chập chờn bay lá cờ đỏ trên đầu*. Người Việt ở Đức luôn hướng về tổ quốc, dõi theo từng nhịp đập của trái tim đất Việt. Ta đã thấy hàng ngàn người Việt với cờ đỏ sao vàng, sục sôi xuống đường biểu tình chống sự lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc như ở Berlin, ở Erfurt...vvv. Thơ cũng không ngoại lệ, những vần thơ hừng hựng khí thế hào hùng chống quân bành trướng của các thi sỹ xuất hiện kịp thời trên các trang báo mạng,  góp phần cùng các chiến sỹ, đồng bào trong nước gìn giữ biển, đảo quê nhà.

   Hồn tổ quốc đi vào từng giấc ngủ
   Gió Hoàng Sa lay gọi sóng Trường Sa
   Những người lính năm xưa không về nữa
   Bão giông còn đến từ phía biển xa...

Hay như một lời nhắc nhủ, cảnh tỉnh với đất nước trước những bất cập trong xã hội, đặc biệt trước âm mưu thâm độc luôn luôn muốn quy phục, thôn tính nước ta của chủ nghĩa đại Hán:

   Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra Biển
   Những nẻo rừng hồi, rừng quế Lạng Sơn
   Những cánh rừng đầu nguồn đã bị ngoạm
   Bị chiếm bằng những hợp đồng cạm bẫy 50 năm...

   Mẹ Việt Nam- Không chỉ nhìn ra biển
   Chỉ sợ láng giềng mắc mưu ly gián
   Sợ giặc thình lình đứng sững phía sau lưng.

   Mẹ Việt Nam – Không chỉ nhìn ra biển
   Ngẫm chín hướng mười phương để lập thế sơn hà!
                                      Thế Dũng.

Nếu nói nội dung phong phú đủ các tầng lớp trong tập TVOD thì đi liền với nó cũng là sự đa dạng trong sử dụng nghệ thuật sáng tạo đối với mỗi bài thơ. Ở đây ta bắt gặp từ thể thơ tự do, ngũ ngôn, đến thể thơ khắt khe về niêm luật như thất ngôn bát cú được nhiều tác giả sử dụng khá thuần thục. Thơ lục bát được mệnh danh là Quốc Thơ, loại thơ được truyền tụng và lưu giữ trong dân gian nhiều nhất, cũng được nhiều tác giả vận dụng cho những bài thơ thuộc loại tự sự, tâm tình. Ở thể loại này Lê Ngọc Kỳ có câu thơ tả cảnh rất hay:
   Gió vờn mây cuối trời cao
   Nắng Xuân nhả ngọc rơi vào nụ hoa

Để tôi chợt nhớ đến câu thơ của Ngô Văn Phú mà trước đây cứ tưởng câu ca dao truyền tụng trong dân gian từ thời nảo thời nào:

   Trên trời mây trắng như bông
   Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
   Mấy cô má đỏ hây hây
   Đội bông như thể đội mây về làng.

Nếu có bài thơ nào trong tập TVOD chưa hay thì có thể ví như một bức tranh của người lần đầu tiên cầm bút vẽ, bố cục cũng như đường nét chưa thuần thục, nhưng chắc chắn một điều, chất liệu để làm nên bức vẽ ấy là thật, cảm xúc là thật không vay mượn, chỉ điều ấy thôi cũng làm nên độ tin cậy, sự trân trọng, yêu mến của bạn đọc với tập thơ.
Để kết thúc bài tham luận hôm nay, tôi mượn mấy câu thơ của Hoàng Khoa Toán, cũng là một trong các tác giả có mặt trong tập thơ để nói về nội dung cũng như tính hiện thực trong tập TVOD.

   Dù ngày mai có bao nhiêu bài thơ!
   Bao nhiêu tác giả - ngắn dài, hay dở
   Là tâm sự, sau nhiều năm trăn trở
   Khắc tạc vào hồn, của kẻ tha hương 

Chemnitz 27 / 6 / 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét