Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Xuân xa xứ qua lời bình của Huyền Trang


XUÂN XA XỨ qua lời bình của Huyền Trang


                                                             Ảnh Thanh Nguyên - CHLB Đức

XUÂN XA XỨ 


Nơi quê nhà mẹ cha ơi! Có biết
Năm mới sang tuyết điểm trắng trên cành
Khi xuân về nỗi nhớ quê da diết
Bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh

Mẹ lặng lẽ giữ ấm hồng ngọn lửa
Mái nhà xưa vương vấn khói lam chiều
Bao khát khao trào dâng trong lòng mẹ
Gói cho đầy nỗi nhớ gửi con yêu

Nơi xa xứ lặng thầm trong khoảnh khắc
Nhớ mẹ hiền chải mái tóc cho con
Bàn tay mẹ nhẹ gỡ từng sợi rối
Giữ nuột nà suối tóc phủ lưng thon

Nhìn  thông xanh  trên cành tuyết phủ
Nhớ đào, mai đượm nắng ấm  quê nhà
Niềm hạnh phúc ngập tràn trong giấc ngủ
Con ngả đầu vào lòng mẹ vai cha

Hình dáng anh với nét cười đôn hâu
Của ngày xưa trong tiềm thức hiện về
Đêm trừ tịch cùng nhau đi hái lộc
Tiếng nói cười vang dội cả trời khuya

 Chông chênh  quá nơi đây bao năm tháng
Tiếng xuân cười khúc khích  gợi tình ai
Ôi da diết  những mùa xuân khát vọng...
Vẳng tiếng gà xao xuyến buổi ban mai.
Bùi Nguyệt
Chemnitz, CHLB Đức.

LỜI BÌNH CỦA HUYỀN TRANG

Xuân về tết, đến là những ngày đoàn tụ của mỗi gia đình chúng ta. Những người ở xa, thì càng da diết nhớ mẹ cha, anh em ,chòm xóm. Bài thơ “Xuân xa xứ”là  tâm trạng ấy của nhà thơ Bùi Nguyệt; hiện đang ở CHLB Đức
Xin hãy nghe lời  bày tỏ tâm tình của chị với cha mẹ:
Nơi quê nhà mẹ cha ơi! Có biết
Năm mới sang tuyết điểm trắng trên cành
Hình ảnh tuyết điểm trắng trên cành gợi ra một không gian vắng lặng, lạnh lẽo đang thấm vào nỗi buồn, lan vào nỗi nhớ da diết, cồn cào như sóng dậy trong lòng của nhà thơ :
khi xuân về nỗi nhớ quê da diết
Bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh
“Bếp lửa hồng mẹ gói bánh chưng xanh” là bức tranh tả thực.Trước mắt ta, hiện ra một không gian nhỏ trong một mái ấm gia đình, có ngọn lửa hồng bập bùng tỏa ánh sáng người mẹ đang lặng lẽ gói bánh chưng, để mừng xuân, đón tết.
Có lẽ vì cái lạnh đêm cuối đông nên mẹ phải sưởi ấm bắng bếp lủa đó là điều bình thương. Nhưng  cái hay ở đây là từ hơi ấm ngọn lửa, tác giả đã liên tưởng tới  hơi ấm của tình yêu thương, ấp ủ trong một gia đình quả là tài tình, thú vị:
Mẹ lặng lẽ giữ ấm hồng ngọn lửa
Mái nhà xưa vương vấn khói lam chiều
  Ngọn lửa ở đây đã mang tính ẩn dụ - ngọn lửa hạnh phúc,ngọn lửa yêu thương ngọn lửa niềm tin . Nó chính là ngọn lửa lòng của mẹ. Hiểu như thế ta mới thấy có lý khi tác tiếp những câu sau:
Bao khát khao trào dâng trong lòng mẹ
Gói cho đầy nỗi nhớ gửi con yêu
Vẫn là sư liên tưởng độc đáo. Tác giả đã cụ thể hóa ý trừu tượng :“Gói cho đầy nỗi nhớ gửi con yêu” Trừu tượng là nỗi nhớ niềm thương con của mẹ, cụ thể nhiều như những hạt gạo mẹ đang gói bánh đêm nay, làm sao mà đếm được.

Từ đây, tứ thơ dược phát triển theo dòng suối cảm xúc trào dâng của tác giả :
Nhớ mẹ hiền chải mái tóc cho con
Bàn tay mẹ nhẹ gỡ từng sợi rối
Giữ nuột nà suối tóc phủ lưng thon
 Qua cử chỉ “ Nhẹ nhàng gỡ từng sợi rối”, ta thấy mẹ thật yêu chiều, âu yếm con gái của mình, dù con đã trở thành một thiếu nữ có “suối tóc phủ lưng thon”. Khi tác giả liên tưởng:
 Hình dáng anh với nét cười đôn hậu
Của ngày xưa trong tiềm thức hiện về
Đêm Trừ tịch cùng nhau đi hái lộc
Tiếng nói cười náo nức cả trời khuya
Chỉ vài nét chấm phá thế thôi, nhưng tuyệt vời hạnh phúc! Ngập tràn không khí mùa xuân. Xuân đất trời, xuân trong lòng người “Tiếng nói cười náo nức cả trời khuya” Đây mới  tâm điểm của hạnh phúc gia đình:
Niềm hạnh phúc ngập tràn trong giấc ngủ
Con ngả đầu vào lòng mẹ vai cha.
  Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ nhưng lại mở ra một chân trời tươi sáng của buổi bình minh  vẳng tiếng gà như tiếng gọi của hồn quê đối với người viễn xứ. Hình tượng thơ được nâng lên, tầm khái quát được mở rộng

Nhà thơ ơi!Tâm cảnh của chị cũng là tâm cảnh của chúng tôi – những người ở “Hai phía chân trời” Đoc bài thơ này càng tăng thêm nỗi nhớ quê hương, nhất là lúc xuân về tết đến.

                                                                                                               HUYỀN TRANG
Theo  nguồn Trannhuong.com


Bàn về cái dâm cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương


Bàn về cái dâm và cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương - Nguyễn Thế Duyên.
Bàn về cái dâm và cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương - Nguyễn Thế Duyên.
Thông tin cá nhân:
Tác giả Nguyễn Thế Duyên
Địa chỉ: TP. Hà Nội
Điện thoại: 01216006633
Email: nguentheduyen@gmail.com
_____

BÀN VỀ CÁI DÂM VÀ CÁI TỤC TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG.
Nguyễn Thế Duyên

    Tôi có thấy trong diễn đàn topic “Theo gót Hồ xuân hương” của bạn Phương Hà Phương. Quá vui mừng tôi đã vào đọc topíc này vì tôi là một người đặc biệt yêu thích bà. Buồn thay khi đọc xong trang ấy tôi lại thấy buồn. Hóa ra một nữ thi sĩ đứng hàng thứ hai của việt nam chỉ sau có mỗi cụ Nguyễn Du lại không phải ai cũng hiểu bà. Mà đã không hiểu bà thì làm sao có thể theo chân bà được? Thậm chí đọc topic ấy mà hiểu Hồ xuân Hương như thế thì đã làm méo mó hình ảnh của bà. Đấy chính là nguyên nhân tôi viết bài này.
    Tôi không có ý định phê phán bạn Phương Hà Phương và những bạn đã tham gia vào topic ấy. Quyền viết như thế nào là quyền tự do của các bạn. Ở bài viết này tôi chỉ muốn nêu lên những tinh hoa của thơ bà để mọi người hiểu bà hơn và nếu có định theo phong cách của bà thì phải theo cho đúng để tên tuổi của bà mãi mãi không bị hoen ố. Còn nếu không thì đừng nên để dòng chữ “Theo gót Hồ xuân Hương” để làm cho những người yêu mến bà phẫn nộ.
    Nói đến Hồ Xuân Hương là người ta nói đến cái “ Dâm” và cái “Tục” trong thơ của bà . Đúng vậy. Những câu như
          Chành ra ba góc da còn thiếu
          Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa

    Hay
          Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
    Hoặc
          Khi dang thẳng cánh bù khi cúi
          Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi

    Có dâm không? Có tục không?
    Rất dâm và rất tục nhưng cái dâm và cái tục ở đây bà dùng nó như một thứ vũ khí để tát vào mặt bọn quan lại thống trị, bọn vua chúa, bọn trí thức nghênh ngáo nhưng đã bị tha hóa về mặt đạo đức. Cái “Chành ra ba góc da còn thiếu” ấy mà làm mát mặt những “Anh hùng” để” che đầu quân tử” Thì thật chẳng có cái tát nào đau hơn. Nhưng cái tài của bà là ở chỗ: Bị tát đau thì đau thật nhưng không nói được. Hiểu thì hiểu là “Cái ấy” nhưng nó lại là cái quạt. Phải là người có con mắt sắc sảo, có đầu óc tinh tế mới nhận được ra những cái giống nhau của hai cái rất khác nhau ấy. Tôi đoan chắc với các bạn rằng đến tận ngày nay không phải ai cũng nói chắc được cái phần “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa“ Trong câu thơ là phần nào của cái quạt và phần nào của “Cái ấy” đâu. Và còn điều này nữa không hiểu các bạn có nhận ra không? Trong cái quạt chỉ có hai thứ đó là nan quạt và giấy bồi và giấy bồi lúc thì bà gọi nó là da “Chành ra ba góc da còn thiếu” Lúc thì bà lại bảo nó là thịt “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” Chắc rằng ở “Cái ấy” Có một thứ nhìn thì tưởng là thịt nhưng “Chành ra” Mới biết đó là da. Không biết có đúng không? Các bạn nữ hoặc các bạn nam đã có vợ kiểm tra lại hộ xem. Tôi chưa có vợ nên đoán mò như thế (Đọc đến đây các bạn đừng cho là tôi điêu nhất việt nam thư quán nhé. Nếu có điêu thì cũng chỉ điêu thứ nhì thôi vì thứ nhất đã có người nhận mất rồi). Các bạn thấy chưa muốn học theo bà đâu phải dễ cần phải sắc sảo và tinh tế lắm.
    Là một người phụ nữ mà đường tình duyên không mấy thuận lợi lại sống trong một xã hội phong kiến, không thừa nhận tự do yêu đương và người đàn bà nhiều khi bị coi là một thứ đồ chơi bà đã đồng cảm với khát vọng được thương yêu, được hạnh phúc của những người phụ nữ. Những lúc như thế. cái dâm và cái tục của bà đổi khác. Chúng ta thử đọc bài “Đánh đu“ của bà
          Bốn cọc khen ai khéo khéo trồng
          Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
          Trai du gối hạc khôm khom cật
          Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
          Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
          Hai hàng chân ngọc duỗi song song
          Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
          Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không

    Bài thơ phảng phất, Chỉ phảng phất thôi cảnh sinh hoạt vợ chồng và bà đã ca ngợi nó bằng những hình ảnh bay bổng,
          Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
          Đôi hàng chân ngọc duỗi song song

    Không có một chút dâm, không có một chút tục nào ở đây .Bà ngợi ca nó bằng tất cả những khao khát được ái ân , được thỏa mãn mà người đàn bà mong muốn. Đọc câu “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” của bà ta cảm nhận được sự thỏa mãn, cảm nhận được khát vọng yêu đương toát lên trong câu thơ. Cả bài thơ như một bức tranh trong sáng và đẹp đẽ. Nếu ai đó còn muốn nói đến cái tục trong câu “Trai du gối hạc khom khom cật” của bài thơ thì cũng đành phải nói rằng đây là bức ảnh Nude nhưng là Nude nghệ thuật. Nhưng câu kết của bài thơ lại đột nhiên lắng xuống
          Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
    Xa xót quá cho thân phận người đàn bà trong chế độ cũ. Một sự đồng cảm? Không ! hơn thế nữa. Một tiếng thở dài chắt ra từ chính cuộc đời bà. Đọc thơ HỒ xuân Hương chúng ta bắt gặp không ít những sự đồng cảm như thế
          Nhắn nhủ ai về thương đấy với
          Thịt da ai cũng thế mà thôi

    Một cô gái yếu ớt muốn chống lại cả một xã hội hủ bại. Một người đàn bà muốn đứng lên đòi lại cho mình, cho giới của mình quyền được khao khát. Quyền được yêu đương, quyền được thỏa mãn. Người đàn bà ấy đã dùng đến một thứ thuốc nổ, đó là cái dâm và cái tục để muốn phá bỏ đi cái trật tự xã hội cũ. Cái dâm và cái tục của bà trở thành một thứ vũ khí,một phương tiện để chiến đấu cho một mục đích chứ không phải là cái dâm, cái tục thô thiển mà các bạn trong topic “Theo gót Hồ Xuân Hương” đã nghĩ.
    Văn hóa phương đông của chúng ta cố tránh nói đến hai từ tình dục. Chinh những vị được goi là “Hiền nhân” “Quân tử” sau khi đã thỏa thuê với năm thê bẩy thiếp,những vua chúa với ba trăm cung nữ, sáu trăm cung tần sau khi đã no xôi chán chè thì lại mặc bố quần áo đạo đức “ Eo ơi Kinh quá. Ai lại nói đến cái ấy” và bà đã vạch mặt bọn đạo đức giả ấy
          Chúa dấu vua yêu một cái này
    Hay
          Hiền nhân quan tử ai mà chẳng
          Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo

    Muốn nói gì thì nói tình dục đóng một vai tò cực kỳ quan trọng ( Nếu như không muốn nói là nhất) trong hôn nhân và trong cuộc sống. Bà là người duy nhất nói thẳng điều đó và ca ngợi nó, Chúng ta đọc lại bài “Chơi đền Khán xuân”
          Êm ái chiều xuân đến khán đài
          Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
          Ba hồi chiêu mộ xuân gầm sóng
          Một vũng tang thương nước lộn trời
          Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
          Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
          Nào nào cực lạc là đâu tá
          Cực lạc là đây chín rõ mười

    “Ba hồi chiêu mộ xuân gầm sóng” Ba từ ”xuân gầm sóng” đã ai diễn tả được cái đam mê, Cái mãnh liệt, Cái khát khao trào dâng được như thế chưa kể cả các nhà thơ hiện đại ngày nay? Chưa ai cả. Bà là người duy nhất dám nói đến những khát khao trần tục của con người
    “Một vũng tang thương nước lộn trời” Có một thứ bé lắm chỉ là một cái vũng nhỏ thôi nhưng có thể làm đảo lộn cả đất trời. Câu thơ có tính khái quát quá sâu sắc. Nó đúng cho từng cá nhân chúng ta nhưng cũng đúng cho cả một xã hội. Đọc hai câu này tôi lại nhớ đến câu:
          Nhất tiếu khung nhân thành
          Tái tiếu khunh nhân quốc

    Của nhà thơ Đường xưa. Kể thì đó là một câu thơ hay nhưng còn lâu lắm câu thơ ấy mới sánh được hai câu của bà.
    Tôi dẫn bài thơ này ra để các bạn có thể đẽ dàng nhận thấy đặc điểm cái “Dâm” và cái ‘Tục” trong thơ của bà. Khi bà dùng cái dâm và cái tục để làm vũ khí thì bà tả “Cái ấy” rất rõ, rất sắc nét ai cũng nhận ra rồi mang ”Cái ấy” trùm vào mặt một kẻ nào đó.
          “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Mát mặt anh hùng khi tắt gió
    Và
          “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa/ Che đầu quân tử lúc sa mưa
    Hoặc
          “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
    Và
          “Hòn đá xanh rì lún phún rêu/ Mỏi gối chồn chân vẫn cố trèo
    Còn khi bà dùng cái dâm và cái tục để ca ngợi tình dục, tình yêu thì bà không bao giờ tả “Cái ấy”. Nếu có nói đến những bộ phận trên thân thể người đàn bà thì bà lại tả nó một cách ẩn dụ đầy nên thơ và lãng mạn. và bà khẳng định:
          Nào nào cực lạc là đâu tá?
          Cực lạc là đây chín rõ mười

    Với ý thức mà chúng ta tạm gọi là “Dùng cái dâm và cái tục “ để ca ngợi người phụ nữ, ca ngợi tình yêu và tình dục vô tình bà đã vẽ được một bức tranh khỏa thân đẹp nhất và có thể nói là duy nhất trong văn thơ cổ điển việt nam . Chắc có bạn sẽ phản đối tôi và dẫn ra câu
          Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
          Dầy dày đúc sẵn một tòa thiên thai

    Của cụ Nguyễn Du trong truyện kiều. Nhưng theo tôi đây chưa phải là một bức tranh khỏa thân. Cụ nguyễn du vẽ Kiều qua chiếc rèm mỏng của buồng tắm Trong bài “ Vịnh thiếu nữ ngủ ngày” thân thể người phụ nữ được bà tả bằng những hình ảnh đầy diễm lệ
          Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
          Một lạch đào nguyên suối chửa thông

    Hãy đặt “Một lạch đào nguyên suối chửa thông” Bên cạnh “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc” bạn sẽ nhận ra có hai Hồ xuân Hương trong một thân hình. Một Hồ xuân Hương đấu tranh và một Hồ xuân Hương của ái tình
    Nhưng dù bất cứ là Hồ xuân Hương nào thì trong thơ của bà cũng “Tục mà không tục. Dâm mà không dâm, trong tục có thanh và trong thanh có tục”. Đấy là một nghệ thuật đã đưa bà lên vị trí nhất nhì trong các nhà thơ Việt Nam.
    Tôi rất băn khoăn khi đặt bà dưới cụ Nguyễn Du bởi vì kể ra Hồ xuân Hương đoạt nhiều cái nhất hơn cụ Nguyễn Du
    Thứ nhất- Bà là người duy nhất với phong cách dùng cái dâm và tục để viết về cuộc đời thì trước bà không có ai và sau bà cũng không có ai (Tất nhiên những bạn đang học theo bà thì không kể). Bà là người duy nhất. Còn với cụ Nguyễn du thì khác, cái cơ bản để tạo nên văn phong của Nguyễn du là lời thơ đẹp đến mức mỹ lệ. Dùng cảnh tả tình, Hình ảnh chọn lọcV…v… Nhưng có một điều Nguyễn Du không phải là duy nhất. Có một truyện nôm khuyết danh, truyện Hoa tiên. Lời thơ cũng cực đẹp phảng phất như truyện kiều đến nỗi người ta còn cho rằng Nguyễn du học ở Hoa tiên và viết nên truyện kiều. Điều đó đúng hay không thì ở đây ta không bàn đến. Nhưng có một điều khẳng định: “về Phong cách viết thì Nguyễn du không phải là duy nhất”. Không phải tìm kiếm đâu xa đọc chinh phụ ngâm của Đoàn thị điểm ta thấy thơ bà cũng đẹp chẳng thua truyện kiều là mấy
    Thứ hai- Về ngôn ngữ thơ: Thơ nguyễn du đẹp , mỹ lệ nhưng ông không tạo ra được một ngôn ngữ của riêng mình. Từ ông dùng vẫn là những từ thông thường mà ta vẫn dùng . Nhưng với Hồ xuân hương thì khác Phải nói rằng bà là người duy nhất sáng tạo ra những từ ngữ mà từ trước đến nay không ai dùng. Những từ này vô cùng độc đáo và thú vị:
          Đêm khuya tỏm cắc một đôi hồi
    Từ tỏm cắc không phải là tuyệt bút nữa mà phải gọi là thần bút Hay câu “Thân này đâu đã chịu già tom” Chữ “già tom” Hoặc từ “Khéo khéo phòm” trong câu “Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm” trong bài động Hương tích” V….V..
    Những từ như thế là rất mới lạ đã nâng tiếng việt lên thêm một nấc thang mới.
    Thứ ba- Về tính nhân văn -Đồng cảm với người đàn bà thì có rất nhiều nhà văn, nhà thơ mà không cần nói thì các bạn cũng đã biết. Nhưng xây dựng nên hình tượng người đàn bà mà bóng của nó trùm lên trên bóng của những người đàn ông thì bà là người duy nhất.
          Thân này ví đổi làm trai đưộc
          Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?

    Hay
          Cái tội trăm năm chàng chịu cả
          Mảnh tình một khối thiếp xin mang
    Hình ảnh người đàn ông, đấng mày râu, trở thành vô cùng thảm hại khi bà hạ bút viết một câu
          Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng
    Và điểm cuối cùng dám nói lên khát vọng luyến ái. Đề cập đến vấn đề tình dục như một nhu cầu, một khát vọng của con người thì bà cũng là người duy nhất và bà đã đi trước thế hệ của bà hàng vài trăm năm
Ở bài này tôi chỉ hạn chế trong vấn đề cái dâm và cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương thôi vì về bà còn nhiều điều đáng nói lắm.
    Nói đến hồ xuân Hương là người ta nói ngay đến cái dâm, cái tục nhưng xin các bạn nhớ cho rằng những bài như bài cái quạt trong thơ hồ xuân Hương ít lắm chỉ có khoảng dăm bảy bài thôi nên giá trị của thơ bà không chỉ nằm trong cái dâm , cái tục đâu mà sao các bạn chỉ học theo bà cái dâm cái tục ây?. Học theo hồ xuân Hương là học theo những tinh hoa của bà. Cái dâm, cái tục chỉ là một phần rất nhỏ ( Và cũng chỉ là cái vỏ để chở bao nhiêu Đạo bên trong các bạn ạ)
                                                                                                 Hà nội 8.9.2009
                                                                                                 Nguyễn Thế Duyên
  Theo nguon Vandanviet.net




Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Đường thi xướng họa - HỒN QUÊ



18-01-2013
Câu đôi 2.jpg 
TỔNG HỢP HỌA BÀI “HỒN QUÊ” CỦA BÙI NGUYỆT
Bài xướng:

           HỒN QUÊ

Xuân về - Năm Mới chúc mừng nhau
Kết trái đơm hoa rực sắc màu
Ấm áp tình người trên đất mẹ
Rộn ràng nhịp sống dưới trời Âu
Văn chương mở rộng vươn tầm bút
Nhân cách nâng cao nối nhịp cầu
Bạn hữu xa gần luôn quý trọng
Hồn quê điểm tựa mãi bền lâu.
                                         Bùi Nguyệt.
                                    Chemnitz, CHLB Đức




Bài họa của các tác giả: Đặng Quang Long, Từ Đức Khoát, Trần Như Tùng, Ngọc Thanh, Ngô Thái, Hoàng Tấn Đạt, Nguyễn Hữu Thăng, Nguyễn Văn, Lý Viên Giao, Nguyễn Phi Diếu, Phạm Vũ Minh, Ngọc Châu, Nguyên Xuân, Phan Duy, Trần Đình Thư trên trang ĐTQM.
BBT ĐTQM và TG Bùi Nguyệt xin trân trọng cám ơn sự nhiệt tình hưởng ứng giao lưu họa bài HỒN QUÊ của Bùi Nguyệt.
TM. BBT ĐTQM
Trần Hợp

 TÌNH QUÊ

Năm mới xuân tình vui có nhau
Vườn hoa khởi sắc thắm muôn màu
Tha hương nhớ lắm khuông trời Việt
Mưa tuyết thương nhiều mảnh đất Âu
Khắc khoải hồn quê luôn đợi ngóng
Bâng khuâng lòng mẹ vẫn mong cầu
Chim trời tết đến còn bay mải
Tổ ấm tơ bền kết đã lâu.
                                        Đặng Quang Long
                                          Cẩm phả,Quảng Ninh

TẾT QUÊ
Năm mới là ta được chúc nhau
Tình quê nghĩa phố chẳng phai màu
Con hằng mơ tết về bên Á
Cháu vẫn mong xuân đến với Âu
Đào Bích gọi mời khi bạn muốn
Mai vàng níu kéo lúc ta cầu
Đa tình nặng nghĩa cùng quê mẹ
Muôn thuở hồn quê đọng rất lâu!
                                     
Từ Đức Khoát

          HỒN QUÊ                    (Họa y đề)

Hãy về Nghĩa Lĩnh năm tay nhau
Năm mới lời xin dễ nhiệm màu.
Chóng chóng xóa nghèo thêm khởi sắc
Mau mau diệt nhũng bớt lo âu.
Nhìn run lạnh lẽo thì cho áo
Thấy lội nguy nan hãy bắc cầu.
Trong ấm ngoài êm làng xóm vượng
Hồn quê bền mãi nói chi lâu!
                                               Trần Như Tùng
                                                     Phú Thọ

                 HỒN QUÊ
                                 
(Họa y đề )Rộn rã... xuân về đến với nhau
Chúc cho tài lộc mãi tươi mầu
Nhớ con vắng bóng... nơi quê mẹ
Mong cháu không về... chốn đất âu
Da diết nỗi lòng luôn ngóng đợi
Bồn chồn khắc khoải mãi mong cầu
Gia đình đoàn tụ vui ngày tết
Ấm đượm tình quê... mãi thấm lâu .

                                        Ngô Thái – Phú Thọ

 GỬI CHÚT TÌNH QUÊ
                        
(Liên hoàn, thủ vĩ ngâm)

Xuân thắm cho thơ chúc phúc nhau
Hướng về nơi ấy nghĩ muôn màu.
Người luôn gìn giữ hồn quê Việt
Kẻ lại mơ màng cảnh đất Âu.
Xướng gửi tình sâu tìm đặt bến
Họa trao nghĩa cả tạo nên cầu.
Ơi này bạn mới xa nhà mến
Biết quý danh Bùi cũng chửa lâu.

Biết quý danh Bùi cũng chửa lâu
Yêu thơ xướng họa có nhu cầu.
Để tình dân tộc hòa Nam Bắc
Cho nghĩa đồng bào đậm Á Âu.
Cảm xúc quê hương bừng vạn sắc
Tâm hồn thi sĩ rạng trăm màu.
Ơi người bạn mới xa nhà mến
Xuân thắm cho thơ chúc phúc nhau.
                                  
Trần Như Tùng
                                        Phú Thọ

VUI TẾT, MỪNG XUÂN!
Xuân sang, thắm thiết chúc vui nhau...
Phú quí, vinh hoa...đủ "sắc màu"
Chốn chốn hân hoan, làn nhạc tết
Nơi nơi phấn khởi, khúc ca âu
Gia đình hạnh phúc - cha mong ước
Đất nước văn minh - mẹ nguyện cầu
Thế giới chung tay, cùng tiến bộ
Hòa bình, hữu nghị...vững, dài lâu!
                                         
Ngọc Thanh

 GỬI NGƯỜI THA HƯƠNG
Đôi vần xướng hoa gửi trao nhau
Bạn cũ tình xưa thắm đượm màu
Vui cảnh xuân về Thành phố Biển
Thương người tuyết phủ mái nhà Âu
Trời Tây canh cánh hằng mong đợi
Đất Việt ấp ưu vẫn nguyện cầu
Hai nủa vầng trăng cùng kết lại
Viên tròn hạnh phúc ắt dài lâu!

                                       
HOÀNG TẤN ĐẠT

 TẾT XA TỔ QUỐC
Tết đến, dù xa vẫn có nhau
Cố hương - hai chữ chẳng phai màu
Nén nhang ngào ngạt từ quê Việt
Chén rượu nồng nàn giữa đất Âu
Tiếng hát, lời ca mang nghĩa nước
Trang thư, dòng nhắn nối cây cầu
Muôn trùng sông biển, gần gang tấc
Da diết trong lòng nỗi nhớ lâu.
                                
NGUYỄN HỮU THĂNG

 CHÉN XUÂN
Xin còn mãi mãi nhớ về nhau
Chớ có phôi phai chẳng đổi màu
Lững thững đường xanh nơi đất Việt
Lang thang lối tuyết phía trời Âu
Lời trao lơ lửng mây trong gió
Mắt gửi lung lay nước dưới cầu
Rượu đắm xuân về nâng chén cạn
Say này ai nỡ chẳng say lâu.
                                         
Lý Viên Giao
                                         Bích Câu Thơ Hà Nội

CHỜ NGÀY TÁI NGỘ
Tết về Đất Tổ sát vai nhau
Năm mới hồn quê rực rỡ màu.
Đi viếng, hương đăng dâng Cụ Lạc
Rồi thăm, lễ vật kính Bà Âu.
Nỗi niềm dự định đem bẩm báo
Tâm sự muốn mong cứ nguyện cầu,
Uống nước Sông Lô câu ước hẹn
Cái ngày tái ngộ chẳng nên lâu.
                                      
Trần Như Tùng
                                                Phú Thọ
NHỚ LÂU
                          
(Liên hoàn)

Ngắt đóa xuân nồng-quý tặng nhau.
Quê hương đón tết rực muôn màu
Đào-Mai chúm chím cười mưa Á
Băng-Tuyết ngậm ngùi khóc gió Âu
Đất Bắc cái giàu nhiều sợi nhớ!
Trời Nam sự có lắm vinh cầu…
Mới hay dòng máu người Nam Việt
Xa cách ngàn trùng vẫn nhớ lâu.

Xa cách ngàn trùng vẫn nhớ lâu
Nhớ ngày sum họp tết bên nhau
Nhớ vườn quê mẹ nhiều hoa trái
Nhớ chốn thôn nghèo lắm hải âu
Nhớ bãi thả diều chiều nắng hạ
Nhớ nơi ngụp lặn sớm sông Cầu
Nhớ chi là nhớ bao thương nhớ
Nhớ cảnh chân quê áo bạc màu.
                                                    
Nguyễn Phi Diếu Vũng Tàu
                   

 TÌNH BỀN LÂU
"Yêu nhau thời cởi áo cho nhau"
Tình vốn trinh nguyên mãi đẹp mầu
Gian khổ vẫn không màng - vượt thác
Khó khăn đâu dễ nản - qua cầu
Dù xa vạn dặm miền Nam - Bắc,
Hoặc cách nửa vòng tận Á - Âu
Chức Nữ- Ngưu Lang hoài ngóng đợi
Một ngày gặp mặt dẫu dài lâu!
                                             
Phạm Vũ Minh

 XUÂN HẢI NGOẠI
Năm mới bà con đến với nhau
Liên hoan chúc tụng đủ muôn màu
Cúng đơm thờ tết nồng hương Việt
Thăm thú chơi xuân thắm sắc Âu
Ấm áp khúc ca "hò ví dặm"
Ngọt ngào làn điệu "lý qua cầu"
Lòng người xa xứ luôn gần gũi
Tình nghĩa quê nhà thắm đượm lâu.
                                         
NGUYỄN VĂN

 GIÁ MÀ ĐƯỢC ĐÓN

Hỡi người đang sống dưới trời Âu
Sẵn hãng hàng không nối nhịp cầu
Sao chẳng bay về thăm đất mẹ
Để cà phê đối ẩm cùng nhau?
Tuyết mềm xứ ấy sầu đong sớm
Đào thắm bên này rực đã lâu
Sẽ đón bạn xa nơi hạ cánh
Xuân này Quý Tỵ đượm muôn màu 
                                  Ngọc Châu – Hải Phòng

XUÂN VỀ
Mai vàng nở rộ gửi tình nhau
Lá khẽ đùa nghiêng nắng đượm màu
Quý Tỵ đang về ban giọt phúc
Nhâm Thìn đã bước tẩy niềm âu
Lời trao ý đẹp dù ngăn lối
Tứ họa vần hay cũng bắt cầu
Mến nghĩa phương trời ta chúc bạn
Xuân về lợi cát ngập dài lâu.
                                             
Phan Duy

TÌNH XUÂN 

Kết sợi tơ lòng gửi đến nhau
Mừng xuân Đất Mẹ thắm tươi màu
Bâng khuâng cảnh sắc nồng quê Việt
Rộn rã men đời đượm xứ Âu
Xướng họa trao đi lời nguyện ước
Yêu thương gửi lại ý mong cầu
Hồn quê nắng tỏa tình tha thiết
Hạnh phúc chan hòa quyện nhớ lâu.
                                                
Nguyên Xuân

THẦM GỬI QUÊ NHÀ
Nhớ không – ngày ấy đã cùng nhau
Hoa kết đèn giăng hội đủ màu
Ngày ấy ước ao Phi Đến Mỹ
Bây giờ phiêu bạt Á sang Âu
Muốn nhờ Lục bát mà trao bút
Phải mượn Đường thi để bắc cầu
Thầm gửi quê nhà bao hối tiếc
Dẫu đây gác tía với cao lâu
                             
Tú Rớt -Trần Đình Thư
                                          Vũng Tàu
LỜI CÁM ƠN




LỜI CÁM ƠN

CẢM tình Đường luật đã vào chơi
ƠN bậc tài hoa họa tuyệt vời
CÁC ý mở ra giàu trí tuệ
BẠN bè quy tụ đẹp tình đời
VUI thêm trang báo nhờ công bạn
HỌA mấy vần thơ cảnh sắc tươi
BÀI xướng nối tình người viễn xứ
THƠ làm xích lại bạn và tôi.
Bùi Nguyệt 
(Chemnitz, CHLB Đức)



Bình thơ- Ru em - Bên anh



                                                 Thiết kế ảnh: Minh Hải - CHLB Đức

Cổ nhân có câu "Thi trung hữu họa "nghĩa là trong thơ có họa còn ở tấm ảnh này thì "Họa trung hữu thi " - trong họa có thơ
            Hai bài thơ " Ru em" và" Bên anh " thể hiện một mối tình xuyên lục địa vô cùng đẹp đẽ và lãng mạn, say đắm, nồng nàn đó là tiếng hát yêu thương của hai tâm hồn thi sỹ Tấn Đạt và Bùi Nguyệt :
                                   Lời trao lời ngọt lịm
                                   RU EM và BÊN ANH
                                   Nghe nồng nàn êm ái
                                   Đắm say một mối tình
 Từ đó nhà Nhiếp ảnh tài hoa có tâm hồn nghệ sỹ Minh Hải đã minh họa hết sức thú vị :
            Một chú chim Bằng  cõng trăng xuyên qua đại dương  vượt muôn trùng sóng gió-  thể hiện sức mạnh phi thường của tình yêu . Chim Bằng tượng trưng cho phái mày râu , ở đây  là hình ảnh ẩn dụ chủ thể bài thơ " Ru em"- Hoàng Tấn Đạt
Trăng cũng tượng trưng cho phái  đẹp, cho hạnh phúc tròn đầy, ở đây,  hình ảnh này mang tính ẩn dụ cho chủ thể bài thơ " Bên anh " là Bùi Nguyệt - Nguyệt cũng có nghĩa là trăng. Tôi nghĩ rằng sự sâu sắc của Nhiếp ảnh gia là ở liên tưởng độc đáo này. Đúng là
                                   Trăng sáng ngời viên mãn
                                   Nắm trên lưng Đại bàng
                                   Vượt muôn trùng sóng  gió
                                   Giữa biển trời mênh mang
Và  hai cánh buồm đỏ thắm căng gió chính là hai trái tim rực lửa yêu thương trên thyền tình vuợt đại dương và băng qua phong ba đến bến bờ hạnh phúc:
                                   Hai cánh buồm đỏ rực
                                   Như hai trái tim hồng
                                   Vượt đại dương mênh mông
                                   Đến bến bờ hạnh phúc
            Tuyệt vời nhất vẫn là đôi mắt mỹ nhân vời vợi sáng trong đang chờ đón niềm hạnh phúc
                                   Mắt em long lanh sáng
                                   Trong hạnh phúc ngập tràn
            Cám ơn nhà Nhiếp ảnh Minh Hải, bằng tâm hồn thi sỹ của mình, đã tạo nên một bức ảnh tuyệt vời: thi trung hữu họa và họa trung hữu thi để chúng tôi hiểu thêm sự lung linh huyền diệu của tình yêu, sức mạnh phi thường của tình yêu.

                                                                                  HỒNG TẤN ANH

---------------------

RU EM
(Tặng tác giả Bùi Nguyệt )

Em ơi! đã  ngủ hay chưa?
Trái tim anh cất tiếng ru ngọt ngào
Vuợt màn đêm dưới trăng sao
Xuyên qua lục địa bay vào phòng em

Ru em chân cứng đá mềm
Xa đàn lẻ bạn cánh chim ngang trời
Anh ru em ngủ em ơi!
Tuyết rơi thì mặc tuyết rơi tứ bề

Ngủ đi em!  ngủ ngon đi!
Để cho mộng đẹp tràn về với em!
Ru em xinh đẹp dịu hiền
Tim anh thắp lửa đêm đêm soi vào

Ngủ đi  em ngủ ngoan  nào!
Tình yêu quyện chặt nhau vào tình thơ!
Ru em tháng đợi năm chờ
Kiếp luân hồi để bây giờ gặp nhau
Anh đất Á -  em trời Âu
Ru em - ru mối tình đầu huyền vi+!


                                  
Hoàng Tấn Đạt 
                                                


BÊN ANH

(Họa bài RU EM của Hoàng Tấn Đạt)
Anh ơi anh đã ngủ chưa
Lời thơ anh viết lời ru ngọt ngào
Thiết tha, âu yếm làm sao
Hàng đêm tỏa ánh sáng vào hồn em

Tặng anh một dải tơ mềm
Để anh cuốn chặt cánh chim lưng trời
Tuyết giăng sương phủ anh ơi
Cánh bay đã mỏi chơi vơi bốn bề

Đường tình sánh bước ta đi
Ngập tràn hạnh phúc anh thì bên em
Diết da gửi trọn đời hiền
Ấm hồng ngọn nền hàng đêm soi vào

Má em hồng lại ngày nào
Tình anh quyện chặt nhau vào vần thơ
Còn đâu năm tháng đợi chờ
Nụ cười tươi lại từng giờ bên nhau
Trở về em ở trời Âu
Bên anh ấm lại tình đầu huyền vi.

                                   Bùi Nguyệt


Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Lặng thầm - Giấc mộng thần tiên

                          Ảnh Minh Hải - CHLB ĐỨC

LẶNG THẦM
Em lại lang thang trên phố vắng
Phương trời xa lặng lẽ ngắm sao đêm
Trăng chênh chếch văt nên màn mây mỏng
Nhắn đôi lời - Hãy gáng vượt lên

Thơ em viết là tấm lòng em trải
Bao nhớ nhung hờn giận chất đong đầy 
Niềm mong ước lủa tình yêu rực cháy
Để xua đi tuyết phủ những đêm dày

Em khao khát những nụ hôn ngọt lịm
Đẻ tan đi bao mặn chát cuộc đời
Thơ và anh - Người bạn tình tri kỷ
Thắp lửa lòng trong giá lạnh tuyết rơi.
Bùi Nguyệt, CHLB Đức

GIẤC MỘNG THẦN TIÊN
        ( Bài họa)
Anh mơ được cùng em trên bãi vắng
Đôi mắt tìm ánh mắt dưới màn đêm 
Ôi! Làn mây như một tà áo mỏng
Gios cuốn rồi trăng ngà ngọc hiện lên

Biển cũng dạy sóng lòng trang trải
Nước theo trăng có lúc vơi đầy
Ngọn lửa vô hình trong anh bùng cháy
Truyền hơi ấm cho nhau khi giá lạnh tuyết dày

Hôn ngọt lịm nét ngọc ngà cũng lịm
Giờ phút thăng hoa tột đỉnh trên đời
Em và trăng cứ lung linh huyền diệu
Giữa thiên hà muôn vạn chấm sao rơi
Hoàng Tấn Đạt - Vũng Tàu

HỌA THƠ LỤC BÁT - Hồ Đình Bắc




NƠI KHÔNG EM

Tôi đi về phía không  em
Mỏi thời rong ruổi xa thêm đoạn đường 
Cho không còn những vấn  vương 
Để quên nhung nhớ, giận thương vơi dần 

Chẳng còn chân dẫm  nốt chân 
Trên con đường cũ mỗi lần em qua 
Nơi không em cứ dần xa 
 Ngoảnh nhìn nơi ấy toàn là khói sương 

Vơi bớt giận, nhạt dần thương 
Mỗi người mỗi nẻo chọn đường mà đi 
Lối xưa mặc gió thầm  thì 
Tình xưa cũng chẳng còn gì mà mang 

Chiều rồi còn chút  nắng vàng 
Trong thơ còn lại những trang tình nghèo
 Nước sông giờ đã trong  veo 
Nơi không em chỉ còn chiều mênh mang!
Hồ Đình Bắc





NHỚ TÌNH ANH


  (Họa bài  Nơi không em)
 Anh ơi! nỗi nhớ tình em 
Một thời xao xuyến đi trên con đường
Gió vờn bím tóc vấn vương 
Bình minh vén lại màn sương mờ dần

Nắng vàng soi tỏ vết chân
 Bờ đê trống vắng xa dần đò qua
Vẳng nghe tiếng gọi đò xa
Bến sông ngày ấy la đà khói sương

Tình anh em vẫn nhớ thương
Xứ người câu hát trên đường cùng đi
Lời anh hòa gió thầm thì
Ấm nồng hơi thở những gì em mang

Hanh hao gom sợi nắng vàng
Tâm hồn thơ quyện mênh mang đâu nghèo 
Tình em làn nước trong veo 
Đổ dồn về biển cuộn trào sóng mang.,.
 Bùi Nguyêt , CHLB Đức



Họa thơ lục bát RU EM - BÊN ANH

                                                         Ảnh Minh Hải - CHLB Đức        

  Thơ Lục bát xướng họa: RU EM (Hoàng Tấn Đạt) - BÊN ANH (Bùi Nguyệt)

Ngày 11 tháng 10 năm 2012

      (BBT)Tác giả Hoàng Tấn Đạt  (Vũng Tàu) tặng bài  RU EM cho Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức) và TG Bùi Nguyệt đã họa lại bằng bài BÊN ANH.
            Hai bài thơ đậm chất trữ tình trong hồn thơ Lục bát. Tác giả Hoàng Tấn Đạt vừa gửi cho chúng tôi 2 bài thơ này. BBT xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc:


RU EM
(Tặng tác giả Bùi Nguyệt )

Em ơi! đã  ngủ hay chưa?
Trái tim anh cất tiếng ru ngọt ngào
Vuợt màn đêm dưới trăng sao
Xuyên qua lục địa bay vào phòng em

Ru em chân cứng đá mềm
Xa đàn lẻ bạn cánh chim ngang trời
Anh ru em ngủ em ơi!
Tuyết rơi thì mặc tuyết rơi tứ bề

Ngủ đi em!  ngủ ngon đi!
Để cho mộng đẹp tràn về với em!
Ru em xinh đẹp dịu hiền
Tim anh thắp lửa đêm đêm soi vào

Ngủ đi  em ngủ ngoan  nào!
Tình yêu quyện chặt nhau vào tình thơ!
Ru em tháng đợi năm chờ
Kiếp luân hồi để bây giờ gặp nhau
Anh đất Á -  em trời Âu
Ru em - ru mối tình đầu huyền vi+!


                                  
Hoàng Tấn Đạt 
                                                


BÊN ANH


(Họa bài RU EM của Hoàng Tấn Đạt)
Anh ơi anh đã ngủ chưa
Lời thơ anh viết lời ru ngọt ngào
Thiết tha, âu yếm làm sao
Hàng đêm tỏa ánh sáng vào hồn em

Tặng anh một dải tơ mềm
Để anh cuốn chặt cánh chim lưng trời
Tuyết giăng sương phủ anh ơi
Cánh bay đã mỏi chơi vơi bốn bề

Đường tình sánh bước ta đi
Ngập tràn hạnh phúc anh thì bên em
Diết da gửi trọn đời hiền
Ấm hồng ngọn nền hàng đêm soi vào

Má em hồng lại ngày nào
Tình anh quyện chặt nhau vào vần thơ
Còn đâu năm tháng đợi chờ
Nụ cười tươi lại từng giờ bên nhau
Trở về em ở trời Âu
Bên anh ấm lại tình đầu huyền vi.

                                   Bùi Nguyệt

                                (Theo ĐTQM)
+ Huyền vi:huyền bí  vi diêu
 Huyền bí vi diêu -có ý nghĩa về mặt tâm linh